Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 7 Phục sinh năm B - Chúa Thăng Thiên

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 7 Phục sinh năm B - Chúa Thăng Thiên

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 7 Phục sinh năm B - Chúa Thăng Thiên

Mc 16, 15-20
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ,
loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15)

1. Thăng thiên nhưng không phải là lên trời!

Hôm nay chúng ta mừng lễ Đức Giêsu “thăng thiên”. Xét theo nghĩa chữ, thì “thăng thiên” chính là “lên trời”. Thế nhưng tại sao Ngài lại nói rằng “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”?(Mt 28, 22) Nói vậy nghĩa là Chúa vẫn còn ở với chúng ta chứ đâu có “lên trời”?

Chúng ta phải lưu ý đến cách viết của tác giả Matthêô. Ngài đã dùng từ không theo sát nghĩa đen, nhưng theo nghĩa mà người bình dân quen hiểu. Theo đó, cái gì cao thì gọi là “trời”, cái gì thấp thì gọi là “đất”, tình trạng thăng tiến khá hơn thì nói là “lên”, lùi tệ hơn thì nói là “xuống”. Như thế, “thăng thiên” hay “lên trời” không chỉ một chuyển động trong không gian, mà chỉ một tình trạng tốt hơn trước. Ngày xưa, Đức Giêsu nhập thể thì được diễn tả là “giáng trần” hay “xuống đất”. Hôm nay Ngài trở về tình trạng vinh quang với Chúa Cha thì diễn tả là “lên trời”. Vì vậy Đức Giêsu chỉ thay đổi tình trạng thôi cho nên dù bây giờ Ngài vinh quang, nhưng Ngài vẫn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, chứ không phải Ngài lên “ở trên trời” và để chúng ta phải mồ côi “ở dưới đất”.

Như vậy lễ Thăng thiên đánh dấu sự thay đổi tình trạng hiện diện của Đức Giêsu. Hình dung Đức Giêsu đang bay lên giữa các tầng mây, hay đang ngồi bên phải Đức Chúa Cha chỉ là những cách tưởng tượng. Những hình ảnh tưởng tượng này có cụ thể đối với đầu óc bình dân đấy, nhưng gây tai hại là khiến người ta nghĩ rằng Đức Giêsu đã xa cách loài người.

Chúng ta phải đi xa hơn những hình ảnh tưởng tượng kia để đạt đến ý nghĩa đích thực của việc thăng thiên: đó là Đức Giêsu đã lấy lại vinh quang, Ngài vẫn còn ở bên cạnh chúng ta luôn mãi, và nhờ vinh quang, Ngài sẽ hỗ trợ đắc lực cho chúng ta.

Như thế, lễ Thăng Thiên không làm cho chúng ta cứ đăm đăm nhìn trời với lòng bùi ngùi luyến tiếc, nhưng khuyến khích chúng ta quay về cuộc sống để chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng khắp thế giới, với lòng đầy hăng hái vì biết Đức Giêsu vinh quang lúc nào cũng hỗ trợ chúng ta.

2. Lễ thăng thiên đánh dấu một bước ngoặt

Lễ Thăng thiên đánh dấu sự thay đổi tình trạng của Đức Giêsu. Lễ này còn đánh dấu một bước ngoặt trong việc loan Tin Mừng: Trước đây, loan Tin Mừng chủ yếu là việc của Đức Giêsu, các môn đệ theo Ngài để tập sự. Nhưng từ nay, loan Tin Mừng là sứ mạng của các môn đệ, với sự hỗ trợ đắc lực của Đức Giêsu vinh quang. Bởi đó, sách Công vụ ghi lời Đức Giêsu căn dặn: “Anh em sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8); sách Tin Mừng Matthêô cũng ghi lời Chúa bảo: “Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần . . . để muôn dân trở thành môn đệ của Thầy”(Mt 28, 19).

Có một câu chuyện giả tưởng nhưng cũng có một ý nghĩa rất sâu: Chuyện kể rằng khi Đức Giêsu về trời, Tổng lãnh Thiên thần Gabriel ngạc nhiên vì Ngài trở về sớm quá. Gabriel biết rằng công việc Chúa Cha giao cho Đức Giêsu rất nhiều, không thể kết thúc trọng thời gian chỉ có 3 năm như thế. Bởi vậy Tổng lãnh Thiên Thần hỏi:

- Sao Chúa về sớm vậy?

- Ờ, Ta cũng muốn ở dưới đó lâu hơn. Nhưng mà họ đã đóng đinh ta.

- Đóng đinh Chúa ư? Vậy là Chúa thất bại rồi!

- Không hẳn vậy. Trước đó Ta đã kịp lập một nhóm tín hữu. Từ nay về sau, họ sẽ tiếp tục công việc của Ta.

- Nhưng nếu họ cũng thất bại nữa thì chắc là tiêu tùng luôn rồi!

- Không đến nỗi vậy đâu, vì một đàng Ta đã hứa sẽ ở cùng họ cho đến ngày tận thế, và đàng khác Ta còn phái Thánh Thần đến giúp họ nữa.

- À ra thế. Chắc là sẽ không thất bại nữa.

3. Sự hiện diện hằng cửu.

Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc họp mặt lần chót của Đấng phục sinh với các môn đệ ở trần thế. Đây là cuộc gặp gỡ thân mật nhưng mở ra những viễn tượng vô cùng rộng lớn... Ngay trong giờ phút chia tay đã bắt đầu một sự hiện diện mới, sự hiện diện hằng cửu của Đấng Phục sinh: “Thầy ở với chúng con hằng ngày cho đến tận thế”.

Chúa ra đi nhưng Ngài không trở thành “cố nhân”, trở thành người xưa, trở thành người của quá khứ. Ngài không để chúng ta côi cút. Ngài vẫn hiện diện (tuy cách hiện diện có khác), bởi vì Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đã qua rồi cái thời Ngài hiện diện hữu hình bằng xương bằng thịt. Bây giờ đến thời của lòng tin. Chúng ta hãy tập nhận ra Chúa trong anh em ta trong các biến cố đời thường.

Ngài vắng mặt, nhưng vẫn tiếp tục hiện diện qua Chúa Thánh Thần, Đấng An ủi: “Thầy ra đi là tốt cho anh em, bởi nếu Thầy không ra đi thì Đấng An ủi sẽ không đến”(Ga 16, 7).

Chúa còn hiện diện với chúng ta trong bí tích bẻ bánh, như ngày xưa Ngài hiện diện giữa hai môn đồ ở làng Emmau.

Chúa còn hiện diện trong các cộng đoàn, “nơi có hai ba người họp mặt cầu nguyện”. Chúa hiện diện ở bất cứ nơi nào có chia sẻ, bất cứ nơi nào người ta thương mến giúp đỡ nhau. Chúa hiện diện tại bất cứ nơi nào con người được giải phóng khỏi bất công, khỏi bạo lực, khỏi nghèo đói.

Trong cuộc chia tay, Chúa đã trao cho các môn đệ sứ mệnh làm lan truyền sự hiện diện của Ngài nơi tất cả các dân tộc. Sự hiện diện được thể hiện khi ta tuân giữ giới luật yêu thương, mệnh lệnh tình yêu: “Các con hãy yêu nhau, như thầy yêu thương các con”(Ga 15, 12). Sự hiện diện như thế là một lời chứng hùng hồn nhất cho Đấng đã về trời.

Một tu sĩ sống cuộc đời hạnh phúc và an vui trong bốn bức tường của Tu viện. Đời sống tu trì đã biến đổi cuộc đời và tâm hồn của ông trở nên tốt lành, đến nỗi mọi người đều gọi ông là ông thánh nhỏ.

Ngày nọ, đang lúc ông vừa bắt tay vào rửa chén dĩa, thì một thiên thần hiện ra và nói:

- Thiên Chúa sai ta đến để báo cho ngươi biết là giờ ngươi lìa đời đã đến.

Tu sĩ vẫn điềm nhiên và vui vẻ trả lời:

- Tạ ơn Chúa đã thương nghĩ đến tôi, nhưng như ngài thấy đó, tôi còn phải rửa hàng chồng chén dĩa, tôi không muốn tỏ ra vô ơn với Thiên Chúa, nhưng liệu giờ tôi được hưởng nhan thánh của Người có thể hoãn lại sau khi làm xong bổn phận rửa chén dĩa này không?

Nói xong, Thiên thần biến đi. Tu sĩ trở lại công việc bổn phận một cách hăng say như quên hẳn việc gặp gỡ Thiên thần.

Bẵng đi một thời gian, trong lúc vị tu sĩ đang làm cỏ ngoài vườn, Thiên thần hiện ra. Như đoán trước ý nghĩ của Thiên thần, vị tu sĩ giơ tay chỉ mảnh đất trong vườn và nói:

- Đây ngài xem, cỏ dại mọc đầy vườn, liệu giờ tôi vào cõi đời đời có thể hoãn lại cho đến khi tôi làm xong cỏ không?

Cũng như lần trước, Thiên thần chỉ mỉm cười rồi biến mất.

Một ngày nọ, trong lúc vị tu sĩ đang chăm sóc các bệnh nhân, thì Thiên thần hiện ra. Lần này vị tu sĩ không nói một lời, nhưng chỉ giơ tay chỉ vào các bệnh nhân nằm trên giường. Thiên thần biến đi không nói một lời nào. Chiều đến, vị tu sĩ trở lại căn phòng nhỏ bé đơn sơ của mình, bỗng chốc, ông cảm thấy mình đã già nua, mệt mỏi; ông thốt lên lời cầu nguyện:

- Lạy Chúa, xin sai Thiên thần Chúa đến, con sẽ sẵn sàng theo Ngài.

Lời cầu nguyện vừa dứt, Thiên thần Chúa hiện đến. Vị tu sĩ mừng rỡ:

- Lần này, nếu Thiên thần mang tôi đi, tôi sẵn sàng theo ngài về thiên quốc ngay.

Thiên thần nhìn tu sĩ với tất cả âu yếm và nói:

- Này ông thánh nhỏ ơi, sao còn mơ ước về thiên quốc, những ngày tháng vừa qua, ông nghĩ là mình đã ở đâu vậy?

Top