Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 6 Phục sinh năm B
Ga 15, 9-17
“Để anh em ra đi, sinh được hoa trái,
và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15, 16)
Anh chị em thân mến,
Chúng ta vừa nghe lại một trong những đoạn Tin Mừng có nhiều ý nghĩa nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Chúa nói những lời này trong phòng tiệc ly lúc Chúa sắp đi vào cuộc tử nạn. Chúng ta phải coi những lời này như những lời trối của Chúa.
“Anh em hy yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em” Nhưng yêu như Chúa yêu là yêu như thế nào?
1. Trước hết Chúa bảo các tông đồ : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của một người dám hiến mạng mình vì bạn hữu mình”
Với những lời như thế rõ ràng Chúa đã muốn nói đến sự hy sinh trong Tình yêu. Không có hy sinh thì không có tình yêu đích thực. Tình yêu không có hy sinh là tình yêu giả và hy sinh không vì tình yêu là hy sinh thừa.
Nhưng làm thế nào mà biết, mà nhận ra được sự hy sinh trong tình yêu? Chúa Giêsu đã đưa một dấu chỉ rất dễ nhận ra. Đó là phải biết tự hiến, phải biết cho đi, phải biết ban tặng, phải biết trao ban v...v
Cho là dấu chỉ của Tình yêu
Cho nhiều là dấu chỉ yêu nhiều
Cho ít là dấu chỉ yêu ít
Cho tất cả là dấu chỉ của một tình yêu không bờ không bến.
“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của một người dám hiến mạng mình vì bạn hữu mình”?
Vâng, đó là một trong những yếu tố làm nên tình yêu nơi Chúa Giêsu.
2. Chúa nói tiếp: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nhưng là bạn hữu”
Chúa muốn nói gì khi nói với các tông đồ như vậy?
Rõ ràng Ngài muốn nói đến sự kính trọng nhau trong Tình yêu.
Trong Tình yêu đòi hỏi phải có sự kính trọng lẫn nhau. Thiếu sự kính trọng, tình yêu sẽ khó mà tồn tại. Chúa đã hết lòng quí mến các tông đồ đệ của Ngài. Ngài kính trọng họ...mặc dầu họ chỉ là những con người tầm thường.
Trước khi rửa chân cho những con người này, Chúa nói “Các con gọi thầy là thầy, là Chúa thì thậm phải vì sự thật là thế.” và ngay sau đó Chúa lấy nước quì xuống rửa chân cho họ.
Công việc rửa chân cho người khác trong xã hội Do thái là công việc dành cho các nô lệ hay ít ra cũng là cho những người tôi tớ. Vậy mà Chúa đã làm công việc đó. Một Thiên Chúa rửa chân cho những con người. Như vậy không phải là Thiên Chúa kính trọng con người sao?
Vâng, trong tình yêu, không thể thiếu sự kính trọng, sự tôn trọng lẫn nhau. Nguyên tắc là như thế nhưng trong cuộc sống chúng ta thấy có những người đối xử với người yêu chẳng khác gì với một người đầy tớ, một người nô lệ. Cách đối xử như thế không phải là cách đối xứ của tình yêu mà là của tình dục, chỉ nhằm thỏa mãn dục tính của mình. Nhất định đó không phải là tình yêu như Chúa Giêsu. Thiếu sự tôn trọng lẫn nhau thì bất hòa, hận thù, đổ vỡ, chia ly sẽ xuất hiện.
3. Chúa nói tiếp với các môn đệ của Ngài: “Những gì Thầy nhận bởi Cha Thầy thì thầy đã truyền lại cho anh em hết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em con và sai anh em đi”
Tại sao Chúa nói như thế? Thưa vì Chúa tin tưởng các tông đồ của Ngài.
Trong tình yêu phải có sự tin tưởng lẫn nhau.
Chúa tin tưởng các tông đồ của Ngài. Chúa thừa biết họ là con người mỏng dòn, yếu đuối, dễ sa ngã, dễ phản bội. Thế nhưng vì yêu thương mà Chúa đã hết lòng tin tưởng.
Ai như Phaolô một con người thật nguy hiểm và ác độc. Ông đã tự động đứng ra xin các thủ lãnh của người Do thái cho ông được quyền đi lùng bắt và tiêu diệt Giáo Hội ngay từ lúc Giáo Hội mới chào đời. Một con người như thế quả đáng phải trừng phạt. Thế nhưng Chúa chỉ cảnh cáo ông bằng một cú ngã ngựa. Và ngay sau đó Ngài đã trao cho ông một sứ mạng thật lớn lao: Sứ mạng đem Tin Mừng của Chúa cho dân ngoại. Việc làm của Chúa thật khó hiểu. Thầy cả Anania đã phải run sợ nhưng Chúa bảo ông: “Đừng sợ đây là người ta đã chọn để làm vinh danh ta”. Chọn một kẻ thù của mình để làm vinh danh mình. Có ảo tưởng hay không? Không. Chúa không ảo tưởng. Bằng tình yêu thương tha thứ, bằng sự tin tưởng Ngài đặt vào trái tim, Chúa đã biến Phaolô thành một dụng cụ tuyệt vời trong tay của mình.
Trong tình yêu không thể thiếu lòng tin. Hầu như mọi sự đổ vỡ trong tình yêu đều ít nhiều bắt nguồn từ sự thiếu tôn trọng và không tin tưởng ở nhau.
Ngược lại nếu biết tin tưởng, tình yêu sẽ làm nên được những điều diệu kỳ. Đây là câu truyện do nhà văn Nguyễn Hiến Lê kể lại:
Hôm đó khi vừa mới ở trường về đứa bé hỏi mẹ nó: “Mẹ, thế nào là trật đường rầy hả mẹ?
Bà cụ phì cười trả lời:
+ Một chuyến xe lửa trật đường rầy mà con không biết sao?
- Hiểu chứ mẹ, nhưng một đứa nhỏ trật đường rầy nghĩa là làm sao hả mẹ?
+ Nghĩa là nó hơi khùng khùng chứ làm sao.
- Và thế nào là “không bình thường” hả mẹ?
+ Không bình thường?...Nghĩa là....Nhưng con nghe ai nói vậy?
- Chiều nay Ông Thanh tra tới thăm trường của con. Ông có vô thăm lớp con. Ông có hỏi thầy về tình hình học tập trong lớp. Thầy lấy tay chỉ vào con và nói với ông thanh tra là “nó là đứa bé trật đường rầy”- nó là đứa bé bất bình thường, có dạy dỗ nó cũng chỉ tốn công vô ích”.
Tức quá bà cụ nhảy choi choi lên và la lớn lớn:
“A thầy giáo bảo con vậy hả? - Đi đi ngay với mẹ. Mẹ sẽ cho ông thầy ấy biết tay con mụ này.”
Nói xong bà nắm tay con lôi đi - đôi mắt long lên, đôi môi mím lại, hùng dũng đi đến nhà ông giáo. Tới nơi bà lấy tay chỉ thẳng vào mặt ông giáo và nói dằn từng tiếng:
“ Nè, thấy nói gì với ông thanh tra về thằng Al của tôi ?- Tôi biết hết. Thầy bảo nó là “trật đường rầy” là “bất bình thường” hả? Tôi nói thật cho cái mặt thầy biết: Có kẻ nào đó trật đường rầy thì kẻ đó chính là thầy chứ không phải là con của tôi. Tôi cầu cho thầy được thông mình bằng một nửa nó thì cũng là phúc lắm rồi.
Rồi bà nắm tay đập lên bàn nhà thầy giáo...vừa đập vừa hét lớn:
- Thấy nhớ kỹ nghe chưa? Một ngày kia người ta sẽ nhắc đến tên tuổi của nó - Còn cái mặt của thầy không ai thèm biết tới đâu.
Tội nghiệp cho ông giáo cứ nín thinh không dám hé môi nói một lời.
Nói xong bà bảo cậu con.
- Thôi từ nay con khỏi tới trường nữa. Ở nhà mẹ dạy cho con.
Rồi bà dắt con quay gót bước ra.
Rồi bằng một tình yêu với những hy sinh không biết mệt mỏi, bằng một lòng quí trọng không bờ không bến, và nhất là bằng một niềm tin rắn chắc và vững vàng như sắt đá bà thổi vào trong tâm hồn đứa con của bà sự tự trọng, ý chí muốn vươn lên và sự kiên trì không biết mệt mỏi. Cuối cùng bà đã biến một đứa bé bất bình thường, đứa bé trật đường rầy, đứa bé có lần ông thầy mắng là “dốt như bò” thành một nhà bác học đã đóng góp cho nhân loại một số bằng phát minh nhiều hơn bất cứ một nhà bác học nào ở trên thế giới này từ trước cho đến hôm nay: 2500 bằng phát minh, vâng 2500 bằng phát minh...trong đó có bằng phát minh rất quan trọng về điện mà chúng ta đang được thừa hưởng hôm nay. Đó là nhà bác học Thomas Alva Edison.
Sau này khi ông thành đạt thì mẹ đã chết, ông hay nói với mọi người: “Tôi được như thế này là nhờ mẹ của tôi.”
Vâng chúng ta hãy biết yêu như Chúa đã yêu để tình yêu làm nên những điều kỳ diệu cho cuộc sống của chúng ta. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông
-
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B