Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm A

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm A

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm A

Mt 5,13-16

“Chính anh em là muối cho đời,
chính anh em là ánh sáng cho trần gian”
(Mt 5,13.14)

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở nên “muối cho đời”“ánh sáng cho trần gian”. Bằng hai hình ảnh rất quen thuộc này, Chúa Giêsu đã phác họa luật sống cho con cái mình, để họ làm chứng cho Chúa giữa anh em đồng bào, đồng loại.

Muối là gia vị cần thiết nhất để ướp thực phẩm khỏi hư thối và để làm đồ ăn thêm đậm đà. Thánh Phaolô căn dặn tín hữu Colosê: “Lời nói của anh em phải luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mọi người” (Col 4,6).

Nếu muối cần để ướp thực phẩm khỏi hư thối và làm cho đồ ăn thêm đậm đà, thì ánh sáng còn cần cho sự sống mọi loài hơn nữa. Không có ánh sáng, vũ trụ này sẽ tối tăm, con người như mù lòa và muôn vật sẽ mất hết màu sắc tươi đẹp của chúng. Không có ánh sáng, mọi loài sẽ chết dần chết mòn.

Khi Chúa Giêsu nói: Chính anh em là muối cho đời là ánh sáng cho trần gian, Ngài muốn nói gì ?

Muối cho đời!

Khi sánh ví người Kitô hữu với muối, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ của Người một trách nhiệm rất quan trọng. Muối là một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống của con người.

Muối vừa làm phân bón cho đất đai màu mỡ với chất sodium của nó; vừa làm gia vị cho các món ăn thêm thơm ngon, đậm đà; vừa bảo quản thực phẩm cho khỏi hư thối; vừa dùng làm vị thuốc chữa bệnh cho con người.

Nếu muối rất cần thiết trong sinh hoạt của cuộc sống, thì người Kitô hữu cũng đóng một vai trò quan trọng trong môi trường xã hội: Họ phải là những thỉnh nguyện viên bảo vệ môi trường khỏi những ô nhiễm của xấu xa, tội lỗi. Đồng thời, họ cũng phải làm cho cuộc đời của những người chung quanh bớt vô vị, nhạt nhẽo, nhưng luôn đậm đà thắm tình yêu cuộc sống và tình người. Thánh Phaolô dạy: “Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương” (Cl 4,6).

Ánh sáng cho trần gian. Thực ra, chỉ có Thiên Chúa mới là ánh sáng (1Ga 1,5) và chỉ có Đức Giêsu mới dám nhận mình là ánh sáng: “Tôi là ánh sáng của thế gian” (Ga 8,12). Chính xác hơn, Chúa chính là Nguồn Ánh Sáng, là Mặt trời, nguồn năng lượng duy nhất và cần thiết cho mọi năng lượng. Không có mặt trời sẽ không có màu sắc, vẻ đẹp, thảo mộc, sinh vật, và con người. Mặt trời chính là hình ảnh đẹp nhất về Thiên Chúa. Cội nguồn của mọi sự sống. Thế mà hôm nay, Chúa đã tuyên phong cho con người yếu hèn, tội lỗi, bệnh tật, khổ đau là ánh sáng: “Chính anh em là ánh sáng cho thế gian”. Quả thật, cho dù là những tín hữu rất ngoan đạo, chúng ta cũng chỉ có thể phản chiếu ánh sáng của Chúa, nghĩa là chúng ta để cho ánh sáng của Người xuyên qua và tỏa sáng trong cuộc đời chúng ta. Thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa đã phán ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên khuôn mặt Đức Kitô” (2 Cr 4,6).

Nếu Chúa đã gọi chúng ta là “muối” là “ánh sáng” thì thật là vinh dự cho chúng ta, vì Người đã nhìn nhận nơi chúng ta một giá trị cao quí. Muối quý giá đến nỗi người ta phải dùng muối để phát lương. Vì thế, mới có từ “Salarium trong tiếng Latinh và từ “Salary” trong tiếng Anh.

Nếu “muối” và “ánh sáng” đã trở nên hữu ích như thế, thì “muối” không thể ra nhạt để thành vô dụng, và “ánh sáng” không thể đặt dưới đáy thùng để ra vô ích. Nhưng hãy là “muối” ướp mặn cho đời là “ánh sáng” soi chiếu cho trần gian.

Nếu “muối” ướp cho đời, “muối” phải biết chấp nhận hòa tan, biến mình đi trong chất mặn vị kỷ, để hiến dâng cho đời hương vị thơm ngon, mặn nồng của quảng đại, vị tha.

Nếu “ánh sáng” chiếu soi trần gian, “ánh sáng” phải ở trên cao, vượt trên mọi danh vọng, tiền tài, lạc thú. Không phải để khoe khoang, tự kiêu, nhưng là để “tôn vinh Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Tại một giáo xứ nọ, có một người đàn ông bán thân bất toại. Mỗi buổi sáng, bà vợ đặt ông vào chiếc ghế bành ngoài hiên nhà, để ấm nước chiếc ly bên cạnh rồi đi làm thuê trưa mới về. Ông bà lại không có con cái cháu chắt. Gia đình ông bà không phải là người Công giáo. Hay tin, cha sở thỉnh thoảng ghé thăm ông. Ngài khuyên giáo dân đến thăm ông và giúp đỡ ông. Những lúc nghỉ học, một số em ở gần nhà ông đến thăm ông, đọc sách cho ông nghe. Các hội đoàn cũng đến thăm. Mỗi tuần, cha sở nhờ một bác sĩ tình nguyện đến thăm bệnh cho ông. Lễ Giáng sinh năm đó, ông ngỏ ý:

- Thưa cha, xin cha cho tôi rước lễ.

Cha sở ngạc nhiên vì ông chưa học giáo lý, chưa rửa tội mà.

Ông thưa :

- Trước đây con chưa biết Chúa, nhưng ít lâu nay cha và anh em giáo hữu tốt với con quá, nên con thấy hạnh phúc như được gặp Chúa rồi. Chỉ có Chúa mới làm cho anh em giáo hữu và bác sĩ đã bỏ công bỏ sức đến giúp đỡ người xa lạ và bệnh hoạn như con đây.

Mỗi người chúng ta cũng được Chúa Kitô mời gọi làm muối cho đời, làm ánh sáng cho trần gian. Một nụ cười thân ái, một cử chỉ chào hỏi thân tình, ít phút viếng thăm trò chuyện vui vẻ với nhau... đó là chút muối ướp cho đời đỡ giá lạnh, bớt hận thù ghen ghét. Một sự từ chối làm điều xấu như theo bạn bè xem phim xấu, rượu chè say sưa, bài bạc, cố gắng làm gương tốt cho vợ con, cháu chắt về việc đạo đức, yêu thương tham gia việc chung... Đó là ít tia sáng soi giữa đêm tối lười biếng, ích kỷ, ưa hưởng thụ này.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa gọi chúng con là “muối” và “ánh sáng, có nghĩa là Chúa phong chức cho chúng con, để chúng con lên đường truyền giáo. Xin cho những bước chân chúng con đi tới, đều rộn rã tiếng cười, nồng nàn tình yêu thương, và thấm đậm tình con người. Amen.

Top