Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B
Ga 15, 1-8
“Thầy là cây nho, anh em là cành”. (Ga 15, 5)
Anh chị em thân mến.
Chúng ta vừa đọc lại một trong những đoạn TM hay nhất trong đó Chúa muốn nói đến sự liên kết giữa Chúa và những ai theo Người.
1.- “Thầy là cây nho” và Chúa còn cẩn thận xác nhận thêm “cây nho thật”
Tại sao lại phải xác định như thế ?. Không phải vô tình mà Chúa nói như vậy. Đã có thật thì phải có giả. Vậy thì thật giả ở đây phải được hiểu như thế nào?
* Chắc chắn khi nói tới đặc tính thật của cây nho, Chúa không muốn nói đến một cây nho theo nghĩa khoa học. Ở đây Chúa muốn nhắm tới một ý nghĩa khác. Chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa ấy nếu chúng ta nhìn lại Lịch sử dân Do thái.
Như anh chị em đã biết: Dân Do thái là một dân tộc đặc biệt. Đây là dân được chính Chúa thiết lập. Người dành cho dân tộc này nhiều ưu ái khác thường. Và để diễn tả sự ưu ái của Chúa đối với dân tộc mình thì người Do thái hay thường hay ví công việc của Chúa làm cho họ giống như công việc của một người chủ vườn nho làm cho những cây nho trong vườn nho của mình. Ý tưởng này xuất hiện đầu tiên trong Thi thiên đoạn 80. Và sau đó cũng được các tiên tri sử dụng...đặc biệt trong tiên tri Isaia, Giêrêmia và Êzêkiel.
Sau thời các tiên tri thì hình ảnh về cây nho đối với người Do thái còn mang thêm nhiều ý nghĩa quan trọng hơn nữa. Hình ảnh về cây nho đã trở thành biểu tượng có tính cách pháp lý, tượng trưng cho cả một dân tộc... Cho đến khi người Do thái đúc một cây nho bằng vàng và gắn ngay ở phía trên cửa chính của đền thờ thì lúc đó hình ảnh về cây nho không những đã là biểu tượng công khai tượng trưng cho cả dân tộc mà nó còn trở thành quốc hiệu đòi hỏi mọi người phải quí mến và tôn trọng. Nhiều lần người La mã đã muốn hạ cái biểu tượng này xuống nhưng đã bị người Do thái chống lại một cách quyết liệt cho nên cuối cùng chính những người La mã cũng không dám đụng tới. Người Do thái rất hãnh diện với hình ảnh này
Khi tuyên bố mình là cây nho thì Chúa đứng ngay ở dưới cái biểu tượng cây nho đẹp đẽ và đáng tự hào này của người Do thái. Và khi xác định thêm Ngài là cây nho thật thì chắc chắn là Chúa cũng muốn cho người ta hiểu rằng dân Do thái không còn là dân riêng của Chúa nữa. Một số nhà chú giải cho rằng: Qua lời tuyên bố này Chúa muốn bảo với những người Do thái rằng Ngài không còn coi họ là cây nho của Chúa nữa mà chính Ngài, Ngài mới là cây nho đích thực của Thiên Chúa để rồi từ cây nho đích thực này, Ngài sẽ xây dựng nên một cây nho hoàn toàn mới. Cây nho ấy như thế nào thì các nhà chú giải KT đều nhất trí cho rằng: Đó là Giáo Hội mà Chúa sẽ khai sinh từ cạnh sườn của Người trên cây Thập giá. Sau này Thánh Phêrô đã hãnh diện nói với tất cả những ai tin Chúa như thế này: “Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là dân riêng của Chúa”
2. Và Chúa nói thêm: “Chúng con là cành nho”
Chúng ta phải hiểu lời này của Chúa như thế nào?
Quan sát một cây nho Tiến sĩ G.Campbell Morgan giải nghĩa: Chúa không bảo Ngài là thân cây nho và chúng ta là cành của cây. Chúa bảo: “Ta là cây nho. Một cây nho chúng ta thấy nó có nhiều thành phần: Rễ, gốc, thân, cành, lá, tua, trái. Và khi Chúa nói :Ta là cây nho thì Chúa cũng muốn bảo ta là tất cả.
+ Vậy thì khi ví chúng ta như là những cành nho thì Chúa muốn nói điều gì? - Chúa muốn đề cập đến sự liên kết giữa chúng ta với Người. Sự liên kết mà Chúa nói với chúng ta ở đây là sự liên kết có tính cách bản chất, rất đặc biệt, chứ không phải chỉ là sự liên kết có tính cách hình thức, có tính cách kế cận hay chủng loại. Sự liên kết này làm cho hai chủ thể, hai nhân vị được có chung một nguồn sống, có chung một sinh hoạt và đem lại một kết quả chung.
Kinh thánh cho chúng ta nhiều soi sáng về vấn đề này: Khi hỏi Saulô trên con đường ông đi tìm bắt những người tin theo Chúa thì Chúa đã nói: “Tại sao ngươi tìm bắt Ta?” Chúa đã không nói: Sao ngươi đi tìm bắt những người tin kính Ta – Mà Chúa nói : Sao người tìm bắt Ta? Chính từ sự liên kết đặc biệt này mà sau này Thánh Phaolô đã dám nói “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi - Sự sống của tôi chính là Đức Kitô.”
Trong Tin Mừng Matthêu chương 25 khi Chúa nói về ngày phán xét, Chúa đã khẳng định: “Những gì các ngươi đã làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta. Rất rõ rệt và cũng rất dứt khoát. Chúa Giêsu và những người tin Chúa đã trở thành một” một sự sống – Một hành động – một kết quả.
3. Vấn đề còn lại là: Khi đã được kết hợp đặc biệt với Chúa như thế thì cuộc sống của người tin Chúa phải là cuộc sống như thế nào?
Dứt khoát là phải sinh hoa kết trái nếu không thì sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa.
Thi sĩ Lamartine của Pháp có kể lại một giai thoại như sau:
Một hôm, tình cờ tôi đi ngang qua một khu rừng, ông nghe có một âm thanh kì lạ: cứ sau một tiếng gõ búa vào đá là ông lại nghe thấy một tiếng cám ơn! Đến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ Lamartine mới thấy một người thợ đá đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ búa vào phiến đá, ông lại thốt lên hai tiếng “Cám ơn”.
Thi sĩ Lamartine nấn ná đến hỏi chuyện, người thợ đá mới giải thích: “Tôi tạ ơn Chúa”. Ngạc nhiên về lòng tin của một con người mà cuộc sống hẳn phải lam lũ, lầm than hơn nhiều người, thi sĩ bảo:
Giả như bác được giàu có thì tôi hiểu tại sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng “Cám ơn”. Đàng này, Thiên Chúa chỉ nghĩ đến bác có mỗi một lần duy nhất, đó là lúc Ngài tạo tên bác. Sau đó Ngài ban cho bác một cây búa, và rồi không còn ngó ngàng gì đến bác nữa? Thế thì tại sao bác lại mỏi miệng để cám ơn Ngài?
Nghe nói thế, người thợ đá mới hỏi vặn lại thi sĩ:
- Ông cho rằng, Thiên Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi sao?
Dĩ nhiên -Thi sĩ Lamartine bèn thách thức- Chúa chỉ nghĩ đến bác chỉ có một lần thôi!
Người thợ đá nghèo như đầy lòng tin mếu máo thốt lên:
- Tôi nghĩ điều đó không gì là đáng ngạc nhiên cả. Ông hãy nghĩ Thiên Chúa đã đoái thương đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, dù chỉ một lần thôi, vậy không đủ tôi cám ơn Ngài sao? Vâng, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa!
Nói xong, người thợ đá bỏ mặc cho thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông! Vừa đập đá vừa cám ơn Chúa!
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm)
-
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B