Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm C
Lc 4,21-30
“Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.
Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,29-30).
Khung cảnh bài Tin Mừng hôm nay cũng giống như bài Tin Mừng tuần trước: trong Hội đường của người Do thái ở Nazatreh, quê hương của Chúa Giêsu. Khán giả nghe Chúa nói hôm nay cũng là những người quen thuộc với Chúa. Điều khác biệt mà bài Tin Mừng hôm nay muốn cho chúng ta thấy không phải là những lời do Chúa dậy mà là thái độ của những người nghe Chúa hôm đó. Thái độ đó như thế nào? Lúc đầu là thiện cảm và thán phục. Sau đó là bất mãn và căm phẫn và cuối cùng là muốn thủ tiêu Chúa. Thật là đáng buồn cho Chúa. Đúng như lời thánh Gioan đã viết: “Người đã đến nhà nhưng người nhà không nhận biết Người”. Tại sao có cảnh đau lòng như thế? Thưa vì giữa Chúa và những người nghe Chúa có những suy nghĩ rất khác với nhau.
1. Khác biệt đầu tiên: Chúa đi tìm đức tin còn họ đi tìm lợi lộc.
Khi đi rao giảng Tin mừng Nước Trời, Chúa muốn đem đến cho con người niềm tin. Niềm tin là khởi điểm của nhiều phép lạ và Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta có niềm tin. Niềm tin là kết quả của nhiều phép lạ. Chúa chỉ làm phép lạ khi phép lạ dẫn đến niềm tin. Nhưng dân làng Nazareth không nhìn thấy điều đó. Họ không tin Chúa là Đấng Cứu Thế. Lời giảng của Chúa không đưa họ tới đức tin vào Thiên Chúa, vào Nước Trời. Họ chỉ mong được có phép lạ. Vì họ chỉ mong được lợi lộc vật chất: được khỏi bệnh; được ăn no. Mong ước của họ không gặp được mong ước của Chúa.
2. Khác biệt thứ hai: Chúa sống trong khiêm nhường nhưng họ sống trong kiêu căng. Chúa không bao giờ làm phép lạ với mục đích biểu diễn. Chúa chỉ làm phép lạ để giải nghĩa mầu nhiệm Nước Chúa. Chẳng hạn như chúng ta thấy, Chúa không làm phép lạ khi ma quỉ cám dỗ Ngài trong hoang địa. Chúa không xuống khỏi thập giá khi dân chúng thách thức Chúa trên Núi Sọ. Hôm nay Chúa cũng không làm phép lạ để thỏa mãn tính hiếu kỳ và tính kiêu căng của dân làng Nazareth. Họ mong Chúa làm phép lạ để làng họ được vinh dự vì có người đồng hương quyền phép. Họ mong Chúa làm phép lạ để cả làng họ được nở mày nở mặt với Capharnaum. Suy nghĩ của họ rất khác với suy nghĩ của Chúa.
3. Khác biệt cuối cùng: Chúa có tâm hồn mở rộng còn tâm hồn họ thì quá hẹp hòi. Họ tưởng Chúa là người đồng hương thì phải dành mọi ưu tiên cho dân làng, từ việc rao giảng cho đến việc làm phép lạ. Cho nên khi Chúa trích dẫn chuyện tiên tri Êlia làm cho bình dầu và hũ bột ở nhà bà góa Sarepta, trong thời hạn hán, không bao giờ vơi, và chuyện tiên tri Elisa chữa tướng Naaman, người Syria khỏi bệnh phong, để chứng tỏ cho họ biết Nước Chúa phải mở rộng tới tất cả mọi người chứ không còn bó hẹp trong phạm vi người thân thuộc, thì lòng căm ghét của họ đã sôi lên. Họ đã định đưa Chúa lên một chỗ cao trong thành và xô Ngài xuống nhưng Chúa đã rẽ qua giữa họ mà đi. Thế là họ đã để mất đi một cơ hội ngàn vàng để Chúa thi ân và đem đức tin đến cho họ. Thật đáng tiếc!
Con chó của một người nhà giàu bị lạc, thế là ông ta liền dán một thông báo: Tìm chó lạc, người nào đưa về sẽ được thưởng 10 ngàn đô. Kèm theo đó là tấm ảnh của chú chó.
Rất nhiều người mang chó đến nhà ông để ông nhận diện và nhận tiền thưởng nhưng đều không phải.
Vợ người nhà giàu bảo vì ông ghi tiền thưởng quá ít. Ông nhà giàu suy nghĩ và tăng tiền thưởng lên 20 ngàn đô.
Một người ăn mày nọ may mắn bắt được chú chó đi lạc. Anh ta liền đến xem tờ thông báo, và được biết nó đã được tăng lên 20 ngàn đô, thay vì 10 ngàn đô trước đó.
Hôm sau, khi anh định đi lãnh thưởng, lúc đi ngang qua cửa hàng bách hóa, anh thấy tờ thông báo đã được lại là 30 ngàn đô. Anh dừng lại và tự nhủ nếu mình đợi thêm mấy ngày nữa thì nhất định số tiền thưởng sẽ tăng thêm. Nghĩ thế nên anh nhốt con chó vào một cái hang đợi ít ngày nũa sẽ mang con chó đi để lãnh thưởng.
Nhưng thật không may, lúc tiền thưởng được tăng lên, anh trở lại hang thì con chó đã chết. Nó chết vì nó là con chó của người nhà giàu, không chịu ăn uống những thứ anh nhà nghèo cho nó.
Thế là anh nhà nghèo đã mất đi một cơ hội làm giàu chi vì những suy tính hẹp hòi của anh ta, chẳng khác gì những người ở làng Nazareth thuở xưa. Thật đúng là “Cơ bất khả thất, thời bất tái lai”, cơ hội đến nếu không động não nắm bắt ngay thì nó đi qua như dòng nước chảy trên một con sông, trôi đi rồi sẽ không còn trở lại nữa.
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không tin Chúa
vì Chúa vì là một ông thợ thủ công.
Xin thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 27 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 26 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 25 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống
-
Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B