Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm B

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm B

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm B

Mc 10,35-45
“Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ,
nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống
làm giá chuộc muôn người”. (Mc 10,45)

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay gợi lên câu hỏi: Chúng ta phải đi theo Chúa Giêsu trong tinh thần nào?

1. Trước Hết Là Phải Gạt Bỏ Ngay Lòng Tham Bất Chính

Câu chuyện bà Giêbêđê và hai con Giacôbê và Gioan giúp chúng ta nhìn rõ vấn đề này.

Bà mẹ và hai con vừa tham lam vừa ngây thơ. Tham lam vì muốn chiếm hai chỗ cao nhất trong Nước Trời. Ngây thơ vì nghĩ rằng trong Nước Trời cũng có những chỗ béo bở, nhiều bổng lộc cần chiếm lấy để hưởng thụ.

Chúa Giêsu đã dội một gáo nước lạnh vào lòng tham nóng bỏng đó. Ngài khước từ dứt khoát điều họ nài xin: “Ngồi bên hữu hay bên tả Ta là thuộc quyền Cha Ta”. Ngược lại Ngài hứa ban cho họ điều mà họ chẳng muốn chút nào: “Chén Ta uống các con cũng sẽ uống. Phép rửa Ta sắp chịu các con cũng sẽ chịu”. Chén đây là cuộc khổ nạn, còn phép  rửa đây là sự chết.

Như vậy thì đối với những người muốn đi theo Chúa, vinh quang trần thế thì Ngài khước từ, còn đau khổ và sự chết thì Ngài lại hứa ban. Quả thật sau này cả hai anh em Giacôbê và Gioan đều uống chén khổ nạn và chịu phép rửa sự chết.

Nhưng nếu chỉ được uống chén khổ nạn và chịu phép rửa sự chết thì đi theo Chúa Giêsu để làm gì? Được lợi lộc gì ? Chẳng đáng thất vọng lắm sao? Nếu vậy tại sao vẫn có nhiều người hăng hái đi theo Ngài? Họ chờ đợi gì nơi Ngài?

Phanxicô Xaviê là một thanh niên rất điển trai và thông minh. Lân kia Phanxicô gặp Linh mục Inhaxiô Loyola, ngài hỏi chàng:

  • Bạn có dự tính gì cho tương lai không? Phanxicô đáp ngay:
  • Dạ có, tôi cố gắng học thật giỏi.
  • Rồi sao nữa?
  • Rồi tôi tranh được chức giáo sư trong trường đại học.
  • Rồi sao nữa?
  • Rồi tôi có nhiều tiền, mua nhà, sắm sửa mọi thứ, chọn vợ đẹp, sinh con khôn ngoan, thông minh. Gia đình hạnh phúc.
  • Rồi sao nữa?
  • Rồi ... cuối cùng cũng phải chết như mọi người.
  • Thế khi chết anh có mang theo được gì không? Lúc này chàng Phanxicô hạ thấp giọng:
  • Chết là hết, chẳng ai mang được gì theo! Inhaxiô ôn tồn nói:
  • Anh có nhớ lời Chúa Giêsu dạy: “Được lời lãi tất cả thế gian, mà thiệt mất sự sống mình, nào có ích gì ?” (Mt 16,26).

Nghe đến đây chàng Phanxicô trầm ngâm suy nghĩ. Sau đó Phanxicô quyết định học thật giỏi và xin đi tu. Và đã trở thành linh mục thánh thiện, nhiệt thành, ngài đi truyền giáo các nước ở Á Châu, có dự tính đến Việt Nam, nhưng ước nguyện chưa thành, thì ngài qua đời. Ngài được Hội Thánh phong chân phước, làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

2. Tinh Thần Phải Có Khi Theo Chúa.

Muốn đi theo Chúa Giêsu trước hết phải gạt bỏ chuyện lỗ lãi những tính toán hơn thiệt như trong kinh doanh. Trong đời sống tôn giáo, tương quan với Thiên Chúa phải được đặt trên một nền tảng khác là vô vị lợi. Chúng ta thấy ngay trong nhiều lãnh vực của đời thường, không phải lúc nào người ta cũng chỉ tìm cái lợi trong hành động. Có những động lực trong sáng hơn.

Nếu ta hỏi một nghệ sĩ hoặc một nhà khoa học chân chính: Điều gì đã thúc đẩy anh đến với nghệ thuật hoặc đến với khoa học. Có phải vì tiền của? Nghệ thuật hoặc khoa học có giúp cho anh làm giàu không? Làm sao có thể cắt nghĩa được niềm đam mê trong nghệ thuật cũng như trong khoa học?

Chắc người nghệ sĩ chân chính đó sẽ đáp: Nghệ thuật vượt lên trên nhu cầu sinh sống. Đó là một ơn gọi. Phần đông nghệ sĩ ai cũng nghèo cả. Họ nghèo khi còn sống, nhưng các tác phẩm họ để lại có thể làm cho những người sưu tầm trở nên tỷ phú. Nghệ thuật không làm tôi giàu tiền của, nhưng  giàu cảm hứng tâm hồn. Nghệ thuật là một cái nhìn thẩm mỹ về thế giới. Khám phá ra cái đẹp, thưởng thức cái đẹp tiềm ẩn trong vạn vật, sáng tạo nên cái đẹp...như vậy đã đủ làm say mê rồi.

Câu trả lời của nhà khoa học chân chính chắc cũng không khác. Khoa học có thể làm giàu cho thế giới, nhưng ít khi làm giàu cho chính nhà khoa học. Làm khoa học vất vả, mệt nhọc và thường hao tốn tiền của. Khoa học đòi hỏi một nếp sống khắt khe và nhiều khi căng thẳng. Tuy nhiên tìm cách tiến sâu vào cõi vô tận của tri thức, đưa ra ánh sáng những bí ẩn của vũ trụ, từng bước tiếp cận chân lý. . . như vậy làm sao không say mê, mặc dầu không đem lại lợi lộc vật chất. Khoa học tự bản chất là vô vị lợi.

Hành trình đi Theo Chúa Giêsu cũng có phần nào giống như vậy. Tinh thần vô vị lợi còn phải triệt để hơn nữa. Ta đi theo Chúa không phải để được tiền của, danh vọng, để bớt đau khổ, để Ngài ban tặng một cuộc sống dễ dãi, đủ tiện nghi. Chúa Giêsu chỉ cho ta con đường chân lý, mời ta lên cao, giúp ta vươn tới sự thánh thiện mà Chúa Cha muốn ta đạt tới nhờ đi theo Ngài mà ta thực hiện được ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa. Ngài là Lý tưởng. Lý tưởng đó lôi cuốn ta. Ta đi theo Ngài, không tính chuyện lỗ lãi. Chỉ có thể thôi, ngoài ra không có động cơ nào khác.

Đây là lời cầu nguyện hàng ngày của những người cùng làm việc với mẹ Têrêsa:

Lạy Chúa, xin hãy giúp chúng con có thể phục vụ mọi người ở khắp thế gian này – những người đang sống lay lắt trong cảnh khốn cùng và đói khát.

Qua đôi tay của chúng con, xin hãy cho họ đồ ăn thức uống, và qua tình yêu đầy thông cảm của chúng con, xin hãy cho họ hòa bình và niềm vui.

Lạy Chúa, xin hãy giúp chúng con trở thành cầu nối Hòa bình của Ngài, để nơi nào có thù hằn, con có thể mang tình yêu tới; nơi nào có lầm lạc, con có thể mang đến tinh thần khoan dung; nơi nào có xích mích con có thể mang đến sự hòa đồng; nơi nào có sai trái, con có thể mang đến lẽ phải; nơi nào có nghi ngờ, con có thể mang đến lòng tin; nơi nào có tuyệt vọng, con có thể mang đến niềm hy vọng; nơi nào có tối tăm, con có thể mang đến ánh sáng; và nơi nào có buồn khổ, con có thể mang đến niềm vui.

Lạy Chúa, xin hãy giúp con an ủi người khác hơn là được an ủi, thông cảm hơn là fc thông cảm, yêu thương người hơn là được yêu thương, vì chính bằng cách quên bản thân mình mà con người tìm thấy mình, bằng cách tha thứ mà con người được tha thứ, bằng cách chết đi mà con người thức dậy trong cuộc sống vĩnh hằng.

3.  Cuối Cùng Phải Tin Rằng Có Chúa Là Có Tất Cả.

Quả thật chúng ta thấy Chúa Giêsu không mang lại cho những ai theo Ngài của cải và sự thịnh vượng trần thế, nhưng Ngài cho chúng ta hưởng sự sống, thông ban tình yêu, ơn cứu độ, phúc trường sinh. Nhờ đó mỗi người thực hiện được vận mệnh vĩnh cửu của mình. Như vậy là quá nhiều rồi, chẳng có mối lợi nào lớn hơn.

Dĩ nhiên đi theo Chúa thì phải trải qua thử thách, đương đầu với không ít khó khăn. Nhưng đau khổ, thử thách chẳng bao giờ vô ích. Chúng tôi luyện ta nên trưởng thành, tẩy rửa ta khỏi tội lỗi, tạo cho ta điều kiện tiến tới sự toàn thiện mà Thiên Chúa mong muốn.

Như vậy, dầu có chịu thua thiệt, nhưng có thua thiệt gì. Trái lại một cuộc đời như vậy là một cuộc đời thành tựu. Chẳng có thể có một sự thành tựu nào lớn và quan trọng hơn  vì đây là một sự thành tựu vĩnh cửu.

Thánh Giáo phụ Basilio bị điệu ra tòa án Roma trước mặt hoàng đế:

- Người bỏ đạo, ta sẽ ban cho chức cao lộc hậu.

- Lời dạy bảo của bệ hạ dạy dỗ được trẻ con. Kinh Thánh tôi dạy khác hẳn, thà chết hơn lìa bỏ đấng Kitô.

- Ngươi không biết trẫm là ai sao?

- Tôi không tuân lệnh bệ hạ đâu.

- Ngươi không biết ta có quyền ban chức tước cho ngươi sao?

- Chức tước bổng lộc có thể thay đổi như chính bệ hạ.

Thấy không thể lay chuyển lòng thánh nhân vua đe tịch thu tài sản, tra tấn tù tội và giết.

- Tâu bệ hạ tôi chẳng có gia tài cho bệ hạ tịch biên. Lưu đày chăng? Tôi có quê Thiên Đàng. Tra tấn ư? Tôi sẵn sàng chịu vì Chúa. Giết tôi ư? Càng sớm về trời.

- Ngươi thật điên cuồng!

- Tôi mong được điên mãi như thế này.

Hoàng Đế và triều thần phải thua cuộc trước đức tin của Basilio.

Top