Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 24 Thường niên năm B
Mc 8, 27-35
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình,
vác thập giá mình mà theo.(Mc 8,34)
Câu hỏi xưa kia Chúa Giêsu đặt cho các môn đệ: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai.” hôm nay Ngài cũng muốn đặt cho mỗi người chúng ta.
Có thể trả lời hai cách.
Hoặc trả như Phêrô: “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mc 28,27)
Trả lời như vậy là rất đúng. Nhưng sợ rằng đó là một câu trả lời lý thuyết, hiển nhiên, có sẵn, theo sách vở. Chúng ta học trong sách thế nào thì thưa lại như vậy, chứ chưa chắc đã là một xác tín của bản thân.
Cách thứ hai là trả lời theo kinh nghiệm bản thân. Sau khi suy nghĩ, cân nhắc mình nghĩ thế nào, cảm nghiệm điều gì thì nói lên trung thực như vậy.
Theo cách này thì trả lời không dễ và mỗi người phải có câu trả lời riêng của mình.
Anh chị em sẽ trả lời như thế nào? Riêng tôi, tôi sẽ thành thật thưa cùng Chúa như thế này: Thầy là người gây rất nhiều phiền toái cho người khác, là một gương mẫu không thể theo nổi nên dễ làm nản lòng. . . nhưng đồng thời Thầy cũng là người mà con cần đến nhất, không thể thiếu trong đời con.
1. MỘT NGƯỜI GÂY PHIỀN TOÁI
Vâng! Chúa Giêsu gây rất nhiều phiền toái cho mọi người, nhất là cho những ai muốn theo Ngài. Ngài đòi hỏi quá nhiều. Và những điều Ngài đòi hỏi thường đi ngược lại với bản năng của con người. Ngài mời gọi theo con đường hẹp, và qua cửa hẹp, vác thập giá mỗi ngày. Ngài còn đòi hỏi phải từ bỏ tất cả, kể cả chính bản thân. Tin Mừng hôm nay kể lại: Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại và Người nói với họ rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.(Mc 8,34-35)
Nhiều lúc Ngài đặt người môn đệ trước những lựa chọn rất nghiêm ngặt và gay cấn. Muốn trung tín với Ngài nhiều khi phải chịu những thiệt thòi rất lớn, chẳng hạn phải hy sinh tiền của, tình yêu, gia đình, sự nghiệp, tương lai…. Và trong thực tế nhiều người đã không có đủ nghị lực để chấp nhận những hy sinh đó.
Một nhà kinh doanh nói: Nếu làm đúng theo lương tâm Kitô giáo thì chúng tôi bị thiệt thòi quá lớn, biết lấy gì mà bù lại được!
Một bà mẹ gia đình nói lên tình trạng bối rối: Nếu giữ đúng luật Chúa thì đời sống chúng tôi sẽ vô cùng chật vật, bấp bênh.
Một đôi trẻ tâm sự: Nếu không phải là người có đạo thì chuyện tình duyên của chúng tôi gỡ rối cũng chẳng có gì khó. Nhưng khổ là mình có đạo nên mới thành bế tắc.
Còn có nhiều lời khác tương tự, nhiều hoàn cảnh bi thảm khác. Quả thật Chúa Giêsu gây không ít phiền toái, rắc rối. . . làm nhiều người đau khổ.
Vâng! Theo Chúa Giêsu còn khó hơn leo núi. Mà chiều cao của ngọn núi này không thể đo được bằng thước trần gian. Càng leo càng thấy cao và càng thấy dốc. Làm sao đôi lúc có thể tránh được cơn cám dỗ ác hại nhất là bỏ cuộc vì nản lòng.
2. NHƯNG CHÚA LÀ NGƯỜI MÀ TA CẦN ĐẾN NHẤT
Nhưng xét cho cùng, Chúa Giêsu vẫn là người mà ta cần đến nhất. Thiếu Ngài là ta sẽ chới với, ngả nghiêng. Cuộc đời sẽ chao đảo, lạc hướng, mất hết ý nghĩa.
Cuộc sống cũng như tâm hồn chúng ta có nhiều mơ ước. Có những mơ ước dễ nhìn thấy như những mơ ước về một cuộc sống giàu sang, một cuộc sống có đầy đủ mọi phương tiện, mơ ước về một sự thành đạt để được sống cao hơn, sung sướng hơn v.vv. Nếu chỉ dừng lại ở những mơ ước thường ngày, có liên quan đến cuộc sống thể xác, vật chất trước mắt như thế thì có lẽ sự hiện diện của Chúa Giêsu cũng chẳng có ích gì nhiều cho chúng ta.
Nhưng nếu suy nghĩ sâu xa hơn một chút nữa, chúng ta sẽ thấy cuộc sống của con người còn có nhiều mơ ước khác. Chúng thầm kín, thâm sâu, luôn âm ỉ dưới chiều sâu, ẩn giấu. . . nhiều khi chính mình cũng không thể ý thức được hết. Đó là những ước mơ có liên quan đến vận mệnh và ý nghĩa của đời người. Chúng ta vẫn nhận ra mình luôn mơ ước, ít ra một cách mơ hồ về cái gì chân thật, hoàn hảo, vĩnh cửu. . . nghĩa là mơ ước người chân lý, về sự toàn thiện.
Vấn đề là ai có thể thỏa mãn được những ước mơ thâm sâu và thầm kín đó của chúng ta?
Chắc chắn chỉ có mình Đấng đã tự giới thiệu mình là Chân lý và là Sự sống : “Ta là Đường, là Sự thật và là Sự sống”.
Chúa Giêsu là Chân lý bất biến và tối hậu. Ngài là Sự sống tràn đầy và vô tận.... trong khi sự sống thân xác chỉ là một tia lửa lóe lên chốc lát rồi lại tắt ngấm trong đêm dài bất tận. Ngài còn là đường an toàn, chắc chắn, đưa hết thảy chúng ta tới Chân lý và Sự sống trọn vẹn.
Chính vì thế mà Ngài là người mà chúng ta cần đến nhất, một người không thể thiếu.. . mặc dầu sự hiện diện của Ngài có gây phiền toái, và sự thánh thiện của Ngài đôi khi có làm cho chúng ta nản lòng.
Cho nên lời tuyên xưng xưa của Phêrô còn phải trở thành kinh nghiệm riêng của mỗi người chúng ta hôm nay :”Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai Ai”.
3. CÔNG VIỆC PHẢI LÀM: TIN TƯỞNG VÀO CHÚA.
Có người kể lại giấc mơ của mình như sau: Tối hôm qua, tôi mơ thấy mình đang cầu nguyện, bỗng chốc một luồng ánh sáng xuất hiện; trong ánh sáng huy hoàng đó, tôi nhận ra Chúa Giêsu đang đứng trước mặt tôi, Ngài mỉm cười nhìn tôi và nói:
- Con hãy đến ngồi trên tấm thảm này với Ta.
Lòng tràn đầy vui sướng, tôi tiến lại gần bên Chúa và ngồi xuống tấm thảm bên cạnh Ngài. Tấm thảm từ từ bay bổng lên không trung đưa theo Chúa Giêsu và tôi ngồi trên đó. Tôi mỉm cười, lòng đầy vui sướng và tự nhủ: thật không còn gì hạnh phúc cho bằng được ở gần bên Chúa.
Một lúc sau, tôi quay nhìn Chúa Giêsu để bày tỏ niềm vui của tôi; thế nhưng tim tôi bắt đầu đập mạnh, vì tôi có cảm tưởng như Chúa Giêsu không còn bận tâm đến tôi nữa, bởi lẽ Ngài đang chăm chú rút từng sợi chỉ của tấm thảm rồi quăng chúng vào không trung. Chẳng mấy chốc tấm thảm chỉ còn lại phân nửa. Hết sợi chỉ này đến sợi chỉ khác từ từ bay lên theo gió, chân tay tôi bắt đầu run lên vì hoảng sợ, thế nhưng Chúa Giêsu vẫn thản nhiên tiếp tục rút từng sợi chỉ. Sau cùng tôi kêu lên
- Lạy Chúa, Chúa đang làm gì thế? Chúa không thấy là chẳng còn mấy chốc nữa tấm thảm của chúng ta sẽ tan tành hay sao?
Chúa Giêsu mỉm cười nắm lấy tay tôi và nói :
- Sao con lại nhát đảm và kém lòng tin như thế? Con hãy bám chặt vào Ta, con sẽ không phải sợ gì nữa, mặc dù con sẽ bị tước đoạt hết mọi sự, cả đến sợi chỉ cuối cùng”.
Chúa Giêsu vừa dứt lời, thì quả thực sợi chỉ cuối cùng của tấm thảm cũng bị rút đi luôn, và tôi giật mình thức giấc.
bài liên quan mới nhất
- Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông
-
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B