Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 23 Thường niên năm B
Mc 7, 31-37
“Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả:
ông làm cho kẻ điếc nghe được,
và kẻ câm nói được.”(Mc 7,38)
Tin Mừng thánh Marcô hôm nay vừa tường thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu chữa một người vừa câm vừa điếc.
I. Như chúng ta thấy: người câm là người không nói được còn người điếc là người không nghe được.
Nghe và nói là hai cánh cửa.
Nói là cánh cửa mở tâm hồn mình ra để thông giao với thế giới bên ngoài. Có gì tích chứa trong lòng muốn người khác hiểu thì phải nói ra.
Nghe là cánh cửa mở ra để đón nhận thông tin từ thế giới bên ngoài vào. Phải nghe mới hiểu được người khác. Không nghe không nói thì chẳng khác gì đóng kín cánh cửa cảm thông, mình không hiểu người mà người cũng không hiểu mình. Sống bên nhau mà không hiểu nhau thì thật đáng buồn và đáng sợ.
Nếu câm và điếc thể lý đã đáng buồn và đáng sợ, thì câm và điếc tâm lý còn đáng buồn và đáng sợ gấp bội.
Có nhiều thứ câm.
Có thứ câm do khác biệt ngôn ngữ và văn hoá. Ta thông hiểu người mà cũng chẳng thể làm cho người hiểu ta. Kinh nghiệm của chúng ta khi di du lịch nước ngoài là một thí dụ.
Có thứ câm do ích kỷ. Ta chỉ nói về những quan tâm, những nhu cầu, những ước vọng của ta, mà chẳng xét đến những quan tâm, những nhu cầu, những ước vọng của anh em. Nên lời ta nói chẳng lọt vào tai anh em. Lời ta nói trở nên ngượng nhịu, anh em nghe mà không hiểu.
Có thứ câm do sợ sệt. Vì sợ sệt, ta không dám nói lên sự thật. Những nỗi sợ mất quyền lợi, sợ mất danh dự, sợ mất lòng người khiến ta trở thành câm nín, câm nhịu.
Có thứ câm do lười biếng. Vì lười biếng ta không nói được những lời tốt đẹp khích lệ anh em. Vì lười biếng ta không nói được những lời an ủi người đang buồn sầu. Vì lười biếng ta không nói được những lời chia vui với người anh em gặp may mắn. Nhất là vì lười biếng mà ta không nói lên được những lời ca tụng Thiên chúa.
Những đam mê, những dục vọng những toan tính, những ích kỷ, những lười biếng trở thành những sợi dây trói buộc lưỡi ta, làm ta trở thành câm nín, câm chịu.
Tương tự như thế
Có nhiều bức tường ngăn chặn ta làm tai ta bị điếc.
Có thứ điếc vì khác biệt ngôn ngữ và văn hoá. Nghe mà không hiểu. Hoặc nghe tưởng là hiểu hoá ra lại hiểu sai. Trường hợp này còn tệ hại hơn là không nghe thấy gì.
Có thứ điếc vì định kiến. Đã có sẵn định kiến với ai, ta không muốn nghe người ấy nói nữa. Người ấy có nói hay đến đâu ta cũng cho là dở. Người ấy có nói tốt đến đâu, ta cũng cho là xấu. Những ý kiến của người ấy không thể lọt vào tai ta. Nếu có vào thì chi vào những phần xấu.
Có thứ điếc vì bịt tai không muốn nghe. Đây là trường hợp của người tự làm cho mình trở thành điếc. Mất tin tưởng vào anh em. Tuyệt vọng vì cuộc sống. Tự đóng kín trong vỏ ốc của bản thân. Đoạn tuyệt với mọi người.
Sau cùng có thứ điếc thiêng liêng không nghe được Lời Chúa. Không nghe được Lời Chúa vì thiếu học hỏi. Nhưng nhất là không nghe được Lời Chúa vì cứng lòng. Vì để nghe Lời Chúa, mở tai chưa đủ, cần phải mở lòng nữa. Bao lâu tâm hồn còn đóng kín, không nhậy cảm trước những lời mời gọi ăn năn sám hối, không tỉnh thức tiếp thu những lời hướng dẫn về đường lành, thì tai người ta sẽ chẳng nghe được Lời hằng sống. Bao lâu tâm hồn còn đuổi theo dục vọng còn toan tính những điều gian dối, bấy lâu người ta vẫn còn điếc đặc trước những Lời của Thiên Chúa.
II. Hôm nay, Đức Giêsu cũng đến nói với ta: “Ephata”.
Hãy mở ra miệng lưỡi để nói.
Hãy mở tai ra để nghe.
Trước hết hãy mở ra miệng lưỡi để nói.
Napoleon xưa đã có một nhận xét rất hay khi ông nói: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”.
Dale Camégie thuật lại rằng: Một bà kia đã dọn cho nam giới trong gia đình bà: chồng và các con trai của bà, một bàn ăn rất lịch sự, đầy hoa, nhưng có một nắm cỏ khô trong mỗi dĩa.
- Sao thế, hôm nay dùng cỏ khô à?
- Ồ, không đâu! Tôi sẽ đưa thức ăn lên ngay lập tức. Nhưng hãy nghe tôi nói một điều: Từ bao nhiêu năm trời, tôi đã nấu nướng cho các “người “, tôi đã cố gắng thay đổi món ăn, bữa thì món cơm, bữa thì món hầm, bữa khác thì món quay hoặc món”ragu”. Không bao giờ các “người” nói: “Ngon quá! Bà chiều chúng tôi quá”. Hãy nói lên một tiếng chứ, tôi đâu phải là đá! Người ta không thể làm việc khi không thấy một dấu cám ơn, một lời khuyên khích hay khen thưởng.
Hãy biết mở miệng lưỡi ra để đi đến với anh em và đi đến với Chúa. Hãy cắt đứt sợi dây ích kỷ để ta biết quan tâm tới nhu cầu của anh em. Hãy cắt đứt sợi dây sợ sệt để ta biết mạnh dạn nói những lời sự thật. Hãy cắt đứt sợi dây lười biếng để ta biết nói lên những lời tốt đẹp những lời ca ngợi tình thương của Chúa.
Thứ đến hãy mở tai ra để biết lắng nghe.
Một nhóm sinh viên được yêu cầu lập danh sách bảy kỳ quan của thế giới hiện nay. Mặc dù có một số bất đồng, nhưng đa số đều bình chọn theo danh sách sau:
1. Kim tự tháp Ai cập
2. Đền Taj Mahal.
3. Đại vực Grand Canyon.
4. Kênh đào Panama.
5. Tòa cao ốc Empire State.
6. Đền thờ thánh Phêrô ở Roma.
7. Vạn Lý Trường Thành.
Khi tập trung phiếu bình chọn, bà giáo sư để ý thấy có một sinh viên chỉ ngồi im lặng, không nộp lại phiếu của mình. Thấy thế, bà liền đến hỏi xem phiếu của cô có vấn đề gì không. Cô gái trả lời:
- Vâng, thưa giáo sư. Có chút ít ạ ! Có lẽ em không cần nộp vì phiếu của em quá khác so với các bạn.
Vị giáo sư nói:
- Vậy thì em hãy cho cô biết sự lựa chọn của em để tôi và các bạn xem có thể giúp gì không?
Cô sinh viên phân vân giây lát, rồi bắt đầu nói đến bảy kỳ quan thế giới theo nhận định riêng của cô là :
1. Vuốt ve
2. Nếm mùi vị
3. Ngắm nhìn.
4. Lắng nghe
5. Cảm nhận.
6. Cười vui
7. Tình yêu
Cả lớp học hoàn toàn im lặng. Bởi đó là những điều ta thường quên lãng vì chúng quá đơn giản và quá đỗi bình thường, nhưng thật sự ra đó mới là những kỳ quan tuyệt vời. Chính chúng mới làm nên hạnh phúc cho cuộc đời của ta chứ không phải là những kỳ quan vĩ đại trên cõi đời này. (Mao Trí Hùng sưu tập)
Vâng! Hãy mở ra. Hãy mở tai ra để lắng nghe lời anh em. Hãy mở tai ra để lắng nghe lời Chúa. Hãy phá đi bức tường định kiến. Hãy phá đi bức tường ích kỷ. Hãy phá đi bức tường tâm hồn cứng cỏi để mở rộng tâm hồn đón nhận anh em và đón nhận Lời Chúa.
Lạy Chúa, xin hãy chữa cho con bệnh câm và bệnh điếc trong tâm hồn con để con được sống phong phú và dồi dào hơn như lòng Chúa ước mong. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 27 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 26 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 25 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống
-
Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B