Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm B
Mc 1,1-8
Kính thưa anh chị em
Hằng năm cứ mỗi lần Mùa Vọng trở về là chúng ta có dịp gặp lại một trong những khuôn mặt rất đặc biệt của Tin Mừng. Tôi muốn nói đến Gioan Tẩy Giả.
I. Hồi ấy Gioan xuất hiện trong hoang địa miền Giuđêa. Ông xuất hiện với một cung cách hơi đặc biệt. Tin Mừng nói về ông như sau: “Ông mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, cũng chẳng muốn khác người, nhưng ông làm thế là vì ông ý thức về sứ mệnh cao cả của mình. Ông đã từ bỏ hầu như hết mọi thứ mà người đời thường tìm kiếm.
a/ Ăn mặc: Ông ăn mặc rất đơn sơ dân dã.
Làm người ai mà chẳng muốn ăn ngon mặc đẹp ? Gioan có đủ và có thể nói còn có dư điều kiện để làm việc đó. Chúng ta nhớ ông là người con duy nhất của một gia đình giàu có. Cha mẹ ông là người có địa vị, có thế giá trong xã hội. Vì cha của Gioan Thuộc giai cấp tư tế. Thế nhưng Gioan đã hy sinh.
Của ăn thức uống của ông không phải là những thứ cao lương mỹ vị. Tin Mừng cho chúng ta biết ông ăn châu chấu và thêm vào đó có một chút mật ong trong rừng. Áo mặc của ông cũng không phải là thứ đắt tiền. Chúng được làm bằng lông da thú, một thứ áo mặc thường dùng của những người mục tử nghèo khó. Đôi dép ông mang ở dưới chân cũng thế. Tất cả đều bằng da thú - vừa sẵn có vừa rẻ tiền.
b/ Về cuộc sống thường ngày của ông thì thánh Luca bảo: ngay từ thuở còn niên thiếu ông đã chọn chốn hoang vu làm nơi cư ngụ cho mình. Ông tự nguyện sống một cuộc sống khắc khổ khó khăn như thế để tự rèn luyện mình nên một con người sắt đá hầu có thể đối mặt, đương đầu với những thách đố do sứ mệnh của ông đòi buộc sau này.
Claude Tassin nói về ông như thế này: “Ông không lập dị nhưng ông coi thường những tiện nghi vật chất. Ông muốn sống hoàn toàn tự do không để cho mình bị ràng buộc vào bất cứ một thứ gì mà người trần thế coi trọng”. Ta có thể tóm lại trong hai tiếng: Ông muốn sống siêu thoát để ông được tự do hành động theo sứ mạng của ông. Đó là sứ mạng dọn đường cho Chúa
Một khách du khách nhân lúc mệt mỏi trưa vắng đã ghé vào túp lều tranh của vị thừa sai trong một làng xa xôi hẻo lánh tại Ấn Độ. Bước vào lều, người khách chỉ thấy có cái chõng tre trải chiếu sơ sài, cái bàn cái ghế cũng bằng tre với đống sách trong góc nhà.
Anh không hiểu sao một linh mục thừa sai mà sống đơn sơ nghèo khó đến thế, có thể nói được khắc khổ nữa là khác. Anh ngạc nhiên hỏi linh mục:
- Thưa Cha, đồ đạc của Cha chỉ có bấy nhiêu đó thôi sao ? Vị thừa sai mỉm cười đáp:
- Vậy chớ đồ đạc anh bao nhiêu ? Chỉ có chiếc ba lô nhỏ đó chớ gì.
Anh thành thật đáp:
- Nhưng con chỉ là khách du lịch. Con đi đường vài ngày, đâu cần mang theo đồ đạc nhiều. Còn cha ở luôn đây.
Vị thừa sai hóm hỉnh nói:
- Anh là khách đi đường. Tôi cũng thế. Tôi chỉ là khách dọn đường
Phải chăng vị thừa sai và thánh Gioan Tiền hô muốn dạy chúng ta: muôn dọn sẵn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đến cứu chúng ta, chúng ta phải hy sinh từ bỏ tất cả những gì là chướng ngại vật.
II. Bây giờ chúng ta hãy nghe lại nội dung những lời ông tuyên bố trong bài Tin Mừng hôm nay: Hãy dọn đường cho Chúa.(Mc 1,3)
Vâng “Hãy dọn đường”. Đường đi có một giá trị rất quan trọng trong cuộc sống.
Chắc anh chị em đã từng được đi trên những con đường cao tốc mới có ở Việt nam gần đây. Những ai đã từng được đi trên con đường cao tốc, chúng ta đã cảm nhận được sự tiện lợi và thoải mái như thế nào.
Vâng! Con đường vật lý mà đã cần như thế thì con đường thiêng liêng còn cần như thế nào. Nếu con đường vật chất hư hỏng thì tai nạn sẽ rất dễ xảy ra. Cũng vậy nếu con đường thiêng liêng không tốt đẹp thì sự tương giao gặp gỡ giữa người với người hay giữa người với Thiên Chúa sẽ bị bế tắc.
Như vậy, ta cần có những con đường thiêng liêng thật tốt để đón Chúa đến.
Thật ra Chúa đã đến từ lâu, từ hơn hai mươi thế kỷ nay nhưng nhiều người vẫn chưa gặp được Chúa. Tại sao thế ?
Thưa vì tâm hồn con người còn có những đỉnh đồi kiêu ngạo luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác.
Vì Tâm hồn con người còn có những ngọn núi cao tự ái, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.
Vì tâm hồn con người còn có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng.
Vì tâm hồn con người còn có những hố sâu chia rẽ, thích gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ.
Vì tâm con người còn có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh, lợi, thú.
Vì tâm con người còn có những hố sâu dục vọng nặng nề thú tính.
Vì tâm con người còn có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với cả chính mình.
Vì tâm con người còn có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.
Vì tâm con người còn có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn.
Vì tâm con người còn gồ ghề vì thói lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân, ưa phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.
Vâng! Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy đang ngăn chặn Chúa đến với ta. Chính vì thế mà hôm nay, thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi ta hãy sửa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa Giêsu đến.
Đổi mới một con đường vật chất thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Nhiều khi phải thật can đảm người ta mới có thể làm được
Charles de Foucauld là một sĩ quan kỵ mã, vì mê cô đào Mimi, phạm quân kỷ, nên đã bị loại khỏi gia đình quân đội. Từ đó Charles de Foucauld đã sống một đời tội lỗi, xa bỏ Chúa. Vì mất ơn Chúa, đức tin trở nên yếu ớt, Charles de Foucauld đã có những tư tưởng chống đạo. Một lần kia, đến gặp cha Huvelin, Charles de Foucauld muốn bày tỏ những tư tưởng nghịch đạo, và xin giải đáp những thắc mắc. Cha Huvelin biết Charles de Foucauld là người đạo dòng, sống xa Chúa, kém đức tin; và như được ơn Chúa soi sáng, cha nói với Charles de Foucauld:
- Anh cứ dọn mình xưng tội đi đã, rồi tôi sẽ giải đáp mọi thắc mắc cho anh cách thỏa đáng.
Cha Huvelin đã giúp cho Charles de Foucauld dọn mình xưng tội cách sốt sắng. Sau khi lãnh phép giải tội, ơn Chúa đổ tràn xuống tâm hồn anh, khiến đức tin anh trở nên mạnh mẽ, đến nỗi khi cha Huvelin hỏi:
- Bây giờ có thắc mắc gì anh hãy nói.
Charles de Foucauld trả lời:
- Thưa cha, sau khi chịu phép giải tội, con thấy các thắc mắc và tư tưởng chống đạo đều tan biến hết.
Rồi từ lúc đó, Charles de Foucauld quyết chí bỏ thế gian, đi tu làm linh mục, lập tu hội Tiểu đệ và Tiểu muội, chuyên lo việc thờ phượng Chúa và thực thi đức bác ái giúp đỡ tha nhân.
Trong chúng ta cũng thế, tội nhẹ là quả đồi, tội trọng là quả núi, đã ngăn cản con đường không cho Chúa đến ban ơn cho ta. Vậy trong Mùa Vọng này, Giáo hội khuyên chúng ta hãy dọn mình xưng tội, để bạt đồi núi trong linh hồn, để dọn cho Chúa một con đường nhẵn nhụi và phẳng phiu, để Chúa đến ban ơn cho chúng ta trong ngày lễ Giáng sinh của Chúa như Chúa đã ban ơn cho cha Charles de Foucauld sau khi chịu phép giải tội.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 27 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 26 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 25 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống
-
Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B