Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm B
Mc 6, 1-6
“Ngôn sứ có bị rẻ rúng,
thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình,
hay giữa đám bà con thân thuộc,
và trong gia đình mình mà thôi.”(Mc 4, 4)
I. Sau một thời gian lên đường truyền đạo, Chúa Giêsu trở lại thăm nơi mà Ngài đã sống hầu như suốt đời thơ ấu của Ngài. Việc Ngài về Nazareth có tương quan mật thiết với những gì xảy ra trước đó.
Như Tin Mừng kể lại: Trước khi về Nazareth Chúa đã làm một loạt các phép lạ: dẹp yên bão tố, chữa lành người bị quỷ ám, trị được những chứng bệnh bất trị, và cứu sống cả người chết.
Những phép lạ này là kết quả của một niềm tin mà con người đã đặt ở nơi Chúa, dầu niềm tin ấy chưa được hoàn hảo. Thế nhưng những việc xảy ra ở nơi nọ nơi kia thì lại không thể xảy ra ở Nazareth, quê hương của Chúa dù chỉ là một niềm tin bất toàn cũng không có, cho nên Marcô ghi lại: “Ngài không làm phép lạ nào được”(Mc 6, 5).
Kể ra thì cũng thật buồn cho Chúa, một con người rất giàu tình cảm đối với quê hương xứ sở của mình.
Thực ra không phải là Chúa có ý trở về quê quán một cách riêng tư, chỉ cốt ý để thăm lại ngôi nhà cũ và những người thân thuộc thuở xưa, nhưng là Ngài trở về với các môn đệ của mình, nghĩa là với tư cách là một ngôn sứ.
Với tư cách là một ngôn sứ, Ngài vào nhà hội và dạy dỗ, nhưng những Nazareth đã không hào hứng tiếp nhận. Trái lại họ còn tỏ ra là thù địch. “Họ vấp phạm vì Ngài”(Mc 6, 3). Họ tức giận vì một người xuất thân từ bối cảnh xã hội chẳng khác gì họ mà lại dám nói năng và hành động như vậy.
Họ bảo nhau: “Ông ta không phải là làm thợ mộc đó sao?”(Mc 6, 3).
Từ ngữ chỉ người thợ mộc là tekton. Tekton có nghĩa là một người thợ làm đồ gỗ, nhưng không phải chỉ đơn giản là làm đồ gỗ mà thôi, nó còn có nghĩa như một người làm nghề thủ công tinh xảo. Đó là thợ thủ công với ít dụng cụ hay nhiều khi chỉ có một số rất ít công cụ nhưng họ vẫn có thể làm được rất nhiều việc cho những ai cần đến họ. Chúa Giêsu là người thợ như thế. Chính sự quá quen thuộc đã làm cho họ thù ghét Chúa một cách mù quáng như vậy.
Nói tới đây tôi nhớ đến một câu chuyện có thật đã xảy ra cách đây cũng khá lâu. Chuyện Thánh Alêxù. Thánh Alêxù là con của một thượng nghị sĩ Rôma vào thế kỷ thứ năm. Vì sợ những cám dỗ của trần gian quyến rũ, ngài đã từ bỏ gia đình, vinh quang, tiền của, và cả người vợ trong ngày cưới, để trốn đi sang Tiểu Á. Ở đấy ngài sống cuộc đời nghèo khó và đền tội trong 17 năm. Khi sự thánh thiện của ngài vang dậy khắp nơi, ngài lại trốn đi một lần nữa, và những cơn gió trái chiều đã đẩy con thuyền của ngài trở về Rôma. Nhờ ơn Chúa trợ giúp, ngài cải trang về trú tại nhà cha mẹ mình. Ngài sống ở chân gác suốt 17 năm trời, xin của bố thí để sinh sống. Sau khi ngài qua đời, người ta tìm thấy trong túi áo ngài một miếng giấy ghi lại tông tích và lý do ngài tự ẩn giấu mình. Bấy giờ, thân mẫu ngài mới khóc to: “Ồ, con ơi, người con lưu lạc lâu ngày của mẹ ơi, sao đến bây giờ mẹ mới nhận ra con”.
Vâng! Suốt 17 năm trời! Một con người với hai dáng vóc, một con người đã từng sống ở cùng một nơi, với những con người đã từng quen thuộc vậy mà họ đã không nhận ra nhau chỉ vì cái dáng vẻ bên ngoài không giống nhau! Thật là một điều đau lòng.
Dân chúng ở Nazareth xưa cũng vậy! Họ khinh dể Chúa Giêsu chỉ vì Ngài là một công nhân bình thường. Chính vì thế mà họ đã chẳng kiêng nể gì đối với Chúa Giêsu, mặc dầu là Chúa đang được mọi người kính trọng ở nhiều nơi.
Chúng ta cần cảnh giác đối với sự cám dỗ để đánh giá một người căn cứ vào cái mã bề ngoài, vào những cái tạm thời nay còn mai mất của họ. Hãy cố mà nhìn vào giá trị nội tại của chính người ấy để đánh giá, chúng ta mới có thể có được cái nhìn công bằng.
II. Bài học
Vâng! Chúng ta hãy cẩn trọng đừng để cho mình đánh giá một người chỉ căn cứ vào cái mã bề ngoài, vào những cái tạm thời nay còn mai mất của họ. Hãy cố mà nhìn vào những giá trị nội tại của chính người ấy để đánh giá, có như thế chúng ta mới có thể có được cái nhìn công bằng.
Đây là câu chuyện có thật đã xảy ra ở Mỹ.
Có một cặp vợ chồng tuổi đã cao, người vợ mặc một chiếc áo bông đã ngả màu, còn chồng bà ấy thì bận một bộ quần áo vét rẻ tiền. Họ không hẹn trước nhưng bất ngờ đến và đòi trực tiếp gặp hiệu trưởng trường Đại học Harvard, là một trong những trường đại học có thế giá và nổi tiếng nhất nước Mỹ.
Cô thư ký của hiệu trưởng nhận thấy 2 người này có vẻ quê mùa nên chắc cũng chẳng có chuyện gì quan trọng để bàn với ngài hiệu trưởng, nên tỏ thái độ coi thường.
Người chồng khẽ nói:
- Tôi muốn gặp ngài hiệu trưởng.
Cô thư ký lễ phép đáp lại:
- Xin thứ lỗi, ngài hiệu trưởng bận rộn suốt cả ngày.
Người vợ nói:
- Không sao, chúng tôi có thể chờ đợi.
Trong suốt mấy tiếng đồng hồ, cô thư ký không thèm để ý đến họ. Cô cố ý để cho họ thấy khó khăn rồi sẽ tự động rút lui. Nhưng họ vẫn ngồi ỳ ở đó chờ đợi.
Cuối cùng, cô thư ký quyết định phải báo cho ngài hiệu trưởng:
- Có lẽ họ chỉ muốn nói một vài câu với ngài rồi đi ngay.
Ngài hiệu trưởng bất đắc dĩ phải đồng ý.
Người vợ nói:
- Chúng tôi có một đứa con trai từng học ở Harvard được một năm. Nó rất thích Harvard. Nó sống ở Harvard rất vui vẻ. Nhưng năm ngoái, nó đột ngột qua đời. Chồng tôi và tôi muốn xây một vật tưởng niệm cho con trai tôi trong khuôn viên của trường.
Ngài hiệu trưởng chẳng hề xúc động. Ông chỉ cảm thấy buồn cười, ông nói nhát gừng:
- Thưa bà, chúng tôi không thể nào dựng một tấm bia cho những người trước kia học ở Harvard mà giờ đây đã qua đời. Nếu chúng tôi làm như thế, thì ngôi trường của chúng tôi sẽ thành một nghĩa trang mất.
Người vợ nói:
- Không phải thế, chúng tôi không lập một tấm bia đâu, mà chúng tôi muốn xây cho Harvard một tòa nhà.
Ngài hiệu trưởng nhìn kỹ vào chiếc áo bông đã ngả màu của người phụ nữ và bộ áo vét rẻ tiền của chồng bà ta, rồi ông xẵng giọng:
- Ông bà có biết rằng xây một tòa nhà tốn bao nhiêu tiền không? Mỗi tòa nhà trong trường đại học của chúng tôi đều trị giá trên 7.5 triệu đôla.
Lúc này, người phụ nữ im lặng không nói gì. Ngài hiệu trưởng rất vui mừng, cuối cùng thì ông cũng đã làm cho họ phải tự động rút lui. Người phụ nữ quay sang và nói với chồng:
- Chỉ cần 7.5 triệu đôla mà có thể xây được một giảng đường lớn sao? Thế thì tại sao chúng ta lại không xây một ngôi trường đại học để làm vật kỷ niệm cho con trai chúng ta nhỉ?
Và như thế, hai vợ chồng ông bà Stanford đã rời Harvard, đến California, thành lập trường đại học Stanford.
Thế là Harvard đã mất đi một cơ hội có được 7.5 triệu USD. Thật là một mất mát không đáng xảy ra chỉ vì sự đánh giá sai lầm của một người.
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì thấy Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục già nua yếu đuối
trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.
Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con
để chúng con biết khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B