Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm A

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm A

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm A

Mt 1,18-24
“Chúa Giêsu sinh ra bởi Đức Maria, đính hôn với Thánh Giuse con vua Đavít”.

Thiếu nhi chúng con yêu quý,

Chỉ còn đúng ba ngày nữa là chúng ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh.

Ngay từ Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng, cha đã luôn nói với chúng con về việc làm thế nào để có thể gặp được Chúa khi Người đến.1. Thế cha hỏi chúng con, Chúa đã đến với chúng ta bằng cách nào ?

Bài Tin Mừng hôm nay trả lời cho chúng ta phần nào câu hỏi đó.

Chúa đã không đến như một nhân vật kỳ lạ trong những truyện cổ tích. Chúa cũng không đến như một nhân vật huyền thoại trong các truyện thần tiên. Vậy thì Chúa đến bằng cách nào chúng con ?

Chúa đến như một con người, một con người được sinh ra bởi một con người và sau đó Chúa sống một cuộc sống cũng như một con người. Chỉ có một điều, cách Chúa đến với con người chúng ta không giống với cách của con người chúng ta. Không giống ở chỗ nào thì chúng con nghe sứ thần của Thiên Chúa cắt nghĩa cho thánh Giuse. Đây là lời của sứ thần: “Này ông Giuse, con cháu Ðavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”.(Mt 1,20-21) Và Thánh Matthêu còn cho biết thêm: “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. (Mt 1,22-23).

Đó chúng con có thấy không. Khác nhau là ở chỗ đó.

Sau này khi đã được cùng sống với Chúa Giêsu, thánh Gioan trong Tin Mừng của ngài, ngài còn cho chúng ta biết về Chúa Giêsu hay hơn nữa. Ngài nói như sau: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”.(Ga 1,1) “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,29).

Chưa hết, nếu chúng ta đọc trong Tin Mừng của thánh Gioan, chúng ta còn được thấy nhiều điều lạ lùng hơn nữa trong đó, chính Chúa Giêsu còn cho chúng ta biết những điều quan trọng hơn. Ngài bảo: Tôi và Chúa Cha là một”.(Ga 10,30)”.Phần tôi, tôi biết Người, và chính Người đã sai tôi”.(Ga 7,29) Và Chúa còn quả quyết: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này.(Ga 8,23)

Nói tới đây cha tưởng cũng đã đủ để chúng ta thấy được Chúa Giêsu mà sứ thần Chúa loan báo là ai và Ngài đến với loài người chúng ta như thế nào để qua đó chúng ta phải có một cái nhìn đúng về Ngài cũng như phải có một niềm tin vào Ngài như thế nào.

2. Bây giờ đến lượt chúng ta. Chúng ta tự hỏi đâu là thái độ chúng ta phải có khi chúng ta đứng trước máng cỏ Belem của Chúa Giêsu ?

Nhìn vào Chúa Giêsu chúng ta phải có thái độ nào ? Nếu chúng ta chỉ nhìn Chúa Giêsu như đa số những người Do thái thuở xưa thì chúng ta sẽ chỉ thấy Chúa Giêsu là một con người. Chúa Giêsu chỉ là một con người, một con người như tất cả mọi người không hơn không kém. Một con người với tất cả phẩm chất của một sinh vật trên đất. Và nếu chúng ta chỉ nhìn Chúa Giêsu như thế thì chắc là chúng ta sẽ khó vượt qua được thái độ coi thường hay có khi còn là kẻ thù của Chúa Giêsu như những người D thái thuở xưa: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”.(Ga 10,33)

Nhìn lại những hình ảnh cuối cùng của Chúa Giêsu dưới cây Thánh Giá chúng ta thấy rất rõ điều đó.

Ngược lại nếu chúng ta có một cái nhìn đúng và đủ về Chúa Giêsu thì chắc chắn thái độ của chúng ta và mọi người sẽ khác. Chúa Giêsu mà thiên sứ loan báo là một Emmanuel. Emmanuel có nghĩa là Thiên-Chúa-ở-giữa-chúng-ta. Như vậy đứng trước Chúa Giêsu cho dù ngài chỉ là một Hài Nhi nằm trong máng cỏ nghèo khó hay một Chúa Giêsu quyền năng dẹp yên được cả sóng gió bão táp, chúng ta cũng phải nhìn Chúa bằng một danh hiệu mà thiên sứ đã loan báo: EMMANUEN. THIÊN-CHÚA-Ở-GIỮA- CHÚNG-TA. MỘT-THIÊN-CHÚA-Ở-GIỮA-CHÚNG-TA NHƯ MỘT CON NGƯỜI.

Chúng ta không được nhìn Chúa Giêsu chỉ như một con người. Cái nhìn như thế sẽ dễ dẫn chúng ta đến thái độ sai lầm như những người Do thái thuở xưa. Cũng không được nhìn Chúa Giêsu như là một Ông Thần. Nhìn như thế sẽ dễ làm cho chúng ta sai lầm như một số các lạc thuyết thời Trung cố. Tóm lại Chúa Giêsu là một Thiên Chúa làm người. Đó là cái nhìn đầy đủ và đúng nhất về Chúa Giêsu. Nói tới đây cha nhớ đến một câu chuyện mà người Pháp hay kể cho nhau nghe mỗi dịp lễ Giáng Sinh về: Câu chuyện có tên là thăm Hang Đá. Câu chuyện xảy ra ở nhà thờ Đức Bà tại thủ đô Paris của nước Pháp.

Chuyện thế này: Vào một dịp lễ Giáng Sinh năm ấy, người ta thấy có một đoàn người đến viếng thăm Hang đá được làm trong nhà thờ Đức bà Paris. Đây là một ngôi Nhà thờ cổ kính và rất nổi tiếng tọa lạc ngay giữa thủ đô. Hoà trong đoàn người kính viếng hang đá năm ấy, người ta thấy có nhiều người tài giỏi cũng cùng viếng hang đá.

Đầu tiên người ta thấy một ông hoạ sĩ. Ông là người chuyên về màu sắc. Đứng trước máng cỏ của Chúa Giêsu, người ta thấy ông lắc đầu. Xem chừng như những màu sắc trang hoàng hang đá không được đúng theo cái nhìn của ông. Nhìn một chút rồi ông đi ra. Tiếp đến là một ông kiến trúc sư: Chúng con biết ông kiến trúc sư là người làm nghề gì rồi. Ông làm nghề kết cấu trong việc xây dựng. Người ta thấy ông cũng nhìn và cũng ngắm và rồi người ta cũng lại thấy ông lắc đầu. Có lẽ hang đá không được làm đúng với quy luật kiến trúc. Sau đó ông cũng lặng lẽ đi ra.

Tiếp theo đó là điêu khắc. Chúng con có biết nhà đều khắc làm gì không ? Nhà điêu khắc là người làm nghề tạc tượng hay đắp tượng. Tượng Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse trong hang là do những người làm nghề điêu khắc làm. Nhà điêu khắc này đứng ngắm hang đá lâu hơn hai người trước. Hình như ông thấy các bức tượng nơi hang đá có vấn đề. Sao nó không đúng với thực tế mấy. Chúa thì to mà con bò con chiên thì lại quá nhỏ, thiếu sự cân đối vv và vv Rồi người ta cũng lại thấy ông lắc đầu đi về.

Sau cùng người ta thấy một bà cụ già dắt theo một em bé. Em bé mặc một bộ đầm trắng toát như tuyết. Vai em còn mang thêm một chiếc khăn quàng cũng màu trắng. Hai bà cháu đứng ngắm nhìn hang đá một hồi lâu. Bỗng người ta thấy em bé mon men tìm đường leo lên hang đá đến tận chỗ người đặt tượng Chúa Giêsu Hài đồng.

Em bé ngắm nhìn Chúa Giêsu. Lòng em cảm thấy xúc động. Giữa cảnh đêm đông giá lạnh như thế này mà mà Chúa không có mền để đắp...Rồi người ta thấy em cởi chiếc áo len trắng em đang mặc đắp cho Chúa Giêsu Hài đồng.

Sau đó họ cũng ra về nhưng lòng họ cảm thấy tràn ngập niềm vui vì Chúa thật gần. Họ cảm thấy hạnh phúc vì thấy mình được Chúa yêu thương nhiều quá.

Chúa sắp Giáng sinh rồi.

Cha chúc chúng con cũng tìm được niềm vui và hạnh phúc như thế. Amen.

Emmanuel- Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta

John P., một linh mục Ái nhĩ lan, sau nhiều năm tận tâm thuyết phục một thanh niên bỏ đạo trở về với Giáo hội, đã phải hoài công vô vọng. Bao lời khuyên răn cứ như “nước đổ lá môn”.

Một lần kia, Mẹ Têrêsa Calcutta được mời đến thăm Ái nhĩ lan. Ban tổ chức có thu xếp một buổi nói chuyện thân mật giữa Mẹ với các bạn trẻ. Mẹ chỉ nói giản dị về tình yêu Thiên Chúa: Chúa yêu thương các bạn; Ngài luôn đồng hành với các bạn. Sau đó Mẹ rời thành phố. Ai về nhà nấy.

Trời mỗi lúc mỗi khuya! Khi mọi vật đang chìm vào tĩnh mịch, chợt một hồi chuông điện thoại reo vang phá tan giấc ngủ của cha John. Ngài nhấc vội chiếc điện thoại, và đầu dây bên kia là giọng nói của chàng thanh niên năm nào:- “Alô, con muốn xưng tội với cha. Con muốn trở về cùng Giáo hội”.- “Chuyện gì xảy ra cho anh vậy ?” Vị linh mục hỏi lại. Ngài tưởng chừng chàng thanh niên đang bị tai nạn hiểm nghèo nào đó nên vội dọn mình ra đi.Nhưng anh ta trả lời:

- “Thưa cha, vì chiều nay Mẹ Têrêsa đã nói với con một lời đánh động lòng con rất nhiều”.

Vị linh mục ngạc nhiên:

- “Mẹ nói lời gì, và nếu tôi không lầm thì nhà thờ chật ních. Mẹ lại đâu có cơ hội để gặp riêng anh ?”

- “Vâng thưa cha, Mẹ không gặp riêng con, nhưng Mẹ đã nói với mọi người, trong đó có con. Mẹ nói rằng: “Chúa ở với các con”.

Nghe thế, vị linh mục càng ngạc nhiên hơn nữa:

- “Ủa, đã nhiều lần tôi cũng nói với anh như thế, nhưng sao hôm nay anh lại bị thuyết phục bởi lời nói ấy của Mẹ Têrêsa ?”

Anh thanh niên chậm rãi giải thích:

- “Thưa cha, vì Mẹ đã nói câu đó từ thẳm sâu của tâm hồn. Mẹ đã nói với con bằng tất cả con tim của mình”.

Một câu nói không phát ra từ một công thức có sẵn hay do một thói tục xã giao thông thường thúc đẩy, nhưng khởi đi từ chốn thâm sâu của một tâm hồn yêu thương mới có khả năng thuyết phục, hoán cải, và truyền đạt được ý nghĩa chân thực nhất của danh hiệu Emmanuel-Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Trong một Thánh lễ, biết bao lần vị linh mục đọc lên cầu chúc: “Chúa ở cùng anh chị em,” nhưng thử hỏi có mấy lần lòng tôi bồi hồi xúc cảm vì sung sướng trước sự kiện này ? Rất nhiều lần tôi nghe, đáp, hát, đọc những lời kinh nguyện có cùng một nội dung như thế, nhưng có mấy lần tôi cảm nhận được Thiên Chúa hiện hữu thật sự trong cuộc đời của mình ? Tôi không có, phải chăng vì đã chưa đọc và nghe với tất cả tâm hồn ?

Nếu thấu hiểu được thế nào là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta,” chắc chắn sẽ không có một tác nhân gì có thể làm cho con người phải run sợ bất an hay ưu sầu lo lắng.

Ngày xưa, khi Môisen đang chạy trốn người Ai Cập, tránh né bàn tay ác độc của Pharaô, Giavê đã hiện ra và bảo ông trở về đất Ai để giải thoát dân Israel. Trước một trách nhiệm lớn lao cùng bao hiểm nguy cho tính mạng như thế, Moisen can đảm lên đường, vì Thiên Chúa đã nói với ông: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3:12).

Rồi khi Giêrêmia được Giavê kêu gọi ra đi làm tiên tri cho các dân tộc, ông đã tìm cách thoái thác: “Tôi đâu có biết nói năng gì. Tôi chỉ ú ớ như một đứa trẻ con”. Nhưng Chúa nói: “Ðừng sợ, vì Ta ở cùng ngươi” (Gr 1:8). Với lời hứa ấy của Giavê, Giêrêmia lên đường.

Trong Tân ước, khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi vào thế gian rao giảng Tin mừng. Sứ mạng chất đầy gian nan, không khác chi như chiên con đi giữa sói rừng. Ấy thế mà sự bảo đảm lại chỉ là một lời hứa: “Ta sẽ ở cùng các ngươi mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Vậy rồi các ông ra đi.

Sẽ không lời hứa nào bày tỏ trọn vẹn nỗi lòng yêu thương của một con người cho bằng lời hứa “ở cùng người yêu,” và sẽ không có nỗi lòng khát khao nào mãnh liệt cho bằng được “sống chung với người yêu”. Một chàng thanh niên có thể hứa với người con gái: “Anh sẽ mua cho em một chiếc nhẫn kim cương làm quà Giáng sinh; anh sẽ cố học thành tài để em không phải lam lũ sau này...,” nhưng nếu không có lời hứa “ở cùng em” thì vô ích hết. Cao điểm hạnh phúc trong ngày thành hôn của hai người nam nữ không phải nơi chiếc áo cưới soirée lộng lẫy, cũng chẳng phải nơi chiếc nhẫn cưới hay lời chúc tụng của thân hữu đôi bên, nhưng là nơi giao ước tình yêu đã được thiết lập. Trong giao ước đó họ hứa “ở cùng nhau suốt đời”.

Một linh mục đã nhận xét: “ở cùng” chính là ngôn ngữ của tình yêu, vì chỉ có yêu ai người ta mới nghĩ đến “ở cùng”. Vì yêu nên mới có việc Thiên Chúa đến “ở cùng” con người, mới có danh hiệu Emmanuel, mới có cảnh Giavê mang kiếp lầm than để thông chia nỗi đau của con người, và chưa hết, mới có danh hiệu Giêsu, nghĩa là Giavê cứu thoát.

Vì yêu thương con người nên Thiên Chúa muốn cứu thoát. Ðể cứu thoát, Ngài đã đến ở cùng. Có lẽ không nỗi đợi chờ hay một thỏa mãn nào đáng giá hơn hình ảnh của Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ, hiện thân của tình yêu ở cùng.

Danh hiệu Emmanuel không chỉ gợi lên trong tôi ý thức về ân phúc tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, về những lời cầu chúc được lập đi lập lại trong các Thánh lễ đang cần được nói và nghe với tất cả tâm hồn, nhưng còn là lời mời gọi bạn và tôi hãy ở cùng tha nhân, hãy xích lại gần nhau và sống thân ái hơn trong tình người. Như Thiên Chúa đã phá đổ bức tường ngăn cách, dù đó là sự ngăn cách vô biên--giữa Tạo hoá và loài thụ tạo, giữa trời cao với đất thấp, giữa vô hình và hữu hình--chúng ta cũng được mời gọi hãy phá đổ những ngăn cách giữa con người với con người, để việc tôi “ở cùng” tha nhân trong an hoà sẽ là một phản chiếu rõ nét khuôn mặt của Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top