Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Mùa Chay năm C

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Mùa Chay năm C

Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Mùa Chay năm C
Lc 9, 28 – 35
"Ðây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn,
hãy vâng nghe lời Người!"
(Lc 9,35)
 

Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Thánh sử Luca vừa thuật lại cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi.

Cha đố chúng con biết Chúa làm như thế để làm gì? Hay nói một cách cụ thể hơn khi Chúa làm như thế Chúa muốn gì? Nếu nhìn vào những việc xẩy ra trước và sau cuộc biến hình của Chúa, chúng ta sẽ thấy ngay câu trả lời. Việc này không có gì khó lắm.

1. Trước hết là để tránh cho các môn đệ của Chúa một sự sụp đổ thấy vọng trước mầu nhiệm Thập giá.

Chúng con hãy nhớ lại hoàn cảnh xảy ra trước đó một chút: Chúa Giêsu vừa được Phêrô đại diện cho nhóm môn đệ tuyên xưng là ĐĐấng Messia con Thiên Chúa hằng sống và ngay sau đó Chúa đã báo cho họ biết về con đường khổ nạn và chết chóc mà Chúa sẽ phải đi qua để hoàn thành sứ mạng của Người. Đây quả thực là một lời loan báo kinh hoàng về một Đấng Cứu thế mà chẳng có ai dám nghĩ như thế.  Chính vì thế mà Phêrô đã tức tốc phản ứng ngay. "Ông liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người"(Mt 13,22)  Khi làm như thế chắc Phêrô tưởng là mình làm đẹp lòng Chúa, ai dè ông lại nhận được một lời quở trách cực mạnh từ Đức Giêsu: "Satan, lui ra đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài Người"(Mt 16,23). Sau đó, Đức Giêsu còn đòi hỏi thêm: "Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo"(Mc 8,34). Chúa muốn con đường mà Chúa đi cũng là con đường của các môn đệ Người phải đi. Phêrô đã thật sự choáng váng và cả các môn đệ khác cũng thế.

Thế nhưng thử hỏi khi Chúa đòi hỏi như thế thì điều đó có quá đáng không? Chắc là khi đòi hỏi như thế Chúa có lý do của Chúa. Tuy nhiên, các môn đệ có dám chấp nhận hay không là tùy ở mỗi người. Cha xin mượn một câu chuyện được lấy từ Internet để gợi ý và giúp chúng con hiểu được vấn đề này. Câu chuyện như thế này:
 Đã lâu lắm rồi, có một vị hiền triết sống trên đỉnh ngọn núi cao. Dân làng dưới chân núi mỗi khi gặp khó khăn thường tìm đến vị hiền triết này để xin lời khuyên.

Ngày nọ, một chàng trai được xem là khá thành đạt, đang băn khoăn cho chặng đường sắp tới của mình. Chàng quyết định lên núi gặp vị hiền triết.
- Điều gì có thể giúp con thành một người thực sự vĩ đại?  Chàng trai hỏi.
Vị hiền triết nhìn thẳng vào mắt anh và hỏi:
- Con có chắc là con muốn biết điều đó không?
- Vâng! Con thực sự rất muốn biết. - Chàng trai quả quyết trả lời
- Được! - vị hiền triết đáp. - Ngươi hãy tự tìm cho mình câu trả lời qua câu chuyện ta kể sau đây: "Thuở xưa có một chàng thanh niên ở đất nước Hy Lạp mắc bệnh hiểm nghèo. Biết mình không còn sống được bao lâu nữa, anh xung phong gia nhập quân đội lúc đó đang bước vào trận chiến khốc liệt với kẻ thù. Với hy vọng được hy sinh anh dũng trên chiến trường, anh đã chiến đấu hết mình, không ngại phơi mình trước làn tên mũi đạn của kẻ thù và không mảy may lo cho mạng sống của mình. Cuối cùng, khi kẻ thù bị đánh bại, anh vẫn còn sống! Vô cùng cảm phục trước lòng dũng cảm, can trường của người lính nọ vì đã góp phần không nhỏ tạo nên chiến thắng ấy, vị tướng quyết định thăng chức và trao tặng cho anh huân chương danh dự cao quý nhất cho lòng dũng cảm.

Song, lạ thay đến ngày được trao huân chương, trông anh rất u buồn. Ngạc nhiên, vị tướng hỏi lý do thì được biết anh đang phải gánh chịu một căn bệnh nguy hiểm. Làm sao ông lại có thể để cho người lính dũng cảm của mình phải chết! Vị tướng đã cho tìm vị lương y giỏi nhất nước về trị bệnh cho anh. Căn bệnh chết người cuối cùng đã được chữa khỏi.

Nhưng từ đó trở đi người ta thấy người lính can-trường-một-thời đã không còn xuất hiện nơi tuyến đầu vất vả hiểm nguy nữa! Anh luôn né tránh mọi khó khăn và cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ mạng sống của mình thay vì đương đầu với thử thách.

Về sau có dịp gặp lại, vị tướng đã nói với người lính nọ một câu: "Giờ đây anh mới thực là người đã chết hoàn toàn." (First news - Theo Internet)

Chúng ta hãy nhớ lại có lần Chúa đã dạy: "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi, nó sẽ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi nó sẽ sinh nhiều bông hạt"(Ga 12,24). Chúa đã chấp nhận con đường tự hủy để cứu chuộc loài người. Và những ai  muốn làm môn đệ của Chúa cũng phải làm như vậy.  

2. Lý do thứ hai qua cuộc biến hình trên núi Chúa muốn dạy các môn đệ cũng như mọi người rằng: Chẳng có vinh quang nào mà không phải trả giá. Vinh quang càng cao, cái giá phải trả càng lớn. Vinh quang trần thế và vinh quang Thiên quốc cũng như nhau.

Mẹ Têrêsa Calcutta nói: "Thánh thiện không tùy thuộc những việc phi thường nhưng chính yếu là đón nhận với nụ cười những gì Chúa Giêsu gửi tới. Trọng tâm của đời thánh thiện là chấp nhận và sống theo ý Thiên Chúa".

Có một nhà vua kia, một hôm cho triệu tập các cận thần lại. Vua đưa cho quan Tể Tướng một viên ngọc trai lóng lánh và hỏi:
- Ông hãy nói viên ngọc này đáng giá bao nhiêu?
- Muôn tâu, nó đáng giá còn hơn số lượng vàng khối mà 100 con lừa có thể chở.
- Ông hãy đẫp vỡ nó ra cho ta!
- Muôn tâu Bệ Hạ, làm sao hạ thần có thể đang tâm phung phí phá đi một báu vật như thế ạ !

Nhà vua thưởng cho quan Tể Tướng một chiếc áo danh dự và lấy lại viên ngọc.

Kế đó vua đưa viên ngọc cho quan Thị Vệ, và cũng hỏi:
- Theo ông, nó đáng giá bao nhiêu ?
- Bằng nửa vương quốc.
- Hãy đập vỡ nó vỡ ra cho ta!
- Đập vỡ viên ngọc này ư? Muôn tâu Bệ Hạ, tay thần không thể nào làm được việc đó.

Nhà vua cũng thưởng cho ông này một chiếc áo danh dự, lại còn tăng lương cho ông.

Sau cùng nhà vua đưa viên ngọc cho Abdul một tên cận vệ tầm thường.
- Ngươi có biết viên ngọc này đẹp đến mức nào không?
- Muôn tâu, đẹp không thể nói được.
- Hãy đập nát nó ra cho ta.

Lập tức Abdul lấy hai viên đá đập vỡ viên ngọc ra và nghiền nó thành bụi. Quần thần thét lên sợ hãi vì sự táo bạo của Abdul.

Họ hỏi :
- Tại sao nhà ngươi dám làm thế chứ ?
Abdul bình tỉnh đáp :
- Lệnh của Hoàng Thượng đáng giá hơn bất kỳ viên ngọc quý nào. Tôi tôn kính Hoàng Thượng chứ không tôn kính viên ngọc.

Nhà vua khen ngợi thái độ của Abdul và thưởng chàng trọng hậu hơn cả hai vị quan kia.

Cha nhắc lại lời của Mẹ Têrêsa Calcutta vừa nói ở trên: "Thánh thiện không tùy thuộc những việc phi thường nhưng chính yếu là đón nhận với nụ cười những gì Chúa Giêsu gửi tới. Trọng tâm của đời thánh thiện là chấp nhận và sống theo ý Thiên Chúa". Chấp nhận và sống theo ý Thiên Chúa và chúng ta trở thành con yêu dấu của Chúa ở đời này và cả đời sau nữa. Amen.



 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top