Bài giảng Chúa Nhật 34 Thường Niên A - Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ

Bài giảng Chúa Nhật 34 Thường Niên A - Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN
CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

Mt 25,31-46

"Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc,
hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn cho các ngươi."
(Mt 25,33)

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một trong những câu truyện sống động nhất của Chúa Giêsu và bài học Chúa dạy cũng hết sức rõ ràng. Bài học đó là Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta theo những việc chúng ta làm cho nhau trong cuộc sống hằng ngày. Sự phán xét này không tùy thuộc vào kiến thức chúng ta có, sự may mắn hay tiếng tăm chúng ta đã đạt được, nhưng tùy vào sự giúp đỡ chúng ta làm cho nhau.

1. Ta phải giúp đỡ nhau từ những nhu cầu thật đơn giản trong cuộc sống của mọi người như kẻ đói cần được cho ăn, kẻ khát cần được cho uống, những người khách lạ cần được tiếp đón, những kẻ bị cầm tù cần phải được viếng thăm.

Ngày nay Mẹ Têrêsa còn cho biết thêm: có nhiều người đói thức ăn, nhưng cũng có nhiều người đói những thứ khác như đói được biết đến, đói được yêu thương, đói được tôn trọng...

Trần truồng không phải chỉ là không quần áo, mà còn là không nhân phẩm, không trong sạch, không tự trọng.

Vô gia cư không phải chỉ là không có nhà, mà còn là bị ruồng bỏ, bị coi là vô dụng.

Chứng bệnh nặng nhất của thế giới hôm nay là cảm giác bị bỏ rơi không ai để ý đến, không ai quan tâm chăm sóc....

Sự ác lớn nhất của thế giới hôm nay là thiếu tình yêu, là dửng dưng với người bên cạnh.

Đó là những việc chúng ta có thể gặp hàng ngày. Tất cả cần phải được quan tâm.

2. Phải giúp đỡ nhưng giúp đỡ với tinh thần nào? Thưa là tinh thần không tính toán.

Tất cả những người đã giúp đỡ người khác trong câu truyện hôm nay đều không ai nghĩ rằng họ đã giúp đỡ Chúa Giêsu và tích trữ công đức đời đời cho mình. Họ giúp vì không thể không giúp, đó là bản chất tự nhiên không tính toán, phát xuất từ lòng yêu thương chân thật.

Oscar Wilde đã viết một câu truyện rất đẹp, tựa đề là The Happy Prince (Ông Hoàng Hạnh Phúc). Câu truyện như sau:

Một ông Hoàng kia sống một cuộc đời rất hạnh phúc.

Vì thế khi ông chết, người ta đã làm một bức tượng của ông đặt trên một cái bệ cao giữa thành phố và đặt tên là ông Hoàng Hạnh Phúc, như là biểu tượng may mắn sẽ mang hạnh phúc đến cho mọi người dân trong thành.

Một buổi chiều đầu mùa Đông, một con chim én đến đậu dưới chân pho tượng. Bỗng một giọt nước rơi xuống đầu nó. Nó nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt nước mắt của ông hoàng. Ông đang khóc.

- Tại sao ông khóc? Ông là ông Hoàng Hạnh Phúc kia mà!.

- Từ khi đứng trên cao nhìn thấy cảnh sống của dân thành, ta đau lòng quá và không còn hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm, nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này nên không thể nào đi được. Bạn có thể giúp ta không?

- Không được, tôi phải bay đi Ai Cập.

- Hãy làm ơn giúp ta đêm nay đi.

- Thôi được! Bây giờ ông muốn tôi làm gì?

- Trong một túp lều đàng kia có một người mẹ đang khóc vì con bà bị bệnh mà bà không có tiền gọi bác sĩ. Bạn hãy lấy viên ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy.

Chim én dùng mỏ cạy viên ngọc ra và bay đến trao cho bà mẹ nghèo. Nhờ có tiền, bà đã lo cho con bà khỏi bệnh.

Hôm sau ông hoàng lại xin chim én nán lại một đêm nữa để mang viên ngọc khác đến cho một người nghèo khác. Rồi hôm sau nữa đến giúp một người nghèo khác nữa. Cứ thế hết ngày này đến ngày khác, con chim én lấy các thứ trang sức của ông hoàng đem cho người nghèo. Cuối cùng trên mình ông hoàng không còn gì quý giá nữa. Và lúc đó mùa đông đã tới, trời đổ lạnh rất nhiều. Sáng hôm đó, người ta thấy xác con chim én đã chết cóng dưới chân pho tượng ông hoàng trần trụi. Phía dưới thành phố, mọi người đều hạnh phúc. Họ có biết đâu hạnh phúc của họ là nhờ sự hy sinh của ông Hoàng Hạnh Phúc và con chim én nhỏ bé kia.

Vâng có ai ngờ những việc tốt chúng ta làm cho nhau lại là làm cho chính Chúa: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy." (Mt 25,40).

Ngược lại như Lời Chúa quả quyết những gì chúng ta từ chối không giúp đỡ người khác cũng có nghĩa là chúng ta không giúp Chúa.

Khi đã không muốn giúp đỡ những người khác thì người ta có thể nại ra đủ mọi thứ lý do để từ chối.

Năm 1880, ở thành phố Paris, có một Linh mục ăn mặc nghèo hèn đến gõ cửa nhà một Cha Sở xin được trọ qua đêm. Cha Sở tiếp rất thờ ơ rồi chỉ cho Linh mục ấy lên chiếc gác xép nhà xứ. Linh mục ấy tên là Gioan Bosco, từ Turin nước Ý sang Paris để quyên tiền về xây trường giáo dục các thiếu niên.

Nhiều năm sau, Giáo Hội đã tôn phong Gioan Bosco lên bật hiển thánh. Khi nghe tin đó, Cha Sở nọ nói:

- Phải chi lúc đó tôi biết ông ấy là Don Bosco thì tôi đâu có để ngài ở trên cái gác xép ấy, trái lại tôi đã dành phòng khách sang trọng nhất cho ngài rồi.

Quả thật chúng ta không bao giờ biết rõ những kẻ chúng ta gặp là những người như thế nào. Nhưng điều này không quan trọng. Điều quan trọng đối với những kẻ có đức tin là chính Chúa hiện thân trong những người ấy.

3. Và cuối cùng Chúa cổ võ tình yêu thương qua việc chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau để làm gì? Câu trả lời cũng không khó lắm. Thưa để thiết lập Nước Trời của Chúa ngay trên trần gian này.

Nước Thiên Chúa, đó là một trong những hình ảnh được Chúa Giêsu nói tới nhiều nhất, nhưng có lẽ đó cũng là một trong những điều chúng ta hiểu cách mù mờ nhất.

- Ngày xưa người Do Thái hiểu Nước Thiên Chúa chính là Nước Do Thái, một nước Do Thái hùng cường phồn vinh làm bá chủ nhiều nước khác. Hiểu như vậy là sai.

- Ngày nay nhiều người hiểu Nước Thiên Chúa là Giáo Hội, một Giáo Hội có rất đông tín đồ, một Giáo Hội có tổ chức quy mô, khiến cho người ngoài nể phục. Hiểu như vậy có đúng không? Thưa chỉ đúng một phần thôi, là phần bề ngoài, phần hình thức, phần tổ chức.

Bởi thế trong các sách Tin Mừng, Chúa Giêsu đã không so sánh Nước Thiên Chúa với hình ảnh những đạo quân hùng hậu hay với những đám người đông đảo. Trái lại Ngài so sánh Nước Thiên Chúa với hạt cải và với nắm men, những hình ảnh nói lên sự nhỏ bé và âm thầm. Tuy nhiên nhỏ mà lớn, âm thầm mà rất mạnh. Hạt cải sẽ trở thành cây to, nắm men sẽ khơi dậy cả thúng bột.

Một hiệp sĩ Samurai hung bạo. Ông tìm đến với một thiền sư và hỏi:

- Yêu cầu ông cho tôi biết Thiên Đàng hỏa ngục là gì ?

Vị thiền sư nhìn thấy con người thô bạo của anh thì nói:

- Ta không thể dạy cho ngươi biết thiên đàng hoả ngục là gì, vì ngươi hung bạo quá. Ngươi làm nhục cho hàng ngũ hiệp sĩ của ngươi .

Nghe vị thiền sư nói thế, chàng hiệp sĩ bừng bừng sát khí, rút gươm định chém đầu vị thiền sư. Nhưng vị thiền sư đưa tay cản lại và nói:

- Hỏa ngục là thế đó!

Nhận được bài học thực tế của vị thiền sư, chàng hiệp sĩ dừng tay lại. Sự hối hận và thương cảm trào dâng trong tâm hồn y. Y hiểu rằng vị thiền sư đã dám hy sinh cả mạng sống để dạy cho y bài học về hoả ngục. Y từ từ xỏ gươm vào vỏ, rồi quỳ gối trước mặt vị thiền sư với tất cả tấm lòng thành tâm sám hối. Vị thiền sư đưa tay đỡ y dậy, nhìn sâu vào đôi mắt y và bảo :

- Thiên đàng là thế đó.

Vâng! Chỉ có Thiên đàng khi con người biết sống yêu thương hài hòa với nhau. Chỉ có Thiên Đàng khi con người biết cảm thông, tha thứ, phục vụ, hy sinh quên mình vì người khác như Lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúng ta hãy xin Chúa giúp cho chúng ta biết sống, biết thực hành những Lời Chúa dạy chúng ta để chúng ta thấy được Thiên Đàng ngay trong cuộc sống của chúng ta. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top