Bài đọc song ngữ và suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 24 Thường Niên C
24th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Exodus 32:7-11,13-14 II: 1 Tm 1:12-17
Chúa Nhật 24 Thường Niên
Bài Đọc I: Xuất Hành 32:7-11,13-14 II: 1 Tm 1:12-17
Gospel
Luke 15:1-32
1 The tax collectors and sinners were all drawing near to listen to him,
2 but the Pharisees and scribes began to complain, saying, "This man welcomes sinners and eats with them."
3 So to them he addressed this parable.
4 "What man among you having a hundred sheep and losing one of them would not leave the ninety-nine in the desert and go after the lost one until he finds it?
5 And when he does find it, he sets it on his shoulders with great joy
6 and, upon his arrival home, he calls together his friends and neighbors and says to them, 'Rejoice with me because I have found my lost sheep.'
7 I tell you, in just the same way there will be more joy in heaven over one sinner who repents than over ninety-nine righteous people who have no need of repentance.
8 "Or what woman having ten coins and losing one would not light a lamp and sweep the house, searching carefully until she finds it?
9 And when she does find it, she calls together her friends and neighbors and says to them, 'Rejoice with me because I have found the coin that I lost.
10 In just the same way, I tell you, there will be rejoicing among the angels of God over one sinner who repents."
11 Then he said, "A man had two sons,
12 and the younger son said to his father, 'Father, give me the share of your estate that should come to me.' So the father divided the property between them.
13 After a few days, the younger son collected all his belongings and set off to a distant country where he squandered his inheritance on a life of dissipation.
14 When he had freely spent everything, a severe famine struck that country, and he found himself in dire need.
15 So he hired himself out to one of the local citizens who sent him to his farm to tend the swine.
16 And he longed to eat his fill of the pods on which the swine fed, but nobody gave him any.
17 Coming to his senses he thought, 'How many of my father's hired workers have more than enough food to eat, but here am I, dying from hunger.
18 I shall get up and go to my father and I shall say to him, "Father, I have sinned against heaven and against you.
19 I no longer deserve to be called your son; treat me as you would treat one of your hired workers."'
20 So he got up and went back to his father. While he was still a long way off, his father caught sight of him, and was filled with compassion. He ran to his son, embraced him and kissed him.
21 His son said to him, 'Father, I have sinned against heaven and against you; I no longer deserve to be called your son.'
22 But his father ordered his servants, 'Quickly bring the finest robe and put it on him; put a ring on his finger and sandals on his feet.
23 Take the fattened calf and slaughter it. Then let us celebrate with a feast,
24 because this son of mine was dead, and has come to life again; he was lost, and has been found.' Then the celebration began.
25 Now the older son had been out in the field and, on his way back, as he neared the house, he heard the sound of music and dancing.
26 He called one of the servants and asked what this might mean.
27 The servant said to him, 'Your brother has returned and your father has slaughtered the fattened calf because he has him back safe and sound.'
28 He became angry, and when he refused to enter the house, his father came out and pleaded with him.
29 He said to his father in reply, 'Look, all these years I served you and not once did I disobey your orders; yet you never gave me even a young goat to feast on with my friends.
30 But when your son returns who swallowed up your property with prostitutes, for him you slaughter the fattened calf.'
31 He said to him, 'My son, you are here with me always; everything I have is yours.
32 But now we must celebrate and rejoice, because your brother was dead and has come to life again; he was lost and has been found.'"
Phúc Âm
Luca 15:1-32
1 Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Đức Giêsu mà nghe Người.
2 Còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng".
3 Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:
4 "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?
5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.
6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó".
7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.
8 "Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?
9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất".
10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối".
11 Rồi Đức Giêsu nói tiếp: "Một người kia có hai con trai.
12 Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng". Và người cha đã chia của cải cho hai con.
13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 "Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,
15 nên phải đi ở cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo.
16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.
17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!
18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,
19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy".
20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. "Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm chồm anh ta và hôn lấy hôn để.
21 Bấy giời người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa..."
22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,
23 Rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!
24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy". Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 "Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa,
26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.
27 Người ấy trả lời: "Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khỏe".
28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.
29 Cậu trả lời cha: "Cha ơi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.
30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!"
31 "Nhưng người cha nói với anh ta: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.
32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỵ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy".
Interesting Details
• (v.1) "Listen": This clearly shows that this group of tax collectors & sinners responds to Jesus' invitation in the previous chapter (14:35). Listen is a sign of conversion, of repentance.
• (v.2) "Complain": While tax collectors and sinners listen to Jesus, the Pharisees and the scribes complain about him. Complain is a clear indication of rejection.
• (v.6) "Rejoice". The lost sheep and the coin are not worth much in comparison to the ninety-nine or the nine. Yet, when found both the shepherd and the woman rejoice: Nothing and no one is insignificant to God.
• (v.15) To tend the swine of a Gentile is about as alienated as a Jew could imagine being.
• (v.20) "Ran": This is an undignified behavior for an elderly Oriental gentleman. This is to shows how eager God is to forgive us when we repent.
• (v.22) The father's forgiveness of his prodigal son is well displayed: a ceremonial robe; a signet ring; and sandals. These indicate the status of free people.
• (v.28) By refusing to come into the house the elder son is acting like those who stand outside the heavenly banquet while many others enter in. (13:28-30)
• (v.29) "I served you": Here, the elder son repudiates his sonship and distances himself as a servant.
• (v.30) "Your son" instead of "my brother". The elder son does not want to accept his "dead" brother as alive and as his brother.
• (v.30) "Prostitutes": The elder son exaggerates his brother's sin which the narrative itself does not mention. His language is remarkably revealing of his anger.
• (v.32) The father's use of "your brother" represents a subtle correction of "your son".
Chi Tiết Hay
• (c 1) Bằng thái độ lắng nghe, những người thu thuế và những người tội lỗi chứng tỏ rằng họ đã đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu trong đoạn trước (14:35). "Nghe" là dấu chỉ đã biết sám hối, ăn năn.
• (c 2) Trong khi những người thu thuế và tội lỗi nghe Đức Giêsu thì các người Pharisêu và kinh sư lẩm bẩm phê phán . "Lẩm bẩm" là dấu chỉ của sự chống đối.
• (c 6) Con chiên lạc và đồng quan bị mất không giá trị bằng chín mươi chín con chiên, hoặc chín đồng quan còn lại. Tuy nhiên khi tìm lại được thì cả người chăn chiên lẫn người phụ nữ cùng vui mừng. Không có gì và không có ai là vô giá trị đối với Thiên Chúa.
• (c 15) Một người Do Thái mà phải đi chăn heo cho một người ngoại ở phương xa chứng tỏ một sự lạc lõng trầm trọng.
• (c 20) "chạy" là một thái độ không phù hợp với phong cách của một bậc lão thành ở Đông phương. Đây cũng cho thấy sự mong mõi của Thiên Chúa, luôn sẵn sàng tha và đón nhận chúng ta trở về khi chúng ta thật lòng hoán cảị.
• (c 22) Sự tha thứ của người cha cho đứa con hoang đàng được chứng tỏ qua hành động và dấu chỉ bên ngoài: áo đẹp nhất, nhẫn và dép. Đây là những biểu tượng của quyền bính dành cho người có tự do.
• (c 28) Khi từ chối vào nhà người anh có cùng thái độ với những người được mời dự tiệc trong Nước Thiên Chúa (13:28-30) nhưng không đáp ứng.
• (c 29) "Con hầu hạ cha": Người con cả chối từ địa vị làm con của mình khi tự coi mình là kẻ hầu người hạ.
• (c 30) "Thằng con của cha" thay vì gọi là "em của con". Người con cả không muốn chấp nhận em của mình, đã "chết" nay lại sống.
• (c 30) "với bọn điếm". Người con cả đã bi thảm hóa tội lỗi của em mình với những chi tiết mà ngay trong đoạn văn ở trên không hề nói tới.
• (c 32) Người cha nói "em con đây" để khéo léo chỉnh lại cách nói "thằng con của cha" mà người con cả đã thốt ra một cách giận dữ ở trên.
One Main Point
Jesus uses three different images to portray the compassion and love of God. Nothing and no one is insignificant to God.
Một Điểm Chính
Đức Giêsu dùng ba hình ảnh của người chăn chiên, người phụ nữ và người cha trong các dụ ngôn để nói lên lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúạ Không có gì và không có ai là vô giá trị đối với Thiên Chúa.
Reflections
1. When, or in what area of life, do I feel worthless, inconsequential, helpless, or defeated? What does God say to me and the second son then?
2. Have I felt being treated unjustly, and not wanting to consider the offender my brother or sister? What does God say to me and the older son then?
3. Different people have different problems, but God loves, consoles, and helps each one. Do I experience this unconditional love as I go through different phases of life?
Suy Niệm
1. Trong lúc nào và trong hoàn cảnh nào tôi cảm thấy thất bại, nản chí, bị đời hất hủi? Chúa nói gì với tôi, cũng như với cậu con hoang đàng?
2. Tôi có từng cảm thấy bị đối xử bất công, và không thể coi kẻ xử tệ mình như anh chị em mình? Khi đó Chúa nói gì với tôi, cũng như với cậu con cả?
3. Con cả hay con thứ đều có vấn đề, nhưng ai Chúa cũng thương yêu, an uỉ, nâng đỡ. Tôi có cảm nhận được tình thương vô điều kiện của Chúa trong những lúc thăng trầm của cuộc đời không?
Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN - C
Lời Chúa: Xh 32,7-11.13-14; 1Tm 1,12-17; Lc 15,1-32
MỤC LỤC
1. Lòng Chúa xót thương
2. Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
3. Người cha
4. Niềm vui san sẻ - Achille Degeest
5. Người cha sẽ làm bất cứ điều gì cho chúng ta
6. Cây táo và miếng vải trắng
7. Quan trọng - McCarthy
8. Lạc mất - McCarthy
Suy niệm
Qua phần phụng vụ lời Chúa hôm nay, tôi muốn chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ về tình yêu của Thiên Chúa.
Trước hết đó là một tình yêu đi bước trước.
Thực vậy, hình ảnh mà tiên tri Ezechiel cũng như nhiều vị tiên tri khác đã dùng, đó là hình ảnh một mục tử lặn lội đi tìm kiếm con chiên, không quản ngại đường xa và khó khăn khôn lường.
Chính Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần khẳng định chân lý ấy: Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước khi có chúng ta. Người đã cứu độ chúng ta trước khi chúng ta trở về, nghĩa là khi chúng ta còn ở trong tội lỗi. Thái độ và cách thức cư xử của Chúa Giêsu đối với những kẻ thu thuế và tội lỗi đã là một lời nói hùng hồn chứng minh cho sự thật trên.
Từ đó chúng ta nhận thấy tình yêu đi trước cũng chính là tình yêu vô điều kiện và hoàn toàn vô vị lợi, hoàn toàn nhằm tới hạnh phúc của người được yêu thương. Chỉ mình Thiên Chúa, mới có được thứ tình yêu tinh ròng và cao cả như vậy, còn chúng ta chúng ta được Chúa mời gọi để sống trọn lành như Ngài, nghĩa là cũng phải có một tình yêu đi bước trước, một tình yêu không điều kiện, một tình yêu vô vị lợi đối với những người anh em.
Tiếp đến tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu thiên vị.
Lời xác quyết này có lẽ làm cho chúng ta hơi ngạc nhiên. Đúng thế, Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, không trừ một ai, không bỏ bất cứ con người nào, dù người đó xấu xa tội lỗi đến đâu chăng nữa. Tuy nhiên có một điều cũng hết sức hiển nhiên là trong cung cách sống của Chúa Giêsu, chúng ta thấy được một tình yêu ưu tiên, một tình yêu thiên vị, dành cho những kẻ sống bên lề xã hội thời bấy giờ, đó là đàn bà, trẻ em, những người thu thuế, những người ngoại đạo và những kẻ tội lỗi công khai, như đĩ điếm, trộm cướp... Người Do Thái đã gán cho Ngài cái biệt hiệu là bạn đồng bàn với phường tội lỗi, và họ đã nói lên được một sự thật.
Tuy nhiên họ không hiểu được tâm trạng và cõi lòng của Thiên Chúa như chính Ngài đã diễn tả: Tư tưởng và đường lối của Ta thật khác biệt với tư tưởng và đường lối của các ngươi. Quả thật, Chúa Giêsu đã gần gũi, đã làm bạn, đã cứu vớt những kẻ tật nguyền, bệnh hoạn và tội lỗi. Ngài đã khẳng định một cách rõ ràng và minh bạch: Chỉ có bệnh nhân mới cần đến thầy thuốc, và Ngài chính là vị thầy thuốc mà các tâm hồn ốm đau đang chờ đón. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn xác định mục tiêu Ngài phải theo đuổi, sứ mạng Ngài phải thực hiện khi đến trong trần gian:
- Con Người tới là để tìm kiếm và cứu chuộc những gì đã hư đi.
Chỉ khi nào chúng ta hiểu được cái thế ưu tiên, cái thế thiên vị ấy trong cách chọn lựa của Chúa, chúng ta mới nghiệm ra được tại sao nỗi vui mừng hân hoan của Chúa lại lớn lao đến thế, khi tìm thấy một con chiên lạc, một đồng bạc bị đánh rơi hay một người con hoang đàng trở về nhà cha. Cả thiên đàng sẽ vui mừng vì một kẻ tội lỗi sám hối ăn năn hơn là 99 người công chính không cần ăn năn sám hối.
Và như vậy, ước muốn của Thiên Chúa là con người được cứu rỗi và sống trong tình thương yêu của Ngài, chứ không phải là lặn ngụp trong chốn bùn nhơ tội lỗi, để rồi cuối cùng sẽ bị kết án đoạ đầy muôn kiếp.
2. Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT
Bài Phúc Âm vừa nghe là một trong những trang đẹp nhất của Tin Mừng. Có thể gọi đó là Tin Mừng của Tin Mừng. Vì chương 15 Phúc Âm Luca này được coi như bản tóm tắt tất cả Phúc Âm. Tin Mừng đó là Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót. Lòng thương xót của Thiên Chúa thực vô biên, dài, rộng, cao, sâu khôn lường, ta không thể nào hiểu thấu. Những bài sách thánh hôm nay hé mở cho ta mấy nét của lòng thương xót vô biên đó.
1. Nét thứ nhất của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa là: sự tha thứ
Tình yêu đích thực không được đo bằng đam mê nồng cháy. Bởi những đam mê nồng cháy mau qua như một cơn bão lốc. Bão lốc qua đi chỉ để lại đổ vỡ điêu tàn.
Tình yêu đích thực không được đo bằng hy sinh tận cùng. Người ta có thể hy sinh mạng sống vì của cải, danh vọng. Hy sinh như thế có thể chỉ vì bản thân mình chứ không phải vì người khác.
Tình yêu đích thực được đo bằng sự tha thứ. Chỉ có yêu thực lòng, yêu tha thiết mới có thể tha thứ. Khi yêu người ta dám cho đi tất cả. Nhưng ít có ai cho đi sự tha thứ. Chính tha thứ mở cho ta cánh cửa dẫn vào thâm cung nhiệm mầu của tình yêu.
Tha thứ là đặc tính của tình yêu Thiên Chúa. ta hãy đọc lại lịch sử dân Israel. Biết bao lần dân chúng phản bội, chống lại Thiên Chúa. Nhưng Chúa vẫn nhân từ tha thứ. Khi Môsê cầu nguyện trên núi, dân Do Thái đã phản bội, gom góp vàng bạc đúc tượng bò mà thờ. Chúa nổi giận muốn phạt họ. Nhưng khi Môsê nài xin Chúa, Chúa đã nguôi giận mà tha thứ cho dân.
Phaolô ghét đạo Chúa, đi tìm bắt những người theo Chúa. Nhưng Chúa đã thương hoán cải ông. Hơn nữa, Chúa còn chọn ông làm Tông đồ cho Chúa.
Người con bỏ nhà ra đi, phung phí hết tiền của cha, nhưng người cha già vẫn yêu thương chờ đời, tha thứ hết khi nó trở về.
Sự tha thứ của Thiên Chúa đối với con người, nhất là người tội lỗi thực là vô biên. Sự tha thứ ây minh chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người lớn lao biết chừng nào.
2. Nét thứ hai của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đó là: sự đi tìm.
Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ, nhưng Người không chỉ ngồi đó chờ kẻ có tội trở về xin lỗi rồi mới thứ tha. Không, chính Thiên Chúa chủ động, có sáng kiến đi tìm con người. Đó là nét độc đáo trong tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa.
Chính Chúa đi tìm Phaolô khi ông đang trên đường lầm lạc, có sáng kiến làm ông té ngựa để đưa ông trở lại với Chúa. Chính Chúa là người chăn chiên đi tìm con chiên bị lạc. Là người ra ngõ tìm đứa con bỏ nhà đi hoang. Cuộc đi tìm không phải dễ dàng. Người chăn chiên phải băng đồi vượt sông, luồn lách qua gai góc, dẫm đạp sỏi đá, chịu đựng nắng mưa, bất chấp thú dữ rình rập. Người phụ nữ phải thắp đèn soi vào mọi ngóc ngách trong nhà, lùa chổi vào những khe nứt nhỏ bé, kiên nhẫn moi móc tìm kiếm niềm hy vọng mong manh. Người cha phải vượt qua những thành kiến xã hội, lòng tự ái bị thương tổn, trái tim đau đớn vì yêu thương.
Đi tìm là yêu thương. Còn hơn thế, đi tìm là đã tha thứ. Quả thật Chúa đã yêu thương ta trước. Người yêu thương ta trước khi ta biết Người. Người tha thứ cho ta trước khi ta xin lỗi. Người đi tìm ta trước khi ta trở về.
3. Nét thứ ba của lòn thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đó là: Thiên Chúa yêu thương từng người, dù rất bé nhỏ.
Trong đời sống xã hội, những người bé nhỏ nghèo hèn thường bị bỏ quên: sống cô đơn, chết cô độc, chìm vào quên lãng. Nhưng trong trái tim Thiên Chúa, mỗi người đều chiếm một vị trí quan trọng. Mỗi người đều là duy nhất độc đáo, không thể thay thế được đối với Thiên Chúa. Càng bé nhỏ nghèo hèn lại càng chiếm vị trí quan trọng trong tình yêu Thiên Chúa.
Một con chiên lạc có gì so với 99 con chiên còn lại. Giữ 99 con còn lại vừ nhàn nhã lại vừa có lợi. Đi tìm một con đi lạc vừa mệt nhọc lại vừa thiệt thòi. Nhưng trong tình yêu làm gì có tình toán thiệt hơn. Một con chiên nhỏ bé lạc loài đã chiếm hết trái tim của người mục tử nhân từ. Bao lâu chưa tìm được con chiên nhỏ bé gầy gò, lạc bầy ấy, lòng người mục tử ấy vẫn còn khắc khoải lo âu.
Đứa con bỏ nhà ra đi, xài phí hết gia sản cha mẹ làm sao sánh được với đứa con trai ngoan ngoãn ở nhà, biết chăm lo công việc, luôn hiếu thảo phụng dưỡng mẹ cha. Ấy vậy mà người cha ăn không ngon, ngủ không yên, tắt tiếng cười, mắt mờ lệ, bao lâu đứa con hư hỏng chưa trở về.
Thật kỳ diệu tình thương của Thiên Chúa. chính vì những tâm hồn bé nhỏ, tội lỗi, yếu đuối ấy mà Thiên Chúa đã sai Con Một Người xuống trần gian như lời Chúa Giêsu nói: “Những người bệnh mới cần đến thầy thuốc”.
Thực là vô biên lòng thương xót của Thiên Chúa. lòng thương xót ấy lớn hơn cả trái tim của ta. Ơn lành của Thiên Chúa lớn hơn cả tội lỗi của ta. Sự tha thứ của Thiên Chúa lớn hơn cả trí tưởng tượng của ta. Tất cả chúng ta hãy đến với Người. Hãy mang theo những yếu đuối lầm lỡ của ta. Hãy cho Người xem vết thương từ lâu gặm nhấm trái tim ta. Hãy tâm sự nỗi buồn vô vọng của ta. Thiên Chúa Cha chúng ta Đấng giaù lòng thương xót. Không có tội lỗi nào Người không tha thứ,không có vết thương nào Người không chữa lành. Không có nỗi buồn nào Người không an ủi.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Kể ra vài nét của lòng thương xót của Chúa?
2. Tại sao tha thứ là dấu chỉ rõ nhất của tình yêu?
3. Cảm nhận được tình yêu và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. bạn có coi điều này là hệ trọng nhất trong đời không?
3. Người cha
Suy Niệm
Khi chiêm ngắm người cha nhân hậu, ta khám phá ra khuôn mặt một Thiên Chúa yêu thương.
Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa khiêm tốn.
Như người cha chấp nhận chia gia sản cho con, chấp nhận để con bỏ nhà ra đi, Thiên Chúa cũng tôn trọng tự do của con người.
Đấng Toàn Năng đã tự giới hạn quyền năng của mình để chúng ta có thể hiện hữu một cách tự do. Ngài như thể thu mình lại để nhường chỗ cho thụ tạo.
Không phải chỉ con người mới cần cởi giày trước Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa cũng cởi giày trước mầu nhiệm con người, vì lòng con người cũng là phần đất thiêng thánh.
Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa biết chờ đợi.
Thiên Chúa vẫn nuôi hy vọng khi con người lìa xa Ngài.
Người Cha vẫn luôn ngóng con từ bên cửa sổ. Lòng Cha luôn hướng về con. Bởi thế ngay khi con còn ở đàng xa, Cha đã thấy. Cha vẫn nhận ra con, dù con xanh xao tiều tụy.
Thiên Chúa không thất vọng về con người. Ngài không bắt ép người ta hoán cải, Ngài chỉ chờ. Ngài chờ vì Ngài tôn trọng tự do của họ.
Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa biết tha thứ.
Ngài là Cha yêu con bằng cung lòng người mẹ.
Rõ ràng con thứ thật đáng trách, vì bất hiếu. Nhưng tình thương của Cha còn lớn hơn tội của anh.
Cha thương anh vì anh đã lỗi phạm.
Tội lỗi tự nó đã đem lại hình phạt rồi.
Người cha có vẻ không cần nghe con mình xin lỗi. Sự trở về của anh đã là lời thống hối ăn năn.
“Con ta đã chết, nay đang sống; đã mất, nay lại tìm thấy.”
Thiên Chúa không nhớ mãi chuyện đã qua. Điều quan trọng là hiện tại: con đang sống trong vòng tay Cha.
Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa luôn chạy ra, như người cha chạy ra để đón đứa con thứ, như người cha đi ra để năn nỉ đứa con cả.
Thiên Chúa dường như không yên trong hạnh phúc của mình, nếu có một người con còn đứng ngoài.
Người cha trong dụ ngôn chẳng sợ mất uy nghi, đạo mạo. Ông chạy đến với con, phá vỡ khoảng cách của quyền uy. Quyền uy của người cha là quyền uy của tình yêu, mà tình yêu thi có can đảm vượt qua mọi khoảng cách.
Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa biết nhảy mừng.
Thiên Chúa đãi tiệc vì một người ăn năn sám hối.
Nhưng Thiên Chúa nhảy mừng cũng là Thiên Chúa từng đau khổ. Ngài đau nỗi đau của con khi cố tình xa Cha.
Thiên Chúa biết buồn vui với con người và vì con người.
Hãy trở lại và ở lại trong nhà Cha, vì Cha muốn trao cho bạn tất cả những gì Ngài có. Tiệc đã sẵn, vào với Cha cũng là về với anh em.
Gợi Ý Chia Sẻ:
• Qua bài Tin Mừng này, bạn hãy cho thấy khuôn mặt khiêm tốn của người cha. Bạn thấy Thiên Chúa có khi nào khiêm tốn với bạn không?
• Đâu là những nét giống nhau giữa người con thứ và người con cả? Người con cả cần hoán cải về tội gì?
Cầu Nguyện
Lạy Cha, người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình.
Chúng con vẫn rơi vào tội của người con thứ, khi coi Cha như người cản trở hạnh phúc của chúng con. Chúng con thèm được tự do bay nhảy ngoài vòng tay Cha, nhưng tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ.
Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo. Như người con thứ, chúng con bỗng thấy mình tay trắng, rơi xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe dọa.
Lạy Cha đầy lòng bao dung, xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày, giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc. Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội.
Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên, thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng.
Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ, chúng con lại thấy mình hiền hòa hơn với tha nhân.
4. Niềm vui san sẻ - Achille Degeest
Suy niệm của chúng ta về dụ ngôn đồng bạc đánh mất rồi tìm thấy, bắt đầu từ ý niệm việc tông đồ của người Kitô hữu phải tỏa rộng niềm vui đã tìm thấy ơn cứu độ.
Người đàn bà nói trong dụ ngôn rất bực vì đánh mất đồng bạc, món tiền nhỏ nhưng rất quý đối với mình. Moi móc các nơi trong nhà, tìm được rồi, bà ấy vui mừng phân phô với hàng xóm.
Chúng ta chuyển dụ ngôn sang bình diện đời sống nhân loại. Kitô hữu là một người đau xót vì thiết mất một vật gì, biết rõ nó là của mình trước đây, mình đã vô ý đánh mất; mơ hồ cảm thấy tất cả con người mình khao khát tình thân thiết của Thiên Chúa, nhận thức rằng tai họa do sự tội đã khiến mình đánh mất tình thân thiết quý báu ấy. Nhưng không cam chịu mất mát, người ấy tìm tòi trong mình và quanh mình, tự hỏi lòng mình, hỏi cả người xung quanh. Một ngày kia, gặp thấy ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, lại tìm thấy ý nghĩa cuộc đời, người ấy vui mừng. Của bị mất nay lại tìm thấy, nó quý vô cùng, đến nỗi không thể vui riêng một mình, người ấy phải san sẻ với người xung quanh. Người ấy có giống người đàn bà mất tiền không? Có gọi bạn bè hàng xóm đến chung vui không? Vấn đề ấy không đặt ra ở đây. Vấn đề khác sâu sắc hơn là niềm vui phải làm rạng ngời vẻ mặt một kẻ được cứu vớt, vui từ thâm tâm tỏa ra trên nét mặt, lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ niềm vui giữa anh em mình. Hai câu hỏi đặt ra cho chúng ta:
1) Chúng ta có cảm biết sâu sắc không, thế nào là đánh mất rồi tìm lại được?
Có thể rằng chúng ta tự tại trong niềm tin, trong sự giữ đạo đầy đủ, cho nên không hiểu được thấm thía tai họa to lớn xảy đến cho kẻ không có đời sống siêu nhiên. Người Kitô hữu rất có thể -nói theo ngôn từ Phúc Âm- lâm vào tình huống mất tiền mà không biết; vì không biết nên không tìm kiếm; không tìm kiếm nên không tìm được đồng bạc, không có được niềm vui. Chúng ta thử nghĩ về bi kịch đời sống kẻ đã mất Thiên Chúa; chúng ta hãy vui lên vì đã tìm lại được tình thân thiết của Thiên Chúa (hoặc nói đúng hơn, vì tình thân thiết của Thiên Chúa đã tìm lại được chúng ta- đàng nào kết quả cũng vậy).
2) Chúng ta có san sẻ niềm vui với anh em không?
Ở đây đặt ra vấn đề hoạt động tông đồ theo một đường lối nào đó. Một số đường lối truyền giáo (nhất là một số buổi họp đoàn thể) ít lan tỏa niềm vui… Niềm phấn khởi, sức năng động của công việc truyền giáo phải bắt nguồn từ niềm xác tín sâu sắc và kinh nghiệm sống rằng ‘chúng ta đã tìm thấy’. Bình thường thì phát hiện ấy phải khiến chúng ta vui mừng, niềm vui của chúng ta phải tỏa rộng. Chúng ta biết rằng niềm vui thu hút, niềm vui đa dạng. Chúng ta cũng biết, nụ cười tươi của chiến sĩ truyền giáo thu được nhiều thành quả hơn mọi kỹ thuật hành động.
5. Người cha sẽ làm bất cứ điều gì cho chúng ta
(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ - Charles E. Miller)
Khi những người cha người mẹ yêu con cái của mình họ sẵn lòng làm bất cứ điều gì cho chúng. Tuy nhiên đã xảy ra là những đứa con ít khi nhận biết tình yêu sâu nặng của cha mẹ dành cho chúng. Cả hai người con trong dụ ngôn hôm nay của Chúa Giêsu đã không hiểu được tình yêu của cha mình. Cũng không thể hiểu được sự dâng hiến của ông dành cho chúng, như là những người con của ông không hề thay đổi, không hề có vấn đề gì. Người cha không thể nào tưởng tượng có gì đổi khác trong mối liên hệ với những người con của mình.
Đầu tiên, tôi nghĩ về người con thứ, người con mà chúng ta hay nhắc tới là người con hoang đàng, người con phung phá hết tất cả tài sản của mình. Khi anh nhận ra sự điên rồ của mình, anh đã sửa soạn một bài diễn văn nhỏ để nói với cha của mình. Trong những lời anh đã soạn sẵn đó, anh cũng nhận ra rằng anh không còn xứng đáng để được gọi là con, và anh mong cha coi anh như một người làm công thôi.
Khi anh trở về nhà và nói lên những lời đã soạn sẵn của mình, nhưng người cha không hề để ý đến điều ấy. Người cha đã ôm choàng lấy người con, hôn lấy hôn để và gọi gia nhân làm tiệc mừng. Ông ta nhấn mạnh: “Hãy xỏ giày vào chân cậu”, một dấu hiệu anh trở về với gia đình như một thành phần của gia đình chứ không phải là một tôi tớ, bởi vì chỉ những phần tử của gia đình mới mang giày trong nhà. (Một bài hát thiêng liêng cổ đã hát: ‘Tất cả những con cái của Thiên Chúa đều được mang giày’).
Người con lớn mà chúng ta cũng không hề có cảm tình. Anh ta không hề rời xa nhà, anh vẫn tiếp tục chu toàn công việc bổn phận với người cha. Anh đã từ chối vào dự tiệc mừng đứa em của mình và lý do anh đưa ra để biện minh cho sự từ chối của mình tiết lộ rằng, anh ta đã quá thất bại trong mối tương quan của anh với cha của mình. Anh ta minh chứng: “Bao nhiêu năm con đã làm việc hầu hạ cha như nô lệ, mà cha không hề cho con một con dê nhỏ để con ăn mừng với chúng bạn”. Người ch của anh đã trở thành một chủ nô, một người chủ keo kiệt bủn xỉn, đứa con đã nghĩ rằng nó như nô lệ, vì anh ta chỉ trông đợi một phần thưởng, anh ta đã không phục vụ người cha của mình với tình yêu. Nhưng người cha đã đáp lại: “Con luôn luôn ở với cha, mọi sự của cha là của con”. Thật sự điều này đã biểu lộ được cảm xúc của người cha, thật ra ông ta đã đáp lại sự giận dữ của con trai bằng một sự dịu dàng. Ông ta không hề khuyên nhủ con mình, ông chỉ nhìn con và nói hai từ: “Con ơi”.
Người Cha trong dụ ngôn là một người đáng để ý. Khi người con thứ quyết định trở về nhà thì ông đã nồng nhiệt chạy ra tiếp đón nó: “Khi người con cả từ chối vào dự tiệc, người cha cũng chạy ra nói anh ta và nài xin anh ta vào”.
Điểm đáng chú ý hơn, Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Để bắt đầu hiểu và nhận biết Thiên Chúa, chúng ta phải nhớ chúng ta là ai. Chúng ta là con cái của Thiên Chúa, là những con trai, con gái yêu dấu của Người. Thiên Chúa sẽ không bao giờ thay đổi tình yêu mà Người luôn luôn qua tâm đến chúng ta ngay cả khi chúng ta từ bỏ Ngài. Không có vấn đề chúng ta điên rồ thế nào trong cách sống, không có vấn đề chúng ta xa rời tình yêu của Thiên Chúa thế nào. Thiên Chúa vươn đến chúng ta bằng ân sủng của Người.
Mỗi ngày Chúa Nhật, Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến nhà của Ngài, nhà thờ. Thiên Chúa luôn luôn là Cha của chúng ta. Nhà của Người là ngôi nhà gia đình của chúng ta. Nơi đây Ngài mời gọi chúng ta cử hành nghi thức gia đình, một bữa ăn thánh thiện mà tại đó Người Con thần linh của Ngài nói với chúng ta bằng những lời trong Thánh Kinh, nuôi dưỡng chúng ta bằng Thánh Thể. Chúng ta được kêu gọi tới bữa ăn này như là một bữa tiệc vui mừng và một biến cố hạnh phúc của chúng ta, bởi vì chúng ta nhận biết rằng chúng ta đã chết một lần trong tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu bằng cái chết đã phục hồi cho chúng ta sự sống. Chúng ta đã trở nên thành phần của gia đình Thiên Chúa, những con cái yêu dấu của Người và Thiên Chúa sẽ không bao giờ thay đổi mối quan hệ đó. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và Ngài đã trình bày rằng Ngài sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho chúng ta. Chúng ta có thể điên rồ hoặc là quên lãng được Thiên Chúa là Cha chúng ta và chúng ta là con cái của Người sao?
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Richard Pidell có viết một câu chuyện ngắn nhan đề: “Đứa con trai của một ai đó” (Somebody’s son). Câu chuyện mở đầu với một cậu bé tên là David bỏ nhà ra đi sống bụi đời. Vì khổ quá, không chịu nổi, cậu bèn viết một lá thư gửi về nhà cho mẹ bày tỏ niềm hy vọng được ông bố cổ hủ tha thứ cho cậu và chấp nhận cậu làm con trở lại. Lá thư như sau: “Mẹ kính mến, trong một vài ngày nữa con sẽ đi ngang qua nhà. Nếu bố bằng lòng nhận con trở lại, thì mẹ yêu cầu bố cột một miếng vải trắng lên cây táo hồng ở miếng đất cạnh nhà chúng ta”. Vài ngày sau, David lên tàu hỏa đi về. Trong lúc tàu hỏa lao nhanh đến nhà thì hai hình ảnh cứ liên tục hiện ra trong trí cậu ta: khi thì trên cây táo có cột một miếng vải trắng, khi thì trên cây chẳng cột một miếng vải trắng nào. Tàu hỏa càng tiến gần nhà, trái tim David càng đập nhanh hơn. Không bao lâu nữa cây táo sẽ hiện ra ở khúc quẹo, nhưng David không dám tự mình nhìn tới vì sợ nhỡ không có miếng vải trắng cột ở đó. Thế là cậu quay sang người đàn ông bên cạnh ấp úng nói: “Thưa ông, ông có thể làm ơn giúp cháu một việc không? Vào khúc quẹo bên tay mặt, ông sẽ thấy một cây táo. Ông làm ơn cho cháu biết trên cành cây táo đó có một miếng vải trắng không nhé”.
Khi tàu hỏa rầm rập lướt qua cây táo, David nhìn chăm chăm về phía trước. Đoạn run run giọng, cậu hỏi người đàn ông: “Thưa ông, có một miếng vải trắng nào treo ở cành cây táo đó không?” Ông ta sửng sốt trả lời: “Ồ, nầy cậu bé, cành cây nào ta cũng thấy có một miếng vải trắng cả!”
Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Phiêu lưu trong tội lỗi, chúng ta chỉ cảm thấy chán chường thất vọng. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta từng giây từng phút. Tình yêu của Ngài vượt lên trên mọi tính toán, đo lường của chúng ta. Người con hoang đàng trong Tin Mừng chỉ xin được đối xử như một người làm công trong nhà, nhưng người cha đã phục hồi anh trong tước vị làm con. Ông đã xỏ nhẫn cho anh, mặc áo mới cho anh và sai mở tiệc ăn mừng.
Phải, Thiên Chúa yêu thương và tha thứ hơn cả sự chờ mong của chúng ta. Đối với Chúa, mỗi người chúng ta đều đáng kể, không thể có gì khác thay thế được. Mỗi con người là như một con chiên trong đàn, phải được chăm sóc như nhau, không được để thất lạc. Chính mươi chín con chiên yên lành không làm nguôi lòng thương đối với một con chiên lạc. Thiên Chúa cũng cuống quýt như một bà già nghèo đánh mất một đồng bạc quý. Phày hì hục moi móc mọi ngóc ngách trong nhà để tìm cho bằng được. Như người cha già, con mình đã hư quá thể mà trong lòng vẫn lo lắng không nguôi, vẫn không thôi chờ đợi đến mỏi mòn, cho đến lúc ôm lại đứa con vào lòng và rạo rực vui sướng không gì kìm hãm được và cả Thiên đàng cũng vui lây, vui sướng vì một người tội lỗi ăn năn trở lại hơn cả vui sướng vì chính mươi chín người lành thánh không cần sám hối ăn năn.
Thiên Chúa rất khác chúng ta. Đối với Ngài, mỗi con người là như một khúc ruột của mình. Ngài thương mỗi người, để ý chăm sóc mỗi người như chỉ có một không hai trên đời. Nếu chúng ta lỡ lạc đường, Ngài tạo mọi điều kiện để ta có thể trở về. Và điều kiện duy nhất Ngài đòi hỏi là tin vào tình thương tha thứ của Cha để mà dám trở về. Sự trở về của con chiên lạc đem lại niềm vui cho người mục tử nhiều hơn niềm vui có chín mươi chính con ở lại trong đàn.
Thưa anh chị em,
Đến đây, đáng lẽ dụ ngôn về người cha nhân hậu đã có thể kết thúc rất đẹp với nỗi vui mừng của người cha. Nhưng Chúa Giêsu lại nối thêm cái đoạn cuối về người con cả. Chúng ta cũng nên dừng lại một chút với thái độ của người con cả để hiểu hết ý Chúa muốn dạy chúng ta qua dụ ngôn nầy.
Người con cả là một người con chí thú làm ăn ở nhà với cha, nhưng xem ra quan hệ với cha không được thân mật, thẳng thắn. Tuy ở nhà với cha nhưng lòng vẫn xa cách. Và kết quả là người con cả đã không hiểu và không chấp nhận nổi cách xử sự của cha đối với đứa em của anh vừa trở về. Do đó, thay vì nhập tiệc chia vui với cha và với em, người con cả đã dừng lại ở cửa, tự mình đứng ở thể tách biệt với gia đình sum họp.
Người con cả ở đây tiêu biểu cho nhóm người Biệt phái Pharisêu trong dân Do Thái. Họ tưởng rằng họ trung thành với Thiên Chúa và đáng được Chúa thương, có quyền hưởng gia tài, rồi khinh bỉ các dân ngoại và những hạng người mà họ cho là tội lỗi. Thì ra, Tin Mừng hôm nay là một Tin Mừng đối với người tội lỗi sám hối trở về, nhưng đồng thời lại cũng là một lời cảnh cáo đối với những người “ở trong nhà”, những người tưởng mình đạo đức, tốt lành. Người con cả, bao nhiêu nămm ai cũng tưởng là ngoan ngoãn tốt lành lắm. Đến ngày em của anh hồi sinh và trước niềm vui vô bở của người cha, anh đâm ra hậm hực, bực tức… thì ra bề ngoài anh ngoan, nhưng nội tâm của anh thì cay nghiệt, tù túng, đầy những ghen tị, sát phạt. Cả anh nữa, anh cũng chẳng hiểu thế nào là lòng thương xót. Cuối cùng anh không muốn bước vào lòng thương xót đó. Anh chưa gặp được Thiên Chúa. Anh vẫn ở ngoài ơn cứu độ. Dụ ngôn cho thấy, người cần trở lại hơn hết chính lạ người con cả, người con vẫn ở nhà với cha nhưng lòng thì không ở cùng với cha.
Anh chị em thân mến,
Hãy tin vào tình thương yêu vô bờ bến của Thiên Chúa mà trở về với Ngài, nếu chúng ta lỡ lạc đàng, sa ngã. Và hãy khoan dung tha thứ cho những người anh chị em, nếu chẳng may có ai trượt chân vấp ngã. Phải tìm đến với người anh chị em đó để giúp họ trở lại với Chúa là Cha yêu thương. Đừng có thái độ lên án, loại trừ như thái độ của người con cả trong dụ ngôn. Trái lại, hãy vui mừng vì đã giúp được một người anh em gặp lại niềm vui cứu độ. Hãy coi thái độ khoan dung, quảng đại yêu thương tha thứ của người cha trong dụ ngôn là hình ảnh của lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa, để chúng ta biết đối xử với những người anh em như Chúa đã đối xử với chính chúng ta.
“Lạy Chúa, xin tỏ lòng thương xót con, và lấp đầy trái tim con tình yêu tha thứ của Chúa. Con là đứa con thứ đã bỏ nhà ra đi rồi lại trở về. Con cảm ơn Chúa đã đón nhận lại con. Và con cũng là người con cả đã từng khư khư không chịu tha thứ cho anh chị em con như Ngài đã tha thứ cho con. Vậy xin Chúa hãy chạm vào trái tim con với tình yêu tha thứ của Ngài. Để rồi sau khi an nghỉ trong cõi chết, con sẽ thức dậy trước thánh nhan Ngài mãi mãi cùng với anh chị em từng được con tha thứ lỗi lầm”. Amen.
7. Quan trọng - McCarthy
Người ta có thể nói: Tại sao người mục tử lại quan trọng hóa như thế với một con chiên đi lạc trong lúc người ấy vẫn còn 99 con khác? Và tại sao người phụ nữ lại quan trọng hóa như thế với một đồng tiền đánh mất? Bất cứ cái gì mà chúng ta đánh mất đều có một giá trị thái quá. Ví dụ như bạn đánh mất một cái chìa khóa. Ngay khi bạn làm mất, cái chìa khóa ấy trở nên quan trọng hơn tổng số mọi vật mà chúng ta vẫn có. Không bao giờ chúng ta biết giá trị của một vật chúng ta có cho đến khi chúng ta mất nó.
Một lần kia, có một thanh niên mong ước mình sẽ trở thành một nhà nhiếp ảnh. Mỗi năm, anh đem một gói các bức ảnh đẹp nhất của mình đến nhà một nhiếp ảnh gia lão thành và danh tiếng để xin ông này chỉ dẫn và đánh giá. Nhiếp ảnh gia lão thành nghiên cứu các bức ảnh và chia ra làm hai gói nhỏ, một gói gồm các bức ảnh đẹp và một gói gồm các bức ảnh xấu, chưa đạt. Năm nào ông cũng nhận thấy rằng người thanh niên luôn đem đến một bức ảnh chụp phong cảnh và lần nào cũng bị xếp vào các bức ảnh xấu bị loại. Vì thế, ông mới quay lại người thanh niên và nói:
- “Rõ ràng là cậu đánh giá cao bức ảnh này. Tại sao cậu lại thích nó như thế?”
Người thanh niên đáp:
- “Bởi vì cháu phải leo lên núi để chụp nó”.
Một vật trở nên quí giá đối với chúng ta bởi vì chúng ta mất nó. Nhưng nó cũng có thể trở nên quí giá vì công sức mà chúng ta đã bỏ ra cho nó. Những hy sinh mà chúng ta đã thực hiện có được hoặc giữ được nó làm tăng thêm giá trị của nó trong mắt chúng ta.
Có một câu chuyện tuyệt vời kể lại rằng một ngày nọ Đức Giêsu hiện ra với một người mục tử đang gặp chuyện đau buồn. “Tại sao con buồn bã thế?” Người hỏi “Bởi vì con đã để mất một trong các con chiên của con”, người mục tử đáp “và dù con đã tìm kiếm khắp nơi, con đã không tìm thấy nó. Có lẽ chó sói đã xé xác nó”. Nghe đến đây Đức Giêsu nói: “Con hãy chờ ở đây. Chính Thầy sẽ đi tìm nó”.
Nói xong, Người biến mất vào trong các đồi. Ít giờ sau, Người trở lại với con chiên lạc. Đặt con chiên dưới chân người mục tử, Người nói: “Kể từ ngày hôm nay, con phải yêu thương con chiên này hơn những con chiên khác trong bầy chiên của con, vì nó đã mất mà nay đã tìm lại được”.
Trong các câu chuyện con chiên lạc và đồng tiền đánh mất Đức Giêsu nhấn mạnh một điều, đó là: Đối với Thiên Chúa, mỗi người đều quan trọng và quí giá. Nhất là khi người ấy đã hư mất. Thiên Chúa sẽ yêu thương người ấy nhiều hơn chứ không ít đi.
Những người Pharisêu tự coi mình là những mẫu mực về đạo đức nên không liên can gì đến những người tội lỗi. Họ cho rằng Thiên Chúa cũng không quan tâm đến những người tội lỗi. Tín điều chính yếu trong tôn giáo của họ la: “Thiên Chúa yêu thương người đạo đức và ghét bỏ kẻ tội lỗi”. Nhưng Đức Giêsu cho họ thấy có một loại Thiên Chúa hoàn toàn khác hẳn.
Đức Giêsu nhân hậu và yêu thương khi Người tiếp cận với những người tội lỗi. Người biết rằng sự loại trừ và phán xét không bao giờ giúp cho một người thay đổi. Vì thế Người dùng sự hiện diện của Người như một cách để người ta cảm thấy được chấp nhận và yêu thương và trong bầu không khí ấy họ có thể đáp lại và thay đổi.
Dù từ một quan điểm nhân bản, sự tiếp cận của Người cũng mang nhiều ý nghĩa. Nếu một đứa bé bị lạnh và đói lả, nó không cần một bài giảng thuyết; nó cần hơi ấm và lương thực. Jean Vanier cũng nói rất hay: “Con người ở trong cảnh khốn cùng không cần một cái nhìn xét đoán và chỉ trích, nhưng cần một sự hiện diện đầy an ủi đem lại bình an, hy vọng và sự sống”.
“Khi một người cha than khóc đứa con của mình đã đi vào những con đường xấu xa, ông sẽ làm gì? Ông sẽ yêu thương nó nhiều hơn bao giờ hết” (Beal Shem Tov).
Không chỉ có chiên cừu và các đồng tiền bị đánh mất. Con người cũng bị lạc mất. Theo tờ The Tablet (Tháng 12-1996) có khoảng 250.000 người ở Anh Quốc bị mất tích mỗi năm. Đủ mọi loại tuổi và thành phần, từ trẻ em cho đến người đứng tuổi, bởi mọi loại lý do và không lý do nào giống lý do nào, và họ bỏ đi mất tích. Những người ở lại, gia đình của họ bị nghi kỵ dày vò, tội lỗi dằn vặt và lo lắng, người ta vừa sống với niềm hy vọng vừa tuyệt vọng, không thể chấp nhận điều đã xảy ra hoặc đau buồn vì họ đã chết. Đường dây những người mất tích của quốc gia được thiết lập ở Anh quốc năm 1992 và mở ra 24 giờ mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm. Đây là một trong những hoạt động từ thiện phát triển nhanh nhất ở nước Anh.
Vấn đề còn to lớn hơn ở Mỹ. Người ta ước chừng 50.000 trẻ em xuất tích mỗi năm, trong đó có 5000 em tìm thấy đã chết. Tại sao những em ấy mất tích? Một số em cha hoặc mẹ đã ly dị bắt đem đi. Một số em là bạn thân của các tội ác bạo hành. Một số bỏ trốn khỏi những gia đình không hạnh phúc.
Kevin là một cậu bé mười tuổi hay cười. Cậu sống với cha mẹ cậu và hai người chị ở San Francisco. Một ngày kia, cậu rời khỏi trường sau giờ thực hành bóng rổ. Người ta không còn nhìn thấy cậu nữa.
Phần lớn các quốc gia không có con số chính xác các trẻ em mất tích mỗi năm. Hầu hết các lực lượng cảnh sát không hành động theo một báo cáo có một đứa trẻ mất tích ít nhất trong vòng 24 giờ. Ở Mỹ, cảnh sát liên bang FBI nói rằng nếu họ phải đi tìm mỗi đứa trẻ mất tích, họ sẽ không có thời gian để làm những việc khác. Nhiều quốc gia có những chương trình hiện đại để lần theo dấu vết của các xe cộ bị mất cắp và thẻ tín dụng nhưng khong có chương trình nào cho các trẻ em bị mất tích.
Người ta có thể lạc loài bằng nhiều cách. Có người đã nghiện rượu hoặc ma túy, có người không thể ổn định cuộc sống, có người không thể giữ được việc làm hoặc hoàn tất chương trình học, có người không thể duy trì một tương quan rất khó mà tìm thấy họ. Điều làm cho sự việc thêm trầm trọng là thông thường họ không bỏ đi. Họ biến mất ở giữa chúng ta, họ lạc loài ngay giữa gia đình mình.
Dĩ nhiên xem ra không ai có thể đến gần họ. Trong những trường hợp như thế, nhiệm vụ của người mục tử không tìm kiếm họ cho bằng giúp họ tìm thấy chính mình.
Và dĩ nhiên, người ta lạc loài về tinh thần và tâm linh. Những người như thế giống như con thuyền không neo hoặc một thủy thủ không có la bàn. Trong số họ, có những người lạc loài vì lỗi của họ. Nhưng những người khác lạc loài vì họ không có người hướng dẫn, không có một ai quan tâm tích cực đến những người sống lạc loài.
Đức Giêsu bày tỏ mối quan tâm của Người đối với các “con chiên lạc” – những người thu thuế, những người tội lỗi v.v…là những người đã bị các mục tử chính thức bỏ rơi. Những mục tử chính thức phẫn nộ đối với việc mà mot mục tử xứng đáng với danh xưng ấy phải làm.
Người mục tử không chờ cho con chiên lạc quay về; người ấy đi tìm nó. Đức Giêsu cũng thế. Người là vị sứ giả mà Chúa Cha sai đến với chúng ta. Người không chờ cho những người có tội đến tìm Người. Người ra đi tìm họ. Và khi người tìm thấy họ, Người đưa họ trở về nhà Cha với niềm hoan hỉ.
Hối cải là trở về với Thiên Chúa, và trở về với Thiên Chúa là trở về nhà mình.
bài liên quan mới nhất
- Ba đạo sĩ là ai?
-
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ hai Năm Sự Vui - Đức Mẹ đi viếng bà Êlisabét -
Phó Chánh án Tòa Ân giải Tối cao: Tòa giải tội, Cửa thánh cho tâm hồn -
Bức thư năm 2025 từ Taizé: Hy vọng vượt trên mọi hy vọng -
Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem -
Giáng sinh trong thời chiến -
Bừng sáng Tình Yêu -
Chút suy tư mùa Giáng sinh 2024 -
Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui nào? -
Mầu nhiệm Nhập Thể - Mầu nhiệm Chữa Lành
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19