Ba năm chập chững bước đi trên đường đối thoại
Mới đó mà đã qua sinh nhật thứ ba của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn (5.12.2012). Tuy nhiên, dư âm của buổi họp mặt thân tình, ấm cúng và ngập tràn xúc động ấy vẫn còn đọng lại nơi tâm hồn tôi. Nhân cơ hội này, tôi muốn nhìn lại hành trình ba năm sống gắn kết với cộng đoàn mới này của mình, với những trải nghiệm, những khám phá mới mẻ thú vị, những khoảnh khắc xúc động, hồi hộp, những suy tư thao thức, tôi viết ra để dành…e rằng cảm xúc trôi theo tháng năm.
Ngay cả đến hôm nay, đối với nhiều người công giáo, cái tên “Ban Mục vụ Đối Thoại Liên Tôn” Tổng Giáo phận Sài Gòn, thoạt nghe vẫn là lạ làm sao ấy và hình như hơi dài nữa. Thật vậy, vì là một hoạt động mục vụ mới của Giáo phận nhà cũng như Giáo Hội Việt Nam, nên ít người biết đến và người muốn tìm hiểu cùng dấn bước vào con đường “đối thoại” này lại càng hiếm hoi hơn. Thế mới hay mình hữu duyên được là một trong những thành viên ít ỏi ban đầu của Ban.
Vì sao tôi may mắn ư?! May mắn vì lẽ đây là một sinh hoạt cấp Giáo phận, được tiếp xúc làm việc chung với nhiều nam nữ tu sĩ thuộc 8 dòng tu khác nhau trong Hội Thánh, được học hỏi từ các đấng bậc thánh thiện hiền tài ấy, không chỉ về kiến thức uyên thâm, mà còn ở thái độ, lời nói, cử chỉ khoan thai, hòa ái, bình an, nhưng không kém vui tươi hài hước. Thật thú vị và mới mẻ đối với tôi. Lại nữa, trong Ban có các cô N.A, K.C, Bác Q, anh H, chị K.A… là những người giáo dân, như tôi, nhưng có nhiều kinh nghiệm sống phong phú, vốn hiểu biết giáo lý vững chắc, và hết lòng phục vụ với cả sự nhiệt thành.
Ai từng tham dự những buổi họp Ban, những cử hành Thánh lễ chung, các buổi thảo luận bàn bạc cho các sinh hoạt Ban hay cả trong những bữa ăn thân mật giữa các thành viên, đều chia sẻ cùng cảm nhận như tôi.
Nhớ buổi đầu cùng các thành viên của Ban đến thăm viếng Thánh Thất Bàu Sen, do chưa quen, tôi bối rối, e ngại khi được những người Bạn đạo tiếp đón niềm nở, ân cần nhưng lại không biết phải chào hỏi, xưng hô với các cô chú anh chị Cao Đài thế nào cho đúng cách, chỉ biết cười, gật đầu chào, rồi nín thinh đi sau các cô chú và cha Trưởng Ban. Thì ra, đâu phải học xong ba khóa học về các tôn giáo, Giáo huấn của Giáo Hội về Đối thoại liên tôn, vài ba lần cùng lớp học đến tìm hiểu một số cơ sở tôn giáo bạn là tôi đã có thể trở thành người “đối thoại” ngay được.
Sau nhiều lần đến Thánh Thất Bàu Sen, rồi Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Thánh Thất Từ Vân, dự những buổi lễ, nghe Bạn đạo thuyết trình, ngâm thơ, rồi cùng ăn những bữa cơm chay thịnh soạn, tôi và Ban ĐTLT vẫn luôn nhận được từ họ cung cách tiếp đón ân cần, chu đáo, khiêm cung và giản dị, nhất là qua sự nhiệt tình cởi mở từ đạo huynh Huệ Khải, ông cố Đạt Truyền, dần dà những cái tên như giáo sĩ Huệ Ý, giáo sĩ Hoàng Mai, Giáo hữu Thái Thọ Thanh,…đã không còn xa lạ. Tôi tự tin và tự nhiên khi bất chợp gặp và chào một đạo huynh hay đạo tỷ Cao Đài. Những lời thánh giáo của Đức Quán Thế Âm được xướng lên theo lối diễn ngâm cũng không còn là lạ khó nghe đối với tôi nữa, nhưng tôi đã có thể lắng nghe với sự trân trọng và cảm mến.
Khi đến viếng đền thánh Islam, gặp gỡ trao đổi với các đạo hữu, chủ yếu là nam, tôi cũng nhận thấy ở họ sự thân thiện cởi mở, họ giữ đạo rất nghiêm túc, đọc kinh ngày 5 lần không bỏ sót, giữ chay tháng Ramanda, không uống rượu và ăn thịt heo. Một lần tham dự tiệc cưới của em trai, tôi có dịp trò chuyện với một anh bạn là nhân viên lái taxi. Trong suốt bữa tiệc, cậu ấy chỉ ăn có mỗi một món - tôi quên mất là tôm hay cá gì đó -, mà không dùng các món khác và cũng nhất định không uống bia, dù chỉ nhấp môi. Khi hỏi thăm, tôi mới biết cậu ấy là người Islam. Thật đáng khâm phục!
Về kinh nghiệm tiếp xúc với các chức sắc Phật giáo, tiếc là tôi không có nhiều. Ba năm qua, tôi chỉ tham dự hai ba lần thuyết trình của Đại Đức Thích Quang Thạnh và Sư cô Thích Nữ Hương Nhũ ngay tại Học viện Mục Vụ. Ấn tượng họ để lại trong tôi thật không dễ quên. Họ đều còn trẻ nhưng toát lên phong thái thong dong, đỉnh đạc, giọng nói ôn tồn, lời lẽ dịu dàng đầy yêu thương. Hy vọng trong thời gian tới, tôi có duyên tiếp xúc nhiều hơn với các vị tăng ni để học thêm những điều hữu ích từ các vị chân tu ấy.
Ba năm, chặng đường tôi cùng Ban MV.ĐTLT đã đi thực ra chỉ là giai đoạn khởi đầu, còn cả một hành trình dài phía trước để dựng xây nhiều nhịp cầu tâm giao, kết nối với tín đồ các tôn giáo bạn, để có thể cùng bạn chung tay giúp đỡ người đau yếu, nghèo khổ, để có thể nhờ vòng tay và con tim rộng mở mà vươn đến lan tỏa đến nhiều người hơn …
Sau ba năm, tâm tôi đã lớn thêm đủ để nhận ra mình còn quá nhiều điều để học hỏi và để thực hiện.
bài liên quan mới nhất
- Đức Gioan Phaolô II với công trình Đối thoại Liên tôn
-
Đức Giáo hoàng Phanxicô có nói rằng mọi tôn giáo đều bình đẳng không? Giáo hội Công giáo dạy như thế nào? -
Lời chào mừng của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp phái đoàn Phật giáo Thái Lan -
Gặp gỡ đại kết: Lời Chúa nối kết các Kitô hữu -
Gặp gỡ Đại kết - Suy tôn Lời Chúa ngày 22-01-2024 -
“Phát triển Cùng nhau”, một sự kiện đại kết với các giám mục Anh giáo và Công giáo -
Quan hệ Công giáo - Chính thống giáo, 60 năm sau cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras -
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM chúc mừng lễ Giáng sinh 2023 tại Tòa Tổng Giám Mục TGP Sài Gòn -
ĐTC Phanxicô mừng lễ Thánh Anrê, bổn mạng Giáo hội Chính Thống Constantinople
bài liên quan đọc nhiều
- Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa
-
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất 2022 -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Cảm niệm Phật đản -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XII ngày 27-10-2022 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565