Ân ban và ân nhân
WGPSG -- Nhân loại trên toàn thế giới đang ở vào những ngày cuối cùng của năm 2011. Người dân Sài Gòn vừa tưng bừng đón mừng đại lễ Noel, và đang hân hoan chuẩn bị đón mừng Năm Mới 2012 sắp tới. Bầu khí những ngày cuối năm 2011 vẫn còn đó những âm hưởng của niềm vui Noel. Người dân trong khắp thành phố Sài Gòn vẫn còn cảm nhận cái se lạnh của khí trời.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới là những khung cảnh bên ngoài, còn những tâm tình bên trong của con người ở Thành phố này trong những ngày cuối năm thì sao? Một bài hát nào đó vang lên với những lời ca như sau: “Cuối năm ngồi tính lại sổ đời…”. Thật vậy, những sự kiện trong những ngày cuối năm của người dân Sài Gòn có liên quan đến việc tổng kết, nhìn lại một năm đã qua. Ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các công ty, xí nghiệp, nhà máy đang trong giai đoạn tổng kết doanh thu, và tính đến chuyện phát thưởng cho các nhân viên. Đối với những người dân các tỉnh đang sống tha hương nơi chốn thị thành thì đã tính đến chuyện mua vé tàu, vé xe, mua quà biếu, để trở về thăm quê nhà. Còn đối với những Kitô hữu, chúng ta suy nghĩ gì trong những ngày cuối năm? Phải chăng những ngày cuối năm mỗi Kitô hữu chúng ta cũng rơi vào vòng xoáy của những sự kiện và não trạng của con người thời đại? Những ngày cuối năm, chúng ta có thật sự nhìn lại cuộc đời của mình, để nhận ra đâu là những ân ban và ai là những ân nhân trong cuộc đời của chúng ta trong thời gian qua?
Trước tiên, chúng ta cần khởi đi từ góc nhìn quy vào đời sống tâm linh của Kitô hữu. Trong đời sống ấy, chúng ta nhận ra muôn vàn ân ban như: sức khỏe, niềm vui, bình an, hạnh phúc, may mắn, thành công v.v.. đến từ tình thương của Thiên Chúa. Cụ thể là sự kiện chúng ta mừng đại lễ Chúa Giáng sinh làm người vừa qua: Thiên Chúa Cha đã ban tặng cho chúng ta một món quà vô giá là chính Con Một của Ngài, là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, để đồng cảm với sự tận cùng của đau khổ, nghèo đói, và giải phóng chúng ta khỏi ách thống trị của tội lỗi. Đó là một ân ban nhưng không, được khởi đi từ tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa như một tác giả Thánh vịnh đã cảm nhận: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa, ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời” (x. Tv 22,23). Và một lần nọ, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn, đã nói: “Cuộc đời của mỗi Kitô hữu được dệt nên bởi muôn vàn ân huệ của Thiên Chúa.” Như vậy, Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi ân ban cho mỗi Kitô hữu chúng ta. Thiên Chúa là ân nhân cao cả đối với vận mệnh cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Ngoài ra, cuộc đời mỗi người chúng ta cũng được dệt nên bởi nhiều mối tương quan: mối tương quan với Thiên Chúa, với vũ trụ, với tha nhân và với bản thân. Nếu xét ở khía cạnh mối tương quan với tha nhân thì chúng ta cũng nhận ra rất nhiều những ân ban và ân nhân trong cuộc đời của mình. Đó là những ân ban được khởi đi từ tình thương và sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái như: lo lắng từng miếng ăn, giấc ngủ, từng bộ quần áo, chuyện học hành, nghề nghiệp, tương lai, hôn nhân v.v… Có thể nói được rằng, cha mẹ chính là những ân nhân rất quan trọng trong cuộc đời của những người con. Nhìn ra xã hội, chúng ta thấy những ân ban đến từ sự hy sinh của thầy cô giáo trong việc cung cấp những kiến thức, giáo dục những người học trò nên người. Điều này muốn nói rằng, chúng ta không thể sống mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác, bởi vì từ bản chất con người là một hữu thể xã hội có nhiều mối tương quan. Thật vậy, cuộc sống con người luôn cần đến những ân ban và ân nhân.
Thế nhưng, con người trong cuộc sống đô thị hiện đại hôm nay suy nghĩ như thế nào về những ân ban và ân nhân? Phải chăng lối sống đô thị hối hả, khép kín, ích kỷ và đề cao chủ nghĩa cá nhân đã dẫn đến những hệ luận là thái độ vong ân, những chứng bệnh vô cảm trước những nhu cầu tâm linh, và nhu cầu của những con người túng thiếu, cô đơn và nghèo khổ? Vì thế, xã hội hôm nay vẫn còn đó nhiều người con bất hiếu, vẫn còn đó những con người sống lợi dụng tình thương và đồng tiền của người khác. Quả thật, con người đô thị hiện đại thường rất dễ quên lãng giá trị của những tình thương đến từ tấm lòng của những ân nhân qua những ân ban mà họ dành cho mảnh đời bất hạnh nơi tha nhân.
Cuối cùng, tâm tình cốt lõi của Kitô hữu chúng ta trong những ngày cuối năm phải chăng là tâm tình biết ơn, nhớ ơn và trả ơn đối với Thiên Chúa, ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè và tha nhân? Điều này không chỉ dừng lại ở thái độ những nghĩa cử thụ động của lòng biết ơn nhưng mời gọi mỗi Kitô hữu chúng ta hãy làm một điều gì đó có ý nghĩa cho tha nhân, nhất là đối với những mảnh đời bất hạnh, nghèo đói, túng thiếu và cô đơn trong cuộc sống này như lời của Chúa Giêsu đã từng dạy cho chúng ta: “Cho thì có phúc hơn là nhận” và “Những gì anh em làm cho những kẻ bé mọn nhất là anh em đã làm cho chính Ta”. Những lời dạy sâu sắc như thế còn cho chúng ta thấy điều cốt lõi của muôn vàn ân ban và ân nhân đó chính là tình yêu. Thánh Phaolô đã nói rằng: “Anh em đừng mắc nợ nhau điều gì ngoài món nợ của tình thương”, hay thánh Augustinô cũng đã nói rằng: “Yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Điều này cũng đã được ông bà ta đúc kết thành kinh nghiệm sống quý báu: “Nợ tình đem trả thì vơi, nợ tiền đem trả ai ơi càng đầy.” Vâng, tình yêu cần sự đáp trả của tình yêu. Vậy thì, mỗi Kitô hữu chúng ta cần phải làm gì để làm chứng cho những người khác nhận ra những giá trị của chiều kích ân ban và ân nhân trong cuộc sống văn minh đô thị hiện đại hôm nay?
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19