Ý nghĩa cuộc trưng bày những đóng góp của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam cho nền văn hóa và văn học dân tộc

Ý nghĩa cuộc trưng bày những đóng góp của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam cho nền văn hóa và văn học dân tộc

Từ ngày 28.8.2012 đến ngày 25.02.2013, Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc trưng bày những đóng góp của Giáo hội Công gGiáo Việt Nam cho nền văn hóa và văn học dân tộc tại Nhà Truyền Thống Tổng Giáo phận, số 6 đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh do Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết – Trưởng ban Văn hóa Tổng Giáo phận phụ trách.
Trong hai phòng lớn kề nhau, giữa những hiện vật đặc trưng của các nền văn hóa có bề dày lịch sử, ghi dấu ấn sâu đậm vào tâm thức dân tộc như: Sông Hồng, Phù Nam, Tây Nguyên, Tam Giáo, Chăm, tín ngưỡng dân gian; những hiện vật xưa nay đủ chủng loại tiêu biểu cho đạo Công giáo được trưng bày khéo léo, thể hiện ý hướng hội nhập góp sắc thêm hương, tô điểm đậm đà nền văn hóa nước nhà, nhưng vẫn giữ nét riêng rất sâu sắc tế nhị. Đúng như lời xưa có nói: “Xem hoa đến vườn Ngự, vàng là hoa cúc, trắng là mai”(1). Khách tham quan có thể xem kỹ cái tủ thờ quý giá cẩn ốc xà cừ. Đây là một tác phẩm quý hiếm của nghề mộc và cẩn ốc ở Thủ Dầu Một – Nam kỳ đầu thế kỷ 20. Các họa tiết trang trí hài hòa theo chủ đề hoa lá truyền thống. Nhất là tấm đại hội cẩn nổi bông hoa tuyệt đẹp. Đáng chú ý là sự tích 14 chặng đàng Thánh Giá trong Đạo được cẩn vòng quanh phía trên tủ, khác hẳn những sự tích Nhị thập tứ hiếu, Ngũ tử đăng khoa hay Văn vương cầu hiền trên các tủ thờ ông bà thường gặp. Ở chỗ khác, bên cạnh những tượng Đức Mẹ bằng đồng đá Ý có gốc châu Âu, với những nét chạm khắc sống động, tôn nghiêm, là những tượng Đức Chúa Giêsu, Thánh Cả Giuse bằng gỗ sơn son thếp vàng mang nét hiền hòa chân chất Việt Nam, do các nghệ nhân Công giáo dân gian thực hiện với tấm lòng thành kính mộ đạo. Ở đây, truyền thống nghệ thuật dân tộc đã “nhập thể” tận cùng vào thế giới tâm linh tôn giáo cao siêu.

Đáng xúc động, bồi hồi là những kỷ vật liên quan đến các vị mục tử đã chăn dắt đàn chiên Việt Nam: Câu đối tứ tự uyên bác do vua Gia Long soạn ban khắc trên bàn thờ thánh tại nhà nguyện của Đức cha Bá Đa Lộc, là nơi đông cung Nguyễn Phúc Cảnh hằng ngày lui tới học hành:
Đức kỳ thạnh hỹ,
Thần chi cách tư (2).
Phỏng dịch: Thiên Chúa nhân từ hiển linh biết mấy,
Giáng linh mầu nhiệm không thể nào ngờ !
Ngần ấy ý tưởng đủ nói lên tấm lòng mến mộ chân thành của nhà vua đối với người cố vấn, ân nhân và bạn quý suốt quá trình phục quốc gian lao. Trên bệ đá là tấm ván mộc khắc nguyên bản án xử trảm cha Phêrô Lê Tùy ngày 11 tháng 10 năm 1836 tại Nghệ An do vua Minh Mạng phê chuẩn, đánh dấu thời kỳ bắt đạo đẫm máu của vua quan nhà Nguyễn. Đọc qua, khách tham quan không khỏi xót xa. Còn đây, những di vật đơn sơ thanh bạch của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình nói lên hạnh sống giản dị khiêm nhường của bậc chăn chiên gương mẫu.
Trong nhiều tủ đứng tủ nằm khác, hiện diện đủ loại tác phẩm bằng các thứ chữ Quốc ngữ, Hán, Nôm hay Pháp văn được in bằng mộc bản, đồng bản hay chép tay. Đây chính là phần hồn, là trọng tâm của cuộc trưng bày và cũng là thành quả rực rỡ suốt 5 thế kỷ Tin Mừng rao giảng trên đất nước ta.
Trước tiên là những tự điển nổi tiếng ghi dấu từng chặng đường sáng chế và điển chế hoàn hảo chữ Quốc ngữ do các thừa sai Dòng Tên, Hội Truyền giáo hải ngoại và các học giả Công giáo biên soạn từ giữa thể kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19:
1- Tự điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes in tại Rome năm 1651, đánh dấu thời kỳ sáng chế chữ Quốc ngữ khá hoàn chỉnh. (Bản in lại)
2- Tự điển Việt - La của Giám mục Bá Đa Lộc soạn năm 1772. Trong đó, chữ Quốc ngữ đã tiến triển đến mức độ hoàn chỉnh, gần như ngày nay. (Bản in lại)
3- Nam Việt Dương Hiệp tự vị của Giám mục Taberd xuất bản năm 1838 tại Serampore - Ấn Độ. Tự điển này hầu như là bản sao lại nội dung tự điển của Giám mục Bá Đa Lộc. (Bản in lại)
4- Tự điển Việt – Pháp của Cha Caspar in năm 1877 ở Tân Định.
5- Tiểu tự điển Pháp – Việt của Pétrus Trương Vĩnh Ký in năm 1884 tại Sàigòn.
6- Tự điển Việt – La của JS Theurel in năm 1887 tại Ninh Phú.
7- Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (Paulus Của) in năm 1895 tại Sàigòn.
8- Tự điển Việt – Pháp của Giám mục Génibrel in năm 1898 tại Sàigòn.
Cần nhắc lại, mãi đến năm 1931 và 1936 mới thấy xuất hiện các quyển tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức và Pháp Việt từ điển của Đào Duy Anh, đều do những học giả ngoài đạo Công giáo biên soạn, làm nền tảng cho vô số tự điển: từ điển Việt ngữ, Hán Nôm lưu hành rộng rãi hôm nay.

Kế đến là mảng sách Hán Nôm phong phú, đủ chủng loại: Từ dạy giáo lý, tu đức, thuật sự đến thi ca, văn tế, ngắm, vãn, tuồng dồi dào chất lượng văn học tôn giáo, như: kinh Toàn Niên, Thánh Giáo Yếu Lý, Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó, Truyện 22 Đấng Thánh Tử Đạo Việt Nam, Vãn Thánh Cả Giuse, Tuồng Đavít… Trong đó có quyển in bằng mộc bản, ghi niên đại 1861, 1864 là những năm bắt đạo tàn khốc nhất. Người xem không hiểu sách được “in chui” thế nào. Vì chỉ cần một tài liệu dính dáng đến “Tả đạo” bị phát hiện là đủ tiêu sinh mạng. Làm sao có thể che chứa kín đáo công đoạn khắc bản, in ấn phát hành và giấu giếm mớ bản gỗ vốn rất kềnh càng? Nếu không có quyết tâm sống chết vì đạo, chắc không tài nào dám in! Số lượng sách nhiều đến mức không ngờ, nếu không tận mắt nhìn thấy. Thì ra, đạo Công giáo không hề lai căn, mất gốc, trái lại rất tha thiết với chữ nghĩa Hán Nôm; hòa nhịp với vần điệu lục bát, ca ngâm; gắn bó thân thương với truyền thống văn hóa dân tộc. Sau khoa thi cuối cùng năm 1919, khâm sứ Pháp bắt triều đình Huế bỏ bản Hán. Tuy nhiên, 10 năm sau, trong chỉ thị gửi xuống địa phận, một Giám mục người Pháp vẫn truyền cho các thầy dòng phải học chữ Hán, chữ Nôm và tập làm thơ, phú y theo lệ cũ để thấu triệt văn học cổ điển. Ngược dòng lịch sử, vào nửa đầu thế kỷ 17, khi nền văn hóa khoa cử chữ Hán đang thịnh hành lối thơ phú bát cổ nặng nề, nhóm Girolamo Majorica đã dùng chữ Nôm để viết văn xuôi. Hiện còn 26 tác phẩm gồm khoảng 1.200.000 chữ Nôm chuẩn mực, chính xác đã được phiên âm, chú giải, in thành sách trưng bày trước mắt khách tham quan. Theo nhận định của giới nghiên cứu trong và ngoài nước lâu nay, đây là kho tàng chữ Nôm ở dạng nguyên bản, đồ sộ, quý giá nhất để tìm hiểu về lịch sự, văn hóa, văn học và ngôn ngữ học thời cận đại của nước ta.
Đáng trân trọng nhất là tập sách chữ Hán chép tay, nét chữ hết sức sinh động, ghi lại những bản văn cực kỳ quý hiếm liên quan đến đạo Công giáo như : Văn bia, văn tế Đức Giám mục Bá Đa Lộc và đầy đủ 6 bản điều trần(3) của Cha Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806 – 1874) dâng lên vua Tự Đức năm 1861. Cha là một tác giả văn học Công giáo lớn với nhiều tác phẩm đặc sắc, vốn uyên thâm Hán học, có nhãn quan chính trị nhạy bén, yêu nước nồng nàn, sùng đạo tha thiết, từng được mệnh danh là “tinh hoa Công giáo Việt Nam”, “danh nhân văn hóa Việt Nam”. Từ một trọng phạm theo “Tả đạo” có thể bị xử tử ở Quảng Ngãi, nhờ vào khả năng lỗi lạc, trong sớm chiều đã trở thành hiền sĩ được tham gia vào việc nước, sung vào phái bộ của các đại thần Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp ký kết Hòa ước năm Nhâm tuất (1862) tại Sàigòn. Sau đó, cha còn được vua Tự Đức mời về Huế hai lần để hỏi han việc nước. Khi trở về, nhà vua lưu luyến tặng bài ngự thi:
Phỏng dịch :
Cùng khanh hội ngộ mấy lâu nay,
Giã biệt xui lòng thấy xót thay!
Giúp Trẫm giang sơn còn trọn vẹn;
Cậy ai trung ái với ta đây?
Điều trần tuyệt diệu không còn giấu;
Tây quỷ âm mưu đã lộ bày.
Mai mốt triều đình như có việc,
Chiếu rồng sẽ gửi cửa then cây.(4)

Cuối cùng, trong tủ lớn nằm là phần trưng bày công trình phiên dịch đồ sộ, đầy tâm huyết của cố Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Hưng (1927 – 2010) và Nhóm Hán Nôm Công giáo đã cần mẫn thực hiện suốt mấy thập kỷ vừa qua. Tổng số sách Hán Nôm Công giáo đủ loại đã được phiên dịch, chú thích, ấn hành nội bộ lên đến 130 quyển. Công nghiệp thầm lặng ấy được tiến hành qua 2 giai đoạn:
Sau ngày giải phóng đến năm 1988, cố Linh mục giáo sư tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Hưng tham gia vào Ban Ngôn Ngữ học thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam cùng các cố Linh mục giáo sư tiến sĩ Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, học giả Hoàng Xuân Việt và nhà nghiên cứu Hán Nôm uyên bác Vũ Văn Kính đã hoàn thành việc phiên dịch 26 tác phẩm của nhóm Girolamo Majorica và in lại quyển tự điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes.
Sau đó, từ năm 1993 được sự khuyến khích của Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, cố Linh mục Nguyễn Hưng đứng ra tổ chức Nhóm Hán Nôm Công giáo với sự cộng tác tận tình của các Thầy Irênê Trần Kim Vinh, Giuse Phạm Trọng Hóa (đã mất năm 2010) và một số sinh viên Công giáo nhiệt tình. Từ đây, Nhóm tiếp tục sưu tầm tài liệu Hán Nôm Công giáo khắp trong và ngoài nước, đem về phục chế, nghiên cứu, phiên dịch, chú thích và ấn hành trong phạm vi nội bộ hơn 100 tác phẩm đủ loại mục. Nhóm còn tiến hành biên soạn một từ điển Nôm Công giáo Việt Nam, mới được vài phần thì cố Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Hưng đã về với Chúa. Thật đáng nuối tiếc!
Nhìn chung, toàn bộ 130 tác phẩm nói trên đều được thực hiện rất tỉ mỉ, kỹ càng, đạt mức độ chính xác rất cao. Nếu được nhuận sắc đôi chút lỗi lầm kỹ thuật, có thể ấn hành để phổ biến rộng rãi cho giới nghiên cứu chuyên môn. Cố Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Hưng là tấm gương sống đầy yêu thương và thánh thiện, đã để lại một sự nghiệp văn học, văn hóa có giá trị lớn lao đối với đạo Công giáo và nền văn hóa nước nhà.

Chú thích:
1- Trích trong câu đối Nguyễn Khuyến mừng Vũ Phạm Hàm đậu thám hoa: Khán hoa đáo Quỳnh uyển, hoàng vi thu cúc, bạch vi mai: Nghĩa là mỗi loài hoa đều có vẻ đẹp riêng.
2- Lấy chữ ở thiên 16, sách Trung Dung, ca tụng công đức thánh thần hiển hách và sự giáng lâm rất mầu nhiệm.
3- Trước nay, học giới chỉ sưu tầm được 2 bản điều trần của Cha Đặng Đức Tuấn, 4 bản còn lại không tìm thấy. May mắn trong tập sách này có ghi chép đầy đủ.
4- Bài ngự chế thi này cũng chưa hề thấy chép trong bất kỳ bút lục nào. Tình cờ được phát hiện trong tập sách nói trên.

 

 

Top