“Xin cho họ nên một”: phương châm chuyến tông du Thánh Địa của Đức giáo hoàng Phanxicô

“Xin cho họ nên một”: phương châm chuyến tông du Thánh Địa của Đức giáo hoàng Phanxicô

WHĐ (16.03.2014) – Tại cuộc họp trong hai ngày 11 và 12 tháng Ba vừa qua ở Tiberiade, Hội đồng các Vị Bản quyền Công giáo tại Thánh địa (AOCTS) đã chọn phương châm và biểu tượng cho cuộc hành hương của Đức giáo hoàng đến Thánh Địa vào tháng Năm sắp tới.

Phương châm cho cuộc hành hương là “Xin cho họ nên một”. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng trọng tâm cuộc hành hương của ngài là gặp gỡ Đức Thượng phụ Chính thống Hy Lạp Bartholomaios của Constantinopolis và các vị lãnh đạo Giáo hội ở Jerusalem. Cuộc hành hương nhằm kỷ niệm và canh tân lời cam kết xây dựng sự hiệp nhất đã được Đức giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras của Constantinopolis, bày tỏ cách nay 50 năm tại Jerusalem.

Phương châm nhắc lại ý muốn của Chúa trong Bữa Tiệc Ly: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con. Để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha. Để cả họ cũng nên một trong chúng ta, để cho thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là MỘT: Con ở trong họ và Cha ở trong con. Để họ được hoàn toàn nên một; ngõ hầu thế gian nhận biết chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17, 20-23).

Minh hoạ cho ước muốn hiệp nhất này, biểu tượng thể hiện hai Thánh Phêrô và Anrê –hai môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi ở Galilê– ôm nhau. Thánh Phêrô là thủ lĩnh Giáo hội Rôma và Thánh Anrê là thủ lĩnh Giáo hội Constantinopolis. Tại Giêrusalem, trong Giáo hội–Mẹ, các ngài ôm nhau. Hai vị tông đồ ở trong một chiếc thuyền là Giáo hội với cột buồm là Thánh Giá của Chúa. Cánh buồm của con thuyền căng gió –hơi thở của Chúa Thánh Thần–, Người là Đấng điều khiển con thuyền trên biển cả thế gian này.

Hiệp nhất các Kitô hữu là một sứ điệp hiệp nhất đối với toàn thể nhân loại – được kêu gọi vượt qua những chia rẽ trong quá khứ để cùng nhau hướng tới một tương lai công lý, hòa bình, hòa giải, tha thứ và huynh đệ.

(Nguồn: WHĐ - Vatican Radio)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top