Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn: Thánh lễ Tiệc Ly

Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn: Thánh lễ Tiệc Ly

WGPSG -- “Thánh lễ Tiệc Ly là cao điểm của Năm Phụng Vụ, cao điểm đời sống của Chúa Giêsu và cao điểm đời sống đức tin của Kitô hữu”.

Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã mở đầu như trên trong Thánh lễ Tiệc Ly 5g00 chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh 28.3.2013, tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn. Đồng tế với ngài có Cha Giuse Vương Sỹ Tuấn, Cha Giuse Nguyễn Thanh Thuần, Cha Phêrô Đỗ Duy Khánh và Cha Benedict người nước ngoài.

Trong bài giảng, Đức cha giải thích rõ hơn ý nghĩa của Thánh lễ Tiệc Ly là làm lại từng cử chỉ, nhắc lại từng lời nói của Chúa Giêsu trong buổi tiệc cuối cùng với các môn đệ. Lúc dâng bánh rượu trong Thánh lễ, vị chủ tế đọc lại lời của Chúa Giêsu “Mình Thầy bị nộp” và “Máu Thầy đổ ra”, hai câu này liên kết đến ngày Thứ Sáu Tuần Thánh Chúa Giêsu chịu xử án và chịu chết. Vì thế, sau Thánh lễ, cộng đoàn không ra về ngay, mà tham dự kiệu Mình Thánh từ bàn thờ qua nhà tạm, nhắc lại con đường từ Nhà Tiệc Ly đến Vườn Giệtsimani, nơi Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha. Và Chầu Mình Thánh để nhớ lại câu nói “Hãy thức với Thầy một giờ”, chia sẻ giờ phút hấp hối khủng khiếp của Người. Tất cả những điều đó như có một sợi chỉ xuyên suốt, liên kết tất cả, để giải thích Mầu Nhiệm Tình Yêu Tự Hạ của Thiên Chúa. Một tình yêu khiêm hạ, hy sinh đến tột cùng, tự hủy mình ra không, rửa chân cho các môn như một nô lệ và tiếp tục tự hạ làm lương thực cho kẻ khác. Để trả lời câu hỏi tại sao Chúa Giêsu tự hạ, anh chị em hãy nhớ lại bao nhiêu lần mình đã rửa chân, hầu hạ con cái, tự biến mình thành tôi tớ vì thương con. Làm vì thương, không phải vì lề luật nào bó buộc, như là một dòng chảy tự nhiên.

Có hai câu hỏi đặt ra: Thứ nhất, anh chị em có sẵn lòng để Thiên Chúa yêu thương không? Nhiều người sẽ nói rằng tất nhiên là có. Nhưng, như đứa con thứ trong dụ ngôn “Người cha nhân lành”, được cha thương yêu bảo bọc, mà muốn sống tự do không gò bó nên đã bỏ đi. Chúng ta cũng vậy, không cảm nhận được Thiên Chúa là Tình Yêu là Sự Thật và là Sự Sống, không thấy thoải mái nên không muốn ở trong sự yêu thương của Ngài. Thứ hai, khi cử hành Mầu Nhiệm Tự Hạ của Thiên Chúa Tình Yêu, chúng ta được mời gọi thế nào? Chưa bao giờ tình yêu được nói nhiều và bị lạm dụng nhiều như hiện nay. Đó là tình yêu khác hẳn với tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu của Ngài thể hiện trong tự hạ, tự hủy mình. Tình yêu Thiên Chúa tác động thế nào trong đời sống của chúng ta? Xin Chúa cho chúng ta khám phá rõ nét chân dung tự hạ của Thiên Chúa Tình Yêu và xin cho chúng ta được bước đi trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần.

Kết thúc bài giảng, Đức cha Phêrô đã rửa chân cho mười hai em thiếu nhi. Cuối Thánh lễ, Đức cha cùng cộng đoàn quỳ Chầu Mình Thánh Chúa trước khi quý cha đồng tế rước kiệu Mình Thánh qua nhà tạm.

Sau khi Chầu Mình Thánh, cộng đoàn ra về trong thinh lặng để hiệp nguyện cùng Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top