Viết cho Anh
WGPSG -- Anh cũng như bao người thanh niên khác: được sinh ra và lớn lên trong một gia đình, một giáo xứ. Thế nhưng, từ lúc Anh chưa lọt lòng mẹ thì Thiên Chúa đã biết Anh. Ngài đã định một kế hoạch huyền nhiệm nơi cuộc đời của Anh. Anh được rửa tội, được đến nhà thờ học hỏi giáo lý, được Rước Lễ Lần Đầu, Thêm Sức, Bao Đồng. Anh tham gia nhiều hoạt động trong giáo xứ như: giúp lễ, tập hát, huynh trưởng, giáo lý viên v.v.. Anh đăng ký vào lớp Dự tu. Anh và những người bạn của Anh phải trải qua nhiều năm tìm hiểu ơn gọi: 2 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm v.v. Cuối cùng, Anh được trúng tuyển vào Đại Chủng viện.
Làm sao quên được những khoảnh khắc ban đầu khi Anh vừa mới đặt chân đến Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Anh được quý cha giáo và quý anh em các khóa đàn anh tiếp đón trong bầu khí vui tươi và ấm áp tình huynh đệ. Làm sao quên được những ấn tượng ban đầu, những tràng pháo tay và những tiếng nói tiếng cười rộn rã hân hoan của gia đình Đại Chủng viện Thánh Giuse. Vâng, đó là những khoảnh khắc thật khó quên, là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Anh.
Nếu nói theo ngôn ngữ của nhà thơ Thế Lữ thì phải viết cho Anh như thế này: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm chưa dễ đã ai quên!” Và nếu nói theo ngôn ngữ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì phải ví cuộc đời Anh như một chuyến đi: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.” Anh và những người bạn cùng đi với anh: có người đã từng làm bác sĩ, kiến trúc sư, thầy giáo; có người đã lấy cử nhân đại học về một ngành nào đó…
Cuối cùng, Anh quyết định bỏ lại sau lưng tất cả, để theo bước một người Thầy tên là Giêsu. Anh phải rời bỏ cha mẹ, anh em, nghề nghiệp; rời bỏ những tình cảm riêng tư. Và hơn thế nữa, Thầy Giêsu còn mời gọi Anh quyết liệt hơn: Anh phải bỏ luôn chính bản thân mình. Thật khó cho Anh bởi vì lý tưởng của Anh là một cuộc lội ngược dòng. Vì thế, Anh vẫn cần được thanh luyện từng ngày. Anh vẫn còn chiến đấu với nhiều đam mê níu gọi sau lưng.
Thời gian nghỉ Tết của Anh được ba tuần lễ và thời gian nghỉ hè được ba tháng. Đó là khoảng thời gian vui tươi và ý nghĩa khi Anh được ở bên gia đình và giáo xứ, Anh gặp gỡ và bắt tay với biết bao người. Thời gian một tháng đi thực tập mục vụ, Anh cũng gặp gỡ và bắt tay với nhiều người. Thế nhưng, dù bắt tay với rất nhiều người nhưng Anh không được giữ lại bàn tay nào đó cho riêng mình. Nhiều lúc một mình ngồi trong Nhà Nguyện, Anh bộc bạch tất cả sự thật con người với Thầy Giêsu: Lạy Chúa, tại sao con có mặt ở đây? Nhiều lúc con cảm thấy nỗi cô đơn xâm chiếm tâm hồn. Nhiều lúc con cảm thấy đôi tay bé nhỏ của mình vẫn cần đôi tay khác nắm chặt những khi nước mắt chảy ngược vào trong: “Anh hãy suy nghĩ cho kỹ lại đi. Hoặc là chọn Chúa hoặc là chọn em. Mà Chúa thì Anh đâu có thấy bao giờ. Đâu phải chỉ có những người đi tu mới gặp được Chúa.” Kinh nghiệm đau thương này đã khiến Anh nhủ thầm: Mình phải chiến đấu nội tâm thật nhiều. Mình phải tự hỏi lòng: nếu đặt Chúa và tình cảm riêng tư lên một cán cân, lòng mình sẽ thấy bên nào nặng hơn? Mình cần bám vào Thầy Giêsu thật nhiều vì không có Thầy Giêsu giúp sức, đồng hành thì mình không thể nào ở lại hết sáu năm dưới mái trường Đại Chủng viện.
Trong niềm tin yêu và hy vọng vào Thầy Giêsu “hiền lành và khiêm nhường”, Anh tiếp tục bước theo lý tưởng làm linh mục. Anh tiếp tục chiến đấu, bắt đầu rồi lại bắt đầu trên hành trình theo bước Thầy Giêsu trong Tin Mừng. Lúc nào và lúc nào Anh cũng tự hỏi rằng: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đang muốn thực hiện điều gì nơi con? Và Anh cũng tự hỏi lòng: Mình đang thật sự muốn gì? Thời gian vẫn còn nhiều cho Anh. Thầy Giêsu vẫn luôn muốn Anh được hạnh phúc và tôn trọng tự do của Anh, bởi vì Ngài yêu thương Anh. Dù Anh có là gì, có ở đâu hay làm gì, có tệ hại như thế nào… Ngài vẫn yêu thương Anh.
Ngày Anh đặt chân đến chủng viện, người ta chính thức gọi Anh là “thầy”. Mới đầu Anh thấy ngại nhưng riết rồi cũng quen. Đó là sự quý trọng mà người ta dành cho lý tưởng ơn gọi của đời Anh. Thế nhưng, tự trong sâu thẳm đáy lòng, Anh chỉ có một Thầy Giêsu mà thôi. Anh vẫn biết rằng “chiếc áo dòng không làm nên thầy tu” nhưng không hiểu sao khi mặc chiếc áo ấy vào, Anh thấy mình đi đứng, ăn nói, tác phong nghiêm chỉnh hơn. Vâng, vẫn biết rằng “chiếc áo dòng không làm nên thầy tu” nhưng chiếc áo ấy đôi lúc lại làm cho bao người khác giới thần tượng Anh, ảo tưởng và mơ mộng về Anh.
Thật vậy, đó là những khoảnh khắc rất thật và rất đẹp trong cuộc đời của Anh. Xin mượn lời của một người để gửi tặng Anh: “Anh thân mến, giờ Anh đã là người của Thiên Chúa; nghĩa là Anh thuộc về Thiên Chúa, là dấu chỉ về sự hiện của Thiên Chúa. Cám ơn Anh đã chọn bậc sống này, để tôi luôn được an ủi rằng Thiên Chúa vẫn ở quanh tôi. Ngài vô hình nhưng tạ ơn Ngài, vì đã chọn Anh làm dấu chỉ về Ngài. Tuyệt vời làm sao đời sống Anh chọn lựa và vĩ đại dường nào tay Chúa an bài nơi cuộc đời Anh!”
bài liên quan mới nhất
- Con đường hiệp hành – một trong những ưu tiên của các nữ tu Salêdiêng
-
Hướng đến việc khám phá một lối đường hiệu quả khi đào tạo người tu sĩ-linh mục -
Lá thư gửi người khao khát trở thành linh mục -
Tam đạo mục huấn trình -
Linh mục - Gương mẫu về đời sống hiệp nhất trong cộng đoàn Giáo hội -
Sáu nguyên tắc căn bản cho đời sống tu sĩ Đa Minh -
Làm thế nào đánh thức ơn gọi tu trì trong các gia đình? -
Hội nghị các đại chủng viện tại Việt Nam năm 2024 - Đồng tính dưới góc nhìn khoa học và đức tin -
Mọi tín hữu tham gia vào sứ vụ đào tạo linh mục -
Tu sĩ sống hiệp thông - Những chia sẻ thực hành
bài liên quan đọc nhiều
- Chia sẻ với em, người muốn đi tu làm linh mục
-
Phó Tế - Người Phục Vụ -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 61 năm 2024 -
Linh mục triều và dòng có gì khác? -
Những thắc mắc phổ biến về ơn gọi tu trì trong Giáo hội -
Bước theo Chúa Giêsu nghèo khó: Tính cách tiên tri của người tu sĩ trong thế giới -
Nữ đan viện Biển Đức -
Ban Mục vụ Ơn Gọi: Thông báo Tuyển Sinh -
Đời tu là hạnh phúc -
Cái động và cái tĩnh của người tu