Vì sao bút chì có cục tẩy?

Vì sao bút chì có cục tẩy?

 

WGPSG -- Câu trả lời thật rõ ràng: để xóa đi những chữ viết sai, viết chưa đẹp hoặc để xóa hoàn toàn một đoạn văn nào đó!

Khi một đứa trẻ mới vào lớp một, cô giáo không cho chúng viết bằng bút bi mà viết bằng bút chì. Bởi vì, bàn tay yếu ớt của các bé nhất định sẽ có lúc viết những nét nguệch ngoạc, sai từ này đến từ khác. Và khi đó, bé sẽ dùng tẩy để xóa đi những chữ viết chưa đúng, chưa đẹp của mình.

Chúng ta cũng vậy, không ai sinh ra đã có thể viết lên những bài ca cuộc đời một cách hoàn chỉnh! Không ai có thể trưởng thành mà chưa một lần vấp ngã hay mắc sai lầm! Vì thế, trong cuộc sống này, chúng ta cũng cần có một cục tẩy cho riêng mình. Cục tẩy giúp xóa đi những sai lầm vấp váp của chính bản thân. Có lúc chúng ta không dùng đến cục tẩy đó khiến cho những trang giấy cuộc đời nhem nhuốc bởi những dòng gạch và xóa.

Cần biết chấp nhận sai lầm như một điều tự nhiên trong cuộc sống. Cục tẩy là để xóa đi những chữ viết chưa được tròn trịa, chưa được chính xác. Cục tẩy phải mòn dần theo năm tháng, nếu nó cứ mới mãi như ngày xuất xưởng sẽ không ý nghĩa gì cả. Không sử dụng cục tẩy, cuộc đời của chúng ta sẽ chi chít những vết gạch xóa sau những lần mắc sai lầm. Một tờ giấy như vậy có đẹp đẽ gì không? Hãy để cuộc đời là một tờ giấy được viết nên bởi những trải nghiệm, những thử thách, những quyết tâm và cả lòng bao dung tha thứ nữa.

Bút chì có cục tẩy cũng giống như đời sống con người cần có bí tích Hòa Giải. 

Mùa Chay và Tuần Thánh, các giáo xứ nhộn nhịp bầu khí đạo đức: tĩnh tâm, giải tội.

Qua trung gian linh mục, hối nhân gặp được trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa.

Khi chịu bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã trở nên tạo vật mới nhưng bản chất con người vốn yếu đuối thường hay sa ngã nên cần được phục hồi qua bí tích Hòa Giải (x.1Cr 6,11; 1Ga 1,8). Nhờ đó, hối nhân được giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh.

1. Hiệu quả của bí tích Hòa Giải

- Xưng Tội là để được tha tội, nhằm giao hòa với Thiên Chúa và anh chị em. Tội lỗi nào cũng là một vết thương, một sự cắt đứt mối giao hảo nối liền chúng ta với Thiên Chúa và anh chị em. Tội trước hết là xúc phạm tới Thiên Chúa, là đoạn tuyệt với Người, đồng thời cũng làm tổn thương sự hiệp thông với Hội Thánh. Cao điểm của bí tích này chính là để giao hòa, gặp gỡ Thiên Chúa và người đồng loại. Được sạch tội là tạo điều kiện cho sự gặp gỡ thân mật ấy. Chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội cho con người, và quyền ấy cũng được Chúa Kitô chuyển giao cho Hội Thánh để nhân danh Người mà tha tội (x. Ga 20,21.23). Đây là một trong những chân lý quan trọng nhất của Kitô giáo: “Không có tội nào nặng đến nỗi Hội Thánh không thể tha thứ được. ‘Dù có ai gian ác và xấu xa đến đâu… vẫn có thể tin chắc được tha thứ, miễn là chân thành sám hối’. Đức Kitô, Đấng đã chết cho mọi người, muốn rằng: mọi cánh cửa tha thứ trong Hội Thánh luôn rộng mở cho bất cứ ai ăn năn trở lại” (GLTC # 982).

Những thế kỷ đầu, Hội Thánh rất ít ban bí tích này và đòi hối nhân phải chịu một hình thức kỷ luật công khai rất khắt khe. Sang đến thế kỷ VII, với ‘hình thức thống hối riêng tư’ mở đường cho việc năng nhận bí tích Giải Tội. Việc tha tội đặt nền tảng trên hai yếu tố chính là những hành vi thống hối của con người, và tác động tha thứ của Thiên Chúa qua thừa tác vụ của Hội Thánh.

Linh mục vừa là đại diện Chúa Kitô, Đấng giải hoà chúng ta với Thiên Chúa; vừa là đại diện Hội Thánh để tha thứ tội lỗi và đón nhận chúng ta trở lại với cộng đồng. Hối nhân cần trung thực cởi mở cõi lòng với linh mục, và cũng nên biết rằng mình đang đối thoại với một tội nhân khác. Linh mục cũng là người, nghĩa là cũng được Chúa Kitô tha tội như những người khác. Vì thế, với đức tin, chúng ta nhìn nhận linh mục trong toà giải tội như vị đại diện Chúa Kitô, nhưng cũng như một người anh em và là bạn hữu của các tội nhân.

- Bí tích Hòa Giải còn ban ơn trợ giúp hối nhân vượt thắng tội lỗi. Do đó, dù khi chỉ phạm tội nhẹ, chúng ta cũng cần đến bí tích này để lãnh nhận ơn trợ giúp của Chúa.

“Bí tích Thống Hối phục hồi chúng ta trong ơn nghĩa Chúa và liên kết chúng ta với Người trong tình bằng hữu thắm thiết và cao cả. Mục đích và hiệu quả của bí tích này là giao hòa hối nhân với Thiên Chúa. Ai lãnh nhận bí tích Giao Hòa với lòng thống hối và đạo đức, lương tâm ‘sẽ bình an thư thái, được an ủi thiêng liêng’. Bí tích Giao Hòa thực hiện một ‘cuộc phục sinh thiêng liêng’ đích thực, hoàn lại phẩm giá và những đặc quyền của đời sống con cái Thiên Chúa, nhất là tình bằng hữu với Người” (GLTC # 1468).

2. Diễn tiến giao hoà

- Xét mình là nhìn lại đời sống của mình trong ba tương quan (3 bổn phận) với Thiên Chúa, với anh chị em đồng loại và với chính bản thân mình. Không thể giao hòa cùng Thiên Chúa và Hội Thánh mà trước đó lại không chịu nhìn nhận tội lỗi của mình.

- Lòng thống hối ăn năn rất cần thiết để nhận được ơn tha tội. Bí tích Giải Tội chỉ có hiệu lực đối với những ai thực tình thống hối tội lỗi của mình và quyết tâm hối cải những tội mình đã phạm và chiến đấu chống trả tội lỗi. Thói quen thống hối thường hay đọc kèm kinh Thú nhận, kinh Ăn năn tội.

- Xưng tội vừa có ý nghĩa nhận biết tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, và đồng thời thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Toà giải tội không phải là diễn đàn để khoe mình, cũng không phải là ‘toà án’ để tự biện hộ cho mình hay cáo tội người khác. Đơn sơ và khiêm tốn trình bày những lỗi lầm của mình, cả về số lần phạm tội, để linh mục, thầy thuốc tâm hồn, có thể khuyên bảo cách thích hợp và hữu ích. Không thể khuyên bảo cùng một cách cho những người nhiều năm không giữ đạo, giống với những người vẫn xưng tội đều đặn hằng tháng; vì làm như vậy, ơn trở lại của họ bị giới hạn rất nhiều.

Tác vụ Giải Tội rất cao trọng đòi hỏi cha giải tội phải tôn trọng và tế nhị đối với người xưng tội. Nhân danh Chúa Kitô, linh mục đón nhận hối nhân, chuyển đạt cho họ tình thương của Chúa Cha, và nghe họ thố lộ những bí mật của lương tâm. Giáo Luật điều 983 $1 buộc nhặt linh mục, khi giải tội, phải giữ kín tuyệt đối những gì mà hối nhân đã xưng thú. Đây là ‘ấn tín bí tích’, vì tất cả những gì hối nhân xưng thú đều được bí tích ‘niêm ấn’. Bí mật tòa giải tội không chấp nhận một luật trừ nào, cho nên ai vi phạm sẽ mắc vạ nặng nề (GLTC # 1467).

- Xá giải là tháo cởi, giải thoát tội nhân khỏi những xiềng xích ràng buộc của tội lỗi. Nhờ ơn Thiên Chúa, xá giải là sự tha thứ trọn vẹn các tội được xưng thú và thiếu sót không cố ý. Linh mục giơ tay hoặc đặt tay trên đầu hối nhân và đọc lời xá giải (giơ tay là một cử chỉ biến thể của nghi thức đặt tay vì tha tội cũng là ơn của Thánh Thần). Hối nhân quỳ hay đứng cúi đầu, im lặng lắng nghe lời xá giải và thưa: “Amen”, chứ không phải là đọc kinh Ăn năn tội (sám hối là việc phải làm trước khi vào tòa xưng tội). Lời xá giải là lời cầu khẩn hơn là một án lệnh.

- Đền tội là tạ ơn lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Tất cả phạm nhân bị toà án phân xử đều phải nhận một hình phạt tương xứng với tội của họ. Trong bí tích Giải Tội, việc này không nhằm đền tội đã phạm cho bằng giúp hối nhân tạ ơn và quyết tâm sống cuộc đời mới, giúp cải thiện tương quan với tha nhân vì ‘tình yêu có thể che lấp mọi tội lỗi’ (1Pr 4,8).

3. Nghi thức giao hòa

Sách nghi thức bí tích Hòa Giải có nhiều mẫu nghi thức:

- Nghi thức Giao Hòa từng hối nhân bao gồm cả phần đón tiếp hối nhân, đọc Lời Chúa (hối nhân nghe hoặc tự đọc), hướng dẫn cầu nguyện, xét mình, xưng tội, lời khuyên của linh mục, nhận việc đền tội, cầu nguyện xin ơn tha thứ, linh mục xá giải, lời nguyện tạ ơn trước khi ra về. Nếu có nhiều người lãnh nhận cùng lúc, có thể đọc chung cho nhiều người, tuy nhiên việc đọc Kinh Thánh này cũng không bắt buộc, và tùy nghi đơn giản các diễn tiến.

- Nghi thức Giao Hòa nhiều hối nhân nhưng xưng tội và giải tội từng người để nhấn mạnh tính cộng đoàn vì sự liên đới trong tội của nhiều người. Tội không chỉ là hành vi cá nhân mà nhiều khi còn là hệ quả của sự đồng lõa nên cũng cần giúp nhau sám hối.

“Bí tích Giải Tội có thể được cử hành cộng đoàn: tất cả cùng chuẩn bị xưng tội và cùng nhau cảm tạ vì được ơn tha thứ. Lúc đó việc xưng tội và giải tội cá nhân được tiến hành trong một cử hành Lời Chúa, với việc đọc Sách Thánh và diễn giảng, cộng đoàn được hướng dẫn xét mình; xin ơn tha thứ, đọc kinh Lạy Cha và cùng tạ ơn. Hình thức này diễn tả rõ nét hơn tính Hội Thánh của việc thống hối(GLTC # 1482).

- Nghi thức Giao Hòa nhiều hối nhân nhưng thú tội và giải tội chung, còn gọi là Giải Tội tập thể. Trong trường hợp nguy tử hay thật khẩn thiết về điều kiện thời gian và hoàn cảnh, linh mục có thể cử hành bí tích Giải Tội tập thể, nghĩa là xưng tội chung và tha tội chung, nhưng đòi buộc phải xưng lại những tội trọng khi có dịp xưng tội riêng.

- Nghi thức thống hối cộng đồng mà không Xưng Tội nhằm gợi lên tinh thần sám hối để dọn mình Xưng Tội vào một dịp thuận tiện khác.

Sám hối là tâm tình luôn phải có của giới luật mến Chúa yêu người. Đặc biệt mỗi tối trước khi ngủ nên đọc kinh tối, xét mình và xin Chúa thứ tha mọi tội lỗi trong tư tưởng, lời nói và hành động.

4. Cuộc gặp gỡ kỳ diệu làm nên hạnh phúc

Trong  bí tích Hòa Giải, Chúa và con người gặp nhau cách kỳ diệu nhiệm mầu. Người ta ra về với một trời mới, đất mới. Cỏ cây xanh tươi. Nắng chan hoà ấm cúng trong lòng người. Và đó là hạnh phúc. Người ta bảo trên đời có ba bóng dáng hạnh phúc tinh ròng: mẹ đem con đi rửa tội về, người lành tạ thế và hối nhân từ tòa giải tội bước ra.

Bút chì cần cục tẩy, mỗi người cần bí tích Hòa Giải. Mỗi lần được tẩy xóa tội lỗi chúng ta lại có một mùa xuân thiêng liêng mới đang nở trong lòng nhờ được chìm sâu trong Trái Tim Nhân Lành của Thiên Chúa Tình Yêu.

Top