Vatican trước đại dịch Covid-19

Vatican trước đại dịch Covid-19

Vatican trước đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 tiếp tục lan tràn làm tê liệt nhiều hoạt động của xã hội, và cả các sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt tại Vatican. Dầu vậy, ĐTC Phanxicô vẫn tìm mọi cách để giúp đỡ các tín hữu, nhất là về tinh thần, và cả các giới hữu trách trong các chính quyền.

Tình trạng bi thảm điển hình: ngành du lịch thế giới

Trong sứ điệp công bố ngày 7-8-2020, nhân Ngày Thế giới về du lịch lần thứ 41 sẽ được cử hành vào ngày 27-9 tới đây với chủ đề “Du lịch và sự phát triển nông thôn”, ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện ghi nhận: Ngày Thế giới này năm nay diễn ra trong bối cảnh bấp bênh do đại dịch Covid-19 gây ra. Sự di động của con người và ngành du lịch quốc gia và quốc tế bị giảm sút rất nhiều, xuống đến mức thấp nhất lịch sử. Việc ngưng các chuyến bay quốc tế, đóng cửa các phi trường và biên giới, các biện pháp nghiêm ngặt giới hạn du hành, kể cả nội bộ, đang tạo nên một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong nhiều lãnh vực có liên hệ tới kỹ nghệ du lịch. Người ta sợ rằng điều tệ hại nhất có thể xảy ra là vào cuối năm nay, 2020, số du khách quốc tế sẽ giảm khoảng 1 tỷ 200 triệu người, gây thiệt hại khoảng 1.200 tỷ mỹ kim cho nền kinh tế thế giới, đặc biệt là sự thất thoát kinh khủng về công ăn việc làm trong lãnh vực du lịch. Theo ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký Tổ chức thế giới về du lịch, thì ”ngành du lịch bị thiệt hại nhiều hơn cả do tình trạng bị lockdown, bế quan tỏa cảng, trên thế giới, khiến cho hằng triệu công ăn việc làm đã, đang và còn bị lâm nguy”.

Vatican và các trung tâm hành hương

Nếu đi vào một trường hợp cụ thể, điển hình hơn, người ta có thể nói Vatican và các trung tâm hành hương thuộc vào số những nơi bị thiệt hại nhiều nhất vì thiếu các tín hữu hành hương và du khách nói chung. Ông Sergio Destito, phát ngôn viên của Văn phòng giáo phận Roma về hành hương, nói với đài truyền hình ”Lời Vĩnh Cửu” ở Mỹ rằng ”cho đến khi có sự chắn chắn hơn, chúng tôi không thấy có sự phục hồi hoàn toàn được”. Còn cơ quan du lịch quốc gia Italia cho biết có sự giảm sút tới 90% các du khách nước ngoài từ 13-7 đến 23-8-2020. Cơ quan này cho biết số du khách quốc tế đến Italia giảm 35 triệu người so với năm ngoái. Du lịch quốc tế từ nhiều nước ngoài Âu Châu đến Italia, kể cả các cuộc hành hương, bị coi là không thiết yếu nên bị hạn chế. Và tuy biên giới giữa các hầu hết các nước Âu Châu đã được mở lại nhưng số du khách vẫn ít ỏi. Ví dụ trong tháng 8 này, đặc biệt là vào khoảng giữa tháng 8 là thời cao điểm nhất trong ngành du lịch ở Italia, số du khách từ nước ngoài đến đây giảm 80%, nhưng bù lại số du khách nội địa của Italia tăng thêm. Phần lớn họ đến các vùng bãi biển hoặc lên miền núi để nghỉ ngơi. Số du khách từ hai nước láng giềng Pháp và Tây Ban Nha sang Italia cũng giảm mất 80, 90%.

ĐTC Phanxicô "bị kẹt” tại Vatican

Tại khu vực Vatican chẳng hạn, các cửa tiệm trống vắng khách. Từ hơn 4 tháng nay, tuy ĐTC đã có thể chủ sự kinh truyền tin trưa chúa nhật và ngày lễ với sự tham dự của từ 1 đến 2 ngàn tín hữu, nhưng các buổi tiếp kiến chung những ngày thứ tư, chỉ tiến hành trực tuyến, không có tín hữu tham dự, không có các buổi lễ lớn có tín hữu tham dự tại đền thờ thánh Phêrô và quảng trường bên ngoài.  Trong tình đó, cũng có người thấy tội nghiệp của ĐGH, như cha Thomas Reese, dòng Tên nổi tiếng người Mỹ, đã từng làm phó chủ nhiệm tạp chí America của dòng tại Hoa Kỳ. Trong một bài với tựa đề "5 điều mà ĐGH Phanxicô cần làm trong khi bị cầm tù vì đại dịch” đăng ngày 14-8-2020 trên tạp chí "National Catholic Reporter”, (Phóng viên Công Giáo quốc gia), có xu hướng cấp tiến ở Mỹ, Cha Thomas Reese viết: "ĐGH Phanxicô với tâm hồn là một mục tử thích ở với dân của Ngài, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm cho điều đó không thể thực hiện được. Ngài không thể du hành hoặc mời các đám đông đến Quảng trường thánh Phêrô. Ngài không thể ôm hôn bệnh nhân và người tàn tật. Ngài không thể nói với các tín hữu hành hương, không thể cử hành thánh lễ cho đông người”. Đức Phanxicô đã trở thành một tù nhân ở Vatican, điều mà không bao giờ ngài muốn. Vậy điều gì ngài phải làm với tất cả thời gian còn dư như thế?

5 điều ĐGH cần làm”

Và ký giả này nghĩ ra những điều ĐGH cần làm, như giảng và viết về đại dịch để mang lại an ủi và hy vọng cho thế giới, nhắc nhở các chính phủ về cách thế đối phó với Covid-19 làm sao phản ánh tình thương Kitô và giáo huấn xã hội Công Giáo; ĐGH cần triệu tập một hội nghị trực tuyến các chuyên gia về thảo luận về cách sử dụng Internet và các mạng xã hội để thăng tiến các cộng đoàn tiềm thể cỡ nhỏ trong Giáo Hội, tiếp đến ĐGH cần đối phó với nạn tham nhũng tài chánh trong Vatican và giáo Hội. Sau cùng là cải tổ giáo triều Roma, là cơ cấu hành chánh giúp ĐGH cai quản Giáo Hội và Quốc gia thành Vatican..”

Hoạt động của ĐTC giữa đại dịch

Thật ra đó cũng là những điều ĐTC đã và đang làm. Ngài đã bắt đầu loạt bài giáo lý mới trong các buổi tiếp kiến chung trực tuyến mỗi sáng thứ tư, nói về Giáo Hội thời đại dịch. Trong bài thứ ba hôm 19-8-2020, ĐTC nói về sự chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo: đó là một chọn lựa đến từ chính Chúa Giêsu, đã xuống thế đồng hành với loài người, đặc biệt những người bé nhỏ, nghèo khổ. Từ hướng đi tổng quát này, ĐTC cổ võ việc xây dựng một nền kinh tế thời hậu đại dịch trong đó người nghèo không còn bị gạt bỏ. Ngài nói:

Cổ võ nền kinh tế không quên người nghèo

"Một nền kinh tế không tìm đến những phương thế chữa trị, thì trong thực tế, nó làm cho xã hội bị nhiễm độc, như những lợi lộc tách rời khỏi việc kiến tạo những công ăn việc làm xứng đáng (Xc EG 204). Những thứ lợi lộc ấy tách biệt khỏi nền kinh tế thực tế, nền kinh tế phải mang lại lợi ích cho dân thường (X. Laudato sì, LS, 109) và ngoài ra, nhiều khi chúng dửng dưng đối với những thiệt hại gây ra cho căn nhà chung. Sự ưu tiên dành cho người nghèo đòi hỏi nền luân lý đạo đức - xã hội này đến từ tình yêu của Thiên Chúa (Xc LS, 158),- mang lại cho chúng ta động lực để suy nghĩ và đề ra một nền kinh tế trong đó con người, nhất là những người nghèo nhất, ở vị trí trung tâm. Và nó cũng khích lệ chúng ta đề ra kế hoạch chữa trị virus dành ưu tiên cho những người cần nhất. Thật là buồn nếu thuốc chủng ngừa - vắc-xin - chống Covid-19 dành ưu tiên cho những người giàu nhất! Thật là buồn nếu vắc-xin ấy trở thành tài sản của nước này hay nước kia, chứ không phải là điều phổ quát, cho tất cả mọi người. Và thật là một gương mù nếu tất cả sự giúp đỡ kinh tế mà chúng ta đang thấy - phần lớn bằng công quĩ - được tập trung để cứu các công nghệ không góp phần hội nhập những người bị loại trừ, không thăng tiến những người rốt cùng, công ích hoặc chăm sóc thiên nhiên (ibid.). Đó là những tiêu chuẩn để chọn lựa xem đâu là những công nghệ cần giúp đỡ: những công nghệ góp phần bao gồm những người bị loại trừ, thăng tiến những người rốt cùng, góp phần vào công ích và chăm sóc môi trường.

Chữa lành ”dịch tinh thần”

Và ĐTC kết luận rằng: ”Nếu virus tái bùng lên trong một thế giới bất công đối với những người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất, thì chúng ta phải thay đổi thế giới này. Theo gương của Chúa Giêsu, vị y sĩ của tình thương toàn diện của Thiên Chúa... chúng ta phải hành động ngay bây giờ, để chữa lành những thứ dịch tễ do các virus bé nhỏ vô hình tạo nên, và chữa lành những thứ dịch do các bất công xã hội to lớn và hữu hình gây ra. Tôi đề nghị rằng điều đó được thực hiện khởi đi từ tình thương của Thiên Chúa, đặt ngoại ô ở trung tâm và đặt những người rốt cùng ở chỗ thứ nhất. Đi từ tình yêu ấy, được ăn rễ nơi niềm hy vọng và dựa trên đức tin, một thế giới lành mạnh hơn là điều có thể.”

Nguồn: vaticannews.va

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top