Vấn đề Lương Tâm
Tôi có anh bạn lớn hơn tôi 10 tuổi. Chúng tôi gặp nhau hằng tuần, cùng uống cà-phê và phiếm đàm nhiều chuyện: từ tôn giáo đến xã hội, từ giáo dục tới kinh tế, từ giao tế xã hội tới đạo hiếu gia đình,… Thậm chí chúng tôi trao đổi cả về cuộc đời và sự chết.
Khoảng 10 năm trước, xe tôi hư, muốn sửa xe mà không quen ai, sợ gặp thợ “vô tâm” làm ẩu và “chém đẹp”. Đứa cháu nói có ông già sửa xe trên khúc đường gần tới nhà thờ, và nó “láy” một câu: “Ông ấy khó tính lắm”.
Một lần, hai lần, rồi nhiều lần. Tôi đến “ông già” để sửa xe. Cứ thế thành quen, rồi thân. Tôi nói với đứa cháu: “Có thấy ông ấy khó tính gì đâu!”. Cứ khoảng hai hoặc ba tuần tôi không ghé là ông lại nhắc: “Lâu quá không ghé, tưởng đi đâu xa rồi chứ. Nói thật lòng, không thấy Đông ghé tôi cũng thấy nhớ”. Tôi ghé tiệm sửa xe của anh có khi không sửa xe mà chỉ để phiếm đàm sự đời, tâm sự với nhau cho quên “khổ ải trần gian” vậy thôi.
Có lần anh nói: “Có những người giàu, buôn bán lấy lời thẳng tay. Có khi lời gấp đôi, gấp ba lận. Mà không phải người bình thường đâu, họ là con cha cháu ông đó. Mình nghèo thật, nhưng sửa xe cho khách mà lấy mắc hơn một vài ngàn, đêm nằm suy nghĩ thấy áy náy lắm. Áy náy thật chứ không giỡn nha”. Tôi cười: “Vậy chứ sao. Có lẽ vậy nên họ giàu. Mình nghèo có khi còn bị cho là chảnh”.
Đó là vấn đề lương tâm. Có người áy náy vì chuyện rất nhỏ, nhưng có người không hề áy náy vì chuyện lớn. Lương tâm mỗi người đều có những mức độ khác nhau: Đúng đắn hay sai lệch? Trong sáng hay chai lì? Còn thức hay đã ngủ? Và người ta thường “chua cay” nói: Lương tâm không bằng lương tháng. Vâng lương tâm có răng đâu mà cắn rứt!
Mới đây, trên đường Bùi Thị Xuân (Q. 1, TPHCM), hai xe máy va quẹt chưa xảy ra nguy hiểm nào, nhưng chỉ vì một lời nói không lọt tai mà một thanh niên đã hung hãn giết hai người chết tại chỗ.
Rồi trên xe buýt chạy tuyến QL 13 đi Bình Dương, một đạo tặc “hai ngón” bị bà già ngăn cản liền đâm vào mặt bà. Hai thanh niên thấy vậy nên ra tay nghĩa hiệp cũng bị hắn đâm, một anh bị đâm vào lưng và một anh bị đâm vào đùi.
Đọc báo Tuổi Trẻ mà… giật mình, không thể tưởng tượng nổi khi các “cô chiêu, cậu ấm” của các đại gia còn xài sang hơn “công tử Bạc Liêu” xưa: Họ điểm tâm sáng vài trăm triệu đồng VN, buổi tối họ vào các bar chi khoảng vài ngàn USD. Với họ, như vậy là… chuyện nhỏ, và như vậy mới chứng tỏ “đẳng cấp”!
Nhưng, tháng 8/2010, anh lái tàu hỏa tên Thức – với 20 năm kinh nghiệm – đã nhanh chóng quyết định dùng cách khác để thắng đoàn tàu khi gặp sự cố, dù anh biết nguy hiểm cho tính mạng mình. Anh bị trọng thương, dập nát hai chân và dập lá lách, nhưng anh đã cứu sống hơn 300 hành khách. Lái tàu có cách thắng khác không nguy hiểm cho mình, nhưng có thể nguy hiểm cho cả đoàn tàu. Anh đã chọn phần nguy hiểm về phần mình. Anh có vợ và con gái. Nhà nghèo, chiếc xe máy cũng chưa mua được, nhưng anh Thức vẫn hoàn toàn là con người vĩ đại với một lương tâm trong sáng.
Giữa đêm tối bao phủ dày đặc, một que diêm lóe sáng cũng đủ để người ta nhìn thấy. Cũng vậy, một động thái dù rất nhỏ cũng đủ người khác nhận ra. Muốn giỏi một ngoại ngữ, người ta cần đan quyện cả 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc (hiểu), Viết. Cuộc sống cũng cần các kỹ năng tương tự vậy. Hymans nói: “Giá trị mỗi con người tùy thuộc lý tưởng cao hay thấp mà mình theo đuổi”.
M. Blanchecotte nói: “Hãy tưởng như mình sắp chết và hãy hành động như mình bất tử”. Quả thật, trong con người luôn có sự giằng co mãnh liệt, do đó “nghĩ đúng, nói đúng, vậy cũng chưa đúng, mà còn phải làm đúng” (Lachausser). Cuộc sống phải tích cực và dứt khoát, không được tiêu cực hoặc lừng khừng, vì Chúa nói: “Ngươi hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3, 16).
Nói đến lương tâm là hiểu ngầm có sự giằng co trong mỗi con người. Điều quan trọng là chúng ta chứng tỏ bằng chính hành động cụ thể, đừng nghĩ rằng “Vắng mợ thì chợ vẫn đông”. Chân phước Teresa Calcutta đã chia sẻ: “Chúng ta cảm thấy những gì chúng ta làm chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng đại dương sẽ ít đi vì thiếu giọt nước đó” (We ourselves feel that what we are doing is just a drop in the ocean. But the ocean would be less because of that missing drop).
Lạy Chúa, xin tạo cho chúng con trái tim trong sạch, lương tâm trong sáng, và giúp chúng con can đảm hành động…
bài liên quan mới nhất
- Đối thoại cứu độ - Cái khung của nền luân lý tình huynh đệ
-
Đào tạo lương tâm và sự phân định trong Amoris Laetitia: Hướng tới một chuyển đổi hệ hình trong chăm sóc mục vụ gia đình -
Cha Alain Thomasset: “Phẩm giá không gắn liền với vẻ bề ngoài nhưng được ban tặng cùng với sự sống” -
Kénose là gì? -
Căn cước đàn ông, căn cước đàn bà -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần bốn - Đời sống độc thân trinh khiết Kitô giáo -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần ba - Xác thể phục sinh -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần một - Con tim được cứu rỗi (Giáo lí về Bài Giảng Trên Núi) -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác – Phần Giới thiệu -
Người Công Giáo có buộc phải đồng ý với Đức Giáo hoàng không?
bài liên quan đọc nhiều
- Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay
-
Vấn đề đạo đức của giới trẻ ngày nay -
Vấn đề nạo phá thai trong giới trẻ ngày nay -
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Có phải tiền là tất cả ? -
Lương tâm của giới trẻ ngày nay -
Ảnh hưởng của vật chất đối với Thanh thiếu niên thời nay -
Thai nhi bị dị tật: Bỏ hay giữ? -
Bác thằng bần -
Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện Khoa học và Luân lý Công giáo