Thai nhi bị dị tật: Bỏ hay giữ?
Trên đây là tiêu đề một bài báo của tác giả An Quý đăng tải ở báo Phụ nữ, năm thứ 36, số 20, ngày 02.3.2011, trang 1 và trang 11. Đoạn nhập đề của bài viết khái quát một thực trạng:
“Năm 2009, BV Từ Dũ đã khám tiền sản cho 5.314 thai phụ, trong đó 1.301 trường hợp đã phải chấm dứt thai kỳ vì dị tật bẩm sinh nặng. Vấn đề đặt ra ở đây là “quyền” được tự ý bỏ thai nhi của cha mẹ đến đâu, vì trên thực tế, có những thai nhi chỉ bị dị tật nhẹ và hoàn toàn có thể điều trị hết sau khi sinh, nhưng thai phụ vẫn quyết định chấm dứt thai kì. (...)”
“Bỏ thai nhi” là một vấn đề nhạy cảm, nên trong phần triển khai, tác giả khá thận trọng khi trình bày mục đích của việc “tư vấn cho thai phụ và gia đình kết thúc thai kỳ nhằm giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội”, đồng thời lại cảnh báo “Bỏ thai có thể gây ra những rủi ro cho bản thân thai phụ và tương lai sản khoa sau này như: băng huyết, nhiễm trùng, tổn thương cơ tử cung và những tạng vùng bụng, dính buồng tử cung và kinh thứ phát, vô sinh...”.
Trước sự tư vấn của các bác sĩ, có những “bà mẹ và gia đình vẫn cương quyết giữ lại vì nhiều lý do: tôn giáo, con quý do điều trị vô sinh ...”, nhưng cũng có “một số bà mẹ đã lập tức quyết định bỏ thai dù chỉ phát hiện bất thường rất nhỏ. Họ hy vọng lần sau có thể sinh ra đứa con bình thường khỏe mạnh, lành lặn...”. Từ đó, tác giả nêu rõ chủ ý của bài viết khi đặt vấn đề: “Quyền” của cha mẹ đến đâu? và cho rằng cần có hành lang pháp lý. Tác giả trưng dẫn Luật Dân sự năm 2005, Luật Hình sự năm 1999, Luật Khám chữa bệnh, Pháp lệnh dân số của Việt Nam, tham khảo một số quy định pháp luật của các nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Anh Pháp và các nước thuộc châu Âu.
Vấn đề được bỏ ngỏ
Bài viết trên đây, gợi nhớ một sự việc đã xảy ra với gia đình chúng tôi cách đây hai năm, vào đầu năm 2009. Xin ghi lại như là một giải đáp cho câu hỏi: “Quyền” được tự ý bỏ thai nhi của cha mẹ đến đâu?
Năm ấy, tôi tròn 35 tuổi, ranh giới cuối cùng của tuổi sinh sản tốt đẹp nhất. Chúng tôi đã có một con trai lên hai tuổi và bắt đầu hoài thai cháu thứ hai. Vào tháng thứ tư của thai kỳ, bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm: thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh, đồng thời chỉ định: phải lấy nước ối để xét nghiệm. Tôi choáng váng. Chồng tôi lo lắng. Nếu xét nghiệm mà kết quả báo cho biết thai nhi mắc hội chứng Down thì sao? Mình có nuôi nó suốt đời được không? Mà mình cũng chẳng ăn đời ở kiếp với đứa con dị tật bẩm sinh được. Chẳng lẽ dồn gánh nặng lên vai của anh nó? Ai cũng biết là phải tôn trọng sự sống, không được phá thai là giết người. Cha mẹ đôi bên đều khẳng định như thế và không đồng ý cho đi xét nghiệm, vì nếu kết quả xét nghiệm xấu thì cũng không được bỏ thai. Nhưng mình là người đối đầu trực tiếp với tình huống thực tế, sao mà khó chọn lựa cách hành xử đến thế? Nhỏ to tham khảo ý kiến bạn bè. Một linh mục y sĩ chỉ dẫn: Nếu lấy nước ối thì lại thêm nguy cơ bị hư thai. Mà tôi thì đã 35 tuổi, tương lai sinh sản sẽ khó khăn. Người khác trấn an: Không sao đâu, cứ xét nghiệm đi! Chúng tôi ngày đêm CẦU NGUYỆN. Chớ gì Chúa đừng bắt chúng con uống chén đắng, nhưng chúng con sẵn sàng vâng theo Thánh ý Chúa. Chúng con sẵn sàng đón nhận đứa con mà Chúa trao ban, Chúa cho như thế nào, chúng con nhận thế ấy. Xin Chúa hướng dẫn chúng con. Chúa là sự sống, là nguồn mạch sự sống. Chúng con không có quyền quyết định sự sống của ai, kể cả sự sống của con mình, của thai nhi trong cung lòng của mình.
Bác sĩ bực bội ghi vào sổ thăm thai: Chống chỉ định của bác sĩ. Đành chấp nhận.
Cha sở thâm trầm động viên: Như thế thì không mất một thiên tài. Cha nhắc lại chuyện sách sử xưa. Trong buổi học, thảo luận về vấn đề nên hay không nên bỏ thai với một trường hợp có dấu hiệu dị tật bẩm sinh cụ thể, các sinh viên đồng tình với ý kiến bỏ thai; vị giáo sư chậm rãi trả lời: nếu ai cũng xử sự như các anh, thì đã mất một thiên tài, vì bào thai có dấu hiệu dị tật ấy sau này trở thành một nhạc sĩ tài ba!
Tạ ơn Chúa. Chúng tôi đã lựa chọn đúng. Một bé trai chào đời, hoàn toàn bình thường, hoàn toàn khỏe mạnh. Ngày hôm nay, cháu kháu khỉnh, tung tăng vui đùa. Ước mong lời cầu chúc của cha sở thành hiện thực.
15/3/2011
Mộc Mạc
bài liên quan mới nhất
- Đối thoại cứu độ - Cái khung của nền luân lý tình huynh đệ
-
Đào tạo lương tâm và sự phân định trong Amoris Laetitia: Hướng tới một chuyển đổi hệ hình trong chăm sóc mục vụ gia đình -
Cha Alain Thomasset: “Phẩm giá không gắn liền với vẻ bề ngoài nhưng được ban tặng cùng với sự sống” -
Kénose là gì? -
Căn cước đàn ông, căn cước đàn bà -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần bốn - Đời sống độc thân trinh khiết Kitô giáo -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần ba - Xác thể phục sinh -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần một - Con tim được cứu rỗi (Giáo lí về Bài Giảng Trên Núi) -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác – Phần Giới thiệu -
Người Công Giáo có buộc phải đồng ý với Đức Giáo hoàng không?
bài liên quan đọc nhiều
- Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay
-
Vấn đề đạo đức của giới trẻ ngày nay -
Vấn đề nạo phá thai trong giới trẻ ngày nay -
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Có phải tiền là tất cả ? -
Lương tâm của giới trẻ ngày nay -
Ảnh hưởng của vật chất đối với Thanh thiếu niên thời nay -
Bác thằng bần -
Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện Khoa học và Luân lý Công giáo -
Trách nhiệm luân lý trong đời sống hôn nhân và gia đình