Trách nhiệm luân lý trong đời sống hôn nhân và gia đình
DẪN NHẬP:
TÌNH YÊU HÔN NHÂN TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY
Đức thánh cha Gioan Phaolô II, nhân dịp viếng thăm Mexico tháng 5.1990 đã nói về gia đình như sau: "Tình yêu trong thế giới ngày nay đang bị đe dọa bằng nhiều cách và tình yêu gia đình đang bị lu mờ dần dần." Để điều chỉnh lại tình trạng này, Ngài nói đến sự cao cả và trách nhiệm của gia đình. Gia đình là một cộng đồng đầu tiên của sự sống và tình yêu. Gia đình là một môi trường đầu tiên nơi con người học yêu mến và cảm thấy được mến yêu. Không những bởi người khác mà còn bởi chính Thiên Chúa nữa. ĐTC kêu gọi như sau: "Vì thế hỡi các cha mẹ Công Giáo, bổn phận của anh chị em là xây dựng và gìn giữ tổ ấm này, trong đó con cái anh chị em được sinh ra và lớn lên trong phẩm giá làm con T.C. Nhưng tình yêu của anh chị em chỉ có thể nói về T.C cho con cái của anh chị em, nếu trước hết anh chị em được sống trong sự thánh thiện và trong việc tận hiến hoàn toàn cho nhau trong hôn nhân."
Do đó, mục đích của bài viết này nhằm đưa ra một vài yếu tố cơ bản giúp chúng ta có thể thực hiện và xây dựng một mái ấm gia đình Kitô Giáo, thể theo như những gì mà Vị Cha chung của chúng ta, ĐTC Gioan Phaolô II, đã mời gọi.
TRÁCH NHIỆM LUÂN LÝ TRONG HÔN NHÂN
1) Thời gian đính hôn.
Thông thường thì việc chuẩn bị cho hôn nhân được diễn ra, sau thời gian mà hai anh chị đã quen nhau và đã trở nên thân thiết. Sau thời gian này, nếu được tiếp tục, họ sẽ đi đến thời kỳđính hôn. Cái động lực chính để đưa hai tâm hồn đến với nhau, trong nhiều trường hợp, đó chính là tình yêu mà họ đã cảm nghiệm được từ nơi nhau. Người thanh niên kia vàcô thiếu nữ nọ tự khám phá ra những nét độc đáo nơi đối tượng của mình, mà thiết tưởng người ngoài cuộc có thể không nhìn thấy, và điều đó khiến cho cả hai người cảm thấy họ thực sự thuộc về nhau. Có thể trong một vài trường hợp khác, cái động lực chính trong việc chọn lựa cho mình một người bạn đời, lại là những yếu tố có tính thực tiễn và do bởi lý luận tự nhiên, tỷ dụ như cùng một nghề nghiệp hay cùng chung một sở thích. Nhưng cũng có trường hợp, tuy chỉ mới gặp nhau đôi ba lần mà cả hia anh chị đã yêu nhau ngay lập tức. Đó là một sự kiện mà ta hay đề cập đến gôi là "tiếng sét của ái tình" như trong một bài ca, thường được trình diễn với giọng hát của nam ca sĩ Evis Phương: "phút đầu gặp em tinh tú quay cuồng, lòng đang giá băng, bỗng tràn ngập muôn tia nắng …". Nhưng dầu sao đi chăng nữa, thì chúng ta cũng không nên loại trừ vai trò của lý trí và tiếng nói của lương tâm trong việc chonï lựa người bạn đời cho chính mình. Vì đôi khi yêu quá cũng có thể hóa dại.
Người bạn đường tương lai phải có trách nhiệm xem xét và tìm hiểu coi đối tượng và mình có thể hoà hợp với nhau hay không? Và có sẵn sàng chia sẻ vơí nhau những khó khăn để cùng nhau xây dựng hạnh phúc lứa đôi cho bền lâu. Đây thiết nghĩ là công việc của thời gian đính hôn.
2) Ý nghĩa của giai đoạn đính hôn.
Thời gian đính hôn là một cơ hội thuận tiện, cho phép cả hai tìm hiểu lẫn nhau để xem tình yêu của mình có được đặt trên một nền tảng vững chắc hay không? Trong giai đoạn này, họ có thể có những tranh luận hoặc bất đồng ý kiến với nhau trong khi thảo luận hay nói chuyện. Họ có thể dò xét những sở thích của nhau, tìm hiểu những ưu khuyết điểm của nhau và giúp nhau vượt qua những tính hư nết xấu nếu có. Dần dà như thế, họ có thể hiểu rõ hơn về đối tượng của chính mình để có một cái nhìn trung thực và chuẩn xác hơn. Và hy vọng với những chiều hướng như thế, sau này họ sẽ khắc phục được những khó khăn khi về chung sống với nhau với tư cách là vợ chồng.
Có thể nói cái điểm then chốt hay cơ bản, trong thời kỳ đính hôn là thời gian để cả hai bên xem xét lẫn nhau. Và để tránh tình trạng ngộ nhận về đối tượng của mình, thì chúng ta cần có một thời gian tương đối kha khá, có thể là 6 tháng trở lên. Kẻo sau này, khi lấy nhau về, lại có người than rằng: "Phải hồi đó, con biết "ảnh" như dzậy thì con đâu có lấy"… Tính hấp tấp, vội vàng thường hay dẫn đến sự ngộ nhận – "dục tốc bất đạt" – người xưa vẫn nói thế. Nhưng ngược lại, cũng không nên kéo dài quá, tỉ dụ như đã đính hôn cả hơn hai năm mà vẫn chưa thấy cưới, như vậy nó cũng đâm ra thất lợi. Người con gái họ cũng chỉ có một thời mà thôi!
Người trẻ hôm nay, có rất nhiều tự do trong việc chọn lựa cho mình một người bạn đời, so với bậc cha mẹ thuở xưa. Nhưng điều ấy cũng kèm theo sự gia tăng về trách nhiệm cá nhân. Nói một cách chung, thì giới trẻ hôm nay bước vào ngưỡng cửa hôn nhân muộn hơn, so với thời ông bà của chúng ta trước đây[1]. Điều ấy, nhìn với một khía cạnh tích cực thì nó có thể diễn tả sự trưởng thành trong cái quyết định của chính họ. Tuy vậy, người trẻ hôm nay cũng gặp rất nhiều khó khăn đang khi bước vào đời sống hôn nhân. Họ bị ảnh hưởng bởi những trào lưu tư tưởng hiện đại, coi nhẹ cái giá trị của đời sống gia đình và định chế hôn nhân. Có một số các bạn trẻ quan niệm như sau: Nếu thích thì ở với nhau, còn không thích nữa thì ra toà ly dị, rồi đường ai nấy đi, như vậy là êm xuôi, không phiền toái gì đến ai cả. Quan niệm ấy đặt giá trị hôn nhân như là một "hợp đồng" giữa hai người, mất đi cái ý nghĩa của hôn ước hay giao ước, và mất đi cái giá trị của sự bất khả phân ly trong định chế hôn nhân. Điều này xảy ra rất nhiều ở các nước Tây phương, vì lẽ đó mà con số ly dị của họ lên rất cao. Một vài tỷ dụ để dẫn chứng.
* Tại nước Ý Đại Lợi, theo con số thống kê của Học viện Quốc gia cho biết thì có sự gia tăng về mức độ ly dị hiện nay. Họ cho biết cứ 100 đôi hôn phối thì tỷ lệ ly thân là 23.5%. Trong số này có 12.3% sẽ ly dị chính thức. Theo bài viết được đăng tải trên nhật báo La Repubblica phát hành ngày 20.10.2001, thì con số ly dị hiện nay tại Ý gia tăng gấp 3 lần trong những năm gần đây.
* Tại Anh Quốc, theo tờ báo The Time ra ngày 22.8.2001, thì hiện nay đang có một hiện tượng đáng chú ý, đó là con số ly dị đang gia tăng đối với những cặp vợ chồng mà hôn nhân được thực hiện lần thứ hai. Theo thống kê cho biết thì có 18.000 đôi vợ chồng ly dị vào năm 1981 và đến năm 1999 thì có 28.000. Như vậy chỉ trong có 8 năm, con số đã nhảy vọt hơn lên 10.000.
* Tại nước Úc Đại Lợi, theo nhật báo The Age xuất bản tại thành phố Melbourne, phát hành ngày 25.10.2001, thì cứ 3 đôi hôn phối, có 1 đôi sẽ ly dị và con số này còn gia tăng.
Từ đó chúng ta có thể suy ra ảnh hưởng của ý thức hệ rất quan trọng. Tôi rất thích cái câu của Steven Bido, một nhà đấu tranh cho nhân quyền ở Nam Phi trong gian đoạn kỳ thị chủng tộc, giữa người da trắng và người da đen tại đây. Anh ta nói như thế này: "nếu bạn muốn cải tổ xã hội, bạn trước tiên, phải thay đổi cái não trạng của họ." Đời sống hôn nhân sẽ bị ảnh hưởng rất lớn – điều này có thể xấu hoặc tốt – tuỳ theo cái nhìn của mỗi người chúng ta và những giá trị mà chúng ta gán đặt cho nó.
Lẽ đó, mà tôi thiết nghĩ, anh chị em chúng ta, những nhà lãnh đạo tinh thần, chúng ta có một trọng trách rất lớn trong việc bảo tồn, duy trì và phát triển những giá trị đặc biệt trong đời sống hôn nhân Công Giáo. Chúng ta và những người tín hữu trong cộng đoàn của chúng ta phải ra sức tìm cách, hầu đề ra những phương thế hữu hiệu nhằm giúp đỡ và hướng dẫn người trẻ hôm nay, để họ có cơ hội tìm hiểu và khám phá ra cho chính mình những giá trị hay ho và độc đáo trong đời sống gia đình; nhờ đó, họ được am hiểu một cách tường tận thế nào là đời sống hôn nhân. Điều này có thể thực hiện cách hữu hiệu qua các khoá dự bị hôn nhân, nếu chúng ta tổ chức cho đến nơi, đến chốn. Đặc biệt là tại những nơi mà từ xưa đến nay, chúng ta đã có một truyền thống tốt đẹp về các lớp dự bị hôn nhân, có lẽ lúc này chúng ta cần đẩy mạnh và thăng tiến nó để cho nó được hoàn chỉnh hơn.
Theo nhận xét chung, có tính cách mục vụ, thì những người trẻ sắp sửa bước vào đời sống hôn nhân, nếu họ bằng lòng chịu khó chuẩn bị cho mình một cách tỉ mỉ bằng việc tham dự học hỏi cho đến nơi, đến chốn các lớp dự bị về hôn nhân, thì họ sẽ có nhiều điều kiện và cơ hội hơn, để xây dựng mái ấm gia đình được bền lâu, và họ sẽ sống hạnh phúc với nhau hơn, là những anh chị em không có tham gia các lớp dự bị hôn nhân. Nói như vậy, cũng không có nghĩa la,ø hễ ai đi học lớp dự bị hôn nhân thì đều có hy vọng là đời sống lứa đôi của mình sẽ được vững chắc. Vì có nhiều người đến tham dự lớp dự bị hôn nhân với một tính cách miễn cưỡng, bất đặng đừng, chứ cũng chả mấy gì là tha thiết cho lắm, miễn sao cho nó xong, và hoàn tất những thủ tục cần thiết để cha xứ cử hành thánh lễ hôn phối là xong.
Nói tóm lại, các khóa dự bị hôn nhân là điều tối cần thiết cho tất cả những ai muốn bước vào đời sống gia đình, muốn xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Thật khó có thể hiểu được, khi có những người chỉ muốn lái xe hơi, nhưng không bao giờ chịu khó học lái, kết quả là họ đã gây ra tai nạn, và thương tổn đến tính mạng, trước tiên là chính mình, sau đó là những người khác.
BẢN CHẤT CỦA HÔN NHÂN
Trong đời sống hôn nhân, người nam và người nữ cả hai hợp nhất với nhau trong cộng đồng yêu thương vợ chồng, tạo cho nhau một mái ấm và sự hỗ tương về mặt an toàn; họ đáp ứng và thỏa mãn cho nhau những ước muốn về phương diện thể xác trong yêu thương, từ đó phát sinh ra con cái. Họ cũng lãnh nhận và đảm nhiệm vai trò giáo dục con cái. Quyền lập gia đình là một trong những quyền căn bản của con người, cũng như quyền bình đẳng giữa những người phối ngẫu trong đời sống gia đình đã được liệt kê trong bản tuyên ngôn về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Con người (nam lẫn nữ) khi đến tuổi trưởng thành, không bị giới hạn bởi chủng tộc, quốc gia hay tôn giáo, đều có quyền (được lập gia đình) đi đến hôn nhân và xây dựng mái ấm gia đình (điều 16).
1) Những mục đích của hôn nhân.
Mục đích của hôn nhân thì nó đi liền với mục đích của tình yêu tình dục, nhưng chúng lại không nhất thiết là đồng nhất. Đời sống hôn nhân không chỉ có mục đích duy nhất là sinh sản con cái, như vẫn thường được quan niệm trước đây[2], nhưng nó còn có những mục đích khác, chẳng hạn như việc giáo dục con cái. Một trong những mục đích khác của đời sống hôn nhân là sự tương trợ lẫn nhau trong một cách thức rất cụ thể, được thể hiện ngang qua cuộc sống hằng ngày, ví dụ như chăm lo săn sóc lẫn nhau, đặc biệt khi đau yếu, đây cũng là một hình thức biểu lộ sự yêu thương của tình nghĩa vợ chồng, song song với việc chăn gối. Nói cách khác, đời sống và mục đích của hôn nhân không chỉ hạn hẹp trong việc sinh sản và các hành động hợp giao.
a) Sinh sản và giáo dục con cái.
Một trong những mục đích cơ bản của đời sống vợ chồng là việc sinh sản con cái: "Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Con cái là ân huệ cao quí nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha me… Khi nói như vậy, không có nghĩa là Công Đồng Vaticanô II, xem thường hay coi nhẹ những giá trị khác trong đời sống hôn nhân. Thực ra, hai mục đích này (và nhiều mục đích khác để phát triển nhân phẩm về mọi phương diện) đều là chính yếu, nghĩa là hôn nhân đòi hỏi quyền lợi để hai bên (vợ chồng) nhờ nhau mà đạt tới mục đích ấy. Lập giao ước hôn nhân, nhưng loại trừ quyền lợi để sinh sản con cái thật là vô lý và giao ước không thành. Điều này muốn ám chỉ đến những đôi vợ chồng lấy nhau chỉ đểm uốn hưởng thụ nhục-cảm, chứ không màng gì đến việc sinh con cái. Lẽ đó, dưới cái nhìn của Công Đồng thì những đôi hôn nhân như vậy không thành sự, xét về phương diện bí tích.
Do đó, việc thể hiện đích thực tình yêu vợ chồng cũng như toàn thể tổ chức đời sống gia đình phát sinh từ việc sinh sản con cái, đều nhằm giúp đôi vợ chồng can đảm sẵn sàng cộng tác với tình yêu của Đấng Tạo Hoá và Cứu Thế, mặc dù không loại bỏ các mục đích khác của hôn nhân (như đã giải thích ở trên). Nhờ đời sống lứa đôi, Thiên Chúa làm cho gia đình Ngài càng ngày càng bành tướng và phong phú hơn.
Bổn phận truyền sinh và giáo dục con cái phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng. Trong khi thi hành bổn phận ấy, họ biết rằng mình cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hoá và như thể trở thành những kẻ diễn đạt tình yêu của Ngài. Bởi vậy, họ sẽ chu toàn bổn phận của mình với trách nhiệm là bậc cha mẹ và là người Ki-tô hữu.
Nhằm chú giải ước muốn của Đấng Tạo Hoá, Thánh Kinh đã chí lý khi coi việc lưu sinh hậu thế là một mục đích thiết yếu trong đời sống hôn nhân. Lời chúc lành của Thiên Chúa cho cặp vợ chồng đầu tiên của nhân loại trong Sách Sáng Thế ký "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất" (St 1, 28), đã ban cho đời sống lứa đôi khả năng sinh sản ở tất cả mọi thời và mọi nơi. Lời chúc phúc này của Thiên Chúa dành cho đời sống hôn nhân được thể hiện nơi niềm tin của dân Do-thái rằng: con cái là ân huệ của Thiên Chúa. Và trong cái kế hoạch của Thiên Chúa đối với đời sống gia đình, là họ phải sinh sôi nảy nở nhằm bành trướng nhân loại.
Mặc dầu, một số gia đình hôm nay đã giới hạn số con mà họ sẽ có, so với thời gian trước đây, vì những lý do chính đáng và dẫu cho chúng ta hiện tại đang nhấn mạnh nhiều đến khía cạnh tình yêu tương-trợ và sự ân cần nâng đỡ lẫn nhau trong đời sống lứa đôi hơn so với quá khứ, thì một số đông vợ chồng vẫn tiếp tục khao khát và ước mong có con. Điều này được thể hiện qua các cặp vợ chồng hiếm muộn về việc sinh con. Họ đã nổ lực và đã tìm đủ phương pháp chữa trị hầu có thể thụ thai. Và ngay cả những cách thức trên đã không thành công, thì họ đã nhận một con nuôi. Điều này là một chứng cớ hiển nhiên, có sức thuyết phục chúng ta về sự thật rằng: định chế hôn nhân và tình dục tự bản chất của nó qui hướng về việc sinh sản con cái.
Định chế hôn nhân và mái ấm gia đình tạo nên những điều kiện hay môi trường thuận lợi cho việc sinh sản con cái và giáo dục chúng. Quả thực, đời sống hôn nhân và gia đình chuẩn bị một bầu khí cần thiết cho tình yêu vợ chồng và hoa trái của tình yêu đó là những đứa con. Vì thế các quan hệ về tình dục chỉ hợp pháp trong lãnh vực đời sống hôn nhân.
b) Sự nâng đỡ lẫn nhau và lòng thủy chung trong tình yêu.
Một mục đích quan trọng khác được đạt đến ngang qua giao ước hôn nhân, đó chính là sự giúp đỡ lẫn nhau và lòng thủy chung trong tình yêu của đời sống vợ chồng. Người xưa vẫn nói: "dấu ấn của tình yêu là lòng chung thủy." Trong hôn nhân, người nam cũng như người nữ: "phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau, cũng như lợi ích của con cái buộc vợ chồng phải trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly (Gaudium et Spes, 48). Trong giao ước hôn nhân, người nam và người nữ với những năng khiếu và khả năng khác biệt, bổ túc lẫn nhau một cách hết sức hoàn hảo. Nói cách khác, họ bổ sung cho những khiếm khuyết của nhau.
Chính mục đích này mà trong đời sống hôn nhân đã được Thánh Kinh trong Sáng Thế Ký xác định và thuật lại, nó xảy ra trong vườn địa đàng. Lý do tại sao Thiên Chúa phú ban một người nội trợ và cũng là bạn đường cho người đàn ông, là để nâng đỡ lẫn nhau và để trở nên bạn đồng hành. "Người nam ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một người trợ tá tương xứng với nó" (St 2,18). Vì vậy, Thiên Chúa đã dựng nên một người nữ. Nhìn thấy người phụ nữ, Adam đã nói: "Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!" Và Thánh Kinh đã kết luận: "Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt" (St 1, 23tt). Cách diễn tả "một xương một thịt" xác định một cách hết sức thực tiễn và rõ rệt sự trọn vẹn và giúp đỡ lẫn nhau, giữa người nam và người nữ trong đời sống hôn nhân. Điều đó ngụ ý rằng hôn nhân không chỉ là một sự ràng buộc, nhưng nó là một thực thể mới, hay là một đời sống mới, một cuộc sống chung với nhau, đã được cấu tạo và trong thực tế chúng ta không bao giờ có thể tháo gỡ.
Sự giúp đỡ lẫn nhau giữa vợ chồng trong đời sống hôn nhân, không chỉ trong những khi vui tươi phấn khởi hay là hạnh phúc ngập tràn, mà ngay cả những khi gặp khốn khó, hoạn nạn hay ưu sầu. Nói tóm lại, đã là vợ chồng thì chúng ta phải chung lưng đấu cật, cùng chia sẻ với nhau tất cả mọi ưu tư lo lắng trong đời sống lứa đôi. Sự so sánh giữa hôn nhân loài người và sự kết hiệp mật thiết giữa Chúa Giê-su và Giáo Hội được mô tả trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô (Ep 5,21-33). Đó là điều thánh Phaolô muốn chúng ta nắm giữ khi ngài nói: Hỡi các người chồng, hãy yêu mến vợ mình như Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội, và đã nộp mình vì Giáo Hội, để thánh hóa Giáo Hội (Ep 5,25-26), và thánh nhân cũng không quên nhấn mạnh rằng: "này người nam sẽ rời bỏ cha mẹ mình để gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ làm thành một xác thịt duy nhất. Mầu nhiệm này thật lớn lao: tôi muốn ám chỉ về Chúa Kitô và Giáo Hội." (Ep 5,31-32). Xem Sách Giáo Lý Công Giáo (=GLCG), số 1617.
Điều mà tôi vừa trích dẫn ở trên, nhằm mục đích nói lên một thực tại trong đời sống hôn nhân, đó là ý nghĩa của sự khổ đau, được coi như thập giá. Quả thực, trong bất kỳ bậc sống nào, tu trì hay lập gia đình, chúng ta đều có thập giá mà Chúa trao gởi cho chúng ta. Điều ấy không có nghĩa là chúng ta dơ tay đầu hàng khi đối diện với những khổ đau, thất bại hoặc điều bất hạnh xảy đến. Là Ki-tô hữu chúng ta được kêu mời để không ngừng nổ lực đem hết mọi cố gắng hầu bảo vệ và duy trì hạnh phúc gia đình, ngay cả những khi gặp trục trặc. Đôi khi, chúng ta cũng cần nhắc nhở chính mình là những bất hạnh ấy cũng có thể là những cơ may cho chúng ta, nhằm điều chỉnh một vài sự sai trái của bản thân và cũng có thể trở thành trường dạy của tình yêu, giúp ta khám phá ra những giá trị cao hơn của đời sống vợ chồng.
2) Sự bất khả phân ly trong đời sống vợ chồng.
Một số xã hội trong thế giới ngày nay đã cho phép ly dị trong một vài trường hợp, khi có sự bất tương xứng giữa những cặp vợ chồng. Trong số những nguyên nhân và căn cớ làm nền tảng cho việc ly dị được công nhận, đó là vấn đề ngoại tình, đặc biệt là điều ấy nếu được gây ra do người vợ. Một nguyên nhân nữa gây nên sự ly dị, đó là tình trạng hiếm muộn không thể sinh con do người vợ, một giải pháp được đưa ra cho vấn nạn trên, là cho phép người đàn ông được cưới vợ bé. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ghi nhận rằng: phần đông các quốc gia không coi việc ly dị là một giải pháp lý tưởng. Vì thế, việc ly dị tuy được chấp nhận ở một vài xã hội, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi nơi đều nhất trí và ủng hộ lập trường đó.
Vấn đề ly dị, trong những thập niên gần đây đã trở thành một vấn nạn khá thương đau. Cấp độ ly dị đã gia tăng một cách hết sức nhanh chóng[3]. Nhiều lý do được đưa ra hay được vịn tới, thêm vào số những lý do đã được nêu trên. Sự tự do phóng túng trong vấn đề tình dục đã được chấp nhận cách rộng rãi hơn trước. Trong thế giới kỷ nghệ hoá và với những thành phố văn minh hiện đại ngày nay, con người không còn chung sống như một đại gia đình, trong đó gồm có ông bà nội, ngoại, hay cô chú, dì dượng… v.v.., trái lại, họ sống như kiểu gia đình hạt nhân hay còn gọi là tiểu gia đình: trong đó chỉ có ba mẹ và con cái. Điều này, một mặt, đánh mất đi sự nâng đỡ hữu hiệu của những thân nhân ruột thịt, bà con trong họ hàng đối với vợ chồng. Đàng khác, đối với những cặp vợ chồng mà họ phải sống xa nhau tạm thời, vì công ăn việc làm. Trong những hoàn cảnh như vậy sẽ gia tăng cái nhu cầu tìm cho mình một người "bạn đường" khác. Thêm vào đó, con người ngày hôm nay dường như sống lâu hơn, đặc biệt trong những quốc gia phát triển và văn mình so với ba chục năm trước đây. Trong quá khứ, cái chết của hai vợ chồng sẽ kết thúc hôn nhân, trước cái thời điểm mà họ có thể cứu xét đến việc ly dị. Trái lại, ngày hôm nay, nếu có sự ly thân, thì điều ấy quả là một gánh nặng đau khổ bởi vì sự sống của con người hôm nay kéo dài hơn. Nhiều đạo luật cho phép việc ly dị, mà chúng ta thấy trong thế giới ngày nay tại một vài quốc gia, chẳng qua đó cũng là một phản ảnh của thực tế về những sự kiện thay đổi trong cuộc sống con người; nhưng cùng lúc điều ấy cũng là một lời mời hấp dẫn và dễ dàng bị cám dỗ. Nó đưa đến cho chúng ta một giải pháp rất thuận tiện cho những khó khăn mà chúng ta đang gặp trong đời sống hôn nhân, nhất là khi cơm không ngon, canh không ngọt.
Một mặt khác, điều này cũng ghi nhận rằng, theo con số thống kê cho biết, một tỷ lệ khá đáng kể của nhiều cặp vợ chồng đã ly dị, họ đã công khai thú nhận rằng: hôn nhân của họ có thể được cứu vãn. Dám thú nhận điều này, quả thực là một hành động khiêm tốn và là một lời khuyến khích thật quí báu cho những cặp vợ chồng khác khi họ đang gặp khó khăn [4].
QUAN ĐIỂM CỦA THÁNH KINH ĐỐI VỚI VIỆC LY DỊ.
1. Cựu Ước
Thái độ của Cựu Ước đối với việc ly dị thì đồng quan điểm với những dữ kiện mà người ta tìm thấy dựa vào khoa nhân học xã hội (Social Anthropology). Trong thời Giáo phụ, chỉ có một trường hợp ly dị được nhắc tới: đó là việc Tổ phụ Abraham đuổi nàng thiếp của mình theo yêu cầu của Sarah (St 21, 9-14). Sự việc khước từ một cô vợ nếu không có lý do chính đáng, thì tiền nộp cho phía cô dâu sẽ không được trả lại cho chú rễ, hẵn nhiên, điều này cũng nhằm để ngăn ngừa tình trạng từ chối hôn nhân hay ly dị một cách tự tiện, và bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Nhưng trong thực tế, hay trên phương diện nguyên tắc, ly dị vẫn có thể xảy ra, và luật lệ của người Do-thái cho phép thực hiện điều ấy và chấp nhận điều đó là hợp pháp. Nếu người đàn ông đã lấy vợ và đã cưới hỏi rồi, mà sau đó vợ không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà (x. Đnl 24,1). Điều nổi bật và đáng chú ý của chứng thư ly dị là người phụ nữ đó được quyền tái giá với một người đàn ông khác mà không phạm tội ngoại tình (x. Đnl 24, 2).
Lý chứng để làm nền tảng cho việc ly dị được mô tả khá chi tiết trong bản văn của sách Đệ Nhị Luật, và đã là nguyên nhân cho những cuộc tranh luận sôi nổi trong giới các luật sĩ. Trong thời buổi Chúa Giê-su, có hai lối giải thích khá quan trọng đối với luật cho phép được ly dị, xuất phát từ hai trường phái.
· Trường phái thứ nhất là của Shammai, có vẻ nhặt nhiệm hơn, chỉ có việc ngoại tình của người vợ thì mới được coi là đủ lý chứng cho việc ly dị.
· Trường phái thứ hai là của Hillel, được đặt trên nền tảng của chương 24, câu1, trong sách Đệ Nhị Luật, cho rằng bất cứ lý do gì cũng được. Trong số đó, một vài lý do được nhắc tới, tỷ dụ như việc người vợ nấu thức ăn bị cháy, hoặc ngay cả nếu người chồng tìm thấy một người phụ nữ khác đẹp hơn, thì ông ta cũng có quyền ly dị vợ mình để đính hôn với người ấy. Dân chúng thời Chúa Giê-su trong các hội đường ủng hộ lập trường của phái Hillel. Dẫu vậy, việc ly dị cũng đã không xảy ra thường xuyên, chỉ có những kẻ giàu có lợi dụng chuyện này.
Các ngôn sứ, một đàng tỏ ra chấp nhận việc ly dị như một thực tại của hoàn cảnh; nhưng đàng khác, họ nhìn nhận sự bất khả phân ly trong hôn nhân là một lý tưởng. Tuy nhiên, điều rõ nét nhất trong toàn bộ các lời giảng dạy của các ngài về hôn nhân và sự trung tín giữa vợ chồng, thì việc ly dị là điều không thể xảy ra. Sự bất khả phân ly trong đời sống hôn nhân thì cũng giống như cái lý tưởng một vợ một chồng, được các ngôn sứ bao hàm trong lối so sánh của họ, nhằm nói lên mối liên hệ mật thiết của Đức Chúa Yavê và dân Do-thái, tựa như một hôn ước (marriage covenant). Tột đỉnh của lý tưởng hôn nhân được mô tả trong Cựu Ước, qua đoạn sách của ngôn sứ Malachi (2,14-16).
"Bởi Đức Chúa Trời là chứng nhân giữa ngươi và người đàn bà ngươi đã cưới trong tuổi thanh xuân. Chính ngươi đã phản bội nó, mặc dầu nó là bạn đường và là người vợ kết ước với ngươi. Người đã chẳng làm nên một hữu thể duy nhất có xác thịt và Thần Khí đó sao? Vậy hữu thể duy nhất này tìm cái gì? Một dòng dõi của Thiên Chúa. Các ngươi hãy coi chừng và chớ phản bội người đàn bà ngươi đã cưới trong tuổi thanh xuân. Quả thật, Ta ghét việc rẫy vợ, Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en phán."
Cái lý tưởng này cũng được phản ảnh trong đoạn Sách Sáng Thế, nói về việc Thiên Chúa tạo dựng người phụ nữ nơi vườn điạ đàng, trong cái khung cảnh mà hôn nhân đầu tiên được mô tả như là chỉ có một vợ và một chồng và hôn nhân có tính cách vĩnh viễn.
2) Tân Ước
Những tranh luận về việc ly dị giữa những người Do-thái với nhau, tạo cơ hội cho Chúa Giê-su trả lời cho vấn đề, và đưa ra cái quan điểm của Ngài một cách công khai, và thẳng thừng lên án cách mạnh mẽ những sự ươn hèn của các luật sĩ Do-thái và lập trường của chính họ về vấn đề ly dị.
Lời lẽ phát biểu của Ngài được ghi lại trong Tin Mừng của Mát-thê-ô (5,31tt); Lu-ca (16,18) và thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô (1Cô-rin-tô 7,10tt). Cũng như trong các cuộc thảo luận được ghi lại do Mác-cô (10,2-12) và Mát-thê-ô (13, 3-9). Trong khi tranh luận với các biệt phái, Chúa Giê-su đã hủy bỏ việc cho phép ly dị theo luật của Mô-sê, điều ấy đã được ban cho dân Do Thái, vì tấm lòng chai đá của họ. Chúa Giê-su đã trưng dẫn hai đoạn Sách Thánh nhằm chống lại và phản đối sự việc Mô-sê đã chuẩn cho dân Do-thái được phép viết chứng thư ly dị. Theo Sách Sáng Thế Ký, phụ nữ được coi như ngang hàng và bình đẳng về nhân-phẩm với nam giới. "Cả nam lẫn nữ Thiên Chúa đã dựng nên họ." (St 1,27) " và cả hai thành một xương một thịt" (St 2,21). Sự hiệp nhất bền vững giữa người nam và người nữ được Đức Ki-tô nói rõ khi nhắc lại ý định "từ nguyên thủy" của Đấng Sáng Tạo. "Họ không còn là hai; nhưng chỉ là một xương một thịt" (Mt 19,6). Lẽ đó, họ không thể phân ly.
Lời Chúa Giê-su phán cho biết Ngài khẳng định từ chối bất cứ trường hợp ly dị nào. Nhưng chẳng phải trong Tin Mừng đã chả cho phép rẫy vợ (ly dị) trong trường hợp ngoại trừ đó sao? sự kiện này đã được hợp thức hoá trong điều khoản phạm tội gian dâm với người khác.
"Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ tới chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình" (xem Tin Mừng Mát-thê-ô 5,32).
Và Mát-thê-ô 19,9 " Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác thì phạm tội ngoại tình".
Phải công tâm mà nói việc chú giải đoạn văn trên với "mệnh đề đặt điều kiện" là một việc khá phức tạp và nhiều khó khăn. Tuy nhiên, điều ấy vẫn không có hiệu lực làm mất đi cái giá trị căn bản mà Chúa Giê-su đã tuyên bố về việc ly dị. Mác-cô, Lu-ca và Phao-lô không hề hay biết về trường hợp ngoại trừ này. Không thể hình dung được là họ đã bỏ sót một tuyên ngôn khá quan trọng như vậy.
Vậy thì chúng ta phải giải thích như thế nào cái điều khoản gian dâm? Nhiều hocï giả Thánh Kinh đã cố gắng chú giải điều ấy với những lý lẽ khác nhau. Tuy nhiên, có hai giả thuyết đã được đại đa số chấp nhận. Giả thuyết thứ nhất cho rằng từ "Porneia" (nguyên ngữ Hy lạp), trong mệnh đề nhắm tới việc cưới hỏi lẫn nhau giữa những người trong họ hàng thân tộc, điều này đã được cấm đoán trong Cựu Ước (x. Lv 18, 6 tt) và vì thế được coi như là bất hợp pháp, bởi người Do-thái cũng như bởi Giáo Hội thời sơ khai, trong khi điều ấy được coi như là hợp pháp đối với dân ngoại (tỉ dụ đám cưới giữa chú và cháu hoặc giữa anh em họ với nhau). Những cuộc hôn nhân như vậy, sau này có thể bị khám phá ra khi họ nộp đơn xin rửa tội để trở lại đạo, và hôn nhân của họ phải được kết thúc hoặc giải thể. Điều này, tạo nên cái ấn tượng là cho phép ly dị đối với người lương dân, sau này các nhà soạn thảo lại Tin Mừng theo thánh Mát-thê-ô đã nỗ lực cố gắng để đưa ra một giải thích thỏa đáng cho vấn đề nan giải này.
Giả thuyết thứ hai thì cho rằng cái mệnh đề (đặt điều kiện) ấy, mô tả một trường hợp ngoại trừ thật sự đối với việc cấm đoán ly dị. Từ "Porneia" được chuyển ngữ là thông dâm/gian dâm (Fornication) hoặc ngoại tình (Adultery). Lối giải thích này được các nhà chú giải Kinh Thánh của giáo phái Tin Lành và Chính Thống Giáo chấp nhận cách rộng rãi, và cho đến nay thì một số đông các học giả Công Giáo cũng đã chấp nhận. Hầu hết các nhà chú giải Kinh Thánh (trong số đó có cả Công Giáo) hiện nay, có xu hướng chấp nhận trường hợp ngoại lệ cho vấn đề ly dị trong trường hợp người vợ phạm tội ngoại tình.
Nhưng nếu chúng ta đối chiếu với phần chú giải – nằm ở cuối trang – của bản dịch Tân Ước do Ban PhụngVụ Các Giờ Kinh thực hiện, thì chúng ta thấy văn bản được dịch là "ngoại trừ trường hợp HÔN NHÂN BẤT HỢP PHÁP" (Mt 5,32) và cụm từ hôn nhân bất hợp pháp được giải thích như sau: diễn dịch từ Hy lạp "porneia". Theo văn mạch ở đây cũng như ở Mt 19,9 và so với Mc 10,11-12; Lc 16,18; 1Cr 7,10-11, thì Chúa Giê-su thắt chặt lại khoản luật lỏng lẽo của Cựu Ước về ly dị (x. Đnl 24,1-2). Trường hợp ngoại trừ ở đây không phải là ly dị vì ngoại tình (Hy Lạp: moikheia). Porneia cũng không hiểu là gian dâm theo nghĩa thông thường, mà theo luật Do-thái thời xưa. Những cuộc sống chung giữa những người họ hàng với nhau mà Lê-vi 18 kê khai được coi là gian dâm, nghĩa là bất hợp pháp. Có lẽ Mát-thêu muốn đưa về Công Vụ Tông Đồ 15, 29 (cũng từ porneia): các tín hữu gốc ngoại phải tránh kết hôn với người có họ hàng, vì đó trái luật Do-thái, dù rằng theo luật đời, các hôn nhân giữa họ hàng như vậy có thể hợp pháp.
Chúa Giê-su từ chối việc ly dị, đối với giả thuyết thứ hai, nghĩa là được phép ly dị, nếu người vợ phạm tôi ngoại tình. Sự kiện Chúa Giêsu phản đối việc ly dị, điều đó được xem như là một biểu lộ của lý tưởng, chứ không phải là luật hoàn toàn có tính cách tuyệt đối. Quan điểm này được ủng hộ dựa vào những chứng cớ tìm thấy nơi đoạn Tin Mừng của Mát-thê-ô 5, 3tt, qua Bài Giảng Trên Núi. Tại đây, chính Chúa Giê-su, trong một diễn đạt khoáng đại đã mời gọi con người đạt tới mức thiện hảo vô song. Nhưng điều ấy không có nghĩa là đặt ra những luật lệ buộc con người phải tuân giữ theo sát bản văn.
Trong Bài Giảng Trên Núi, có rất nhiều lời tuyên bố với tính cách xác quyết. Tuy nhiên, Giáo Hội chỉ coi đó là những lý tưởng chứ không phải là giới luật (ví dụ như những huấn dụ về lời thề hứa, việc bất bạo động, yêu thương kẻ thù và nên hoàn thiện như Thiên Chúa – xem Mt 5, 21-48)[5]. Vì thế, việc Chúa Giê-su khăng khăng phản đối việc bất khả phân ly trong đời sống hôn nhân có thể mang một tính chất giống như vậy, nó chỉ là một lý tưởng mà người ta phải nỗ lực ra sức theo đuổi chứ không hẳn là một lề luật áp chế tất cả mọi người tuân theo theo nghĩa ngữ của nó.
Nói tóm lại, quan điểm của Chúa Giê-su thì đơn giản: lý tưởng cho các cặp vợ chồng Ki-tô giáo là họ nên trung tín với nhau, cho nên việc ly dị xét ra không cần thiết. Nhưng một mặt khác, Giáo Hội thời tiên khởi, dường như cũng đã xem xét đến những điều kiện thực tiễn của một thế giới bị giới hạn bởi những khiếm khuyết và tội lỗi, nên không thể tránh khỏi những bất trắc xảy ra, cho nên các ngài cũng đã tìm kiếm một giải pháp thích hợp nhằm điều chỉnh sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tại. Nơi đây, ta cũng nên nhắc lại trường hợp ngoại trừ được thánh Phao-lô cho phép, trong trường hợp, một người ngoại giáo mà họ muốn ly dị với người phối ngẫu của họ đã trở thành Ki-tô hữu. Trong trường hợp này, thánh Phao-lô phán quyết như sau: Người tín hữu không bị bó buộc phải duy trì bậc sống độc thân. "Còn với những người khác, thì tôi nói chính tôi chứ không phải Chúa: nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ. Người vợ nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng bỏ chồng. Thật vậy, chồng ngoại đạo được thánh hoá nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hoá nhờ người chồng có đạo. Chẳng vậy, con cái anh em sẽ làm ô uế, trong khi thật ra chúng là thánh. Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau! Chị là vợ, biết đâu chị chẳng cứu được chồng? Hay anh là chồng, biết đâu anh chẳng cứu được vợ?" (1Cr 7,12-16) .
GIÁO HUẤN CỦA HUẤN QUYỀN
Đại đa số các giáo phụ ủng hộ lập trường tuyệt đối bất khả phân ly của hôn nhân. Tuy thế, cũng có một số vị đã bênh vực trường hợp ngoại trừ cho một số trường hợp nan giải. Họ thường xuyên trưng dẫn đoạn văn của Mat-thê-ô 5,32, để ủng hộ cho quan điểm và lập trường của họ.
Thái độ của Huấn Quyền đã được đặc điểm hoá bằng những xác tín không lay chuyển rằng: sự ràng buộc hôn nhân Công Giáo ngang qua bí tích, thì không thể tháo cởi, nó mang tính chất bất khả phân ly. Giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng và của Công Đồng chung thì kiên vững và hầu như đồng tâm nhất trí: việc tái hôn hay lập gia đình lại sau khi đã ly dị là điều không thể được, và không thể chấp nhận, ngoại trừ trong trường hợp đã được tiêu hôn (Annulment) hay được phép chuẩn của Tòa Thánh, tuyên bố là hôn nhân đầu tiên không thành sự [6]. Giáo Hội Công Giáo hằng lên tiếng bảo vệ sự tuyệt đối bất khả phân ly của hôn nhân ngay cả khi phải trả một giá rất đắt. Một ví dụ điển hình nổi bật là thái độ khẳng định của hàng phẩm trật thuộc Giáo Hội Công Giáo La Mã đối với vua Henry VIII của Anh quốc, người đã gây nên cuộc ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã và thành lập Anh Giáo, bởi vì Đức Giáo Hoàng thời bấy giờ đã khước từ thỉnh nguyện thư của ngài nhằm để xin phép giải hôn phối đầu tiên, và cho phép ngài được kết hôn một lần nữa.
Giáo thuyết về việc bất khả phân ly trong hôn nhân Công Giáo được công bố một cách rõ rệt, tỏ tường bởi Công Đồng Trentô. Nhưng có một điểm đáng chú ý là các nghị phụ đã chủ tâm tránh né việc lên án cách thực hành của các Giáo Hội Đông Phương liên quan đến việc ly dị. Theo các giáo hội này thì quan điểm của họ cho rằng: hiệu lực của bí tích hôn phối không có giá trị suốt cả cuộc đời, đối với người phối ngẫu đầu tiên. Tuy vậy, hôn nhân thứ hai chỉ là việc bất đặng đừng phải chấp nhận và cho phép đón nhận Bí tích Hôn phối.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II công bố việc bất khả phân ly của hôn nhân, mặc dầu có một số nghị phụ đề nghị cho phép ly dị trong một vài trường hợp nan giải. Sau đây, tôi xin phép trích dẫn một đoạn trong Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et Spes), số 48, liên quan đến việc bất khả phân ly trong đời sống hôn nhân.
"Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội nữa. Vì ích lợi của lứa đôi, của con cái và của xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích của con người. Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác… Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi họ kết hợp với nhau bất khả phân ly."
Bộ Giáo luật cũng đã diễn giải một cách chi tiết hơn, liên quan đến Bí tích Hôn Nhân Công Giáo, một khi đã được thành sự trọn vẹn bởi hành vi quan hệ vợ chồng, qua việc giao hợp, thì không thể tháo cởi do quyền lực con người, hoặc bất cứ điều gì ngoài sự chết. (x. Sách Giáo luật, số 1141). Tuy nhiên, nếu như Bí tích Hôn nhân chưa thành sự trọn vẹn thì điều ấy có thể cởi tháo, nếu có lý do chính đáng (x. Sách Giáo Luật, số 1142). Thêm vào đó, việc kết hôn hợp pháp giữa những người chưa chịu phép Rửa Tội, tuy rằng hôn nhân ấy đã thành sự trọn vẹn, thì điều ấy vẫn có thể cởi tháo nhằm ủng hộ đức tin theo đặc ân của thánh Phao-lô (x. Sách Giáo Luật, số 1143). Đặc ân này được dựa trên đoạn thánh thư gửi cho tín hữu Côrintô (1Cr 7, 12-16).
NHỮNG LÝ DO CƠ BẢN NHẰM PHẢN ĐỐI VIỆC LY DỊ
Bản văn của Công Đồng Va-ti-ca-nô II liệt kê ba lý do chính nhằm phản đối việc ly dị gồm có: 1) Lợi ích của lứa đôi, 2) của con cái và 3) của xã hội (x. Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium et Spes, số 48). Lý do thứ tư có tính cách thần học được rút ra từ vai trò của bí tích trong hôn nhân Công Giáo.
1) Ly dị bị phản đối vì lợi ích của đôi vợ chồng.
Việc ly dị sẽ đánh mất đi cái ý nghĩa và mục đích của sự tự hiến của hai người cho nhau và lòng trung tín trong tình yêu. Người chồng và người vợ không thể tận hiến cho nhau một cách trọn vẹn, khi mà trong đầu óc của họ vẫn lấp ló một ý nghĩ, là mối dây liên hệ mật thiết ràng buộc trong tình nghĩa vợ chồng vẫn có thể bị tan vỡ. Xét về phương diện tâm lý thì tự bản chất tình yêu của con người đã qui hướng về bạn đường trăm năm. Mục đích của việc bảo vệ và giúp đỡ chăm sóc lẫn nhau là một điều tối cần thiết nhất là trong khi gặp hoàn cảnh khó khăn, điều này chỉ có thể đảm bảo trong bậc sống hôn nhân khi quan hệ vợ chồng là một quan hệ vĩnh viễn. Quả vậy, tình yêu chân thật trong đời sống hôn nhân không thể giới hạn trong một khoảng khắc nào đó. Nghĩa là hôm nay thì tôi yêu em, nhưng ngày mai thì không còn nữa.
Việc khẳng định rằng mối dây ràng buộc trong đời sống hôn nhân là bất khả phân ly tạo nên một thế lực rất mạnh, nhằm để bảo vệ lợi ích tình yêu vợ chồng và lòng trung thành. Nó mang lại một động lực rất mạnh, hầu giúp cho đôi vợ chồng chấp nhận, chịu đựng những khuyết điểm của nhau trong kiên nhẫn và bảo tồn sự hiệp nhất cũng như hoà thuận với nhau. "Nếu định chế hôn nhân và gia đình không có một nền tảng vững chắc, thì xã hội sẽ trở nên nghèo nàn, và điều đó đã làm mất đi cái nét yêu kiều của bộ mặt con người. Con người sẽ trở nên cô lập, tính toán so đo với nhau và những mối liên hệ giữa con người với nhau chẳng qua là để vụ lợi. Nó còn làm cho sự đoàn kết mỗi ngày một rạn nứt lớn hơn." Qủa thật chí lý khi nói rằng: "Dấu ấn của tình yêu chân thật là lòng trung thành."
2. Sự phân ly trong hôn nhân gây tác hại cho trẻ em.
Một khi mà mối dây liên hệ ràng buộc trong đời sống hôn nhân bị lỏng lẻo, thì con cái bị tước đoạt đi tình cảm của bố hoặc mẹ nó hay cả hai, và điều ấy hiển nhiên ảnh hưởng đến sự tự tin của chúng, việc học hành và gây nên sự bất ổn trong tâm hồn. Sự mất mát đối với trẻ em thì không thể bồi hoàn lại được.
"Có thể nói không ai chịu nhiều đau khổ hơn các em khi ba mẹ chúng ly dị. Các em là nạn nhân chính trong các cuộc ly dị. Thật vậy, các em là của hy sinh cho sự yếu hèn của cha mẹ. Ly dị được cảm nhận bởi các em như là một sự khước từ của cha mẹ đối với chúng ." (x. "Love Is For Life" – Lá thư mục vụ của HĐGM Ái Nhĩ Lan (1985) .
Thông thường thì các em sẽ gặp phải nhiều vấn nạn và khó khăn khi chúng phải trải qua cuộc ly dị của ba mẹ. Một cha ghẻ hay dì ghẻ không thể nào có thể thay thế cho một người cha hay người mẹ của các em, mặc dầu có rất nhiều những cha mẹ ghẻ đã làm hết sức của họ. Một em khi phải sống với cha hay mẹ ghẻ của mình thì khả năng bị đối xử tàn tệ có thể diễn ra thường xuyên hơn khi em ấy sống với cha mẹ ruột của mình [7].
Lợi ích của con cái ít khi được sử dụng để coi đó như một sự ép buộc cha mẹ không được phép ly dị, nhưng ngược lại, nó dùng để đấu tranh cho sự bền vững của mái ấm gia đình.
3) Lợi ích của xã hội đòi hỏi gia đình phải bền vững.
Chỉ có phương cách ấy thì việc giáo dục lành mạnh cho các thế hệ trẻ có thể được bảo đảm; và sự tương thân, tương trợ đoàn kết lẫn nhau trong cùng một cộng đoàn mới được bảo vệ và nâng đỡ. Chính quyền không những chỉ có trách nhiệm và bổn phận giải thể những cuộc hôn nhân bị trục trặc, nhưng họ còn phải có trách nhiệm cung cấp những dịch vụ tư vấn về phương diện gia đình hầu giúp đỡ việc hoà giải và tái lập những hôn nhân đã bị đổ vỡ.
4) Lý luận sau cùng là một lý luận mang tính chất thần học.
Điều này được xây dựng trên nền tảng của Bí tích Hôn nhân Công Giáo, bởi nó chỉ được áp dụng cho Ki-tô hữu mà thôi. Đức Giê-su Ki-tô gợi lại cho những kẻ đi theo Ngài, việc nhân nhượng cho phép người Do-thái rẫy vợ theo luật của Mô-sê; và trong thư gởi cho giáo đoàn Côrintô (1Cr 7,12-16), thánh Phaolô cũng đã nhân nhượng cho phép họ được ly dị chỉ trong trường hợp hôn nhân không Công Giáo (nghĩa là giữa hai người chưa chịu phép Thanh Tẩy). Ngược lại hôn nhân Công Giáo, một khi đã thành sự và trở nên bí tích thì không thể giải được.
Chúng ta thấy Bí tích Hôn nhân Công Giáo cũng được nhắc đến trong thư của thánh Phao-lô gửi cho giáo đoàn Ephêsô (Ep 5, 21-33). Bản văn này đã so sánh giữa hôn nhân Ki-tô giáo và sự hiệp nhất của Đức Ki-tô với Giáo Hội, như đã nhắc tới ở phần trên "Hôn nhân Ki-tô giáo là dấu chỉ hữu hiệu, là Bí tích của Giao Ước giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh" (x. GLCG, số 1617).
Thánh Phao-lô còn nói thêm: "Người làm chồng hãy yêu thương vợ như Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh … Còn những người làm vợ thì hãy tùng phục chồng mình, như Hội Thánh tùng phục Chúa Ki-tô". Nhưng chúng ta cần ghi nhớ điều này là chúng ta đang sử dụng phương pháp loại suy, để so sánh, do vậy điều ấy có thể trở thành quá khắc khe khi chúng ta đi đến một kết luận được suy ra từ một giao ước siêu việt có tính cách vĩnh cửu, tuyệt đối giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh (Hội Thánh được ví như nàng dâu, chỉ là một cách nói bóng bẩy, đầy tính chất ẩn dụ; và những phần tử cá nhân của Hội Thánh thì đã luôn luôn không trung thành với giao ước.), rồi đặt nó ngang hàng với vĩnh viễn tuyệt đối của giao ước hôn nhân, điều này xét cho kỹ thì nó rất khác biệt, một trật tự không chắc chắn. T. Mackin, trong tác phẩm rất nổi tiếng: Divorce and Remarriage , (Ly Dị và Tái Hôn.) (1984), trang 530-537, đã đưa ra một nhận xét như sau: Điểm then chốt trong việc so sánh (bằng phương pháp loại suy của thánh Phao-lô trong Ep 5,21-33) giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh, chính là tình yêu tự hiến và niềm tin tưởng, điều ấy cùng lúc cũng có hiệu lực phát sinh và gây sống động cho sự liên hệ mật thiết giữa vợ chồng với nhau, chứ không có ý ám chỉ đến việc bất khả phân ly của hôn nhân. Để có một chứng cớ rõ rệt nhằm đi đến kết luận về việc bất khả phân ly của hôn nhân qua Bí tích Hôn Phối, chúng ta cần phải có thêm những lý chứng khác nữa. Nói vắn gọn, chúng ta không thể chỉ nại đến mối liên hệ mật thiết giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh để đưa ra một hệ luận cho việc cấm không được ly dị.
Để kết luận, vì hôn nhân tượng trưng cho một mối liên hệ hết sức mật thiết giữa người nam và người nữ và được nối kết trong việc sinh sản và giáo dục con cái, cho nên hôn nhân mang tính cách hợp nhất và vĩnh viễn. Thêm vào đó, ngay từ giây phút ban đầu, vợ chồng phải mang một trách nhiệm lớn lao và có bổn phận phải gìn giữ, bảo vệ và làm cho đời sống hôn nhân càng ngày càng thắm thiết, kết hợp chặt chẽ hơn. Họ có trọng trách không để cho hôn nhân của mình bị tan vỡ và chết đi. Đây là điều cầm buộc riêng cho những ai đã đi vào đời sống hôn nhân, vì đó là bí tích, là dấu chỉ cho trần gian, bằng cuộc sống tốt đẹp lứa đôi của họ, họ chiếu giải khuôn mặt và tình yêu của Đức Ki-tô cũng như lòng tín trung của Ngài đối với Hội Thánh.
Linh mục Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R
L.J. Goody Bioethics Centre
39 Jugan Street, Glendalough, WA. 6016
AUSTRALIA
Email: phtran-ljgbc@iinet.net.au
CHÚ THÍCH:
[1] . Xem Phạm Hồng Lam, "Gia đình ta, gia đình tây và vấn đề hội nhập," Trong Tập San Định Hướng, số 28, mùa thu 2001, trang 29 – 39, đặc biệt là trang 33.
[2] . Thể theo như quan niệm của Thánh Augustinô. Tuy nhiên, đến thời Công Đồng Vaticanô II, thì quan niệm ấy đã được thay đổi. Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã nhấn mạnh đến tình yêu, trong khi không chỉ lưu ý đến khía cạnh pháp lý của hôn nhân, nhưng đã đề cao phương diện nhân vị. Nên, bây giờ ta phải nói rằng hôn nhân là để vợ chồng yêu nhau và tự hiến cho nhau, nhờ đó mà sinh sản con cái, vì chính tình yêu vợ chồng cũng như hôn nhân đều hướng về việc sinh sản. Giữa tình yêu vợ chồng và việc sinh sản con cái không có sự mâu thuẫn gì cả, trái lại nếu bỏ một trong hai, sẽ không thể hiểu điều kia được. Xem Công Đồng Va-ti-ca-nô II về đời sống gia đình trong Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Này, số 48, "Gaudium et Spes., 48".
[3] . Xem Zenith International News Agent đăng ngày 3 tháng 11 năm 2001 trong bài "Europe and Australia, Family Life Is Fraying: Divorce and Falling Tax Breaks Are Taking Their Toll."
[4] . Xem Bernard Haring, C.Ss.R., No way out? – Pastoral Care of the Divorced and Remarriaged. England: St Paul Publications, 1989, tr. 67.
[5] . Chúa Giêsu phán: "Các anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên anh em trên trời là Đấng hòan thiện." (Mt 5, 48). Lẽ dĩ nhiên, con người với thân xác phàm hèn, không thể nào có thể đạt tới sự hòan thiện như T.C. Cho nên, lời mời gọi này của Chúa Giêsu, theo các nhà chú giải Kinh Thánh, thì họ cho rằng đây là một lời khuyên hơn là một mệnh lệnh.
[6] . Xem Geoffrey Robinso, J.D., Marriage Divorce and Nullity: A Guide to the Annulment Process in the Catholic Church. (Melbourne: Colin Dove, 1989).
[7] . Theo thống kê của một tờ báo Mỹ, New Week, phát hành ngày12 tháng 3 năm 1989, trang 27.
Nguồn:
Xuân Bích Việt Nam
bài liên quan mới nhất
- Đối thoại cứu độ - Cái khung của nền luân lý tình huynh đệ
-
Đào tạo lương tâm và sự phân định trong Amoris Laetitia: Hướng tới một chuyển đổi hệ hình trong chăm sóc mục vụ gia đình -
Cha Alain Thomasset: “Phẩm giá không gắn liền với vẻ bề ngoài nhưng được ban tặng cùng với sự sống” -
Kénose là gì? -
Căn cước đàn ông, căn cước đàn bà -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần bốn - Đời sống độc thân trinh khiết Kitô giáo -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần ba - Xác thể phục sinh -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần một - Con tim được cứu rỗi (Giáo lí về Bài Giảng Trên Núi) -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác – Phần Giới thiệu -
Người Công Giáo có buộc phải đồng ý với Đức Giáo hoàng không?
bài liên quan đọc nhiều
- Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay
-
Vấn đề đạo đức của giới trẻ ngày nay -
Vấn đề nạo phá thai trong giới trẻ ngày nay -
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Có phải tiền là tất cả ? -
Lương tâm của giới trẻ ngày nay -
Ảnh hưởng của vật chất đối với Thanh thiếu niên thời nay -
Thai nhi bị dị tật: Bỏ hay giữ? -
Bác thằng bần -
Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện Khoa học và Luân lý Công giáo