Có phải tiền là tất cả ?
“Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng…”
Bạn suy nghĩ như thế nào về câu nói trên đây? Quả thật, ai trong chúng ta cũng cần tiền. Cần tiền để ăn uống. Cần tiền để xây cất. Cần tiền để mua sắm. Cần tiền để du lịch, thư giãn và giải trí. Cần tiền để học tập. Cần tiền để trị bệnh v.v.. Thật vậy, tiền gắn liền với nhu cầu sinh tồn của con người. Vì thế, ai cũng vất vả lao động để kiếm tiền. Có người nhiều tiền. Có người ít tiền. Và cũng có người đôi khi không có đồng xu nào dính túi. Người có nhiều tiền cuộc sống sẽ dư dật và thoải mái. Người có ít tiền hay không có tiền phải sống vất vả khổ cực. Tuy nhiên, tiền có phải là tất cả? Có nhiều tiền cũng đồng nghĩa với có hạnh phúc chăng? Vậy phải nhận ra giá trị và sử dụng tiền như thế nào để cuộc đời chúng ta thật sự có ý nghĩa?
Tiền giải quyết nhu cầu vật chất và tinh thần
Tiền có phải là tất cả? Một bạn trẻ đã cảm nhận thế này: “Tiền? Mọi người đều nói tiền không phải là tất cả. Vì nó không thể mua được mọi thứ như sức khoẻ, hạnh phúc... Tuy nhiên, điều gì cũng có mặt trái của nó, "tiền không phải là tất cả" chỉ là những ý nghĩ của những người khá, đủ ăn đủ mặc... Còn đối với người nghèo và thậm chí người giàu, tiền có lẽ là đích sống của họ, vì đây là một cuộc sống đầy lo toan tính toán, có tiền mới có thể sống được.” Thật vậy, ai cũng cần tiền, nhất là những người nghèo, những người đang thất nghiệp. Nhịp sống bận rộn và hối hả nơi đất Sài Thành này cho ta thấy điều đó. Phần đông cư dân Sài Thành ai cũng tranh thủ thức dậy sớm để đi làm. Đi sớm về trễ vì kế sinh nhai. Có người làm công nhân. Có người làm nhân viên ngân hàng. Có người làm kế toán, kỹ sư, bác sĩ hay nhân viên xã hội v.v… Tất cả đều muốn kiếm tiền để đảm bảo cuộc sống bản thân và gia đình.
Tiền có phải là tất cả? Một bạn trẻ khác đã đưa ra ví dụ: “Một gia đình có hai người con, một giàu, một nghèo. Người con nghèo không có tiền mua thuốc cho bố mẹ uống nhưng người giàu lại mua và quan tâm bằng vật chất, và khi có nhiều tiền, sẽ có cuộc sống tốt hơn. Và nếu có nhiều rồi, không phải lo âu về vật chất, lúc đó, tinh thần thoải mái và... nhưng tiền không mua được sự bất tử. Đó chính là hạn chế của tiền.”
Tựu trung lại, tiền không là tất cả nhưng ai cũng cần tiền. Tiền có giá trị đối với cuộc sống con người. Thế nên, Publius Syrus mới nói: “Tiền bạc khiến cả thế giới xoay chuyển.” Bạn có bao giờ tìm hiểu ở Sài Gòn này có bao nhiêu ngân hàng chưa? Nhiều lắm. Tại sao? Tất cả cũng chỉ vì sự lưu thông của đồng tiền. Người ta vay tiền để kinh doanh, xây cất, đầu tư dự án. Ngân hàng cho vay để kiếm lợi nhuận từ đồng tiền. Tuy nhiên, tiền không là tất cả. Trên đời này cái gì cũng đều có mặt trái của nó. Đôi khi vì tiền mà người ta “vào tù ra khám”. Điều này được thể hiện như thế nào?
Vì tiền mà “vào tù ra khám”
Louisa May Alcott nói: “Tiền bạc là gốc rễ của cái ác…” Cũng vì tiền mới có tham nhũng hối lộ. Cũng vì tiền mà nhiều doanh nghiệp, công ty tuyên bố phá sản. Cũng vì tiền mà nhiều người giết người, cướp của bất chấp cả lương tri. Cũng vì tiền mà người bạn của tôi phải ngồi tù vì bị kết tội mua bán trái phép chất ma túy. Cũng vì tiền mà nhiều người đánh đề, cá độ bóng đá, đánh bài, đá gà đến tán gia bại sản. Vì tiền mà vợ chồng li dị, anh em ruột chém giết, xích mích nhau v.v… Quả thật, mãnh lực của đồng tiền làm băng hoại phẩm chất con người. Tiền làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, nhức nhói lòng người.
Thế nên, Samuel Johnson đã trải nghiệm: “Tiền bạc và thời gian là những gánh nặng ghê gớm nhất của cuộc đời... và những kẻ bất hạnh nhất là những người sở hữu chúng nhiều hơn mình có thể sử dụng.” Thật vậy, có tiền lại muốn có thêm tiền. Không có tiền thì tìm mọi cách để có tiền. Đó là gánh nặng cuộc đời cho cả hai. Người có nhiều tiền sợ mất tiền, xài tiền phung phí và thỏa sức hưởng thụ. Người không có tiền bất chấp tất cả miễn sao có được tiền như ông bà ta có câu: “Bần cùng sinh đạo tặc.” Vậy nên, tiền không những không phải là tất cả nhưng còn là nguyên nhân của tệ nạn và cái ác. Tiền có thể mua được nhiều thứ nhưng liệu nó có mua được hạnh phúc?
Tiền không mua được hạnh phúc và rất mong manh
Gần đây, các phương tiện truyền thông rầm rộ đề cập chuyện cái chết của người cha nghệ sĩ diễn viên Mai Thu Huyền. Bác ấy đã bất ngờ ra đi vĩnh viễn sau ca phẫu thuật ở bệnh viện Pháp – Việt (FV). Dư luận xôn xao. Gia đình bàng hoàng xót xa và phẫn nộ. Được biết nghệ sĩ Mai Thu Huyền là một người thành đạt và giàu có. Cô ta có nguyên căn hộ thênh thang ở Phú Mỹ Hưng, quận 7, Tp. Hồ Chí Minh. Thế nhưng, điều mà cô không có như bao người khác là không còn thấy mặt cha ruột của mình trong cuộc đời này. Ngẫm nghĩ mới thấy cuộc đời này không có gì trọn vẹn. Được cái này mất cái kia. Có nhiều tiền chưa chắc đã có được hạnh phúc.
Vì thế, Benjamin Franklin mới triết lý: “Tiền bạc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ khiến con người hạnh phúc, trong bản chất nó không có gì có thể tạo ra hạnh phúc. Một người càng có nó nhiều bao nhiêu càng muốn nó nhiều bấy nhiêu.” Quả vậy, nhiều người giàu lại muốn giàu thêm. Nhưng ai dám chắc rằng giàu có là hạnh phúc. Bạn tôi làm quản lý nhân sự cho một ngân hàng nước ngoài hợp tác với Việt Nam. Thu nhập mỗi tháng rất khá. Tuy nhiên, cha của bạn tôi lại có máu đỏ đen. Nợ nần. Lo lắng. Bất an… Nhưng cuộc đời là thế. Tiền quan trọng nhưng cũng rất mong manh. Có tiền chưa chắc đã có hạnh phúc.
Vậy, phải sử dụng tiền như thế nào để cuộc sống được đảm bảo và ý nghĩa?
Les Brown xác tín mạnh mẽ: “Điều quan trọng với tôi là tiền không quan trọng với tôi.” Còn bạn và tôi thì sao? Trong một buổi học kỹ năng sống cho người khiếm thị, nhà tâm lý đưa ra câu hỏi: Hãy sắp xếp bậc thang giá trị: tiền bạc, của cải vật chất, danh vọng, quyền lực, thời gian, sức khỏe, tình yêu? Buổi học có ba nhóm. Trong đó có hai nhóm xếp thời gian là bậc thang giá trị cao nhất. Tiền bạc là bậc thang giá trị cuối cùng. Tình yêu là bậc thang thứ hai.
Bạn thân mến, Chúa Giêsu nói: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn mình thì nào có ích chi?” (Mt 16,26). Những người khiếm thị trên đây tuy khiếm khuyết về đôi mắt thể lý nhưng rất tinh tế về ánh sáng của tâm hồn. Họ đã chọn thời gian, tình yêu là bậc thang giá trị cao nhất cho cuộc đời. Có thời gian và tình yêu sẽ có tất cả. Còn mỗi Kitô hữu chúng ta thì sao? Chúa có phải là cùng đích và là tất cả cho đời mình? Tiền bạc không là tất cả. Có tiền chưa chắc đã có hạnh phúc. Có tiền không phải là có tất cả.
Vậy thì tiền có phải là tất cả? Điều này phụ thuộc vào cảm nhận và sự chọn lựa của bạn và tôi. “Tiền là một đầy tớ tốt nhưng cũng là một ông chủ xấu.” Thế thì chúng ta nhìn tiền chỉ là phương tiện hay là mục đích của đời mình?
bài liên quan mới nhất
- Đối thoại cứu độ - Cái khung của nền luân lý tình huynh đệ
-
Đào tạo lương tâm và sự phân định trong Amoris Laetitia: Hướng tới một chuyển đổi hệ hình trong chăm sóc mục vụ gia đình -
Cha Alain Thomasset: “Phẩm giá không gắn liền với vẻ bề ngoài nhưng được ban tặng cùng với sự sống” -
Kénose là gì? -
Căn cước đàn ông, căn cước đàn bà -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần bốn - Đời sống độc thân trinh khiết Kitô giáo -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần ba - Xác thể phục sinh -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần một - Con tim được cứu rỗi (Giáo lí về Bài Giảng Trên Núi) -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác – Phần Giới thiệu -
Người Công Giáo có buộc phải đồng ý với Đức Giáo hoàng không?
bài liên quan đọc nhiều
- Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay
-
Vấn đề đạo đức của giới trẻ ngày nay -
Vấn đề nạo phá thai trong giới trẻ ngày nay -
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Lương tâm của giới trẻ ngày nay -
Ảnh hưởng của vật chất đối với Thanh thiếu niên thời nay -
Thai nhi bị dị tật: Bỏ hay giữ? -
Bác thằng bần -
Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện Khoa học và Luân lý Công giáo -
Trách nhiệm luân lý trong đời sống hôn nhân và gia đình