Từ vựng: Giáo dục, đào tạo, huấn luyện

Từ vựng: Giáo dục, đào tạo, huấn luyện

WGPSG -- Có người đặt cầu hỏi với tôi, giáo dục, đào tạo, và huấn luyện có giống nhau không?

Tôi cũng đem vấn đề này tham khảo, nhiều người, kể cả các giáo viên, giáo sư và những nhà quản lý giáo dục đào tạo thì được họ giải thích thế này: Giáo dục và đào tạo đều như nhau, đều là chỉ quá trình dạy và học, có khác là giáo dục thì dùng chỉ việc dạy học ở cấp thấp, từ nhà trẻ đến hết phổ thông, còn đào tạo chỉ việc dạy và học ở cấp cao hơn, từ chuyên nghiệp đến đại học và sau đại học.

Ở Việt Nam hiện nay có Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vậy phải chăng những thuật từ “giáo dục”, “đào tạo” và cả “huấn luyện”  đều đồng nghĩa với nhau?

1. Nghĩa của Giáo, dục.

1.1. Giáo : có nhiều chữ Hán: 教, 敎, 覺, (覚, 觉), 餃, (饺), 校, trong trường hợp này là chữ教, giáo thuộc loại chữ hội ý. Chữ này ban đầu cho thấy: Tay của thầy giáo cầm một cái roi, đang nhắc nhở một đứa trẻ học bài. Trên có chữ 爻 (hào) vừa chỉ âm, vừa có nghĩa là: Bắt chước, học theo, nên chữ "giáo" có nghĩa là “Thượng sở thi, hạ sở hiệu: Người trên thi hành cho kẻ dưới bắt chước” (Thuyết Văn Giải Tự), nghĩa là: Dạy dỗ, chỉ bảo, hướng dẫn: Tuyên giáo; giáo sư. Chữ có thay đổi như sau:

Giáo nghĩa là: (dt.) (1) Lễ nghi: Tu kỳ giáo, bất dịch kỳ tục (Sửa lại lễ nghi, nhưng không thay đổi phong tục của họ). (2) Hệ thống dạy về quan hệ giữa người và Tạo hoá: Giáo lý. (3) Mệnh lệnh của thái tử và của chư hầu gọi là giáo. (4) Các chức quan coi về việc học: Giáo chức. (5) Họ Giáo. (đt.) (6) Dạy dỗ: Giáo dục. (7) Bảo: Thỉnh giáo (xin cho ý kiến). (8) Sai khiến: Thuỳ giáo nễ khứ? (Ai khiến anh đi?).

Nghĩa Nôm: (dt.) (1) Vũ khí nhọn cán dài: Giáo mác. (đt.) (2) Quay lộn đầu: Đũa giáo đầu đuôi. (3) Quấy trộn: Giáo bột làm bánh. (4) Lật lọng: Giáo giở.

1.2. Dục: 育, 毓, 欲, 慾, 浴, 昱, 煜, 鵒, 鹆, 鬻, 峪, 唷, ở đây là chữ育, thuộc loại chữ hình thanh. Gốc tượng hình của chữ dục này là một bà mẹ sinh con, bên cạnh có chậu nước, biểu thị sự chăm sóc, nghĩa gốc là: Chăm sóc, nuôi dưỡng, cho bú, cho ăn hàng ngày cho lớn. Ở thể tiểu triện,  trên chữ育là chữ 子 (tử, nghĩa là con) viết ngược, có nghĩa là làm cho kẻ bất thiện (biến) trở thành thiện. Vì thế, nuôi con để nó thành thiện là dục. NGHĨA mở rộng là: Tập cho, gây thành: Giáo dục; thể dục; trí dục. Từ hình dưới sẽ thấy được biến chuyển của chữ:

Dục nghĩa là: (dt.) (1) Giáo hoá: Đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục: tứ dục tịnh trọng (Chú trọng giáo hoá về cả bốn phương diện: đức, trí, thể, mỹ). (2) Họ Dục. (đt.) (3) Sinh đẻ: Sinh nhi dục nữ (có con trai con gái). (4) Nuôi dưỡng: Dục ương (dưỡng mạ). (5) Giáo dục: Đức dục.

1.3. Giáo dục (Education) (教育) có nghĩa là chỉ bảo, dạy dỗ, chăm sóc. Nó bao gồm không chỉ việc dạy học (giáo), mà có cả sự thương yêu quan tâm chăm sóc (dục) trong đó.

Thuật từ giáo dục dịch sang tiếng Anh là education. Có người cho rằng từ education có gốc Latin là educere (Động từ educere có nghĩa là “to draw out, to lead out”, tức là làm phát triển, “lôi ra” các khả năng tiềm ẩn đã có trong người. Tuy nhiên, theo Olivier Reboul, tác giả quyển sách nổi tiếng về triết lý giáo dục “La philosophie de l’éducation” (in lần thứ 9 năm 2006), thì cách hiểu như vậy không chính xác. Education có gốc là educare chứ không phải educere. Educare có nghĩa là “làm bộc lộ ra” và cũng có nghĩa là “nuôi nấng dạy dỗ” (to bring up). Hai từ educare và educere gần nhau nhưng nghĩa khác nhau khá nhiều. Nếu hiểu giáo dục chỉ đơn thuần là “lôi ra” những khả năng đã có, thì nghĩa của thuật từ giáo dục quả là hạn chế. Giáo dục là quá trình, cách thức làm bộc lộ ra những khả năng tiềm ẩn của người được giáo dục.

Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia: “Giáo dục, theo nghĩa tổng quát, là một hình thức học tập, trong đó kiến thức, kỹ năng và thói quen của một nhóm người từ thế hệ này (người truyền đạt) được chuyển giao sang thế hệ kế tiếp (người thụ huấn) thông qua giảng dạy, huấn luyện, nghiên cứu. Giáo dục thường diễn ra dưới sự hướng dẫn của người khác, nhưng cũng có thể tự học. Bất kỳ sự trải nghiệm nào mà có tác dụng trên cách suy nghĩ, cảm nhận hay hành vi của một người đều có thể được coi là giáo dục[1]. Nói cách khác: “Giáo dục là quá trình được tổ chức có ý thức hướng tới mục đích khơi gợi hoặc biến đổi nhận thức, năng lực, tình cảm, thái độ của người học theo hướng tích cực. Nghĩa là góp phần hoàn thiện nhân cách người học bằng những tác động có ý thức từ bên ngoài, góp phần đáp ứng các nhu cầu tồn tại và phát triển của con người trong xã hội đương đại[2].

Giáo dục bao gồm việc dạy và học (teaching and learning), và đôi khi cũng mang ý nghĩa như là quá trình phổ biến tri thức, truyền thụ sự hiểu biết và cách suy luận đúng đắn. Sự giáo dục của mỗi cá nhân bắt đầu từ khi sinh ra và tiếp tục trong suốt cuộc đời. Nhiều người tin rằng, sự giáo dục thậm chí còn bắt đầu trước khi sinh ra, theo đó, một số cha mẹ mở nhạc, hoặc đọc cho những đứa trẻ trong bụng mẹ với hy vọng nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa trẻ sau này, người ta gọi đó là thai giáo. Mặc dù gia đình chỉ có chức năng giáo dục rất thông thường, không mang tính chính thức, nhưng đối với rất nhiều người, gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả giáo dục. Với một số người khác, quá trình mưu sinh hay những va chạm trong xã hội, đem lại cho họ kiến thức nhiều hơn cả sự lãnh hội kiến thức trong các trường học.

Dù sao, thì việc dạy học (teaching) vẫn là một hình thức giáo dục đặc biệt quan trọng và cần thiết cho sự phát triển trí tuệ, hoàn thiện nhân cách học sinh.

Mục tiêu của giáo dục là phát triển con người toàn diện, nhất là khả năng tư duy, óc sáng tạo; tức là đào tạo con người biết phán đoán, biết hành động và biết yêu thương theo đúng phẩm giá của con người đã được Tạo Hoá ban cho.

2. Nghĩa của Đào, tạo (Formation).

2.1. Đào: có rất nhiều chữ: 桃, 逃, 陶, 隯, 匋, 淘, 搯, 掏, 鼗, 鞀, 濤, 涛, 萄, 咷, 啕, 檮, 梼, 綯, 绹, 鼛, 醄, 鞉. Trong thuật từ đào tạo là chữ陶này. Chữ 陶thuộc loại chữ hình thanh. Chữ gốc viết bằng 匋. Hình kim văn giống một người khom lưng duỗi tay ra, đang làm đồ gốm bằng một cái chày. Nghĩa gốc là đồ gốm. Sau thêm 阜phụ (mô đất, bộ阝phụ ở bên trái), nghĩa là lấy đất ở gò núi về làm đồ gốm. Nghĩa được mở rộng thành: Hun đúc, uốn nắn, hoá dục (nuôi dạy), bồi dưỡng và vui mừng.

Đào nghĩa là: (dt.) (1) Đồ gốm: Thải đào (gốm màu). (2) Họ Đào. (3) Thợ gốm: Đào công (người làm đồ gốm). (đt.) (4) Nặn đồ gốm: Đào dã. (5) Uốn nắn cho nên người: Đào luyện. (6) Nhớ nhung: Uất đào (thương nhớ). (trạng từ). (7) Mừng rỡ: Đào đào nhiên (hớn hở).

2.2. Tạo: Có những chữ này: 造, 艁, 皁, 皂, 唣, 唕, trong mục từ này là chữ造. 造 thuộc loại chữ hình thanh, có bộ 逴và chữ 告, xước 逴chỉ nghĩa, cáo告chỉ âm đọc. Nghĩa gốc là làm việc có thành tựu là tạo. Lại nữa, chữ tạo có chữ 告 (cáo), nghĩa là việc có thành tựu thì mới báo cho người ta biết. Nghĩa mở rộng là gầy dựng, còn có âm là tháo. Tạo nghĩa là: (dt.) (1) Thành tựu: Tạo nghệ (trình độ đạt được về kỹ thuật, học vấn). (2) Học tới nơi: Thâm tháo (tới cõi thâm thuý). (3) Nhà lấy số gọi số đàn ông là kiền tháo, số đàn bà gọi là khôn tháo. (4) Thời đại: Mạt tháo (đời cuối, mạt thế). (5) Tế cầu phúc. (6) Bên nguyên cáo bên bị cáo: Lưỡng tạo (cả hai bên). (7) Mùa (gặt): Nhất niên lưỡng tạo (một năm hai mùa). (đt.) (8) Gây nên, làm nên: Tạo phúc nhất phương (làm nên phúc cho cả một phương). (9) Xây đắp, sáng tạo ra: Tu tạo (sửa sang, xây đắp lại). (10) Sáng chế ra một cái gì trước tiên: Mông Ðiềm tạo bút (ông Mông Điềm chế tạo ra bút trước tiên). (11) Bịa đặt: Tạo dao sinh sự (bịa đặt ra lời nói phao để sinh sự). (12) Đến: Đăng môn tháo thất (lên cửa tới nhà). (13) Tới thăm (cổ văn): Tạo phủ (tới hầu ngài). (14) Cho sự sống: Tái tạo chi ân (ơn tái sinh). (15) Gầy dựng, bồi dưỡng: Tạo tựu (gầy dựng thành tài). (pht.) (16) Thốt nhiên: Tháo thứ (vội vàng, hấp tấp, thảng thốt).

2.3. Đào tạo (Formation): Nghĩa gốc là: chế tạo, nặn đúc cho thành (former). Nghĩa bóng là gầy dựng lên, bồi dưỡng rèn luyện, giáo hoá cho nên người: Đào tạo nhân tài. Giáo dục cho đến thành tài trong một lĩnh vực đòi hỏi những tiêu chuẩn nào đó. Nghĩa là dạy người học kiến thức, kỹ năng và nghề nghiệp. Đào tạo có nghĩa hẹp hơn giáo dục, thường những người đã được giáo dục cơ bản rồi, mới được đào tạo một ngành nghề chuyên môn hơn. Ví dụ đào tạo phi công.

Nhiều người dùng chữ đào tạo để dịch chữ training trong tiếng Anh (to train, có gốc Latin là trahere: lôi kéo). Tuy nhiên, theo chúng tôi “training” nên dịch là huấn luyện, còn khái niệm đào tạo nên dùng chữ “formation” (to form, xuất phát từ động từ Latin formare: đưa ra một khuôn mẫu, tạo một hình thức”, có gốc từ tiếng Hy Lạp là forma: nặn thành hình, định hình) thì sát với nghĩa gốc của chữ Hán Việt “đào tạo” hơn. Thuật từ “huấn luyện” cũng có thể sử dụng cho thú vật, ví dụ: Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ... nhưng “giáo dục” và “đào tạo” thì không. Trong Giáo Hội, việc đào tạo các linh mục (Priestly formation) chính là nhằm đưa ra một gương mẫu rõ ràng mà người thụ huấn được mời gọi phải hướng tới và cưu mang trong lòng. Đó là một thể thức hay một lối sống mới mà họ chưa có, nhưng họ phải đạt tới một cách tiệm tiến, và cũng là yếu tố làm nên căn tính mới nơi họ.

3. Nghĩa của huấn, luyện (Training).

3.1. Huấn: chỉ có một chữ: 訓 (训), có bộ ngôn 言và chữ xuyên川. Ngôn chỉ nghĩa ; xuyên chỉ âm đọc; nghĩa gốc là: Lời dạy bảo, giáo huấn: Gia huấn; cổ huấn. Nghĩa của huấn: (dt.) (1) Lời nói có thể làm thành phép tắc được: Cổ huấn (lời người xưa dạy). (2) Mẫu: Bất túc vi huấn (không đủ làm gương). (3) Họ Huấn. (đt.) (4) Dạy bảo: Giáo huấn. (5) Luyện tập: Huấn luyện. (6) Thuận theo. (7) Trách: Huấn giới. (8) Giải nghĩa.

3.2. Luyện: Có những chữ này煉, 鍊, 練 (练), 楝, 湅, trong trường hợp này là chữ練. Nghĩa của luyện: (dt.) (1) Lụa trắng: Giang bình như luyện (sông bằng mặt như giải lụa). (2) Duyệt lịch: Lịch luyện (luyện tập đã nhiều, từng quen). (3) Họ Luyện. (4) Tẩy lụa cho trắng: Luyện phiêu. (5) Tập đi tập lại nhiều lần để nâng cao dần khả năng hay kỹ năng: Luyện tự (tập viết). (6) Luyện tập: Huấn luyện (luyện tập). (7) Luyện, học tập hay làm gì mà đã tinh tường lắm: Am luyện (đã quen, đã tinh lắm). (8) Kén chọn.  

3.3. Huấn luyện (Training): Nghĩa là dạy bảo kèm theo tập luyện, vừa lý thuyết vừa thực hành.

Huấn luyện là một trong những hoạt động đào tạo, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và năng lực của người thụ huấn, giúp họ có thể chủ động xử lý những tình huống, vấn đề gặp phải trong thực tiễn. Huấn luyện thì phải có thực hành. Người ta nói huấn luyện cầu thủ chứ không nói giáo dục cầu thủ.

4. Đào tạo khác với giáo dục thế nào?

Ở phần lớn các nước trên thế giới, thuật từ “giáo dục” được dùng cho cả bậc phổ thông (tiểu học, trung học) và bậc đại học. Tuy nhiên, không hiểu sao, ở Việt Nam hiện tại từ “giáo dục” không dùng cho bậc đại học, mà thay vào đó là từ “đào tạo” (training; tên tiếng Anh chính thức của của Bộ Giáo dục và Đào tạo là “Ministry of Education and Training”).

Bảng phân tích dưới đây cho thấy có sự khác biệt giữa hai khái niệm “giáo dục” và “đào tạo” theo quan điểm của Thạc sĩ Trần Thành Nam:[3]

 

Giáo dục

Đào tạo

Nội dung

Truyền đạt các kiến thức cơ bản, cơ sở chung trong các lĩnh vực cơ bản.

Tập trung vào từng lĩnh vực chuyên sâu hơn, từ các mức độ trung bình đến cao cấp cho hầu như mọi lĩnh vực.

Phạm vi

Tất cả mọi người (giáo dục phổ cập).

Từng nhóm cá nhân có mong muốn hoặc khả năng học chuyên sâu.

Đối tượng

Thế hệ trẻ, vị thành niên (khoảng 5-17 tuổi, giáo dục phổ cập)

Thanh thiếu niên và cả người trưởng thành có nguyện vọng và khả năng học chuyên sâu, sau khi đã qua cấp phổ thông phổ cập.

Phương pháp

Giảng dạy là chính.

Hướng dẫn và thực hành.

Cách tổ chức

Tập trung tại các cơ sở giáo dục (trường học).

Tuỳ theo chuyên ngành, có thể tiến hành theo giai đoạn ngắn trong các môi trường thực tế hoặc mô phỏng thực tế.

Thời gian

Khá dài, từ vài năm trở lên.

Ngắn hơn, vài năm trở lại.

Người thực hiện

Giáo viên (người truyền đạt) chỉ là những người đã được học, chuẩn bị (nghiên cứu) về các nội dung mình giảng dạy, nhưng không bắt buộc (và thường không là) chuyên gia trong những điều mình giảng.

Nhà đào tạo trước hết phải là chuyên gia trong lĩnh vực mình đạo tạo, tức là đã có thành công và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo đó.

Mục tiêu cụ thể

Truyền đạt kiến thức (ở cấp độ 1-2) cho người thụ huấn để chúng tiếp tục phát triển.

Tạo ra khả năng hành động thành công của người thụ huấn trong lĩnh vực cụ thể nào đó.

 

 

 

Khái niệm “giáo dục” trong bảng này rõ ràng đã bị giới hạn trong phạm vi “giáo dục phổ cập” được tổ chức tập trung tại các trường học mà thôi.

Theo chúng tôi, khái niệm “giáo dục” mang ý nghĩa rộng hơn, không chỉ nhằm truyền đạt các kiến thức cơ bản hay chuyên môn hẹp, mà còn xây dựng con người với nền tảng văn hoá, lối sống, cách suy nghĩ, thể lực, bản lĩnh, giao tiếp, ý thức xã hội, v.v.

Một người có thể “được đào tạo” đầy đủ nhưng vẫn “vô giáo dục”, hay nói cách khác là “thiếu văn hoá”. Ngược lại, có người có thể thất học, nhưng vẫn là người tử tế, có nhân cách vì có thể họ không được học ở trường, nhưng vẫn được hưởng một sự giáo dục ở nhà. Vì thế, khi nói một người “vô giáo dục”, không có nghĩa là người ấy kém về kiến thức, kỹ năng hay chuyên môn, mà là kém về nhân cách, cách ứng xử trong xã hội.

Các nước khác cũng có những từ như “ill-bred” (Anh), “mal éduqué” hay “mal élevé” (Pháp)... để chỉ những người tư cách kém, có thể dịch là “vô giáo dục” hay “mất dạy”. Còn những từ như uneducated hay ill-educated (tiếng Anh) không có nghĩa là “vô giáo dục” hay “mất dạy” (kém nhân cách, không tử tế), mà có nghĩa là “thất học” (thiếu hiểu biết do không được học hành, không được đào tạo).

5. Kết:

Tóm lại, theo nghĩa tổng quát, “giáo dục” hay “đào tạo”, “huấn luyện” đều là hình thức học tập, trong đó kiến thức, kỹ năng và thói quen của người thầy được chuyển giao sang người học trò thông qua giảng dạy, huấn luyện, nghiên cứu. Nhưng xét theo nghĩa ứng dụng cụ thể, thì “giáo dục” được sử dụng trong phạm vi rộng rãi và lâu dài hơn, với mục tiêu là con người toàn diện hơn; so với “đào tạo” hay “huấn luyện” là hai khái niệm có phần giống nhau, thuộc lĩnh vực chuyên môn hơn, có mục tiêu thường cụ thể hơn.



[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Education.

[2] http://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c.

[3] Tham khảo: http://tuduythinhvuong.org/tu-duy-dao-tao-phan-1-dao-tao-la-gi/

 

Top