Từ Vatican, ĐTC điện đàm với các phi hành gia trên Trạm Không gian Quốc tế ISS
WHĐ (22.05.2011) – Trưa thứ Bảy 21-05, lúc 13g11 (theo giờ Roma), tại Thư viện Vatican, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói chuyện qua đường viễn thông, từ mặt đất nối với Trạm Không gian quốc tế ISS, với 12 nhà du hành vũ trụ, trong đó có một phụ nữ (gồm 6 phi hành gia mới được phóng lên không gian hôm 16-05 và 6 người đang làm việc trên trạm ISS).
Hiện diện trong buổi nói chuyện có kỹ sư Enrico Saggese, Giám đốc Chương trình Không gian châu Âu; đại tá Thomas Reiter thuộc Cơ quan Không gian châu Âu; tướng Giuseppe Bernadis, Tham mưu trưởng Không quân Italia.
Mở đầu cuộc nói chuyện, Đức Thánh Cha ngỏ lời với các nhà du hành vũ trụ:
“Tôi rất vui được có cơ hội rất đặc biệt để đàm đạo với các bạn đang làm nhiệm vụ. Tôi đặc biệt cảm ơn vì đã có thể nói chuyện với cả hai đội bay đông đủ đang ở trên Trạm không gian vào lúc này.
Nhân loại đang ở trong giai đoạn tiến bộ cực kỳ nhanh chóng trong lĩnh vực hiểu biết khoa học và những ứng dụng công nghệ. Trong ý nghĩa này, các bạn chính là những đại biểu tiên phong trong những khám phá các không gian mới của nhân loại và những khả năng trong tương lai của chúng ta, vượt ra ngoài những giới hạn của cuộc sống thường nhật của chúng ta.
Chúng tôi khâm phục sự dũng cảm cũng như tinh thần kỷ luật và quyết tâm của các bạn khi chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ này. Chúng tôi tin chắc các bạn theo đuổi những lý tưởng cao quý và muốn đưa những thành quả nghiên cứu và nỗ lực vào việc phục vụ toàn thể nhân loại và công ích.
Cuộc nói chuyện này là dịp để tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ của bản thân tôi và nói lên sự trân trọng đối với các bạn và tất cả những ai đang cộng tác vào việc tổ chức và thực hiện nhiệm vụ chuyến bay của các bạn, đồng thời chân thành cầu chúc nhiệm vụ của các bạn sẽ được hoàn thành một cách an toàn và thành công.
Nhưng đây là một cuộc trò chuyện, nên không phải chỉ có mình tôi là người nói. Tôi rất muốn được các bạn kể cho tôi nghe những gì các bạn đang trải qua và các bạn đang suy nghĩ gì. Nếu các bạn chưa nghĩ ra, tôi muốn nêu vài câu hỏi”.
– Đức Thánh Cha hỏi:
“Từ Trạm không gian, các bạn có cái nhìn rất khác về trái đất. Các bạn bay bên trên những lục địa và các quốc gia khác nhau nhiều lần trong một ngày. Tôi nghĩ các bạn thấy rõ, tất cả chúng ta cùng nhau sống trên Trái đất và thật phi lý chúng ta lại đánh nhau và giết hại lẫn nhau. Tôi biết phu nhân của ông Mark Kelly (Mark Kelly là Trưởng phi hành đoàn chuyến bay STS-134 của tàu con thoi Endeavour, vợ ông là bà Gabrielle Giffords, dân biểu Quốc hội, bị mưu sát hồi tháng Giêng – Chú thích của PV) đã là nạn nhân của một cuộc tấn công nghiêm trọng và tôi hy vọng sức khỏe của bà hiện tiến triển khả quan. Khi các bạn ngắm nhìn Trái đất từ trên cao đó, có bao giờ các bạn tự hỏi về cách các quốc gia và con người chung sống với nhau ở dưới này, hoặc về việc làm thế nào khoa học có thể đóng góp cho nền hòa bình?”
– Trưởng Phi hành đoàn Mark Kelly đáp:
“Vâng, kính thưa Đức Thánh Cha, chúng con cảm ơn Đức Thánh Cha đã dành cho chúng con những lời rất ân cần, đồng thời cảm ơn Đức Thánh Cha đã nhắc đến nhà con (bà Gabrielle Giffords - PV). Đức Thánh Cha đặt cho chúng con một câu hỏi rất hay. Chúng con bay qua hầu hết các nước trên thế giới và không nhìn thấy các biên giới, nhưng đồng thời lại nhận ra rằng người ta đang đánh nhau và đang xảy ra rất nhiều bạo lực trong thế giới này và điều đó thật là bất hạnh. Người ta thường gây chiến vì nhiều lẽ khác nhau. Ngay lúc này chúng con nhìn thấy vùng Trung Đông: một vài nơi ở đây đang chiến đấu cho nền dân chủ nhưng thường thì đánh nhau vì nguồn nhiên liệu. Và đây là điều lý thú trong không gian… Ở Trái đất, người ta đánh nhau vì nhiên liệu, còn trong không gian chúng con dùng nguồn năng lượng mặt trời và chúng con có những pin nhiên liệu đặt ở Trạm không gian. Đức Thánh Cha biết, khoa học và công nghệ được chúng ta đưa vào Trạm không gian để phát triển khả năng sử dụng năng lượng mặt trời, mang lại cho chúng ta được khá nhiều từ nguồn năng lượng vô tận này. Nếu những công nghệ này được vận dụng nhiều hơn nữa trên trái đất, có lẽ chúng ta có thể giảm được khá nhiều việc xảy ra bạo lực”.
– Câu hỏi thứ hai của Đức Thánh Cha:
“Một trong những đề tài tôi thường đề cập trong những bài diễn văn là vấn đề trách nhiệm của chúng ta đối với hành tinh chúng ta đang sống. Tôi lưu ý về những hiểm họa đối với môi trường và sự sống còn của các thế hệ tương lai. Các nhà khoa học cho biết chúng ta phải cảnh giác và nhìn từ quan điểm đạo đức, phải gây ý thức vấn đề cho thật tốt.
Từ điểm nhìn đặc biệt của các bạn, các bạn thấy tình hình trên trái đất như thế nào? Các bạn có nhìn thấy những dấu hiệu hay hiện tượng chúng ta cần phải lưu ý nhiều hơn nữa?”
– Câu trả lời từ Trạm không gian:
“Kính thưa Đức Thánh Cha, được nói chuyện với Đức Thánh Cha thật là một vinh dự lớn lao. Đức Thánh Cha nói chí lý: từ trên này chúng con thật sự có một điểm nhìn đặc biệt thuận lợi. Một mặt, chúng con có thể nhìn được trái đất đẹp khôn tả, nhưng mặt khác, lại thấy rõ nó mong manh biết bao. Chẳng hạn bầu khí quyển: nhìn từ không gian nó mỏng như giấy và khi nghĩ đến lớp giấy mỏng manh kia là tất cả những gì ngăn cách mọi sự sống với khoảng không vũ trụ, đồng thời cũng là tất cả nhưng gì che chở chúng ta, thì quả thật là điều khiến chúng ta phải bừng tỉnh. Đức Thánh Cha biết, chúng ta thật khó tin được khi nhìn Trái đất treo lơ lửng trong bóng tối vũ trụ và nghĩ đến tất cả chúng ta đều đang sống ở đó, khi chúng con điều khiển cái ốc đảo xinh đẹp nhưng mong manh này, thật sự chúng con tràn trề niềm hy vọng khi nghĩ đến tất cả chúng con bước vào Trạm Không gian khó tin này được làm nên bởi sự hợp tác quốc tế giữa nhiều quốc gia để hoàn thành một kỳ tích trên quỹ đạo, con liền nghĩ, thưa Đức Thánh Cha, điều đó cho thấy qua sự làm việc chung với nhau và qua sự hợp tác chúng ta có thể khắc phục nhiều vấn đề đang đặt ra cho hành tinh chúng ta, có thể giải quyết được nhiều thách đố những người sống trên hành tinh Trái đất phải đối mặt… Trạm Không gian này thực sự là nơi tuyệt vời để sống và làm việc, cũng là nơi tuyệt vời để ngắm nhìn Trái đất xinh đẹp của chúng ta.”
– Câu hỏi thứ ba của Đức Thánh Cha:
“Những điều các bạn đang sống ngay vào lúc này thật lạ lùng và rất quan trọng – dù cho cuối cùng các bạn cũng phải trở về Trái đất sống như tất cả chúng tôi. Khi các bạn trở về và được đối xử như những anh hùng, nói năng và hành động đúng bậc anh hùng. Các bạn sẽ được hỏi mình đã thu được những kinh nghiệm gì. Vậy các bạn muốn nhắn gửi những thông điệp nào – đặc biệt đối với người trẻ là những người sẽ sống trong một thế giới chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những kinh nghiệm và khám phá của các bạn?”
– Câu trả lời từ Trạm không gian:
“Kính thưa Đức Thánh Cha, như các đồng nghiệp của con đã nói, chúng con có thể nhìn xuống và thấy Trái đất xinh đẹp của chúng ta đã được Chúa dựng nên, và đó là hành tinh đẹp nhất trong Thái dương hệ. Tuy nhiên nếu chúng con ngước nhìn lên, chúng con có thể nhìn thấy phần còn lại của vũ trụ, và phần còn lại này thì vượt khỏi tầm thám hiểm của chúng con. Trạm Không gian Quốc tế đúng là một biểu tượng, một biểu tượng về những điều con người có thể làm khi biết hợp tác cùng nhau trong tinh thần xây dựng. Vì vậy, thông điệp của chúng con, con nghĩ – là một trong nhiều thông điệp có thể gửi đi, nhưng đây là thông điệp quan trọng nhất – là hãy để cho mọi trẻ em trên hành tinh Trái đất biết, cho những người trẻ biết, có cả toàn thể vũ trụ dành cho chúng ta tiến vào khám phá. Và khi chúng ta cùng nhau thực hiện, thì không gì mà không hoàn thành được.”
– Câu hỏi thứ tư của Đức Thánh Cha:
“Thám hiểm không gian là một cuộc phiêu lưu khoa học hấp dẫn. Tôi biết các bạn lắp đặt thiết bị mới để đẩy xa hơn nữa nghiên cứu khoa học và nghiên cứu bức xạ từ ngoài không gian. Nhưng tôi nghĩ, đó cũng là một cuộc phiêu lưu của tinh thần con người, một sự kích thích mạnh mẽ để suy tư về nguồn gốc và vận mệnh của vũ trụ và con người. Những người có niềm tin thường nhìn lên bầu trời vô tận, và khi suy ngẫm về Đấng đã tạo dựng muôn loài, họ thấy mình bị mầu nhiệm về sự cao cả của Ngài tác động mạnh mẽ. Đó là lý do tôi trao tấm huy hiệu cho ông Robert Vittori (phi hành gia Italia tham gia đội du hành vũ trụ trên Trạm không gian- PV) như một dấu chỉ tôi cũng tham gia vào sứ mạng của các bạn – tấm huy hiệu thể hiện bức tranh Chúa dựng nên con người do Michelangelo vẽ trên vòm Nhà nguyện Sistine. Trong lúc các bạn đang tập trung làm việc và nghiên cứu, có bao giờ các bạn ngừng lại và suy nghĩ như vậy – có lẽ kể cả đọc một lời cầu nguyện với Đấng tạo hóa? Hoặc dễ hơn, các bạn có nghĩ đến những điều như thế khi đã trở về Trái đất?”
– Câu trả lời (của phi hành gia Robert Vittori) từ Trạm Không gian:
“Kính thưa Đức Thánh Cha, sống trên Trạm Không gian Quốc tế, làm việc trong tư cách một phi hành gia tàu con thoi Soyuz của Trạm, thì phải hết sức tập trung. Nhưng chúng con cũng có dịp, khi đêm về, được nhìn xuống Trái đất: hành tinh của chúng ta, hành tinh xanh, tuyệt đẹp. Màu xanh là màu của hành tinh chúng ta, màu của bầu trời, cũng là màu của Lực lượng Không quân Italia, cơ quan đã cho con cơ hội gia nhập Cơ quan Không gian Italia và Cơ quan Không gian châu Âu. Khi chúng con có thời giờ nhìn xuống, vẻ đẹp của hành tinh Trái đất nhìn thấy được qua hiệu ứng ba chiều đã chiếm lấy trái tim chúng con, chiếm lấy trái tim con. Và con cầu nguyện: cầu nguyện cho con, cho các gia đình của chúng con và cho tương lai của chúng ta. Con mang theo tấm huy hiệu và thả bềnh bồng trước mặt để cho thấy tình trạng không trọng lực. Con cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều về cơ hội này và con muốn chuyển tấm huy hiệu đang trôi bồng bềnh này đến anh Paolo (phi hành gia Paulo Nespoli, người Italia, cũng đang làm việc trên trạm Không gian), người bạn và cũng là đồng nghiệp của con: anh ấy sẽ trở về trái đất trên tàu con thoi Soyuz. Con mang theo tấm huy hiệu vào không gian, còn anh Paolo sẽ mang trở về Trái đất rồi trao lại cho Đức Thánh Cha.”
– Câu hỏi thứ năm của Đức Thánh Cha (bằng tiếng Ý, dành cho phi hành gia Paolo Nespoli):
“Ông Paolo thân mến, tôi biết tin mẹ ông vừa qua đời, và khi ông về nhà sau vài hôm nữa, sẽ không còn mẹ ra đón ông. Tất cả chúng tôi đều ở bên ông trong nỗi mất mát này, và riêng cá nhân tôi, tôi cũng đã cầu nguyện cho bà. Ông đã vượt qua thời điểm đau buồn này như thế nào? Ông có cảm thấy cô đơn và trơ trọi trên Trạm Không gian không? Ông có phải chịu nỗi đau ly biệt hay là đã cảm nhận sự hiệp nhất giữa các bạn và bộ phận cộng đồng đang chăm chú và trìu mến dõi theo những nỗ lực của ông?”
– Trả lời từ Trạm Không gian (của phi hành gia Paolo Nespoli):
“Kính thưa Đức Thánh Cha, con đã nghe được những lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha, lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha được truyền đến đây: đó là sự thật, chúng con đang ở ngoài Trái đất, trên quỹ đạo quanh Trái đất và chúng con ở vị trí thuận lợi để nhìn trái đất và lắng nghe mọi thứ chung quanh chúng con. Các đồng nghiệp của con trên Trạm Không gian gồm: Dimitri, Kelly, Ron, Alexander và Andrew, trong giờ phút quan trọng này đối với con, con cảm thấy gần gũi, rất sâu đậm với mẹ con, cũng hệt như các anh em, chị em, cô dì, anh chị em họ hàng, những người thân của con đã được gần mẹ con trong những giây phút cuối cùng của người. Con rất biết ơn vì điều đó. Con cảm thấy tuy xa nhưng lại cũng rất gần, và chắc chắn những điều Đức Thánh Cha vừa nói, Đức Thánh Cha luôn ở bên con, thì con được an ủi vô cùng. Con cũng cảm ơn Cơ quan Không gian châu Âu, Cơ quan Không gian Hoa Kỳ, đã giúp con có thể nói chuyện với mẹ con trong những giây phút cuối cùng của người”.
– Lời chào kết thúc của Đức Thánh Cha:
“Các bạn phi hành gia thân mến,
Tôi chân thành cảm ơn các bạn vì cơ hội tuyệt vời được gặp gỡ và trao đổi với các bạn. Các bạn đã giúp tôi và nhiều người khác cùng suy tư về những vấn đề quan trọng đối với tương lai nhân loại. Tôi gửi đến các bạn những lời cầu chúc tốt đẹp nhất cho công việc của các bạn, và cho sự thành công của nhiệm vụ cao cả các bạn thực hiện để phục vụ khoa học, cầu chúc cho sự hợp tác quốc tế, cho sự tiến bộ đích thực và cho hòa bình trên thế giới. Tôi sẽ tiếp tục nhớ đến và cầu nguyện cho các bạn. Tôi sẵn lòng ban Phép lành Tòa Thánh cho các bạn”.
Theo Radio Vatican (bản tiếng Anh)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô