Tư tưởng của Chúa và tư tưởng phàm nhân
Như hồn trong xác
Chương 5: TƯ TƯỞNG CỦA CHÚA VÀ TƯ TƯỞNG PHÀM NHÂN
Trong bài Du Xuân trên cuốn sách nhỏ nhan đề Sài Gòn Chợ Lớn Rong Chơi (nxb Văn Nghệ, Tp HCM 1999), nhà văn Lý Lan kể:
“Tôi còn đứng ngần ngừ [giữa chợ tết] thì một bà cụ mặc đồ nâu sồng nhỏ nhẹ nói với tôi: ‘Xin cô cho chùa ít trái cà’. Tôi hỏi ra mới biết bà vãi đi xin đồ cho chùa ăn tết. Chùa ơ nơi hẻo lánh, chỉ có các ni cô với bà vãi, không nằm trong danh mục các thắng cảnh du lịch hành hương nên ít khách vãng lai. Tôi thực sự vui mừng nói: ‘Bà lựa bao nhiêu tùy ý’. Bà vãi ngồi xuống, sẽ sàng lượm mấy trái cà dập. Tôi nói: ‘Bà cứ lựa mấy trái tốt, mình mua mà, tôi trả tiền’. Bà vãi ngước nhìn chị nhà quê nói: ‘Lựa hết trái tốt rồi cổ khó bán lắm, nhà chùa ăn sao cũng được mà’. Tôi hỏi bà cặn kẽ đường đi lên chùa. Chẳng phải tôi đã tặng bà một thúng rau quả dập, mà chính bà đã tặng tôi một câu chuyện hay”.
Tôi thấy trong câu chuyện này có hai cách lý luận, hai thứ lô-gích, cái nào cũng hợp lý cả nhưng rõ ràng không có giá trị ngang nhau. Lý luận của nhà văn kể chuyện là: Bà vãi có thể và có quyền lựa những trái cà tốt, thậm chí tốt nhất, vì mình mua, mình trả tiền sòng phẳng, chứ không phải xin xỏ gì người bán. Đây là lý luận dựa trên sự công bằng, hoàn toàn đúng. Đàng khác, tuy không nói rõ ra, nhưng nhà văn có thể đã suy nghĩ trong lòng theo cách lý luận quen thuộc của “xã hội”, rằng bà vãi càng nên lựa những trái tốt vì khi đã có người khác trả tiền thay cho, thì thật là khờ dại nếu chỉ lựa những trái chưa đáng mấy đồng xu mà lấy. Cũng không thể coi lý luận này là bất hợp lý. Thậm chí còn được coi là khôn nữa! Nhưng trong một hoàn cảnh khác, nó có thể trở thành lý luận của lòng tham, chẳng khác gì trường hợp mấy ông cán bộ, công chức vào chợ mua thả dàn hay vào nhà hàng gọi những món ăn đắt tiền nhất mà chẳng cần tính toán gì về giá cả “vì người trả tiền là cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, không phải là mình”. Lý luận này của mấy ông “quan tham” có vẻ không trái với lô-gích (không phi lý) nhưng trái với đạo đức. Đạo đức có cái lô-gích riêng của nó.
Đối lại lý luận của nhà văn là lý luận của bà vãi. Bà chỉ lấy những trái cà dập, và bà có lý của mình: Mình lựa hết trái tốt rồi, chỉ còn lại toàn trái xấu thì làm sao cô hàng bán hết được? Nhà cô ta chắc nghèo lắm vì đến mấy trái cà dập mà cũng đem đi bán, mong kiếm thêm được ít đồng cho gia đình ăn tết. Lý luận này là của tấm lòng nhân ái, không còn là của sự công bằng, của sự trao đổi sòng phẳng nữa, mà nằm ở mức độ cao hơn. Vì thế chính Lý Lan đã thừa nhận nhà tu hành đã tặng cho chị một câu chuyện hay, một bài học hay.
Lô-gích của Chúa và lô-gích của con người
Trong Kinh Thánh, nhất là trong Tân Ước, và đặc biệt các sách Tin Mừng, chúng ta gặp rất nhiều những cách lý luận, lập luận hay lô-gích khác nhau, thậm chí trái ngược nhau như: lô-gích của tình yêu và lẽ công bằng, của sự khôn ngoan của Chúa và khôn ngoan thế gian, của Lề luật cũ và tự do Nước Trời, của tập tục lỗi thời và lẽ phải, của thể diện và sự chân thật, của đạo cũ và đạo mới, của quan điểm chính trị và quan điểm Tin Mừng, của người giàu (như nhà phú hộ) và người nghèo (như anh La-gia-rô), của kẻ tự coi là công chính và của người biết mình là tội lỗi, v.v. Nhìn chung, những va chạm hay mâu thuẫn đã xảy ra thường là giữa cái lô-gích mới mẻ của Chúa Giêsu và nhiều thứ lô-gích khác, nghĩa là nói cho cùng, giữa những giá trị mới của Chúa và một số giá trị khác, vì những giá trị này bị tương đối hóa hoặc bị vượt qua hoặc đơn giản bị phủ nhận bởi các giá trị Chúa rao giảng và thực hành. Thử lấy vài ví dụ.
Đức Giêsu và người Pharisêu
Mâu thuẫn giữa Chúa và phái Pharisêu thường xảy ra chung quanh việc giữ lề luật mà tiêu biểu là luật cấm làm việc ngày sabát. Họ đã đẩy tính bó buộc của luật này đến mức chi ly, gần như vô lý như không đi đường dài, không bứt dù chỉ là vài bông lúa trong tay mà ăn, không khiêng vật nặng… Nhóm sùng đạo Êxêniên còn khắt khe hơn, chẳng hạn họ không dám nấu mà chỉ hâm đồ ăn trong ngày sabát. Khi làm như thế, họ quên mất mục đích nguyên thủy của luật cấm làm việc ngày sabát là gì, mà cái mục đích đó mới là quan trọng.
Phúc Âm kể: Hôm đó là ngày sabát, tại một hội đường, Chúa Giêsu gặp một người bị bại một tay. Người ta hỏi Người: “Có được phép chữa bệnh ngày sabát không?” Họ hỏi thế không phải vì thật lòng muốn biết câu trả lời của Người nhưng cốt để tố cáo Người bởi họ đoán chắc trước rằng thế nào Người cũng lại chữa bệnh cho người bại tay. Chúa hỏi lại: “Ai trong các ông có một con chiên độc nhất bị sa hố ngày sabát, lại không nắm lấy nó mà kéo lên sao? Mà người thì quý hơn chiên biết mấy! Vì thế, ngày sabát được phép làm điều lành”. Rồi Chúa nói với người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ tay ra và tay liền trở lại lành mạnh như tay kia. Và bài tường thuật của Thánh Mátthêu thêm: “Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu” (x. Mt 12,10-14).
Lý luận của Chúa, hay lô-gích của Người dựa trên nguyên tắc: điều tốt, điều lành thì bao giờ cũng nên làm, và luật lệ là phương tiện, không phải là cùng đích. Vấn đề không phải là có được “làm việc ngày sabát” hay không mà là có nên làm một việc tốt cho một con người bất hạnh trong ngày sabát hay không? Nếu người ta bớt “nguyên tắc”, bớt “lý thuyết” suông đi và đưa vấn đề vào cụ thể chắc hẳn người ta sẽ dễ tìm ra câu trả lời đúng hơn. Người Pharisêu, nếu họ suy nghĩ các bình thường, tất cũng sẽ hành động như Chúa Giêsu mà thôi, bằng chứng là họ không dám trả lời câu hỏi của Chúa: “Ai trong các ông có một con chiên [mà lại là con chiên] độc nhất bị sa hố ngày sabát, v.v.?” Họ làm thinh vì sợ tự mâu thuẫn khi phải trả lời rằng chính mình cũng sẽ kéo con chiên ra khỏi hố ngày sabát – (đó là vấn đề “lương tri”) -, thế nhưng họ lại không chấp nhận cho Người chữa lành một con người vốn còn cao quý hơn gấp bội so với một con chiên! Lý luận lành mạnh của họ bị méo mó bởi một đầu óc tôn giáo lệch lạc. Họ lúng túng vì óc vụ luật – luật lệ trên hế mọi sự!-, họ muốn trung thành tuyệt đối với luật vì thế dễ rơi vào mâu thuẫn với cuộc sống thực tế và thường chỉ còn giữ luật cho có hình thức mà thôi. Chúa Giêsu cũng giữ ngày sabát như mọi người Do Thái đạo đức như đi cầu nguyện và nghe giảng Sách Thánh tại hội đường (x. Lc 4,16-22), nhưng Người đi sâu vào ý nghĩa, nội dung của luật, Người không tuyệt đối hóa nó nhưng coi nó cũng chỉ là một phương tiện phụng sự Thiên Chúa và vì thế, nó không được phép ngăn cản bổn phận bác ái đối với con người (x. Mc 2,27; Lc 13,10-16; 14,1-5). Người tuyên bố: “Ngày sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát” (Mc 2,27). Vì tinh thần vụ luật nên hành động của người Pharisêu, ngay cả hành động tôn giáo, thường rơi vào sự giả hình, - tức là một sự thiếu ăn khớp (bất hợp lý, thiếu lô-gích) giữa hành động bên ngoài và thái độ thật bên trong.
Chúa Giêsu và các Tông Đồ
Tôi muốn nêu lên hai trường hợp. Trước hết là chuyện ông Simon-Phêrô. Sau khi Chúa Giêsu tiên báo lần thứ nhất cho các môn đệ biết Người sẽ lên Giêrusalem, chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ phục sinh, ông Phêrô kéo riêng Người ra và trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Chúa nghiêm khắc bảo ông: “Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,21-23). Vậy mà ngay trước đó, Phêrô – nhờ Chúa Cha mạc khải cho – đã tuyên xưng rất đúng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, và vì thế ông được Thầy khen là “có phúc” (Mt 16,17). Còn bây giờ, lời trách của Chúa thật quá bất ngờ, quá nặng nề, Phêrô bị coi như Sa-tan và Sa-tan đã từng cám dỗ Chúa trong sa mạc hãy đi theo con đường vinh quang trần thế mà chính nó bày vẽ ra hòng lôi cuốn Người. Chắc chắn Phêrô có lý lẽ riêng của ông để can ngăn Thầy, chắc chắn về mặt chủ quan ông cũng chỉ muốn điều tốt cho Thầy mà thôi, nhưng suy nghĩ và ý muốn của ông lại ngược với suy nghĩ và ý muốn của Chúa Giêsu, cũng là ý muốn của Thiên Chúa Cha. Thiện tâm, thiện ý mà thôi chưa đủ!
Trường hợp thứ hai liên quan tới hai ông Giacôbê và Gioan, cũng là những tông đồ “ruột” (thân tín) của Chúa Giêsu như ông Phêrô. Chuyện cũng xảy ra sau khi Chúa tiên báo cuộc Thương Khó của Người lần thứ hai. Hôm ấy, Thầy trò từ Galilê lên Giêrusalem. Người sai mấy sứ giả đi trước, vào một làng Samari để chuẩn bị cho Người đến sau. Dân làng từ chối đón tiếp Người vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. Nên biết dân Samari và dân Do Thái thù ghét nhau sâu sắc. Thấy thế, Giacôbê và Gioan nói với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy bọn chúng không?” Nhưng Chúa quay lại quở mắng hai ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác (x. Lc 9,51-56).
Chúa Giêsu kêu gọi các Tông Đồ đừng vội nóng giận, vì những người Samari từ chối không đón tiếp Chúa trong dịp này đâu có đáng trách hơn những người Do Thái đóng cửa không tiếp đón người Samari vì người này là kẻ đối nghịch? Mình có hơn gì người ta đâu! Mình cứ vẫn cứ hành xử theo kiểu “mắt đền mắt răng đền răng” của thời Cựu Ước xa xôi! Đàng khác, cách phản ứng của hai Tông Đồ Giacôbê và Gioan bề ngoài có vẻ bênh vực Chúa nhưng thật ra lại rất trái với tinh thần của Chúa. Cách phản ứng ấy rất dễ đưa tới cuồng tín và hận thù tôn giáo giữa những người khác đạo. Chúa Giêsu không ngả theo thứ cuồng tín đó. Người dạy ta đừng lẫn lộn chính nghĩa của Thiên Chúa với chính nghĩa của chúng ta hay với lợi ích tập thể tôn giáo chúng ta. Như vậy, ở đây có hai lô-gích không thể hòa hợp.
Còn Kitô hữu chúng ta theo các lý luận hay theo lô-gích nào?
Khi làm một việc hay khi chọn một lập trường, một thái độ cư xử, chúng ta có thể có nhiều thứ lý luận, nhiều thứ lô-gích vì có thể đứng trên những bình diện hay quan điểm khác nhau, như chủng tộc, văn hóa, chính trị, tôn giáo. Nhưng là người môn đệ Chúa Kitô, chúng ta luôn luôn còn phải tự hỏi thêm: Tôi đã tính đến lô-gích của Chúa, của Tin Mừng chưa? Những lô-gích kia có đi đôi được với Tin Mừng không? Nói cách đơn sơ, tinh thần nào, tư tưởng thâm sâu nào đang thực sự chi phối tôi? Thật rất khó để nhìn mọi việc theo cái nhìn của Chúa Kitô. Đối với cá nhân Kitô hữu đã thế mà đối với những tập thể Kitô hữu và ngay cả đối với Giáo Hội nữa. Kinh nghiệm của các thánh Tông Đồ cũng như kinh nghiệm bản thân và lịch sử Giáo Hội cho ta thấy rõ điều đó. Chúng ta (và có khi cả Giáo Hội ở cấp này cấp kia) không dễ gì mà tránh khỏi những phản ứng, những chọn lựa không mang tính Tin Mừng, nhưng ít nhiều theo cách thế gian, theo cái khôn trần tục, theo toan tính hẹp hòi, đôi khi thâm sâu là một chọn lựa “ý thức hệ” được ngụy trang… Thế nhưng, chúng ta lại thường dễ dàng đặt cách nhìn riêng của mình trong hào quang của tôn giáo và vì thế rất khó để nhìn sự việc theo quan điểm của người khác, nói gì tới việc chấp nhận quan điểm ấy! Chẳng hạn, không phải chỉ vì ta muốn bênh vực quyền lợi của Chúa (hay của Giáo Hội) mà đương nhiên việc ta làm hay cách ta làm đã là đúng, là phù hợp với tinh thần của Chúa. Như trên đã nói, thiện tâm thiện ý và mục đích tốt chưa đủ.
Sở dĩ khó đi vào lô-gích của Tin Mừng là vì cái thuận lý của Tin Mừng lắm khi lại là nghịch lý đối với ta, và cái ta cho là hợp lý rất có thể là bất hợp lý đối với Tin Mừng. Quả thực, nào ai dễ chấp nhận – trên lý thuyết mà nhất là trong hành động – tinh thần của Tám Mối Phúc? Hay những lời dạy như: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Phải tha thứ cho kẻ đã xúc phạm đến anh em, không phải dăm bảy lần mà luôn luôn. Hãy lấy điều lành đáp lại điều ác của tha nhân… Trong đáy lòng, ta vẫn nghĩ rằng làm đúng như Chúa Giêsu dạy là dại dột, là thiệt thòi, thiếu thực tế và rút cuộc khó tồn tại trên đời. Ta nghĩ thế, bởi vì “thế gian”, hay “con người cũ” (nói theo thánh Phaolô) vẫn còn và tìm cách chi phối người Kitô hữu và Hội Thánh. Chỉ nhờ ơn Chúa giúp và cố gắng hoán cải không ngừng, chúng ta mới mong thực hành nổi lời Chúa.
Trở lại bài học của nhà tu hành Phật Giáo đầu bài này, ta thán phục vì bà đã phản ứng, chọn lựa, hành động một cách rất tự nhiên, rất dễ dàng theo tinh thần Đức Phật mà bà đã thấm nhuần sâu xa. Ước gì tinh thần Phúc Âm cũng thấm nhập và trở thành máu thịt trong ta để trong mọi hoàn cảnh ta biết một cách tự nhiên (gần như bản năng) mình phải làm gì cho xứng với danh hiệu môn đệ Chúa Kitô và mau mắn hành động theo!
Linh mục Nguyễn Hồng Giáo, OFM
Như Hồn Trong Xác, NXB Phương Đông (2011), tr. 31-40.
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19