Tu sĩ dòng Tên và chữ Quốc ngữ
Tháng 12-1624, linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) từ Áo Môn (Macao) đi tàu buôn Bồ Đào Nha tới Cửa Hàn (Đà Nẵng) sau 19 ngày vượt biển và bị bão ở gần đảo Hải Nam.
Tới Đàng Trong, Đắc Lộ đến ở tại Thanh Chiêm (Dinh Chàm), tức là thủ phủ Quảng Nam Dinh, và học tiếng Việt tại đó. Sau này Đắc Lộ viết : “Riêng tôi xin thú nhận rằng, khi vừa tới Đàng Trong nghe người Việt nói chuyện với nhau, nhất là giữa nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót, và tôi đâm thất vọng vì nghĩ rằng không bao giờ có thể học được tiếng Việt.” Nhưng sau mười tháng học, ông đã bắt đầu giảng được. Tiếng Việt khó vì cùng một tiếng, chỉ cần lên, xuống hay uốn giọng một chút là tiếng đó đổi nghĩa. Thí dụ rõ nhất là chữ ba (ba, bá, bà, bả, bã, bạ).
Chữ Việt mà chúng ta đang dùng ngày nay là một sáng tạo của nhiều linh mục Dòng Tên ở Việt Nam vào tiền bán thế kỷ 17, với sự cộng tác âm thầm của một số thầy giảng người Việt. Họ đã dùng mẫu tự La tinh, rồi dựa phần nào vào chữ Bồ Đào Nha, Ý và mấy dấu Hy Lạp, để làm thành một thứ chữ viết mới cho người Việt. Trong thời kỳ đó, chữ Nho là chính, còn chữ Nôm, tuy được coi là quốc ngữ, nhưng vẫn là phụ thuộc.
Vào giữa và nhất là vào cuối thế kỷ 16, có mấy nhà truyền giáo đến Việt Nam, nhưng lịch sử không ghi rõ hoạt động của họ. Ngày 18-1-1615, ba tu sĩ Dòng Tên là hai linh mục Francesco Buzomi (Ý), Diogo Carvalho (Bồ) và thầy Antonio Dias (Bồ), đặt chân tới Cửa Hàn, sau đó đến Hội An. Mục đích đầu tiên của họ là giúp đỡ giáo hữu Nhật về mặt tôn giáo. Nhưng rồi họ thấy phải học tiếng Việt để truyền giáo cho người Việt. Cha Francisco de Pina đến Đàng Trong năm 1617, được coi là tu sĩ Dòng Tên người Âu châu đầu tiên nói thạo tiếng Việt. Ông là thầy dạy tiếng Việt cho Đắc Lộ.
Trong một tài liệu chép tay năm 1621, bằng tiếng Bồ, của một linh mục Dòng Tên gửi cho Bề Trên Cả ở Rôma, ta thấy có một số chữ Việt không đánh dấu và viết liền nhau. Thí dụ : Unsai = Ông sãi; Ungue = Ông Nghè; Bafu = Bà Phủ; Ontrũ = Ông trùm; Nuocman = Nước Mặn (một thành phố xưa ở Bắc Quy Nhơn ngày nay).
Năm 1631 cha Cristoforo Borri viết một cuốn sách về Đàng Trong bằng tiếng Ý, dù cha chỉ ở đó có ba năm (1618-1621). Trong sách này cũng có nhiều chữ Việt mà ông đã biết trong thời gian đó. Thí dụ : Quignin = Quy Nhơn; chià = trà; maqui = ma quỷ; Bũa = vua.
Trong tài liệu chép tay năm 1626 của cha Francesco Buzomi, ta đã thấy có mấy chữ quốc ngữ được viết cách nhau theo kiểu ngày nay. Thí dụ : thien chũ xán tí = Thiên Chủ Thượng Đế; ngaoc huan = Ngọc Hoàng.
Năm 1636 khi cha Đắc Lộ đang ở Macao dạy thần học, ông có viết một cuốn sách quý về lịch sử Giáo Hội Công Giáo Đàng Ngoài. Trong đó có những chữ được viết cách. Thí dụ:
ba hôn bai via = ba hồn bảy vía; Ghe an = Nghe An; tam iau = tam giáo; cu hồn = cô hồn; gna huyen = nhà huyện; ten si = tiến sĩ; dau thich = đạo Thích, đạo Phật. Tuy nhiên, so cách viết chữ quốc ngữ của Đắc Lộ năm 1636 với cách của cha Gaspar d’Amaral trong bản tường trình về Đàng Ngoài năm 1632, ta thấy Đắc Lộ không giỏi tiếng Việt bằng dù đã ở Việt Nam lâu hơn. Amaral là một linh mục Dòng Tên người Bồ. Ông đến Đàng Ngoài lần đầu vào tháng 10-1629 nhưng đến tháng 5-1630 ông phải rời rời xứ này để về lại Macao. Từ Macao ông trở lại Đàng Ngoài, dến thủ đô Thăng Long ngày 15-3-1631 và được Chúa Trịnh Tráng ân cần tiếp đón. Trong bảy năm, ông đã tiếp tục công việc truyền giáo của cha Đắc Lộ trong việc thích nghi đạo với văn hóa Việt Nam và đã hoàn chỉnh Tu hội Thầy Giảng. Trong bản tường trình năm 1632 Amaral đã dùng khá nhiều chữ quốc ngữ và viết dấu khá chuẩn. Thí dụ : Vĩnh tộ = Vĩnh tộ; nhà huyẹn = nhà huyện; Chuá cả = Chúa Cả (Trịnh Tạc); yêu nhău = yêu nhau; đàng ngoằy = Đàng Ngoài; oũ đô đốc hạ = ông Đô đốc Hạ; Nghệ ăn = Nghệ An; bà bõ đạu = bà bỏ đạo; chặp = tháng chạp; hộy ăn xã = Hội An xã; chuá triết = Chúa Triết tức Trịnh Tùng. Trong tài liệu viết năm 1637 tại Thăng Long (Kẻ Chợ), Amaral đã viết dấu một số chữ chính xác hơn trước. Thí dụ: thầy, lạy, đàng ngoài, già, Kẻ Chợ.
Trong lời tựa cuốn từ điển Việt-Bồ-La xuất bản năm 1651 tại Rôma, Đắc Lộ đã nhắc đến việc ông sử dụng hai cuốn từ điển của hai linh mục Dòng Tên khác. Cuốn thứ nhất là Từ điển Việt-Bồ-La của Gaspar d’Amaral. Cuốn này vẫn còn ở dạng bản viết tay và chưa kịp xuất bản thì Amaral đã qua đời vì đắm tàu tại đảo Hải Nam ngày 23-12-1645 khi ông đang trên đường đến Đàng Ngoài lần thứ ba. Chắc Đắc Lộ đã sử dụng bản thảo từ điển của Amaral khi ông ở Macao (1630-1640). Cuốn thứ hai là Từ điển Bồ-Việt của cha Antonio Barbosa, người Bồ. Ông này đến Đàng Ngoài tháng 5-1636 nhưng phải trở lại Macao tháng 5-1642 vì lý do sức khỏe. Hẳn ông đã soạn từ điển trong thời gian ở Đàng Ngoài. Cả hai cuốn từ điển trên đều bị thất lạc, nên ta không rõ nội dung của chúng.
Theo cha Đỗ Quang Chính,S.J. từ năm 1651 trở về trước chưa thấy có một bản văn nào hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ. Linh Mục Đắc Lộ là người đầu tiên soạn thảo và cho xuất bản hai cuốn sách chữ quốc ngữ tại Rôma năm 1651. Đó là công lớn của ông trong giai đoạn hình thành chữ quốc ngữ, tuy ông không phải là người đầu tiên sáng tạo ra chữ quốc ngữ.
Cuốn thứ nhất là cuốn Từ Điển Việt-Bồ-La. Từ điển này nhằm giúp các nhà truyền giáo học tiếng Việt, ngoài ra theo ý các Hồng Y ở Rôma, còn nhằm giúp người Việt học thêm tiếng La-tinh. Phần đầu của cuốn từ điển này viết về ngữ pháp Việt Nam bằng La ngữ. Cuốn thứ hai là cuốn Phép Giảng Tám Ngày cho những kẻ muốn chịu phép Rửa Tội. Mỗi trang sách được chia dọc làm đôi, phần bằng tiếng La-tinh và phần bằng tiếng Việt.
Có thể hai cuốn sách này được soạn thảo trong thời gian 1640-1645. Đây là thời gian cha Đắc Lộ truyền giáo ở Đàng Trong, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, ông cũng đi về Macao bốn lần. Hẳn lúc ở Đàng Trong, Đắc Lộ có dịp chỉnh sửa các dấu cho đúng. Ngoài ra, có lẽ các Thầy giảng Đàng Trong cũng đã giúp ông làm việc này. Cả hai cuốn sách trên đều do Bộ Truyền giáo xuất bản. In các sách này thật là một công trình to lớn. Chắc chắn Đắc Lộ đã phải bỏ công theo dõi tỉ mỉ chuyện đúc chữ và sắp chữ, vì thợ nhà in đâu có biết chữ Việt.
Chữ quốc ngữ là công trình của nhiều người trong nhiều năm. Các tu sĩ Dòng Tên đã góp phần không nhỏ trong công trình này lúc ban đầu. Cha Đắc Lộ thường được nhắc đến vì ông đã để lại một tác phẩm đặt nền cho chữ quốc ngữ “mới” trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta không được quên biết bao người Việt đã đóng góp cho công trình này như hai thầy giảng Igesico Văn Tín và Bento Thiện, cũng như nhiều tu sĩ trong các Dòng khác như Hội Thừa sai Paris. Cũng phải nhắc đến việc soạn thảo từ điển của giám mục Bá-đa-lộc (1773) và việc xuất bản từ điển của giám mục Taberd (1838) sau này. Cuối cùng, xin nhắc đến một em bé 13 tuổi, người thầy dạy tiếng Việt cho cha Đắc Lộ trong ba tuần lễ để ông có thể tập phát âm các dấu tiếng Việt. Sau này em đã xin nhập đạo và mang tên thánh là Raphael.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi