Tu kín hay tu hở?
Tu kín hay tu hở thì tu nào chẳng là tu, miễn sao mỗi người qua việc cầu nguyện, suy nghĩ, và bàn hỏi để biết mình hợp với ơn gọi nào, kín hay hở. Hở hay kín cũng chỉ là phương thế để mỗi người tiến tới gặp gỡ được Đấng đã kêu gọi mình. Tu kín hay tu hở thì đều dễ ợt. Một người đứng ở giữa giời (đường) cười nói ti toe là tu hở. Còn người đứng ở giữa nhà im thin thít cửa đóng then cài là tu kín. Dù là kín hay hở mà có sự sống thân mật với Kitô thì mới có sự bình an, vui tươi, hạnh phúc đích thực. Trái lại, không gặp gỡ được với Đấng đã gọi, và sống yêu thương thân mật với Ngài thì kín vẫn có thể thành hở (bồn chồn, nhấp nhổm, ngong ngóng, láo liên) và hở thành kín (co cụm, che đậy, khép kín, đóng khung).
Tu kín, từ xưa tới nay vẫn đóng vai trò là đón tiếp các lữ khách qua đường. Theo luật của tu kín nói rằng người xa lạ phải được tiếp đón như là tiếp đón Đức Kitô. Họ phải được chào đón với lòng trọng kính. Phải rửa chân cho họ và cho họ ăn. Điều đó vẫn luôn là kinh nghiệm của những ai đã một lần “bén mảng” nơi tu kín.
Tại sao người ta lại bị lôi cuốn đến những nơi tu kín như thế nhỉ? Tôi xin chia sẻ với các bạn đôi ba suy nghĩ về điểm này. Có thể chúng ta sẽ nói rằng các ý tưởng của tôi là hoàn toàn rồ dại và những ý tưởng ấy cho thấy rõ là một anh Đa Minh thì chẳng thể hiểu gì về đời sống tu kín cả. Nếu quả thật mà như thế thì xin các bạn tha lỗi cho tôi! Tôi xin giải thích thế này: các nơi tu kín bộc lộ cho thấy Thiên Chúa, không phải vì những gì họ làm hoặc những gì họ nói. Nhưng có thể vì đời sống tu kín có một khoảng không ở trung tâm, một chỗ trống trong đó Thiên Chúa có thể tỏ mình ra. Tôi cứ thích gợi lên cho thấy là trong nội quy của tu kín đã khéo thu xếp để trong cuộc đời của họ có một thứ trung tâm trống không, trong đó Thiên Chúa có thể sống và được nhận biết.
Vinh quang của Thiên Chúa luôn luôn biểu lộ trong một khoảng không gian trống không. Khi những người Israel ra khỏi hoang địa, Thiên Chúa đồng hành với họ. Người ngự trong khoảng không gian giữa các cánh của các Kêrubim, bên trên ngai thương xót. Ngai vinh quang bấy giờ là cái trống không này. Đó chỉ là một khoảng không gian bé nhỏ rộng tựa bàn tay. Thiên Chúa không cần nhiều chỗ để tỏ bày vinh quang của Người. Nhìn lên cây Thập giá, chúng ta cũng sẽ thấy một cái ngai vinh quang, cũng là một khoảng trống, một sự thiếu vắng, bởi vì một người chết đang kêu lên Thiên Chúa, Đấng ra như bỏ rơi mình. Ngai vinh quang cuối cùng là một ngôi mộ trống trong đó không còn thi thể nào nữa.
Hy vọng của tôi là các nơi tu kín vẫn tiếp tục là những nơi ở đó vinh quang của Thiên Chúa được chiếu toả ra, những ngai dành cho mầu nhiệm Thiên Chúa. Và sở dĩ như thế chính là vì chúng ta ra như ở không, không do cái chúng ta là và cái chúng ta làm. Những năm sau này, các nhà thiên văn tìm ra những hành tinh mới trong bầu trời. Cho tới hồi rất gần đây, họ chẳng bao giờ trực tiếp thấy một hành tinh nào khác. Nhưng họ có thể chỉ ra chúng nhờ một sự rung động trong quỹ đạo của ngôi sao. Có thể cũng như thế đối với những người sống theo ơn gọi tu kín, họ chỉ là những hành tinh bày tỏ cho thấy ngôi sao không thể thấy là trung tâm của nơi tu kín. Quỹ đạo có thể đo được của cuộc đời chúng ta chỉ hướng về mầu nhiệm mà chúng ta không thể thấy trực tiếp được. “Quả thật, Ngài là một vị Thiên Chúa ẩn mình, Thiên Chúa của Israel” (Is 45,13).
Như thế, tôi xin nói rằng trung tâm không thể nhìn thấy nhưng được biểu lộ trong cách họ sống. Vinh quang của Thiên Chúa được biểu lộ trong một sự trống không, một khoảng không trống lặng trong cuộc đời của họ. Tôi sẽ nói đến 3 khía cạnh của đời sống tu kín mở ra khoảng trống này và cống hiến một không gian cho Thiên Chúa: trước tiên, cuộc đời của họ không có một lý do nào riêng biệt cả. Thứ hai, cũng qua sự kiện đó, cuộc đời của họ chẳng đưa tới đâu hết. Và sau cùng, cuộc đời của họ là những cuộc đời của sự khiêm nhường. Mỗi một trong các khía cạnh này của đời sống tu kín mở ra một không gian cho Thiên Chúa. Và tôi xin chứng minh rằng trong mỗi trường hợp, chính việc cử hành phụng vụ đem lại ý nghĩa cho cái khoảng không này. Chính việc hát Kinh Phụng vụ nhiều lần trong ngày biểu lộ cho thấy rằng cái khoảng trống không này được vinh quang của Thiên Chúa lấp đầy.
CÓ MẶT Ở ĐẤY
Một điều hiển nhiên nhất đối với họ, người chiêm niệm, là họ chẳng làm gì đặc biệt cả. Họ có lao động cày cuốc ở ngoài đồng, nhưng họ lại chẳng phải là những người làm nghề nông. Họ có dạy học, nhưng chúng ta lại không phải là giáo sư. Có thể họ chịu trách nhiệm điều hành một bệnh viện hoặc một sứ vụ truyền giáo, nhưng họ tiên quyết lại không phải là những bác sĩ hay là những nhà truyền giáo. Có thể là giữ chức vụ bề trên trong một tu viện mà y không cũng phải là bề trên. Họ làm rất nhiều việc mà y như họ chẳng làm gì cả. Họ không hề làm một điều gì đặc biệt cả. Chung chung, người chiêm niệm vẫn là những người rất hoạt động, nhưng hoạt động lại chẳng phải là mục đích cuộc đời của người chiêm niệm.
Đức Hồng y Hume từng viết: “Chúng tôi không cho mình là những người có một sứ mạng riêng và một chức năng đặc biệt trong Hội Thánh, chúng tôi không có tham vọng thay đổi dòng lịch sử. Chúng tôi có mặt ở đấy, cũng hơi giống như thể tình cờ người ta gặp thấy. Thế thôi! Và chúng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc khi chúng tôi chỉ là có mặt ở đó mà thôi”.
Chính việc không hướng đến đối tượng rõ rệt như thế biểu lộ cho thấy Thiên Chúa. Đó là lý do hiện hữu, âm thầm kín đáo, của cuộc đời họ. Thiên Chúa tỏ mình ra là trung tâm bất khả thị của cuộc đời họ, khi họ không cố tìm cho ra những lời giải thích để cho người ta biết họ là gì. Cốt tuỷ của cuộc đời Kitô hữu vẫn chỉ là ở với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,10). Người chiêm niệm được mời gọi ở lại trong lòng mến của Người.
Thế giới chúng ta đang sống ngày nay như là một cái chợ, ở đó ai cũng tìm cách làm cho mình được nổi bật lên, được chú ý tới, bằng cách ra sức thuyết phục những người khác để họ thấy rằng cái mình đang bán là cần thiết để sống sung sướng hạnh phúc. Người ta không ngừng nhắc đi nhắc lại cái mà chúng ta cần để được hạnh phúc sung sướng (mỗi ngày xem tivi những tiết mục quảng cáo đầy ra đấy thôi! đôi khi những cái tế nhị thì lại ngang nhiên bắt người ta phải nhìn như… “siêu thấm”): một cái lò hấp, một cái máy vi tính, đi du lịch chỗ này chỗ kia, một cái xe đờ-zim đời mới… Và đấy quả là một cám dỗ: cho các dòng tu cũng nhảy vào thị trường tranh đua với những dòng tu khác. Các bạn đổ xô nhau đi du học để được hạnh phúc, để thành đạt hoặc thậm chí để có thể giàu có nữa. Và rồi các tu sĩ cũng tới điểm hẹn, tự giới thiệu là hoàn toàn giá trị và rất hữu ích. Tuần này, người ta đề nghị tập yoga, tuần tới thì hương liệu chẩn trị, tới nữa thì ngồi thiền… Liệu ta có thể khuyên một ai đó thử một cái xem làm tu sĩ là gì không?
Chúng ta cần những người Kitô hữu ở những nơi chốn công cộng, hoà mình với những tiếng kêu réo của những đám đông đang chen lấn ở các chợ, các đường phố, để lôi kéo nhiều người khác gia nhập đạo thánh Đức Chúa Bờ Lời. Ơn gọi này phù hợp với những người tu hở thích làm nhân chứng giữa đời. Nhưng nhà tu kín thì lại đưa vào một chân lý nền tảng. Nói cho cùng, họ tôn thờ Thiên Chúa không phải vì điều đó có lợi cho họ, nhưng vì họ tìm thấy ở nơi Người sự biểu lộ tối cao của tất cả những gì tốt đẹp, vì Người là ngôi sao sáng của cuộc đời họ. Tôi hay nghĩ rằng đó là bí mật giải thích tại sao Đức Hồng y Hume lại có một thế giá đặc biệt. Đức Hồng Y không cố làm sao để tiếp thị tu kín hay để chứng minh rằng tu kín là một thành tố bí mật trong những thành tố làm nên một cuộc đời thành đạt. Người chỉ là một đan sĩ vốn quen đọc kinh. Suy nghĩ cho đến nơi đến chốn thì người ta thấy rằng một vị thần mà phải chứng minh sự có ích của thần đối với tôi thì tôi không đáng bỏ công ra để tôn thờ. Một vị thần mà phải chứng minh rằng mình là có lợi thì cũng có thể là tất cả, trừ là Thiên Chúa. Cuộc đời của một tu kín muốn làm chứng cho thấy rằng ta không thể gán cho Thiên Chúa bất kỳ một giá trị nào được, bởi vì vạn sự chỉ có giá trị khi có được tương quan với Thiên Chúa. Đời sống của người tu kín chứng nhận điều đó, vì đời sống ấy chẳng có gì là đặc biệt trừ việc ở lại với Thiên Chúa.
Vai trò của “đứng đầu” nơi tu kín có thể chỉ là một con người, cũng rất hiển nhiên, không làm gì đặc biệt cả. Các thành viên khác có thể thấy mình có nghĩa vụ chu toàn một công việc: giữ kho, coi sóc kẻ liệt, chịu trách nhiệm về vườn tược, coi nhà in hoặc trường học, chăn bò vắt sữa dê. Nhưng tôi dám xin nói rằng đứng đầu có thể là người giữ căn tính sâu xa nhất của các thành viên xét như là những người không có cái gì đặc biệt để mà làm. Từng có một người anh em Đa Minh người Anh, Bede Jarette, một nhà giảng thuyết nổi danh, một nhà văn sung sức, từng là giám tỉnh trong nhiều năm. Cha luôn luôn có vẻ chẳng làm gì cả. Người ta kể lại với tôi rằng, nếu người ta đến thăm cha thì chẳng thấy cha làm gì cả. Nếu người ta hỏi cha xem cha đang làm gì thì hình như cha có thói quen trả lời rằng: “Cha đang chờ xem có ai đến thăm cha không”. Cha có nghệ thuật để làm rất nhiều chuyện nhưng người chung quanh lại thấy cha hình như làm rất ít. Đa số trong chúng ta, kể cả tôi nữa, chúng ta lại làm ngược lại. Chúng ta làm sao để có vẻ luôn luôn bận rộn cực kỳ, thậm chí cả khi chúng ta thật sự chẳng làm gì!
Du khách tấp nập tới thăm các nơi tu kín, nhìn thấy các thành viên và tham dự giờ Kinh Chiều, có thể khám phá thấy rằng chính sự khoảng không trống lặng như thế lại mặc khải Thiên Chúa như thế nào? Họ cũng có thể thắc mắc rằng các người tu kín là những con người tơ lơ mơ và không còn biết những tham vọng, những kỷ lục của cuộc tranh tài đua sức trong cuộc đời là gì? Và họ có thể thoáng thấy rằng Thiên Chúa là trung tâm cuộc đời của người tu kín như thế nào? Tôi linh cảm thấy rằng đó chính là khi họ nghe các ngơi tu kín hát. Thế giá lời mời của đan sĩ nằm trong vẻ đẹp của việc người tu kín ca tụng Thiên Chúa… Chính vẻ đẹp của việc ca tụng Thiên Chúa bộc lộ cho thấy lý do tại sao họ có mặt ở đây. Có thể có người (tham dự cuộc tĩnh tâm) còn gắn bó với đức tin, đó là vì họ đã nhận ra vẻ đẹp của những nơi như thế này: vẻ đẹp của những bài hát trong Kinh phụng vụ, vẻ chói ngời của nơi tu kín vào buổi ban mai, nét toả sáng của thinh lặng. Chính vẻ đẹp đã làm cho họ hồi sinh, đức tin bừng tỉnh dậy.
Chắc chắn không phải là sự trùng hợp nếu như nhà thần học lớn về vẻ đẹp, Hans Urs von Balthasar, đã được hưởng sự giáo dục đầu đời tại trường học của đan viện Engelberg, một trường lừng danh về truyền thống âm nhạc. Balthasar nói về sự tự mặc khải của cái đẹp, về uy thế nội tại của cái đẹp. Chúng ta không thể tranh luận với vẻ đẹp khi vẻ đẹp mời chúng ta. Mà cũng không đẩy lui được. Và có thể ở đó chúng ta có sự biểu lộ của uy quyền Thiên Chúa đang vang dội một cách mạnh mẽ nhất trong tâm hồn của những người đang sống đồng thời với chúng ta, ở vào một thời mà nghệ thuật đã trở nên một thứ tôn giáo. Ít người đi lễ Chúa Nhật, ngược lại ta thấy có cả triệu người trong các buổi hoà nhạc, các bảo tàng viện và các phòng trưng bày triển lãm. Nơi vẻ đẹp, chúng ta có thể thoáng thấy vinh quang lấp lánh của Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa khi Đức Khôn Ngoan sáng tạo thế giới đẹp hơn cả mặt trời (x. Kn 7).
Trong bản LXX, khi Thiên Chúa đã sáng tạo xong thế giới, thì Người thấy việc đó là kalos, đẹp. Lòng nhân hậu mời chúng ta dưới dạng thức của vẻ đẹp. Khi nghe thấy nét đẹp của bài hát, ta có thể đoán được tại sao các người tu kín lại có mặt ở đó, và thoáng thấy cái trung tâm bí mật cuộc đời của họ, lời ca ngợi vinh quang. Đây là điều hoàn toàn đặc sắc ở nơi Thánh Basiliô: khi người nói về những khát vọng thâm sâu nhất của tâm hồn người. Người nói về điều đó bằng những từ ngữ của vẻ đẹp: “Đó sẽ là kinh nghiệm nào nữa một khi tôi có thể biết kinh nghiệm này, trong tất cả những gì là đẹp nhất, là đẹp nhất rồi! Đó là kinh nghiệm cao nhất trong tất cả các kinh nghiệm về niềm vui và sung mãn. Điều đẹp nhất trong các điều, tôi gọi đó là Thiên Chúa”.
Nếu vẻ đẹp quả là sự mạc khải điều tốt và điều thật, như thánh Tôma Aquinô vốn nghĩ, thì khi ấy có lẽ ơn gọi của Hội Thánh một phần nào là trở thành một nơi mặc khải vẻ đẹp đích thực. Một phần lớn âm nhạc hiện đại, ngay cả trong các nhà thờ, quá là vô nghĩa đến độ khó có thể nói đó là một âm giai của cái đẹp được. Đó là cái để vui đùa thôi (nhạc kẹo kéo mà!), là hiện tượng kitsch, một điều đã được miêu tả như là một thứ biến chất của sự vô nghĩa. Sở dĩ như thế, có lẽ là vì chúng ta rơi vào cái bẫy xem xét vẻ đẹp bằng những từ ngữ của việc sinh lợi, như một cái gì đó hữu dụng giúp người ta mua vui trong một vài trống canh thay vì thấy rằng cái gì đẹp thật thì biểu lộ cho thấy sự thiện.
Tôi hy vọng là chúng ta không cho là quá kỳ quặc khi tôi nói với các bạn rằng đời sống tu kín tự nó là một cái gì đó đẹp. Tôi cảm thấy hấp dẫn khi đọc luật của đời tu kín, ngay ở đầu: “Ta gọi là Tu luật vì nó sắp xếp cuộc đời của những người theo Tu luật này”. Tu luật sắp xếp. Thoạt nhìn, đối với một người Đa Minh, điều đó có vẻ là một cái gì đó rất là khuôn phép. Theo kinh nghiệm của tôi, quả là khó bắt các tu sĩ Đa Minh vào khuôn phép. Nhưng ta có thể nghĩ rằng Tu luật không có nghĩa là “kiểm soát”, nhưng đúng hơn cho ta ý tưởng về mực thước, nhịp điệu của một cuộc sống đã có sẵn và đã thành hình. Có thể nó gợi cho ta ý tưởng về một môn học như môn âm nhạc chẳng hạn. Thánh Âutinh từng cho rằng một cuộc đời đức hạnh là một cuộc đời có tính cách âm nhạc, tất cả đều ở trong hoà điệu. Theo thánh nhân thì yêu thương tha nhân, chính là “gìn giữ trật tự âm nhạc”. Ân sủng là quý là đẹp và một cuộc sống của ân sủng là vẻ đẹp thực sự.
Một lần nữa, chính việc ca hát trong phụng vụ biểu lộ ý nghĩa cuộc đời của người tu kín. Theo Thánh Tôma, vẻ đẹp trong âm nhạc chủ yếu gắn liền với đức tiết độ. Không bao giờ được có gì thái quá. Âm nhạc phải giữ được nhịp điệu chính đáng, không được nhanh quá mà cũng đừng quá rề rà, nhưng là nhịp độ đúng mức. Thánh Tôma cho rằng một cuộc đời theo đức tiết độ thì giữ cho chúng ta được trẻ trung và đẹp. Và điều Tu luật hình như đề ra cách riêng, đó là một cuộc đời có mực thước, không có gì quá đà - cho dù tôi không dám chắc chắn hoàn toàn rằng các người tu kín giữ được nét đẹp và sự trẻ trung hơn bất cứ ai khác!
Khi chúng ta nghe các người tu kín hát, chúng ta nhận thấy âm nhạc làm thành cuộc đời chúng ta, một cuộc đời đã được dàn ra theo nhịp điệu và sự hài hoà của Tu luật người tu kín. Lời ca ngợi của Israel đã trở thành một chiếc ngai cho vinh quang của Thiên Chúa ngự trị.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
-
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn -
Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Ngày 28/10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông đồ - lễ kính
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi