Trình thuật Gioan 4,5-42: mô hình mẫu cho đối thoại liên tôn

Trình thuật Gioan 4,5-42: mô hình mẫu cho đối thoại liên tôn

1. Đọc Tin Mừng

Đọc bài Tin Mừng theo Thánh Gioan 4,5-42, trong tôi luôn hiện lên hình ảnh Chúa Giêsu ngồi bên bờ giếng Giacóp nói chuyện với người phụ nữ Samari. Bản thân là người hoạt động trong Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn (ĐTLT), có những thắc mắc:

(1) hình ảnh này đã được dùng để làm trang bìa của Tập san Nhịp Cầu Tâm Giao ba tập đầu, và chính Đức Hồng y Gioan Baotixita trong ngày làm phép Văn Phòng Ban ĐTLT đã giơ cao cuốn tập san này rồi bảo: “Anh chị em hãy học theo Chúa Giêsu để đi đến với anh chị em thuộc các tôn giáo khác, tôi biết con đường này không dễ đi nhưng tôi chúc lành và cầu nguyện cho anh chị em.” Vậy con đường đối thoại như thế nào mà lại khó đi?

(2) Những bài học về tương quan ẩn chứa trong đoạn Kinh Thánh trên là gì, để những người đi đối thoại cần học và thực hành, hầu gặt hái được thành quả?

Người viết cũng đã được nghe giảng đâu đó… nhưng thú thực là chưa thông, nên mở Kinh Thánh ra đọc đi gẫm lại vậy. Để dễ tìm hiểu, mình phân tích trình thuật Kinh Thánh trên theo từng cặp câu đối thoại.

Trong đoạn 4,5-8, thánh Gioan đưa ra những thông tin về bối cảnh Tin Mừng:

Không gian: một thành xứ Samari, tên là Xykha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. Ở đấy, có giếng của ông Giacóp”.

Thời gian: “Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa’. Tình trạng thể lý của Đức Giêsu là “Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng.” “lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn”. Lúc đó, “có một người phụ nữ Samari đến lấy nước.”

2. Suy niệm và mật ngọt

  • Ga 4,7-9

Người phụ nữ đi kín nước uống, nghĩa là chị đang thực hiện một sinh hoạt hằng ngày và rất tình cờ gặp người đàn ông Do Thái. Vậy có hay không có khả năng: Chúa ngồi tại bờ giếng Giacóp để đón chờ chị ta? Theo người viết thì nên nghĩ “Chúa chủ định ngồi đón chị ấy.” Ai không chịu thì xin đợi lý giải ở phần sau.

Khi chị nghe Đức Giêsu nói: "Chị cho tôi xin chút nước uống !", về tâm lý, tất nhiên chị “bị bất ngờ”, vì người Do Thái không được giao thiệp với người Samari”. Chị  đâm ra bối rối xen lẫn cảm giác thích thú với suy nghĩ “mình đang được một người đàn ông Do Thái (vốn đầy kiêu hãnh) nhờ vả”. Vậy là chị đang ở thế thượng phong, chủ động, ban phát… Câu trả lời của chị đã bộc lộ những cảm xúc trên: "Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao ?"

Bài học tương giao 1

a)      Chính Thiên Chúa đã luôn chờ chúng ta đi vào trong quỹ đạo yêu thương của Ngài.

b)      Chúng ta đến với Thiên Chúa bằng sự tự do, tự nguyện, như thể một sự tình cờ gặp gỡ Thiên Chúa.

c)      Thiên Chúa tôn trọng nhân vị và phẩm giá của con người vì họ là con người (được dựng nên giống hình ảnh Ngài), không kỳ thị con người tội lỗi, bất xứng.

d)     Thiên Chúa luôn kiên nhẫn và bao dung đối với những yếu đuối và suy xử nông cạn của con người.

  • Ga 4,10-12

Chúa Giêsu hiểu tâm ý của chị và Người không làm cụt hứng cái niềm tự tôn nho nhỏ, dễ thương của chị. Chúa lại hướng tâm trí của chị sang lĩnh vực tâm linh với hai nội dung: (1) Cái niềm vinh dự mà chị đang tự hào đó là do “ân huệ Thiên Chúa ban” ; (2) Đức Giêsu tự giới thiệu bản thân mình với chị như “Người” có khả năng “ban cho chị nước hằng sống."

Lúc này, tâm thế của chị đột nhiên “bị đảo vị!”. Đang từ vị thế của “người cho”, nhưng qua Lời ông xin nước vừa nói, lại mang nghĩa: “Ông ta muốn ban nước cho mình !” mà lại là thứ nước hằng sống. Trong Kinh Thánh thì “nước hằng sống” ở vùng sa mạc có nghĩa là “nước mạch, nước nguồn dưới lòng đất”.

Phải ghi nhận ở người phụ nữ này một đức tính hòa nhã và tinh thần cởi mở, bởi nếu không, thì chị đã “xả” vào ông này một mớ những câu khó nghe rồi (khùng, dở hơi… chẳng hạn). Có lẽ chị nghĩ: Ông này khát quá nên nói lộn!’ Và chị bèn đưa ra chất vấn nhằm xác minh:"Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?” và như để thanh minh với Đức Giêsu rằng: Tôi hiểu những điều ông vừa nói về cụm từ “nước hằng sống” nên tôi mới nói thêm câu “Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy."  Câu thoại của người phụ nữ lý thú ở chỗ cho ta nhận ra khả năng liên tưởng của chị rất dồi dào; Chị nghe nói về “nước hằng sống”, chị chợt liên tưởng và so sánh hơn kém giữa “Người đang nói với chị” và tổ phụ Giacóp. So sánh giữa nước giếng truyền thống và nước hằng sống.

Bài học tương giao 2

a) Chính sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa và ơn soi dẫn của Chúa Thánh Linh đã dẫn con người tiếp cận với những ân sủng, duyên may, cơ hội phụng sự hoặc làm việc lành phúc đức.

b) Chính tấm lòng chân thành, cởi mở của con người là điều kiện tốt để Thiên Chúa  gieo trồng Lời của Ngài và để cho Lời ấy sinh hoa kết quả.

c) Một mối tương quan bình thường cũng có giá trị lớn lao, nó giúp cho song phương đi vào mối đồng cảm ở chiều sâu và chiều rộng.

d) Những giá trị văn hóa truyền thống của hai bên tương quan nếu được hiểu biết và tôn trọng, thì mối tương quan càng được chân thành và bền chặt.

  • Ga 4,13-15

Đức Giêsu giải thích cho chị hiểu thêm về điều Ngài đã nói về “nước hằng sống” với chủ điểm so sánh hơn kém rất rõ: (1) "Ai uống nước (giếng) này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Có nghĩa là so sánh giữa “nước uống để giải khát và nước uống không để giải khát. (2) Thứ nước tôi cho có đặc tính là sẽ làm cho “nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời." Có nghĩa là nếu Đức Giêsu ban cho chị loại nước ấy thì “chính chị là người sở hữu nguồn nước hằng sống ấy”, vậy thì còn gì bằng! (3) Thứ nước mà Ngài Giêsu cho chị còn có thể ban cho chị “sự sống đời đời”.

Thích quá rồi chị nhé, bỗng dưng có một người nói với chị rằng: “tôi sẽ cho chị một mạch nước kỳ diệu mà chị sẽ dễ dàng quản lý, sử dụng, khai thác… Cuộc đời của chị sẽ lên hương ngay, đã thế lại còn được sống lâu đời đời để hưởng nữa.” Suy nghĩ của người phụ nữ là thế, vấn đề đặt ra lúc này là “ông nói dóc hay nói thật? Mà cho dù nói thật hay dóc thì nghe vẫn thích tai. Vậy tại sao ta không thử xin một phen… Biết đâu… thì sao?

Thế là, người phụ nữ nói với Đức Giêsu : "Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước."

Chúng ta có những ghi nhận sau: Từ việc Đức Giêsu và người  phụ nữ Samari có một mối quan tâm chung là nước giếng. Chúa đã mở rộng phạm trù nước giải khát thành “nước hằng sống”. Từ đây, Chúa lại dẫn chị đến khái niệm “sự sống đời đời”. Ôi lạy Chúa! Thầy Vĩ Đại của chúng con, chỉ cần ba câu nói của Chúa mà đã khai lối nhìn của một người bình thường đang lom khom nhìn mặt đất bỗng nhiên đi vào triết học, tâm trí nghĩ đến đời sống vĩnh cửu, mơ sự sống đời đời.

Bài học tương giao 3

a) Lời của Chúa là mạc khải trọn vẹn, là kho tàng vô giá, là kim chỉ nam dẫn con về Trời. Mỗi khi nghe Lời Chúa, xin cho con được no thỏa và hân hoan kín múc chân lý. “Lạy Chúa xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”.

b) Đã là con người thì phải chết, vì thế con người luôn mơ trường sinh. Chính khao khát này đã làm động lực cho họ thực hành tu đạo hoặc phượng thờ. Tâm hồn con người là mảnh đất vun trồng cho niềm tin tôn giáo, trong đó Hạt giống của Lời đã được gieo và từng ngày âm thầm lớn lên. Đây là điểm chung của những người tín hữu, dù tuyên tín của họ không đồng nhất.

c) Sự chân thành của các bên trong những dịp tương quan chính là môi trường tốt để tâm đạo lớn lên và chân lý dần tỏ hiện.

  • Ga 4,16-18

Sau khi đã giúp cho tâm trí của người phụ nữ vượt qua những vướng bận đời thường, Đức Giêsu hướng lòng trí lên những tầm cao tâm linh. Rồi Chúa hướng chị  tới việc thanh tẩy tâm hồn. Khởi đi từ đề nghị xem ra không ăn nhập vào chủ đề  “nước”, mà chuyển sang chủ đề tương quan đạo đức: "Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây." Thú thật, càng suy nghĩ, người viết càng tâm phục câu Lời Chúa trên. Lời Đức Giêsu nói có thể tạo nên những phản ứng khác nhau nơi người nữ kia: (1) Chị sẽ đi về gọi chồng. (2) Chị sẽ không về gọi chồng, vì chẳng liên quan gì đến chuyện hai người đang nói. (3) Chị sẽ dài môi, hậm hực, bỏ đi vì không muốn ông này biết chuyện không chính đáng của mình. (4) Chị sẽ nói lảng sang chuyện khác. Nhưng điều tuyệt vời đã xảy ra, đó là chị trả lời rất khôn ngoan: "Tôi không có chồng." Câu nói này khiến người nghe hiểu là (1) chị là người độc thân. (2) chị không có ràng buộc gì về trách nhiệm hôn nhân gia đình với ai. Đó là kiểu nói “thật một nửa” của chị ta.

Còn một nửa sự thật nữa, Đức Giêsu nói hộ "Chị nói : ' Tôi không có chồng ' là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng." Hãy thử đặt mình vào trạng huống của người phụ nữ lúc này, chúng ta cũng phải bật thốt lên câu than “Ối cha mẹ ôi!”. Rồi chết lặng cả người đi ấy chứ. Mình và ông Giêsu mới lần đầu tương ngộ, hai người lại thuộc hai dân tộc chẳng ưa gì nhau… nói chung là người lạ, vậy mà “Ổng” biết chân tơ kẽ tóc của mình! Ổng chắc phải là thầy bói siêu hạng hoặc Đấng cao cả nào đây!

Bài học tương giao 4

a)  Thiên Chúa  luôn kiên nhẫn với con người.

b)  Thiên Chúa  dạy bảo con người từ chính trong những biến cố vui, buồn, sướng, khổ của kiếp người.

c)  Cần có lòng khiêm nhường khi tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em. Chính nhân đức này giúp chúng ta được ơn hoán cải và đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa.

http://www.catholicworldart.com/i/Paintings/samaritan-large.jpg

Ảnh: www.catholicworldart.com

  • Ga 4, 19-26

Đổi đời

Người phụ nữ xứ Samari đến lúc này đã có một tâm tình thống hối thật sự. Bởi nếu không, chị đã “sửng cồ” chửi rủa người đã bới móc đời tư không mấy đẹp của chị; hoặc khua tay múa chân biện minh, lý do lý trấu gì đó cho lối sống già nhân ngãi non vợ chồng với sáu người đàn ông… Chị đã thống hối bởi nhìn nhận ra phẩm giá cao vời của Người đang nói chuyện với chị và việc đúng đắn của chị là tuyên tín "Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ”. Lời tuyên xưng mang ý nghĩa tôn giáo,  cũng là một bằng chứng nói lên việc chị đã sám hối và được tha tội, bởi không phải máu huyết mạc khải cho chị đâu mà chính là Thần Khí hướng dẫn đấy.

Hiếm ai gặp được vị Ngôn Sứ, giờ mình gặp thì phải đả thông chân lý mới được, đó là suy nghĩ của chị ấy lúc này. Chị bộc bạch: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này ; còn các ông lại bảo : Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa."  Thú thật điều thắc mắc của chị chứng tỏ trình độ học hỏi Kinh Thánh Cựu Ước của chị cũng chẳng là bao, chứ còn nếu ai đã đọc Kinh Thánh thì cũng biết được rằng vấn nạn của chị nêu nó nằm trong lịch sử dân tộc Itraen và Do Thái giáo thời Vương quốc chia đôi… Nhưng vấn đề tồn tại là Dân tộc Do Thái tại miền Giuđê coi rẻ khinh và tuyệt giao với các dân tộc khác - nhân danh Thiên Chúa hằng sống. Mà đó cũng là vị Thiên Chúa dân tộc chị tôn thờ! Thế nên chị mới bức xúc!

Để giải thích và an ủi chị, Đức Giêsu đã dùng một đoạn thoại dài: "Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong Thần Khí và sự thật."

Chị ấy nghe Đức Giêsu giải thích thì đã thông, chị bộc bạch “lòng chờ mong cốt lõi của tôn giáo mình: "Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự." Và chị đã được thỏa mãn cơn khao khát “mưa Đấng Cứu Tinh” do ân huệ Đức Giêsu ban cho: "Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây." Suy nghĩ đến đây, chắc hẳn mọi người đồng ý với người viế về việc Đức Giêsu chủ định ngồi bên bờ giếng để chờ người phụ nữ Samari. Tạ ơn Chúa.

Sứ mạng

Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?" Họ ra khỏi thành và đến gặp Người. (Ga 4,28-30) Bất cứ ai đã được thanh tẩy và Phúc âm hóa rồi thì đều làm như chị. Tạ ơn Chúa.

Hoa trái Thánh Thần

“Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ : "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian." (Ga 4,39-42) Tạ ơn Chúa.

3. Kết

Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng (Mt 5, 6)

Tạ ơn Chúa. Quả thực, Lời Chúa ngọt như mật ong.

Trình thuật về cuộc Đối thoại giữa Đức Giêsu với người phụ nữ xứ Samari có thể được xem  như mô hình mẫu cho cuộc Đối thoại liên tôn hay Đối thoại Đại kết ngày nay (*).Phân tích câu chữ thế thôi, theo người viết nghĩ, Đức Giêsu Kitô đã cho câu trả lời: “những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong Thần Khí và sự thật."

Con đã hiểu “Con đường đối thoại” khó đi rồi! Vì những đòi hỏi chủ quan và hoàn cảnh khách quan:

Đòi hỏi chủ quan

- Muốn đi thì phải ra khỏi bản ngã: cầu an, vụ lợi, vị kỷ, sợ hãi, tự kiêu…

- Muốn đi thì phải biết đón nhận, tôn trọng nhân vị, phẩm giá đầy đủ của tha nhân.

- Phải trao trước cho tha nhân lòng chân thành, cởi mở, vị tha…

- Kiên nhẫn làm người đi gieo trong niềm tín thác vào Thiên Chúa, chính Chúa sẽ làm cho “mọc lên.”

- Cần hiểu biết văn hóa, truyền thống, giáo lý, niềm tin tôn giáo của tha nhân, để cùng nhau khám phá, nuôi dưỡng và phát triển Hạt Giống của LỜI.

- Có lòng hiền hậu và khiêm nhường khi đến với tha nhân.

-  Cần hoán cải thực sự và trông cậy hoàn toàn vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

-  Cần trang bị kỹ càng qua việc học hỏi giáo lý, trau dồi triết học, thần học …rồi hãy lên đường.

Hoàn cảnh khách quan

- Chịu cảnh “đơn thân” vì não trạng ‘pháo đài’, nghi kỵ, bàng quan của người nhà mình, hoặc lối suy nghĩ độc tôn tôn giáo nơi Bạn cũng như ta vẫn có (trong đoạn Tin Mừng trên cũng loáng thoáng đề cập: “các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi: "Thầy cần gì vậy ?" Hoặc "Thầy nói gì với chị ấy ?")

- Trong hiện trạng của nhân loại đa nguyên, đa tôn giáo-tín ngưỡng, đa văn hóa với  nhiều chủ thuyết thực dụng được ủng hộ bởi khoa học kỹ thuật, cùng bao phương tiện thông tin nhanh nhạy… con người đối thoại làm sao tiến bước trong chuẩn mực của Hội Thánh Chúa Kitô và phát sinh kết quả giữa nhiều luồng tư tưởng cùng hành động trái chiều nhau?

Niềm tin của người đối thoại 

-   Chính Thiên Chúa quan phòng sẽ thực hiện cuộc Đối thoại qua con người tôi.

-   Chính Chúa Giêsu sẽ Nhập Thể trong những tương quan của chúng tôi với tha nhân. Ngôi Lời hằng ở với chúng tôi mọi ngày cho đến tận thế.

-   Chính Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn cho chúng con biết phải nói gì, làm gì.

-   Chính tha nhân là nhân chứng cho chúng tôi trước Ngai Tòa Chúa sau này.

-   Chúng tôi sẽ luôn được no thỏa bằng thứ  "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.”

Nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con và nhờ Thánh Thần Tình Yêu, con tạ ơn Chúa Cha đã yêu thương và sáng soi chân lý cho chúng con. Amen.

---------------------------

(*) Xét theo thần phả, thì cả Do Thái giáo lẫn tôn giáo của người Samari đều thờ cùng một Thiên Chúa và cùng chia sẻ niềm mong đợi Đấng Mêsia, nên cuộc đối thoại giữa hai khối tín đồ này gần với Đối thoại Đại kết. Còn dưới khía cạnh lịch sử, địa lý và phong hóa đạo-đời thì hai nhóm người Do Thái và Samari như thể thuộc về hai tôn giáo, nên cuộc trao đổi giữa giống như Đối thoại liên tôn.

Top