Triển lãm "Nguồn" của Bùi Hải Sơn

Triển lãm "Nguồn" của Bùi Hải Sơn

“Hạt giống luôn mang trong nó một thông điệp về quá khứ - hiện tại – tương lai, đầy mâu thuẫn.
Giữa hiện hữu và hư vô, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa cái đẹp và cái xấu là những cuộc đối thoại không bao giờ dứt.
Và cuộc hành trình lại tiếp diễn…”

Trên đây là những hồi tưởng và nhận thức về một không gian sống, và một hành trình tìm về chính mình, bằng chính con đường Điêu Khắc của điêu khắc gia Bùi Hải Sơn.

Anh đã trải nghiệm cuộc sống bằng thân phận của “Hạt Lúa”, mà qua chính hạt lúa, anh khám phá sự hiện hữu của Thiên Chúa và thân phận của một đời người, một đời chết đi để được sống, và sống để cho đi.

Lấy cảm hứng từ nền văn minh lúa nước, người nghệ sĩ tài hoa đã làm cho sông nước, cây lúa và tình cảm con người như đan quyện vào nhau trong không gian của phòng triển lãm “ NGUỒN”, khai mạc vào ngày 13-12-2010 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM.

“Nguồn”, một cái tên nghe thật lạ, nhưng cũng thật quen với những hạt lúa và phôi lúa, cộng thêm chủ đề “Phương Nam” được diễn tả bằng đàn sếu đang bay về mái ấm. Với chất liệu hầu hết là kim loại, điêu khắc gia Hải Sơn đã tạo nên những tác phẩm độc sáng, khéo léo dẫn dắt người thưởng lãm đi vào thân phận của những “Hạt Lúa” được mô tả trong đoạn Kinh Thánh: “Người gieo giống ra đi gieo giống. Trong khi người ấy gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, bị người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi vào đất đá, mộng bị chết khô vì không có khí ẩm. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cũng mọc lên, làm nó chết ngạt. Hạt rơi vào đất tốt thì nảy mầm đậu được gấp trăm…” (Lc 8,5-8)

Dùng ngôn ngữ của điêu khắc với ánh sáng, chất liệu, hình khối, hình tượng, anh đã diễn tả từ khởi đầu đến kết thúc của hạt lúa đều là “Nguồn”, nguồn của mọi nguồn, và nguồn phải sống đến bất tận. Sống như Hạt giống là phải chấp nhận chết đi để sinh nhiều bông hạt. Và “như người kia gieo giống xuống lòng đất, dù người ấy ngủ hay thức, ban đêm hay ban ngày, hạt giống cứ nẩy mầm và mọc lên mà người ấy không biết. Từ lòng đất trước tiên mầm lớn thành cây lúa, rồi trổ đòng đòng, rồi thành bông lúa nặng trĩu hạt…” ( Mc 4,26-28).

Vâng, Bùi Hải Sơn đã đi từ điều nhỏ nhất để dẫn đến cõi sống vô biên. Từ cái “Phôi” rất nhỏ nằm trong hạt lúa tí hon, mầm được nảy sinh, để từ từ trở thành một cành lúa trĩu bông. Hải Sơn quả đã dày công nghiên cứu quá trình chuyển động âm thầm, bé nhỏ nhưng rất kỳ diệu này. Cái “phôi” trong hạt lúa phải mạnh khỏe thì mới có được mầm sống mạnh mẽ; rồi phải gặp được mảnh đất tốt, kết hợp với mưa thuận, gió hòa, mầm sống mới rất dễ thương kia mới thành cây lúa chín vàng, thơm ngát cả cánh đồng!

Nhưng người nghệ sĩ cũng trăn trở với miền đất quê hương đang từ từ bị đô thị hóa một cách thực dụng, cảm nhận thân phận hạt giống cũng bị ảnh hưởng của trào lưu xã hội, bị dày xéo, bị loang lổ và biến dạng…

Niềm tin vào Thiên Chúa đã thể hiện thật tròn đầy trong phòng triển lãm “Nguồn”. Hạt lúa phải bị mục nát để sinh nhiều bông hạt. Hạt giống Lời Chúa, hạt giống của niềm tin phải là một hành trình tiếp diễn, tiếp diễn mãi như thế trong cuộc sống của mỗi người Kitô hữu…

Duyên Sa

Top