Trao đổi về sự kiện Công Giáo với Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Điểm lại sự kiện Công giáo năm 2012
với Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Tuần báo Công giáo & Dân tộc phỏng vấn ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm
1- Thưa Đức cha, nếu phải chọn một sự kiện quan trọng nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong năm 2012 vừa qua, Đức cha sẽ chọn sự kiện nào? Vì sao?
Theo tôi, Hội nghị toàn thể lần X của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, được tổ chức tại Xuân Lộc và TP. Hồ Chí Minh, là sự kiện nổi bật trong năm 2012. Đơn giản là vì sau 40 năm kể từ khi thành lập, đây là lần đầu tiên một hội nghị mang tầm vóc lớn của cả Công giáo Á châu được tiến hành tại Việt Nam. Năm 2010, lần đầu tiên chúng ta cử hành Đại hội Dân Chúa tại Việt Nam, đến năm 2012, chúng ta lại đón tiếp Hội nghị toàn thể của các giám mục Á châu; những sự kiện đó cho thấy Giáo Hội Việt Nam ngày càng mở rộng cánh cửa hiệp thông. Đối với phần lớn các giám mục Á châu, hội nghị này cũng là cơ hội để các ngài hiểu rõ hơn về đất nước, con người, văn hóa, nhất là đời sống của Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam.
2- Năm 2012 cũng là năm kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II (11.10.1962 – 11.10.2012), một Công đồng luôn được nhắc tới như một sự kiện hết sức quan trọng vì đã đưa Giáo hội mở ra với thế giới. Nhưng 50 năm đã qua, theo Đức Cha, phải chăng Công đồng Vatican II vẫn còn xa lạ với cộng đồng Công giáo Việt Nam?
Tôi không nghĩ như thế vì nhiều lý do.
Trước hết, nhìn tổng quát vào đời sống của Giáo Hội Việt Nam, trong 50 năm qua, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có hai Thư Chung quan trọng : Thư Chung 1980 “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, và Thư Chung 2010 “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”. Cả hai Thư Chung đều phản ánh rất rõ nội dung thần học cũng như định hướng mục vụ của Công Đồng Vaticanô II, đến nỗi nói được rằng không thể có hai Thư Chung ấy nếu không có Công Đồng. Như vậy thì giáo huấn của Công Đồng đâu có xa lạ với cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam.
Kế đến, nhìn cách cụ thể hơn, Công Đồng Vaticanô II có 4 hiến chế trụ cột : Hiến chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium), hiến chế tín lý về Mặc Khải (Dei Verbum), hiến chế tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), và hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes). Đối chiếu những hiến chế đó với đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam, sẽ thấy những tác động không nhỏ :
- Người tín hữu tham gia cử hành phụng vụ cách tích cực và sống động hơn;
- Lời Chúa được phổ biến, học hỏi và rao giảng cách rộng rãi hơn, bằng nhiều phương thế;
- Mô hình Giáo Hội hiệp thông và tham gia được cổ võ và áp dụng ở nhiều mức độ, từ Hội Đồng Giám Mục đến các giáo phận, giáo xứ, dòng tu và các cộng đoàn nhỏ;
- Ý thức xã hội và tình liên đới được nhấn mạnh hơn qua các việc bác ái và công tác xã hội, thúc đẩy việc tôn trọng và bảo vệ sự sống, bảo vệ định chế hôn nhân gia đình, bảo vệ môi sinh và công bằng xã hội.
Dĩ nhiên không phải mọi sự đã hoàn thành. Vẫn còn nhiều giáo huấn của Công Đồng cần được triển khai và ứng dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Giáo Hội địa phương. Tôi chỉ muốn nói rằng Công Đồng Vaticanô II không hề xa lạ với Dân Chúa tại Việt Nam, đúng hơn Công Đồng đã và vẫn đang định hướng đời sống đức tin của cộng đồng Công giáo trên đất nước này.
3- Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng Giám mục châu Á (FABC) đã được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam (10 đến 16.12.2012). Nhưng sứ điệp của Hội nghị, theo một số nhận xét trên báo CGvDT, có xu hướng hướng nội và “thiếu lửa” nếu so với nội dung Tuyên ngôn năm 1972 của các Giám mục châu Á. Và Giáo hội Việt Nam, với bề dày kinh nghiệm đồng hành với Dân tộc, đã chưa tạo được một dấu ấn của đường hướng mục vụ này nơi Hội nghị vừa qua như một đóng góp độc đáo của cộng đồng Công giáo Việt Nam. Đức Cha có suy nghĩ gì về những ý kiến này?
Thiếu lửa hay không còn tùy vào cách hiểu về lửa. Nếu hiểu lửa ở đây là “lửa hô hào đấu tranh” thì đúng là “thiếu lửa”. Nhưng nếu hiểu lửa ở đây là “lửa nội tâm, lửa Thánh Thần” thì không hẳn là thiếu. Với người Kitô hữu, ngọn lửa cần thắp sáng là ngọn lửa của Đấng tuyên bố rằng : “Thầy đem lửa xuống thế gian và Thầy ước mong cho ngọn lửa ấy bừng cháy” (Lc 12,49). Và ngọn lửa ấy đã bừng cháy trên Thập Giá, ở đồi Canvê, lửa của tình yêu đi đến tận cùng.
Năm 1970 (chứ không phải 1972), lần đầu tiên các giám mục Á châu có cơ hội quy tụ tại Manila, Philippines, với sự hiện diện của Đức Phaolô VI. Trong cuộc gặp gỡ lịch sử ấy, các ngài đã đưa ra nhận định về những thực tại xã hội tại châu Á lúc đó : một châu Á chiếm 2/3 dân số thế giới với đa phần là người nghèo và người trẻ, một châu Á có những truyền thống văn hóa lâu đời, một châu Á đang thức tỉnh về những giá trị của mình. Đồng thời các ngài nói lên quyết tâm phục vụ các dân tộc Á châu. Và khởi điểm của sự phục vụ ấy là gì? “Chúng tôi biết rằng nhiệm vụ đầu tiên là phải đổi mới chính mình trong ánh sáng của Đức Kitô. Chúng tôi phải bắt đầu bằng việc trở về với Tin Mừng. Sự trở về này phải được cắm rễ sâu trong cầu nguyện và linh hoạt hóa cảm thức tôn giáo sâu xa vốn là nét đặc thù của châu Á”. Trong sự gắn kết với Đức Kitô, Giáo Hội phải trở nên một Giáo Hội của người nghèo và người trẻ, một Giáo Hội phục vụ sự phát triển toàn diện, và một Giáo Hội đối thoại với các truyền thống văn hóa lâu đời tại châu Á (x. “Asian Bishops’ Meeting, Message and Resolution, 1970”, For All the Peoples of Asia, Vol.1, trang 3-7).
Hơn 40 năm sau, năm 2012, các giám mục Á châu vẫn tiếp tục đối diện với những thách đố của châu Á trong thời đại mới. Hội nghị đã đưa ra 15 thách đố lớn : toàn cầu hóa, văn hóa, tình trạng nghèo đói, di dân, dân tộc bản địa, gia tăng dân số, tự do tôn giáo, sự sống bị đe dọa, truyền thông xã hội, môi sinh, vai trò giáo dân, vị trí người phụ nữ, giới trẻ, phong trào hiện xuống, ơn gọi. Đó là những thách đố lớn cho sứ vụ Tân Phúc Âm hóa.
Đáp ứng bằng cách nào? Sứ điệp của Hội nghị tiếp tục nhấn mạnh lời mời gọi của các giám mục Á châu năm 1970, tức là sự đổi mới nơi chính bản thân người loan báo Tin Mừng. Muốn thực hiện công cuộc Tân Phúc Âm hóa thì vấn đề không chỉ là phương pháp và kế hoạch mới, nhưng trước hết là bản thân sứ giả Tin Mừng phải được đổi mới, không phải sự đổi mới theo tính toán thế gian mà là sự đổi mới theo gương Chúa Giêsu. Thế nên Sứ điệp cung cấp một linh đạo về Tân Phúc Âm hóa, bởi lẽ “Một ngọn lửa chỉ có thể được thắp lên bởi chính một vật đang cháy lửa…Chúng ta phải cháy lửa tình yêu của Đức Kitô và lửa nhiệt thành mong ước làm cho Đức Kitô được nhiều người nhận biết hơn, yêu mến hơn, bước theo Người sát hơn” (Chân phước Gioan Phaolô II). Đó chính là ngọn lửa Thánh Thần, lửa nội tâm mà Sứ điệp muốn mời gọi chúng ta thắp lên, cũng là sứ điệp xuyên suốt của các giám mục Á châu từ 1970 đến bây giờ.
Về chuyện đồng hành với dân tộc, từ lâu Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã đưa ra định hướng mục vụ được gọi là đối thoại tam diện : với người nghèo, với các nền văn hóa, với các truyền thống tôn giáo. Nếu hiểu “dân tộc” theo nghĩa cụ thể là những con người Việt Nam sống trong lịch sử và trên đất nước này, thì “đồng hành với dân tộc” có nghĩa là đồng hành với người dân Việt Nam mà đa phần là người nghèo, đồng hành với truyền thống văn hóa dân tộc, đồng hành với các tôn giáo trên đất nước này. Đồng hành với tư cách là người Việt Nam, đồng thời với tư cách là người môn đệ Chúa Giêsu. Như thế, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu và Giáo Hội Việt Nam đã có chung một định hướng từ lâu, dù khác nhau trong ngôn ngữ diễn tả.
Ngoài ra, từ hoàn cảnh cụ thể của mình, trong Hội nghị vừa qua, vị giám mục đại biểu của Việt Nam đã đề nghị nên thêm một lãnh vực nữa trong cuộc đối thoại của Giáo Hội, đó là đối thoại với chủ thuyết duy vật vô thần. Tôi nghĩ rằng không ít các giám mục Á châu quan tâm đến đề nghị này, không chỉ vì đây là kinh nghiệm riêng của Giáo Hội Việt Nam, nhưng còn vì ngày nay chủ thuyết thế tục, duy vật và vô thần đang lan tràn khắp châu Á.
4- Một trong những hoạt động xã hội mạnh mẽ và có tính truyền thống của người Công giáo là làm bác ái, từ thiện. Xin Đức Cha nhận xét về những yếu tố tích cực và tiêu cực có thể có của các hoạt động bác ái, từ thiện trong nỗ lực giúp người nghèo phát triển bền vững để giúp người Công giáo có những định hướng trong các hoạt động xã hội của mình?
Làm việc bác ái đúng là việc đạo đức truyền thống của người công giáo, phát xuất từ lệnh truyền của Chúa Giêsu. Trong nhiều năm qua, hầu hết người Công giáo tại Việt Nam đều tham gia các công việc từ thiện bác ái, tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Đó là điều rất đáng mừng và cần tiếp tục phát huy.
Tôi chỉ xin chia sẻ thêm điều này. Con người mang tính xã hội và sống trong một mạng lưới xã hội, do đó để việc bác ái giúp người nghèo phát triển bền vững, cũng phải quan tâm đến chiều kích xã hội này. Ví dụ, giúp trẻ em nghèo không chỉ là cho cơm ăn áo mặc, nhưng còn là mở lớp tình thương để dạy chữ cho các em, chuẩn bị cho các em vào đời. Giúp người trẻ nghèo không chỉ là cho họ tiền mà còn là mở trường dạy nghề, giúp họ sống tự lập trong đời. Và rất nhiều ví dụ tương tự.
Để những công việc ấy phát triển tốt, cần có những yếu tố chủ quan và khách quan. Yếu tố chủ quan là ý thức xã hội nơi người công giáo. Nói chung, ý thức xã hội của người Việt Nam mình còn yếu, từ những chuyện nhỏ như xả rác nơi công cộng, giữ vệ sinh trong khu xóm, cho đến những việc lớn lao hơn như ý thức về môi sinh, liên đới xã hội. Cả nơi người Công giáo cũng thế. Vì thế phải tìm cách đào tạo về ý thức xã hội, không chỉ bằng biện pháp hành chính nhưng trước hết bằng giáo dục. Khi ý thức xã hội tăng thì ý thức về chiều kích xã hội của bác ái cũng sẽ gia tăng, để thấy được bác ái không chỉ ở trong tương quan cá nhân với cá nhân, mà còn trong tương quan giữa cá nhân và xã hội.
Ngoài ra, yếu tố khách quan là xã hội, cụ thể là chính quyền, phải tạo điều kiện pháp lý cho các tôn giáo tham gia vào những hoạt động bác ái xã hội, để họ có thể có những kế hoạch lâu dài và bền vững trong việc phục vụ người nghèo và những người thiếu may mắn. Không ít các tổ chức tôn giáo gặp đủ thứ khó khăn từ phía chính quyền khi thực hiện các việc bác ái xã hội. Tôi không biết nguyên nhân sâu xa của thái độ ấy là gì, nhưng rõ ràng là không phù hợp với một chính quyền “vì dân và cho dân”.
5- Thưa Đức Cha, Năm Đức Tin đã được khai mạc vào cuối năm 2012 và sẽ kéo dài suốt năm 2013. Theo Đức Cha, thách đố lớn nhất cho việc sống Đức Tin trong xã hội hiện nay là gì?
Trong Hội nghị vừa qua, các giám mục Á châu nói đến những trào lưu lớn đang chi phối đời sống người dân châu Á. Tôi để ý đặc biệt đến tiến trình thế tục hóa đang lan rộng với tác động của chủ thuyết tương đối, thực dụng và hưởng thụ. Nếu hiểu thế tục hóa là trả lại cho trần thế những gì là của nó, là tôn trọng tính tự lập đúng đắn của những thực tại trần thế, thì đó là tiến trình bình thường và đáng trân trọng. Nhưng nếu hiểu thế tục hóa là duy thế tục, loại trừ Thiên Chúa và những giá trị tâm linh khỏi đời sống con người, thì điều đó hết sức nguy hiểm, không chỉ cho đức tin công giáo mà cho chính ơn gọi và phẩm giá con người. Trong thực tế, tiến trình này đang lan rộng rất nhanh qua các phương tiện truyền thông xã hội. Giới trẻ là thành phần chịu tác động nhiều nhất. Nó bào mòn ý thức đạo đức, làm tê liệt tiếng nói lương tâm, từ đó tác động lên những định chế nền tảng như gia đình và xa hơn là toàn thể đời sống xã hội. Nó còn có thể len lỏi vào cả đời sống tu trì, trong cách suy nghĩ, phản ứng và hành động. Kinh nghiệm của nhiều Giáo Hội địa phương trên thế giới cho thấy đó là thách đố lớn nhất cho đời sống đức tin ngày nay.
Ngoài ra, không thể không nói đến những vấn đề xã hội. Ai cũng biết là kinh tế thị trường đem lại sự phát triển kinh tế, nhưng kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội như sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bất công xã hội, những tệ nạn như tham nhũng, ma túy, mại dâm… Người Công giáo không sống đức tin ở trên trời nhưng sống đức tin giữa lòng xã hội, vì thế tất cả các vấn đề xã hội đều chạm đến đức tin của chúng ta. Làm thế nào để có sự đối thoại thẳng thắn và cộng tác chân thành với toàn xã hội để phục vụ sự phát triển toàn diện của con người toàn diện, đó quả là thách đố lớn cho đức tin công giáo.
6- Cuối cùng, xin Đức Cha có đôi lời với độc giả báo CGvDT trước thềm Năm mới.
Buổi trò chuyện này diễn ra khi sắp hết năm Rồng (Nhâm Thìn) để bước vào năm Rắn (Quý Tỵ). Tôi nhớ đến chuyện rắn trong sách Dân Số (21,4-9). Có rắn độc cắn chết người, và lại có rắn đồng (treo trên giá gỗ) chữa lành và cứu sống. Trong Kinh Thánh, rắn được coi như biểu tượng của khôn ngoan. Nhưng có thứ rắn khôn ngoan theo nghĩa mưu mô xảo quyệt (x. St 3,1), và lại có thứ rắn khôn ngoan đồng hành với đơn sơ của bồ câu (x. Mt 10,16). Có thứ khôn ngoan của thế gian và cũng có thứ khôn ngoan của thập giá, thập giá mà thế gian cho là điên rồ và ngu xuẩn nhưng lại là sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa (x. 1Cor 1,24-25). Cầu chúc cho nhau trong Năm Mới, được mở lòng đón nhận và can đảm bước theo sự khôn ngoan của thập giá trên con đường cứu độ.
Xin chân thành cám ơn Đức cha đã dành cho CGvDT cuộc trao đổi này.
bài liên quan mới nhất
- Thiếu Nhi Thánh Thể hạt Bình An khai giảng khóa huấn luyện huynh trưởng cấp 1- 2025
-
Giáo hạt Gia Định hành hương Năm Thánh -
Thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2025 -
Khai mạc Năm Thánh 2025 tại Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Lễ Đêm Giáng sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn 24-12-2024 -
Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm -
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023