Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 33. Sự hiện diện của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 33. Sự hiện diện của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

Bài 33. SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC KITÔ TRONG BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Đức Kitô vẫn đang hiện diện trong Hội Thánh Người dưới nhiều hình thức: trong Lời của Người, trong kinh nguyện của Hội Thánh, trong các bí tích, trong người nghèo khổ, trong các bệnh nhân. Thế nhưng, sự hiện diện của Người trong Thánh Thể là sự hiện diện độc nhất vô nhị (GLHTCG số 1373-1374). Khi giảng lễ hay dạy giáo lý, cha thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, thỉnh thoảng lại quay nhìn về Nhà Tạm và kêu lên: “Chúa ở đó”. Những lời lẽ đơn giản nhưng đầy tinh thần đức tin như thế có sức thuyết phục hơn những giảng khóa thần học về sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể. Công Đồng Triđentinô dạy rằng Đức Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể cách đích thực, thật sự, và theo bản thể”. Người hiện diện ở đó với Mình và Máu Người, với thần tính và nhân tính. Chính Đức Kitô hiện diện thật sự, không chỉ như một phần của Người, cũng không chỉ là một biểu tượng, nhưng là chính Người hiện diện, dĩ nhiên không phải là sự hiện diện hữu hình như khi Người còn ở dưới thế nhưng là “dưới hình bánh và rượu”. Chúng ta nói đến “hiện diện cách bí tích” nghĩa là sự hiện diện ẩn giấu về mặt giác quan nhưng là hiện diện thật sự và hiệu quả. Sự hiện diện này “không thể nhận biết bằng giác quan nhưng chỉ bằng đức tin, một đức tin dựa vào thẩm quyền của Thiên Chúa” (số 1381).

Nếu chỉ nhờ đức tin, chúng ta mới có thể nhận biết sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể, thì cũng thế, chỉ nhờ đức tin chúng ta mới có thể hiểu sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Đức Kitô. Theo quan sát tự nhiên, những sự vật bị biến đổi vẫn tiếp tục là nó dưới một dạng thức khác: sắt tan chảy khi bị nung nóng, nước đông đặc khi quá lạnh, chất liệu được biến đổi dưới tay họa sĩ, con người biến đổi hình dạng bên ngoài theo thời gian nhưng vẫn là chính họ. Thế nhưng ở đây là một điều hoàn toàn khác: bánh và rượu không thay đổi hình dạng bên ngoài, mùi vị, đặc tính. Nhưng chính bản thể của nó được biến đổi: “Này là Mình Thầy – Này là Máu Thầy”. Hình dáng bên ngoài của bánh và rượu vẫn còn đó nhưng bản thể đã được biến đổi thành Mình và Máu Đức Kitô. Các giáo phụ so sánh sự biến đổi này với việc Thiên Chúa tạo dựng mọi sự “từ hư vô” (số 1375, 298). Chỉ có Thiên Chúa toàn năng mới có thể thực hiện điều lạ lùng này.

Khi vị chủ sự nâng cao Mình và Máu Thánh Chúa, người Công giáo cúi mình hoặc quỳ gối thờ lạy. Trước khi rước lễ cũng thế. Những cử chỉ đó diễn tả niềm tin sâu xa và mạnh mẽ rằng chính Đức Kitô đang hiện diện ở đó, dưới hình bánh và rượu. Niềm tin ấy cần được nối dài bằng sự tôn thờ Thánh Thể: “Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta trong bí tích tình yêu này. Đừng từ chối thời gian đến gặp Người để tôn thờ, để chiêm ngắm và sẵn sàng đền tạ những tội lỗi và tội ác nặng nề của trần gian. Chúng ta hãy không ngừng tôn thờ Thánh Thể” (Đức Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II).

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

Top