Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 12. Phụng vụ và hình ảnh

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 12. Phụng vụ và hình ảnh

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

Bài 12. PHỤNG VỤ VÀ HÌNH ẢNH

Hình ảnh có thuộc về phụng vụ không? Nhiều nhà thờ mới xây dựng sau này hoàn toàn trống vắng hình ảnh, đến nỗi người ta có cảm tưởng như hình ảnh đã bị loại ra khỏi nhà thờ. Ngược lại, những nhà thờ cổ kính ngày xưa tràn ngập hình ảnh và tượng thánh đến nỗi có thể nói đến “một bữa tiệc làm no thỏa con mắt” (GLHTCG số 1162).

Qua nhiều thế kỷ, đã có cuộc tranh luận trong Hội Thánh về việc có nên dùng ảnh tượng trong phụng vụ hay không. Trong Cựu Ước đã có luật cấm tạc tượng (số 2132), liệu lệnh cấm ấy vẫn tiếp tục trong Tân Ước? Hội Thánh đã có câu trả lời từ sớm. Từ thế kỷ II và III, chúng ta đã thấy rất nhiều bức tranh nơi an táng các Kitô hữu, những hầm mộ. Những bức tranh ấy diễn tả những cảnh trong Cựu Ước, những cảnh trong cuộc đời Chúa Giêsu và Hội Thánh. Những hình ảnh này là những dấu chỉ cứu độ, làm chứng về ơn cứu độ Đức Kitô ban cho chúng ta, là những hình ảnh diễn tả niềm hi vọng sự sống đời đời.

Vào thế kỷ VII và VIII, nổ ra một cuộc tranh luận quyết liệt về việc sử dụng ảnh tượng: phải chăng dùng ảnh tượng trong nhà thờ là rơi vào ngoại giáo, một thứ tôn thờ ngẫu tượng? Vào thời đó, Hội Thánh đã đưa ra câu trả lời dứt khoát, câu trả lời vẫn còn giá trị đến ngày nay: Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Kitô, Người Con hằng hữu của Thiên Chúa, đã làm người thực sự. Người có một khuôn mặt nhân loại, do đó có thể vẽ hình tạc tượng về Người (số 476).

Lệnh cấm trong Cựu Ước quy về Thiên Chúa là Đấng vô hình, bất khả đạt thấu. Lệnh cấm ấy cũng liên quan đến việc tạc hình tượng những loài thụ tạo (Xh 20,4) nhằm mục đích ngăn ngừa nguy cơ thờ ngẫu tượng (số 2129). Thế nhưng trong Tân Ước, chính Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Hình Ảnh đích thực của Ngài, đó là Chúa Con, Đấng đã làm người (số 1159). Chúa Giêsu nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Đức Kitô là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Col 1,15). Người là “khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa”.

Dựa vào lý do nào mà Hội Thánh chấp nhận bước chuyển từ mầu nhiệm Nhập Thể của Thiên Chúa đến việc cho phép vẽ hình tạc tượng Đức Kitô? Các giáo phụ trong Hội Thánh thích so sánh những ảnh tượng thánh với Kinh Thánh. Cũng như lời của Đức Kitô được truyền đạt bằng lời nói hoặc chữ viết của con người (các chứng nhân), thì theo một nghĩa nào đó, dung nhan của Đức Kitô cũng được các chứng nhân truyền lại cho chúng ta qua những hình ảnh. Không có ảnh tượng nào là hoàn hảo, tuy nhiên có những hình ảnh sống động và sâu sắc về Đức Kitô, nơi đó chiếu tỏa Ngôi vị thần linh của Người (số 1160).

Ngày nay, câu hỏi được đặt ra là: liệu nghệ thuật đương đại có can đảm và khả năng để trình bày Đức Kitô không? Nhiều người thích những biểu tượng và hình ảnh trừu tượng hơn là những những hình ảnh khách quan. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng sẽ không thể loại bỏ những hình ảnh về Đức Kitô, Đức Mẹ và các thánh. Hình ảnh cũng gắn với phụng vụ, với nhà của Chúa, với lòng đạo đức cá nhân. Những hình ảnh ấy giúp chúng ta in đậm Đức Kitô và các thánh vào ký ức của mình và nhờ đó, luôn sống trong sự hiện diện của các ngài.

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

Top