Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 10. Dấu chỉ và biểu tượng

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 10. Dấu chỉ và biểu tượng

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

Bài 10. DẤU CHỈ VÀ BIỂU TƯỢNG

Năm 1927, Romano Guardini xuất bản cuốn sách mỏng, nhan đề là Những dấu chỉ thiêng thánh. Mục đích của tác phẩm là để đào tạo về phụng vụ, không phải bằng những giáo huấn trừu tượng, nhưng bằng những giải thích sống động về những cử chỉ, dấu chỉ và biểu tượng đơn giản gắn liền với phụng vụ. Ví dụ, ngài nói về việc quỳ và đứng, thềm cửa và cửa nhà thờ, nước thánh và hương, nến và chuông, bánh và rượu, chén thánh và khăn thánh.

Tất cả những điều này đều là thành phần của phụng vụ. Theo Guardini, điều quan trọng không phải là suy nghĩ về chúng mà đơn giản là làm những dấu chỉ thánh đó: Một người mẹ dạy con làm dấu thánh giá, cử chỉ nhúng tay vào nước thánh và bái gối khi đến nhà thờ. Những “ngôn ngữ cơ thể” đó tự nó nói lên nhiều điều.

Phải chăng ý nghĩa ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay? Năm 1987, trong Lời tựa cho tác phẩm của giám mục Kapellaris “Dấu chỉ thánh”, Hans Urs von Balthasar viết: “Những sự vật đơn giản chung quanh chúng ta hầu như không còn khả năng nói với chúng ta nữa. Và khi không còn nghe được điều mà những sự vật ấy nói nữa, thì chúng ta cũng giống như kẻ mù chữ không đọc được cuốn sách của tạo thành”. Nếu chúng ta muốn nghe ngôn ngữ của các bí tích, trước hết phải học lại ngôn ngữ của sự vật.

Sách Giáo Lý nhắc chúng ta rằng mọi dấu chỉ bí tích đều hàm chứa ba chiều kích. Trước hết, trong các bí tích, những dấu chỉ nền tảng là nước, bánh và rượu, dầu, là “hoa mầu ruộng đất và lao công của con người”. Maria Montessori, nhà giáo dục công giáo vĩ đại, tập cho trẻ em chuẩn bị bánh và rượu mà sau đó các em đem lên bàn thờ. Cách tập luyện này càng cần thiết hơn ngày nay vì do hoàn cảnh cuộc sống bị vây quanh bằng đủ thứ máy móc hiện đại, nhiều người trong chúng ta thiếu mối quan hệ sống động với thiên nhiên.

Kế đến, dấu chỉ bí tích không chỉ đơn thuần là dấu chỉ tự nhiên. Dấu chỉ tự nhiên ấy được đưa vào lịch sử của Dân Chúa (số 1150). Thiên Chúa ban cho Dân Ngài những “dấu chỉ của Giao Ước” như cắt bì, hy lễ, Lễ Vượt Qua.

Đức Kitô dùng cả những “dấu chỉ tự nhiên” (ví dụ: khi chữa bệnh) và những dấu chỉ từ Cựu Ước (ví dụ: bữa Tiệc Ly) và cả hai mang một ý nghĩa mới: chúng trở thành những dấu chỉ của Người, chính Người nói và hành động trong những dấu chỉ ấy.

Trong các bí tích của Hội Thánh, ba chiều kích này luôn hiện diện. Nếu chúng ta muốn hiểu biết sâu về các bí tích, nên tự hỏi xem chúng ta ý thức về ba chiều kích đó ra sao, và những dấu chỉ ấy được trình bày trong giáo lý và cử hành phụng vụ như thế nào. Có lẽ phương pháp sư phạm tốt nhất để hiểu các dấu chỉ bí tích là thực hành: khi ngọn nến phục sinh được thắp lên và tiến vào bóng tối đang bao trùm nhà thờ, thì chính kinh nghiệm ấy dẫn chúng ta đến với Đức Kitô, nguồn sáng của chúng ta. Dĩ nhiên là với đức tin.

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

Top