Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 28. Huấn quyền và luân lý

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 28. Huấn quyền và luân lý

Bài 28. HUẤN QUYỀN VÀ LUÂN LÝ

Trước khi bàn đến Mười Điều Răn trong phần tới, chúng ta hãy suy nghĩ về một vấn đề thường được bàn cãi ngày nay: Phải chăng công việc của Hội Thánh là đưa ra những cấm đoán trong những vấn đề về luân lý? Sách Giáo Lý bàn về vấn đề này ở phần kết khi trình bày về luân lý Kitô giáo (số 2030-2051).

Về vấn đề này, có những câu trả lời đối nghịch nhau. Trong nhiều lãnh vực, Hội Thánh (hiểu là Huấn quyền, nhất là quyền giáo huấn của Đức giáo hoàng) bị tố cáo là can thiệp quá mức. Đàng khác, người ta lại mong chờ Hội Thánh phải là một “thẩm quyền về luân lý”.

Có rất nhiều ví dụ, cả trong lịch sử lẫn trong hoàn cảnh hiện nay của Hội Thánh, cho thấy thiếu sự khả tín về luân lý, đạo đức. Đồng thời, trong lòng Hội Thánh vẫn đang có nhiều nỗ lực canh tân đổi mới. Tại sao chúng ta lại ít tin tưởng như thế khi nói đến sức mạnh luân lý của Hội Thánh? Ngay giữa cuộc chiến tranh tàn khốc, Đức Piô XII đã nói đến điều này: “Hai ngàn năm qua, trong linh hồn Hội Thánh, vẫn có một tinh thần sống động đã và đang thúc đẩy nhiều người sống đức ái đến mức anh hùng – các đan sĩ cày sâu cuốc bẫm, những nhà giải phóng nô lệ, những người chữa lành các bệnh nhân, các sứ giả mang đức tin, văn minh và khoa học đến cho mọi thời đại và mọi dân tộc, nhằm kiến tạo những điều kiện xã hội có thể mang lại cho mọi người đời sống xứng với phẩm giá con người và phẩm giá Kitô hữu” (GLHTCG số 1942).

Do đó, Hội Thánh “dạy dỗ về luân lý” trước hết không phải bằng những lời rao giảng và hệ thống hóa học thuyết, nhưng bằng chứng tá đời sống (số 2044). “Hội Thánh được tăng số, lớn lên và triển nở bằng sự thánh thiện của các tín hữu” (số 2045). Lời nói bay đi, gương bày lôi cuốn. Như vậy chưa đủ sao? Vậy thì còn cần gì đến Huấn quyền? Tại sao lại có Huấn quyền? Thưa, không vì lý do nào khác hơn lý do trong Cựu Ước đã phải viết ra Lề luật và những điều răn của Chúa: “Thiên Chúa đã viết trên các bảng Luật tất cả những gì mà con người không đọc được trong trái tim họ” (Thánh Augustinô, số 1962). Tự nó, ánh sáng của lý trí đủ để soi sáng và tiếng nói lương tâm nói đủ rõ ràng những điều răn của Thiên Chúa. Thế nhưng nhận thức và ý chí của chúng ta đã bị suy yếu vì tội lỗi. Hội Thánh không công bố một thứ luân lý mới, nhưng đúng hơn là nhắc nhở chúng ta những nguyên tắc đạo đức có giá trị vững bền (số 2036). Chính vì thế mà Hội Thánh ngỏ lời không chỉ với các tín hữu nhưng là với mọi người, khi bàn về các vấn đề đạo đức y khoa, kinh tế, truyền thông xã hội.

Trong tất cả những vấn đề này, luôn luôn vẫn là vấn đề về con người và hạnh phúc, phần rỗi của họ. Thế nên như Đức Phaolô VI diễn tả, Hội Thánh là “chuyên viên về nhân loại”. Hội Thánh cũng được trao cho Phúc Âm, nghĩa là Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô. “Luật Mới” này (số 1965) được viết trong trái tim con người khi chúng ta để cho Thánh Thần hướng dẫn. Để chúng ta khỏi lạc đường, Đức Kitô đã muốn Hội Thánh của Ngài không bao giờ bước đi mà không có bản chỉ đường đúng đắn. Do đó, tính bất khả ngộ trong quyền giáo huấn của Đức giáo hoàng cùng với các giám mục – liên quan đến những gì thiết yếu và cần thiết cho đời sống đức tin – giúp cho Hội Thánh luôn bước đi trên đường của Đức Kitô, con đường thường bị che mờ vì thói thế gian và những ham muốn của chúng ta (số 2034-2035). Vì thế cũng không lạ gì khi Đức giáo hoàng thường bị coi là “dấu chỉ mâu thuẫn”, nhất là trong những vấn đề về luân lý.

(Nguồn: WHĐ)

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top