Thượng Hội đồng Giám mục sẽ áp dụng phương pháp làm việc mới
WHĐ (04.10.2015) – Trước ngày khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình, Đức hồng y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội đồng, đã trình bày một phương pháp làm việc mới, dành nhiều không gian hơn cho các cuộc thảo luận theo các nhóm ngôn ngữ và các bản tường trình theo đề tài của các nhóm này sẽ được công bố.
Nhưng thành phần của Ban soạn thảo Bản Tường trình đúc kết được coi là quá nghiêng về những người lo ngại sẽ có thể có sự nới lỏng giáo lý về hôn nhân.
Đức hồng y Lorenzo Baldisseri giải thích lý do về việc thay đổi phương pháp làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục lần này: Để có “sự tham gia tích cực hơn trong các cuộc thảo luận, có tranh luận trực tiếp hơn và ngay lập tức giữa các nghị phụ”.
Cho đến nay, việc chia thành các nhóm nhỏ (Circuli minores) theo ngôn ngữ được thực hiện trong giai đoạn hai của Thượng Hội đồng, sau giai đoạn một – gồm các phiên họp toàn thể và việc công bố Bản Tường trình giữa kỳ họp.
Lần này, các nghị phụ sẽ chia thành 13 nhóm ngôn ngữ (1 nhóm tiếng Đức, 4 nhóm tiếng Anh, 3 nhóm tiếng Pháp, 3 nhóm tiếng Tây Ban Nha và 2 nhóm tiếng Ý) ngay sau ngày khai mạc.
Ba đề tài
Như đã thông báo, các cuộc thảo luận trong các nhóm nhỏ sẽ đi theo một đề tài khác nhau cho mỗi tuần trong ba tuần của Thượng Hội đồng. Ba đề tài này lấy lại các đề tài của Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris) được soạn thảo từ những đúc kết của Thượng Hội đồng năm ngoái và các câu trả lời cho bản câu hỏi. Ba đề tài như sau: “Lắng nghe những thách đố của gia đình”, “Phân định ơn gọi gia đình” và “Sứ vụ của gia đình ngày nay”
Nếu hai đề tài đầu tiên dễ dàng đạt được đồng thuận, thì những vấn đề liên quan đến đề tài thứ ba hứa hẹn sẽ tạo ra các cuộc tranh luận sôi nổi hơn giữa các nghị phụ.
Các nhóm ngôn ngữ
Mỗi tuần làm việc sẽ bắt đầu với một báo cáo đề dẫn của vị Tổng Tường trình viên Thượng Hội đồng là Đức hồng y Peter Erdö, tiếp theo là chứng từ của một đôi vợ chồng dự thính viên và các bài tham luận của các nghị phụ, sau cùng là thảo luận tại các nhóm nhỏ. Các đề nghị của từng nhóm trong 13 nhóm sẽ được trình bày trong phiên họp toàn thể cuối mỗi tuần và được công bố cho báo chí.
Trong khi các giám mục Phi châu muốn cho tiếng nói của mình được lắng nghe, tính hiệp nhất lại kém rõ ràng hơn vì việc thảo luận trong các nhóm ngôn ngữ được xem là quan trọng, mà thành phần của các nhóm này lại phá vỡ tính logic về địa lý.
Dự thảo Bản Tường trình đúc kết
Những ngày cuối cùng của Thượng Hội Đồng sẽ là những ngày khó khăn nhất. Một dự thảo Bản Tường trình đúc kết sẽ được trình bày trong phiên họp toàn thể vào sáng thứ Năm 22-10. Các nghị phụ sẽ góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản. Bản Tường trình đã điều chỉnh sẽ được trình bày vào sáng thứ Bảy 24-10, trước khi các nghị phụ bỏ phiếu thông qua vào buổi chiều cùng ngày.
Các nghị phụ hẳn sẽ rất cẩn trọng khi đưa ra nhận xét về bản Tường trình mới nhất này do Uỷ ban chịu trách nhiệm soạn thảo. Lại càng phải cẩn trọng hơn vì thành phần của Ban soạn thảo Bản Tường trình đúc kết được coi là quá nghiêng về những người lo ngại Thượng Hội đồng sẽ đi đến chỗ nới lỏng giáo lý về hôn nhân.
Uỷ ban Mười người
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm vào “Uỷ ban Mười người” này –như người ta thường gọi– nhiều nhân vật gần gũi với ngài: Đức Tổng giám mục Victor Manuel Fernandez - nhà thần học người Argentina; Đức giám mục Marcello Semeraro - thư ký của “Nhóm C9” (tức Hội đồng Hồng y tư vấn về cải cách Giáo triều); hay Đức hồng y Oswald Gracias, Tổng giám mục Bombay và một thành viên khác của “Nhóm C9”. Với một đại diện cho mỗi châu lục, châu Phi có Đức giám mục Mathieu Madega người Gabon, ngài vốn không phải là một trong những tiếng nói mạnh mẽ của khu vực này.
Uỷ ban cũng bao gồm một đại diện của các dòng tu, cũng tham dự Thượng Hội đồng là cha Adolfo Nicolás, bề trên Tổng quyền dòng Tên.
Về vấn đề ấn hành tài liệu, ngoài việc in ra các bản tường trình của 13 nhóm ngôn ngữ mỗi tuần, mỗi ngày sẽ có một cuộc họp báo dành cho các nghị phụ khác nhau phát biểu; các vị này vẫn được tự do trình bày với giới truyền thông theo ý mình. Song song với Thượng Hội đồng còn có các sự kiện khác.
Tuy nhiên, chỉ một mình Đức Thánh Cha có quyền quyết định công bố hay không Bản Tường trình đúc kết Thượng Hội đồng và những gì mà ngài bổ sung thêm.
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô