Thúc đẩy một lương tâm sinh thái nơi tín hữu Kitô giáo
THÚC ĐẨY MỘT LƯƠNG TÂM SINH THÁI NƠI TÍN HỮU KITÔ GIÁO
Lm. Anthony Lê Đức
2. Sự hoán cải mang tính sinh thái (Ecological conversion)
2.1. Quan điểm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
2.2. Quan điểm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI
2.3 Quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
3. Tìm hiểu về lương tâm sinh thái
3.1. Cảm thức về tội hệ sinh thái
3.2. Khái niệm lương tâm sinh thái
3.3. Xét mình dựa trên lương tâm sinh thái
4.1. Thái độ về thế giới tự nhiên và siêu nhiên
4.2. Đức tính mang tính sinh thái
5. Kết: Nuôi dưỡng ý thức sinh thái
1. Nhập đề
Trong đời sống hằng ngày, các Kitô hữu thường đề cao những trách nhiệm đối với Thiên Chúa và với tha nhân vì đó là giới luật yêu thương mà Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta phải tuân theo. Từ thời thơ ấu cho tới tuổi trưởng thành, cho dù trong bài giảng của các Thánh lễ hay trong các buổi học giáo lý, chúng ta chủ yếu được nhắc nhở phải xây dựng mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và với tha nhân – người anh em đồng loại. Có khi các lời nhắc nhở nhấn mạnh việc đối xử tốt với người khác địa vị xã hội, văn hoá, màu da hay thế giới quan với chúng ta. Để thực hiện tốt những Giáo huấn đó, chúng ta siêng năng đi lễ và cầu nguyện để xây dựng mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Ngoài ra, chúng ta còn thực hiện những công việc bác ái như giúp đỡ những người neo đơn, bệnh tật, các trẻ mồ côi, v.v. để thể hiện tình yêu mến đối với tha nhân, đặc biệt những người yếu thế sống bên lề xã hội.
Tuy nhiên, trong giới luật yêu thương mà mỗi Kitô hữu được kêu gọi thực hành cách chuyên cần đó còn bao gồm một chiều kích quan trọng mà nhiều người ít nhận ra hoặc ít được nghe tới. Đó là môi trường sinh thái, hoặc nói cách khác, những anh em không đồng loại với chúng ta. Chúng ta không chỉ được kêu gọi phải xây dựng mối tương quan tốt với tha nhân mà còn với cả thiên nhiên mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên. Nhiều tín hữu đạo đức, siêng năng đi lễ, tham gia các sinh hoạt nhà thờ, đọc kinh sáng tối và làm việc phúc đức. Tuy nhiên, khi hỏi về trách nhiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ môi trường sinh thái theo Giáo huấn của Giáo hội thì nhiều người tỏ ra không mấy hiểu biết hoặc quan tâm về vấn đề này.
Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày về vai trò chăm sóc “Ngôi nhà chung” như là một phần thiết yếu trong đời sống và căn tính của mỗi Kitô hữu. Để thực hiện vai trò này, mỗi tín hữu cần phải phát triển lương tâm về vấn đề môi sinh, và có ý thức về trách nhiệm đối với hệ sinh thái. Nếu như chúng ta có ý thức về việc bảo vệ người nghèo, người yếu thế, xây dựng công bình và bác ái trong xã hội, thì chúng ta cũng không thể phớt lờ trọng trách đối với hệ sinh thái. Đó là một trách nhiệm mà chính Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta khi Ngài tạo dựng con người trong hình ảnh của Ngài.
Vì thế bài viết này sẽ bàn về sự cần thiết trải qua sự “hoán cải sinh thái” để xây dựng một “lương tâm sinh sinh thái” và trở nên một con người có “ý thức sinh thái”. Tất cả những khái niệm này đều được trình bày từ lăng kính của Giáo huấn Công giáo mà chúng ta lấy làm nền tảng cho đời sống luân lý và đạo đức của chúng ta.
2. Sự hoán cải mang tính sinh thái (Ecological conversion)
2.1. Quan điểm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Hơn hai thập niên qua Giáo hội đã kêu gọi các tín hữu hãy thực hiện sự hoán cải sinh thái, nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn chưa thấu hiểu hoặc chưa quan tâm về lời kêu gọi này. Thuật ngữ “hoán cải sinh thái” hoặc “sám hối sinh thái” (ecological conversion) lần đầu tiên được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sử dụng trong một bài phát biểu trong một buổi tiếp kiến chung vào năm 2001. Trong bài diễn văn này, Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề chăm sóc tạo vật. Theo Đức Thánh Cha, để thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi sự hoán cải mang tính sinh thái như một sự đáp trả trước nạn khủng hoảng môi trường ngày càng leo thang. Đức Thánh Cha nói rằng sự hoán cải sinh thái liên quan đến một sự thay đổi cơ bản trong thái độ và hành vi của chúng ta đối với thế giới tự nhiên, và kêu gọi cá nhân, cộng đồng và chính phủ cùng nhau làm việc để thúc đẩy một tương lai bền vững và công bằng hơn cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng đã khẳng định rằng sự hoán cải sinh thái không chỉ liên quan đến “một sinh thái ‘vật lý’ quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sống của các sinh vật khác nhau, mà còn là một sinh thái ‘nhân văn’ khiến sự tồn tại của các sinh vật trở nên cao quý hơn, bằng cách bảo vệ điều tốt đẹp cơ bản của cuộc sống trong tất cả những biểu hiện của nó và chuẩn bị một môi trường phù hợp hơn với kế hoạch của Đấng Tạo Hóa cho thế hệ tương lai”. Do đó, hoán cải sinh thái là nhận ra rằng trong "sự hòa hợp tái khám phá với thiên nhiên và với nhau, đàn ông và phụ nữ một lần nữa đang đi trong vườn tạo vật, tìm cách làm cho những tài nguyên trên trái đất có sẵn cho tất cả mọi người, chứ không chỉ riêng cho một số ít trong giới thượng lưu”.
2.2. Quan điểm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI
Trong Thông điệp Caritas in Caritate, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng củng cố giáo huấn của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rằng một sự hoán cải sinh thái toàn diện phải đi liền với hệ “sinh thái nhân văn”. Đức Bênêđíctô nhấn mạnh sự tương liên giữa các vấn đề môi trường và xã hội và kêu gọi sự biến đổi cách suy nghĩ của chúng ta. Ngài kêu gọi mọi người đón nhận một lối sống đặt giá trị vào sự thật, vẻ đẹp, thiện lành và hiệp thông với người khác. Đức Thánh Cha khẳng định rằng sự coi thường tình liên đới và tình bạn công dân không chỉ gây hại cho xã hội mà còn đe dọa nghiêm trọng môi trường. Ngược lại, sự suy thoái môi trường cũng có tác động tiêu cực đến quan hệ xã hội. Trước tình trạng này, Giáo hội có trách nhiệm phải bảo vệ cả nhân loại và các tạo vật khỏi tình cảnh tự phá hoại.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI lập luận rằng sự phát triển một sinh thái nhân văn cần thúc đẩy sự tôn trọng sâu sắc đối với thế giới tự nhiên và công nhận giá trị đích thực của mỗi con người. Những nỗ lực tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, giáo dục và pháp luật mà thôi không đủ để bảo vệ môi trường một cách hiệu quả; thay vào đó, định hướng đạo đức của xã hội phải được biến đổi. Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng Cuốn sách của Tự nhiên không chỉ liên quan đến môi trường mà còn bao gồm cuộc sống, tình dục, hôn nhân, gia đình, quan hệ xã hội và phát triển toàn diện của con người. Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện nghĩa vụ của chúng ta đối với môi trường và con người, tránh sự nguy hiểm trớ trêu là khi con người bị suy thoái, môi trường cũng bị huỷ hoại và cuối cùng dẫn đến sự tổn hại trong xã hội. Do đó, sự hoán cải sinh thái là một phần cần thiết của một sự hoán cải sâu sắc hơn nơi con người đối với nhân loại lẫn các tạo vật.
2.3 Quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn tả về sự hoán cải sinh thái một cách đích thực và toàn diện là một “sự hoán cải nội tâm”. Đức Giáo Hoàng chỉ ra rằng có nhiều tín hữu đạo đức tốt lành, nhưng lại tỏ ra bàng quan về các vấn đề môi trường. Ngài nói rằng, “Chúng ta phải công nhận rằng, có một số Kitô hữu dấn thân và cầu nguyện, thường cười cợt các cảnh cáo về môi trường với lời xin lỗi của chủ nghĩa thực tế và chủ nghĩa thực dụng. Một số khác thụ động, quyết tâm không thay đổi các thói quen và trở thành rời rạc. Họ thiếu một sự sám hối thuộc sinh thái, giúp thấy những gì họ gặp gỡ với thế giới xung quanh; điều xuất phát từ sự gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô, sẽ giúp cho tất cả nở hoa. Sống ơn gọi là một người bảo vệ cho công trình của Thiên Chúa là một phần tất yếu của một hiện sinh đạo đức; đó không phải là điều gì của định kiến, cũng không phải là một phương diện thứ yếu trong kinh nghiệm Kitô giáo” (LS, 217). Rất đáng tiếc khi chúng ta chia cuộc sống của mình thành nhiều phần riêng biệt đến mức chúng ta không nhận ra sự liên kết giữa sự an sinh của chính chúng ta và sự an sinh của người khác hay của các loài thọ tạo.
Tuy nhiên, sự hoán cải sinh thái không phải là một hành động mang tính cá nhân theo kiểu “hồn ai nấy giữ”. Để cho sự hoán cải này thực sự có hiệu lực trong việc khắc phục khủng hoảng sinh thái, sự sám hối còn phải mang tính cộng đồng. Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sự cải thiện cá nhân không đủ để khắc phục những vấn nạn phức tạp trong thế giới ngày nay. Các vấn đề xã hội phải được tiếp cận bởi các hệ thống cộng đồng chứ không chỉ bằng các hành động tốt mang tính cá nhân. Điều này đòi hỏi một thái độ khác đối với thế giới, đồng thời cần một tinh thần quan tâm và đầy lòng yêu thương. Một trong những thái độ cần thiết cho sự hoán cải sinh thái là sự biết ơn với món quà thiên nhiên mà Thiên Chúa đã ban tặng. Chúng ta được kêu gọi để bắt chước sự rộng lượng của Thiên Chúa qua sự hy sinh và công đức, đồng thời ý thức rằng giữa con người và các loài tạo vật không có sự phân cách. Ngược lại, mọi thứ được nối kết với nhau một cách tuyệt vời. Bằng cách phát triển những khả năng được Thiên Chúa ban tặng, chúng ta có thể thúc đẩy sự sáng tạo và sự hăng say trong việc tìm giải pháp cho những vấn đề trong thế giới.
3. Tìm hiểu về lương tâm sinh thái
3.1. Cảm thức về tội hệ sinh thái
Thử hỏi những tham dự viên trong một cuộc tĩnh tâm của giáo xứ, một sự kiện hội trại giới trẻ, hoặc cuộc họp giữa các linh mục, tu sĩ, chủng sinh… liệu họ đã bao giờ đi xưng tội đã phạm đối với hệ sinh thái hay không, khả năng cao chúng ta sẽ nhận được một câu trả lời đơn giản là “Không”. Thực trạng này là điều đáng ngạc nhiên, bởi Giáo hội đã từ lâu công nhận và đề cập đến khái niệm về các tội hệ sinh thái. Mặc dù không phải là người đứng đầu Giáo hội Công giáo La mã, nhưng Đức Bartholomew I, vị lãnh đạo Giáo hội Chính thống, đã lên tiếng xác định việc lạm dụng môi trường là các tội hệ sinh thái. Khi Đức Bartholomew, người đại diện cho 300 triệu người Chính thống giáo trên toàn thế giới, tuyên bố điều này trong một hội nghị về tôn giáo, khoa học và môi trường tại Hoa Kỳ vào năm 1997, lời phát biểu của ngài được cho là lần đầu tiên một lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng đã trực tiếp kết nối các vấn đề hệ sinh thái với hành vi đạo đức. Paul Gorman, một trong số người tham dự hội nghị, đã nhận xét rằng tuyên bố này mang đến “một tầm cao mới trong việc thẩm vấn thần học về nguyên nhân, độ sâu và khía cạnh của trách nhiệm con người khi nêu lên khái niệm ‘tội lỗi’” trong bối cảnh hệ sinh thái.
Thật vậy, tuyên bố của Đức Bartholomew đã được chứng minh là một trong những tuyên bố tôn giáo quan trọng và có ảnh hưởng nhất trong thời gian gần đây. Tuyên bố này đã được trích dẫn và tái hiện nhiều lần trong các truyền thống tôn giáo khác nhau. Trong Thông điệp Laudato Si, chính Đức Phanxicô cũng đã trích dẫn những lời của Đức Bartholomew ngay ở chương đầu, nói lên sự đồng tình của Đức Thánh Cha với giáo huấn của ngài.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Trái đất vào năm 2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận xét rằng: “Chúng ta đã thất bại trong việc chăm sóc cho trái đất, ngôi vườn nhà của chúng ta; chúng ta đã thất bại trong việc chăm sóc cho anh em chúng ta. Chúng ta đã phạm tội chống lại trái đất, chống lại người thân cận thân thương của chúng ta, và cuối cùng là chống lại Đấng Tạo hóa, vị Cha thương yêu, người nuôi dưỡng cho tất cả mọi người và mong muốn chúng ta chung sống trong sự hiệp thông và thịnh vượng”.
Suy nghĩ của hai vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo đã tác động vào cách nhìn nhận của các Giáo hội địa phương về tội hệ sinh thái. Cụ thể, Hội đồng giám mục vùng Amazon trong văn kiện kết thúc của Thượng hội đồng năm 2019 đã đề cập đến đề tài này. Trong văn kiện ghi rằng:
“Chúng tôi đề xuất định nghĩa tội hệ sinh thái là hành động hoặc sự bỏ sót chống lại Thiên Chúa, chống lại người thân cận thân thương, cộng đồng và môi trường. Đó là tội lỗi chống lại thế hệ tương lai, được thực hiện trong các hành vi và thói quen gây ô nhiễm và phá hủy sự hài hòa của môi trường. Đây là những vi phạm đối với nguyên tắc tương phụ, và chúng phá hủy mạng lưới tình liên đới giữa các loài thọ tạo (xem. Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, 340-344) và vi phạm đạo đức công bằng”.
3.2. Khái niệm lương tâm sinh thái
Để cho có sự cảm thức về tội hệ sinh thái dẫn đến sự hoán cải sinh thái cần có sự đào tạo và hình thành một “lương tâm sinh thái”. Tuy khái niệm “tội hệ sinh thái” chỉ mới xuất hiện trong các thảo luận trong vài chục năm gần đây, khái niệm “lương tâm sinh thái” đã được giới thiệu từ lâm. Vào những năm thập kỷ 1940, Aldo Leopold đã bàn về khái niệm này trong cuốn sách A Sand County Almanac. Trong tập sách này, Leopold cho rằng cần có một lương tâm về môi trường trong đạo đức đất đai. Theo Leopold, lương tâm về môi trường xuất phát từ việc ý thức rằng mối tương quan giữa con người và môi trường mang ý nghĩa sâu xa hơn phương diện cá nhân và cộng đồng. Leopold viết:
Đạo đức đầu tiên đề cập đến mối quan hệ giữa các cá nhân; Bộ luật Môsê là một ví dụ. Sau đó, những phát triển trong suy nghĩ đề cập đến mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Quy tắc Vàng cố gắng kết hợp cá nhân với xã hội; dân chủ kết hợp tổ chức xã hội với cá nhân. Tuy nhiên, vẫn chưa có một đạo đức nào đề cập đến mối quan hệ giữa con người với đất đai và với các loài động vật và cây cỏ phát triển trên đó. Đất đai, giống như những người hầu gái của Odysseus, vẫn là tài sản. Mối quan hệ với đất đai vẫn chỉ có tính kinh tế, mang theo đặc quyền nhưng không có nghĩa vụ. Mở rộng đạo đức đến chiều kích thứ ba này trong môi trường con người là, nếu tôi hiểu chứng cứ đúng, một khả năng tiến hóa và một sự cần thiết sinh thái. Đây là bước thứ ba trong một chuỗi. Hai bước đầu tiên đã được thực hiện. Tư duy của cá nhân từ thời của Ezekiel và Isaiah đã khẳng định rằng việc cướp bóc đất đai không chỉ là thiếu khôn ngoan mà còn là sai trái. Tuy nhiên, xã hội vẫn chưa xác nhận niềm tin của họ. Tôi coi phong trào bảo tồn hiện tại như là phôi thai của một sự khẳng định như vậy.
Gần một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi khái niệm lương tâm sinh thái được giới thiệu bởi Leopold. Nhưng khi chúng ta đang đứng trên bờ vực của một thời đại mới, vẫn còn rất nhiều công việc cần phải làm để thúc đẩy lương tâm trong lĩnh vực này. Hơn bất cứ tổ chức nào trong xã hội, tôn giáo phải dẫn đầu nỗ lực này. Đối với Kitô hữu, lương tâm sinh thái sinh ra từ sự tôn trọng sâu sắc đối với sự nối kết của mọi loài dưới sự quan phòng của Thiên Chúa. Đó là một sự nhận thức rằng trái đất là một món quà thiêng liêng được Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta để trân trọng và bảo vệ. Đó là một nhận thức rằng mọi hành động của chúng ta có tác động không chỉ trên môi trường xung quanh chúng ta, mà còn trên toàn thế giới và mọi sinh vật sống trên đó.
Lương tâm sinh thái này khiến chúng ta giật mình khi chứng kiến sự phá hủy của hệ sinh thái, sự tuyệt chủng của các loài và sự suy thoái của các tài nguyên tự nhiên. Nó khiến chúng ta cảm thấy bất an khi nhận ra rằng hành động của chúng ta, ngay cả những hành động nhỏ nhặt, đóng góp vào sự tổn hại và lạm dụng môi trường. Ví dụ, chúng ta có thể cảm thấy gánh nặng của lương tâm sinh thái khi chúng ta thấy hình ảnh các vụ tràn dầu gây hủy hoại đời sống động vật biển, hoặc khi nghe về nạn phá rừng gây mất môi trường sống của vô số loài. Chúng ta cũng có thể cảm thấy có trách nhiệm khi sử dụng các sản phẩm nhựa một lần rồi bỏ quăng hoặc lãng phí thức ăn, biết rằng những hành động này góp phần vào các vấn đề môi trường lớn hơn. Chúng ta bắt đầu tự chất vấn bản thân: Tôi có thực sự cần phải dùng ống hút khi uống nước Coca hoặc nước đóng chai? Tôi có thực sự cần ăn những thực phẩm nhập từ phía bên kia trái đất? Tôi có thực sự cần mua thêm một chiếc áo khoác trong khi trong tủ đã đầy nhóc những áo quần, có cái mới mua chưa kịp mặc? Tôi có cần phải lái xe máy hay ô tô cho một chuyến đi chỉ dài 1km thay vì đi bộ hoặc đạp xe đạp?
3.3. Xét mình dựa trên lương tâm sinh thái
Lương tâm sinh thái được xây dựng trên niềm tin rằng tất cả những gì Thiên Chúa đã tạo dựng, bao gồm môi trường và những sinh vật trên trái đất, là một phần của kế hoạch thiêng liêng của Thiên Chúa và xứng đáng được tôn trọng và chăm sóc. Lương tâm này yêu cầu chúng ta cam kết tuân thủ nguyên tắc công bằng và lòng thương xót đối với tất cả mọi loài. Nó giúp chúng ta nhận ra rằng suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tầng lớp dễ bị tổn thương nhất. Một lương tâm sinh thái đòi hỏi chúng ta phải xem xét những hành động của chúng ta đối với các loài thọ tạo khi lượng giá bản thân hàng đêm trước khi đi ngủ và mỗi khi chuẩn bị tiến vào phòng hoà giải. Một số câu hỏi liên quan cho cuộc kiểm tra lương tâm này có thể bao gồm:
• Tôi đã xây dựng cuộc sống của mình trên tình yêu tràn đầy của Thiên Chúa, được thể hiện qua Đức Giêsu và vẻ đẹp của thế giới tự nhiên chưa?
• Tôi có biểu đạt lòng biết ơn và cảm tạ với những món quà phong phú và kỳ diệu của các loài thọ tạo mà Thiên Chúa đã ban tặng không?
• Tôi có cầu nguyện để sửa chữa sự chia cắt giữa con người và môi trường, xin tha thứ cho những tổn thương mà tôi đã gây ra không?
• Tôi đã sử dụng những tài năng và kỹ năng độc đáo của mình để bảo vệ và tôn trọng sự đan xen mỏng manh và phụ thuộc lẫn nhau của sự sống, bảo đảm sự bảo tồn cho các thế hệ tương lai không?
• Hành vi của tôi đã góp phần vào sự suy thoái của môi trường sống của các sinh vật khác do tiêu thụ vô ý thức hoặc lãng phí không?
• Tôi đã nỗ lực loại bỏ mọi rào cản gây trở ngại đến sự phát triển tối ưu và phát triển của tất cả các loài, như ý định của Đấng tạo ra chúng không?
• Tôi đã truyền cảm hứng cho người khác nhận thức về tầm quan trọng quan trọng của việc yêu quý thế giới tự nhiên không?
Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức Phanxicô nhấn mạnh ý kiến rằng “trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến thế giới ngày nay khủng hoảng là chuyện lương tâm con người trở nên chai cứng, là việc xa rời các giá trị tôn giáo và sự thắng thế của chủ nghĩa cá nhân cùng các triết lý duy vật, chủ trương thần thánh hóa con người, cũng như đưa những giá trị thế trần và vật chất lên vị trí những nguyên lý tối cao siêu việt”. Điều phát sinh từ tình trạng này là “sự lãnh đạm tiện lợi, lạnh lùng và bao trùm” trước nỗi đau của tha nhân và các loài thọ tạo.
Những người và loài vật cần sự chăm sóc và chú tâm của chúng ta hoặc không tồn tại hoặc các vấn đề của họ không thuộc mối quan tâm của chúng ta.
4. Ý thức sinh thái
Để hình thành và phát triển một lương tâm sinh thái nơi các tín hữu, Giáo hội cần tận dụng Kinh Thánh và Giáo huấn trong các mục vụ như giáo lý, lớp học Kinh Thánh, chương trình tĩnh tâm, các nghi thức phụng vụ, các bài giảng trong Thánh lễ và truyền thông mục vu, v.v. để truyền cảm hứng và dẫn dắt Kitô hữu tới “sự hoán cải đối với điều đúng đắn và tốt lành.” Chỉ thông qua một lương tâm sinh thái được hình thành đúng mực, chúng ta mới có thể trở thành những cá nhân, cộng đồng và Giáo hội có ý thức sinh thái. Nếu đọc kỹ Thông điệp Laudato Si của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng ta sẽ thấy rằng một người có ý thức sinh thái phải hội tụ những đặc điểm như sau:
4.1. Thái độ về thế giới tự nhiên và siêu nhiên
a) Mở lòng với sự kinh ngạc và sự kỳ diệu. Những người có ý thức sinh thái cảm nhận sự kinh ngạc và sự kỳ diệu đối với mọi khía cạnh của Trái Đất bất kể lớn hay nhỏ. Điều này dẫn đến nhận ra sự kết nối của con người với tất cả các loài thọ tạo như hiện thân của sự hiện diện của Chúa. Họ luôn cố gắng tìm hiểu thêm về thế giới tự nhiên và sự kết nối đan xen giữa mọi loài với nhau.
b) Kính phục sự tương quan. Những cá nhân có ý thức sinh thái coi tất cả các sinh vật là thành viên trong một gia đình hiển sinh và quan tâm đến chúng, thay vì chủ trương khai thác chúng. Họ nhận ra sự phụ thuộc lẫn nhau của các sinh vật trong việc đáp ứng các nhu cầu lẫn nhau. Nhận thức này dẫn đến thêm sự sáng tạo và sự hăng say trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới, đặc biệt về môi trường sinh thái.
c) Mở lòng với sự hiện diện của Thiên Chúa. Đối với những người có ý thức sinh thái và niềm tin, việc mở lòng với vẻ đẹp và sự kỳ diệu của Trái Đất và các sinh vật trên Trái Đất giúp họ nhận thấy bản chất của Thiên Chúa. Họ nhận ra rằng mỗi sinh vật phản ánh một phần của sự thông thái và thiện lành của Thiên Chúa, và không có sinh vật nào bị loại trừ khỏi sự hiện diện này. Họ coi tự nhiên như một cuốn sách, nói với chúng ta về vẻ đẹp và thiện lành vô tận của Thiên Chúa, và họ hiểu rằng mỗi sinh vật có mục đích và ý nghĩa riêng trong kế hoạch của Người. Họ chấp nhận quan điểm của các Giáo phụ và nhà thần học Trung cổ rằng Thiên Chúa là tác giả của một cuốn sách quý giá; trong cuốn sách này, các từ ngữ chính là vạn vật được tạo ra trong vũ trụ.
d) Hiếu kỳ về nghiên cứu khoa học. Những người có ý thức sinh thái mở lòng để khám phá kiến thức khoa học về các vấn đề môi trường nhằm đưa ra quyết định thông minh về cách phản ứng. Đức Giáo hoàng Phanxicô thể hiện sự hiểu biết rộng về các kết quả khoa học trong Thông điệp, ngài nhận ra Trái Đất là ngôi nhà chung của tất cả các sinh vật. Ngài cũng nhận ra sự quan trọng của sự kết nối giữa con người, sự phụ thuộc lẫn nhau trong các hệ sinh thái, và sự phụ thuộc vào môi trường lành mạnh cho mọi loài có thể tồn tại và phát triển. Một người có ý thức sinh thái nuôi dưỡng một cảm giác kỳ diệu, khơi nguồn cho việc tìm kiếm kiến thức khoa học để đưa ra quyết định về cách hoạt động trong ngôi nhà chung của con người và các loài khác trên Trái Đất.
e) Có lòng biết ơn với món quà Trái Đất mà Thiên Chúa đã ban tặng. Những người có ý thức sinh thái chấp nhận trách nhiệm bảo tồn và bảo vệ Trái Đất vì lợi ích chung. Họ cũng thể hiện lòng biết ơn qua sự kiểm soát bản thân và những hành động mang tính công lý khi sử dụng các tài nguyên trên Trái Đất.
4.2. Đức tính mang tính sinh thái
a) Thể hiện sự công lý với thế hệ đi tiếp. Những người có ý thức sinh thái thể hiện sự công lý bằng cách mở lòng với những người túng thiếu và dễ bị tổn thương. Họ nhận thức được rằng tình trạng này chủ yếu gây nên bởi các quốc gia phát triển. Họ cố gắng thách thức và sửa chữa sự bất công này, giới hạn việc tiêu thụ những tài nguyên trên Trái đất chỉ cho những nhu cầu cơ bản của cuộc sống và tránh những thói quen lãng phí gây hại cho các loài khác, hệ sinh thái và quần thể sống trên Trái đất. Họ nhận thức được sự đau khổ của người nghèo và những người yếu thế. Trong sự liên đới, họ tìm cách giảm bớt đau khổ của người nghèo một cách ân cần, nhạy cảm, tôn trọng và sáng tạo. Họ cũng hợp tác với người nghèo và người yếu thế để cùng nhàu tìm cách giảm bớt tình trạng đau khổ của họ.
Biết tự kiểm soát bản thân. Những người có ý thức sinh thái thực hiện tự kiểm soát và kiên nhẫn, chỉ tiêu thụ những gì cần thiết và tránh sự lãng phí. Họ sống theo khái niệm “hằng ngày dùng đủ” và thích ứng với một lối sống đơn giản hơn, đặt giới hạn cho sự phát triển kinh tế của chính mình và định nghĩa tiến bộ trong các khía cạnh bao hàm hơn các khía cạnh kinh tế và vật chất. Tư duy về cách tiêu thụ này được coi là một cách để nhận ra giá trị nơi những cái nhỏ bé, có lòng biết ơn, không lệ thuộc tài sản vật chất và không rơi vào tình trạng buồn phiền vì những gì họ không có.
b) Khiêm tốn. Những người có ý thức sinh thái thể hiện sự khiếm tốn khi nhìn nhận sự phụ thuộc vào Trái Đất và các loài thọ tạo trên Trái Đất. Hơn nữa, họ nhận ra trách nhiệm của chính mình đối với Thiên Chúa trước những hành vi của họ. Những người có ý thức sinh thái loại bỏ não trạng cai trị một cách triệt để trên mọi loài và thay thế Thiên Chúa bằng cái tôi của họ. Ngoài ra, thay vì sử dụng những khả năng đặc biệt để tìm cách thống trị mọi loài thì họ đầu tư vào việc tự quản lý chính mình để họ ngày càng thăng tiến.
c) Tôn trọng. Những người có ý thức sinh thái tôn trọng các loài thọ tạo bằng cách nhận ra giá trị bên trong của các loài và các hệ sinh thái. Họ ý thức được rằng mọi loài đang chia sẻ một ngôi nhà chung, và trong ngày cánh chung, tất cả mọi loài sẽ được đón nhận bởi Đức Kitô Phục Sinh. Bởi thế họ hợp tác với mọi loài để hướng tới một đời sống đầy tròn.
d) Hợp tác. Những người có ý thức sinh thái hiểu rằng họ đang hợp tác với Thiên Chúa bằng cách hạn chế và điều hướng công nghệ theo hướng tiến bộ mang tính xây dựng, khuyến khích phẩm giá con người và đánh giá cũng như giảm thiểu sự gây hại cho các loài khác và hệ thống trên Trái đất. Sự hợp tác trở nên cần thiết ở cấp độ quốc tế khi các vấn đề vượt quá khả năng của các quốc gia để giải quyết, và một ý thức sinh thái quốc tế là điều cần thiết, trong đó các quốc gia nhận ra rằng lợi ích chung toàn cầu là cần thiết cho sự phát triển chung. Đức Giáo Hoàng Phanxicô than thở về nhiều “sự trì hoãn không đúng đắn” trong việc hợp tác ở cấp độ quốc tế.
e) Bảo vệ. Những người có ý thức sinh thái có lòng bảo vệ các loài tạo vật của Chúa, như cách Thánh Giuse bảo vệ Đức Maria và Chúa Giêsu. Những người có ý thức về môi trường khuyến khích các chiến lược bảo vệ các loài đang bị đe dọa và thực thi các luật pháp bảo vệ môi trường. Họ coi thế giới là một món quà từ Chúa để được bảo tồn và bảo vệ vì lợi ích chung.
f) Có lòng trắc ẩn. Những người có ý thức sinh thái thể hiện lòng thương xót đối với những người yếu thế bằng cách làm việc cùng họ để loại bỏ bất công môi trường, cung cấp thực phẩm tươi sống và tạo ra không gian xanh. Đức Giáo Hoàng đề cao việc mở rộng mục tiêu của giáo dục môi trường để bao gồm việc phát triển đạo đức sinh thái và thúc đẩy tình liên đới, trách nhiệm và sự chăm sóc đầy lòng thương cảm.
g) Có tinh thần trách nhiệm. Những người có ý thức sinh thái được thúc đẩy bởi một ý thức trách nhiệm sâu sắc để tham gia vào cuộc đối thoại với người khác để đưa ra quyết định để cùng nhau phát triển. Họ thể hiện lòng thương xót đối với người nghèo và người yếu thế bằng cách giải quyết bất công môi trường, cung cấp cho họ thực phẩm tươi sống và không gian xanh, và ủng hộ việc thực thi các luật bảo vệ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng việc không đảm nhận trách nhiệm sẽ phá hủy mối quan hệ của mỗi người với nhau, với Thiên Chúa và với Trái đất.
h) Có lòng can đảm. Những người có ý thức sinh thái dám đặt lợi ích chung trước lợi ích cá nhân, đối mặt với những thách thức với lòng can đảm và không bị ngăn cản bởi những trở ngại. Họ dựa vào ân sủng của Thiên Chúa để duy trì kiên định cam kết của mình đối với cộng đồng Trái đất.
i) Có lòng chiêm niệm. Người có ý thức sinh thái nhận ra lợi ích của việc ngắm nhìn từng sinh vật để hiểu ý nghĩa của nó trong kế hoạch của Thiên Chúa, bao gồm việc khám phá những bài học từ Thiên Chúa và thấy mình trong mối quan hệ với tất cả các sinh vật khác. Theo Đức Phanxicô, việc ca tụng Thiên Chúa cùng với các sinh vật khác vì lợi ích chung đồng nói lên sự hiệp nhất toàn cầu. Ngài cũng khuyến khích việc chiêm niệm về sự tạo dựng của Thiên Chúa thông qua một “âm điệu Ba Ngôi” để khám phá sự kết nối giữa con người, các sinh vật khác và Trái đất, dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc về sự hoàn thiện của chúng ta là những tạo vật được kết nối một cách mật thiết với nhau.
5. Kết: Nuôi dưỡng ý thức sinh thái
Bài viết này cho thấy rằng việc trải qua một sự hoán cải sinh thái và xây dựng ý thức sinh thái là một phần thiết yếu trong đời sống của mọi tín hữu trong bối cảnh hiện tại. Điều này tương ứng với căn tính và sứ mệnh của chúng ta, ở cả mặt cá nhân lẫn cộng đồng. Trong bối cảnh khủng hoảng môi trường ngày càng ảnh hưởng trầm trọng đến sự an sinh của các loài tạo vật cũng như chính con người, các tín hữu vốn là môn đệ của Đức Kitô không thể tỏ ra dửng dưng như không có gì xảy ra. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận với môi trường tự nhiên và lẫn nhau, xây dựng một ý thức hệ mới đặc trưng bởi tinh thần sinh thái, hướng tới một cuộc sống đầy tràn cho tất cả mọi loài.
Nuôi dưỡng ý thức sinh thái tương đương với việc chăm sóc một khu vườn thơm ngát. Tương tự như việc một khu vườn cần được chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng để phát triển, chúng ta cũng cần nâng cao ý thức sinh thái của chúng ta. Suy ngẫm về đức tin và những giáo huấn của Giáo hội là một điều không thể thiếu trong quá trình nuôi dưỡng ý thức sinh thái. Chúng ta có thể khởi đầu bằng việc đắm mình trong các câu chuyện Kinh Thánh về sự sáng tạo của Thiên Chúa, để tiếp cận sự thiêng liêng của tất cả các sinh vật và sự quan trọng của trách nhiệm làm người quản lý của chúng ta. Những Giáo huấn này nhắc nhở chúng ta rằng, mặc dù con người được ban cho quyền cai trị mọi loài trên trái đất, chúng ta cũng được kêu gọi để bảo vệ và bảo tồn các tạo vật trong vai trò là những người quản lý trung thành của sự tạo dựng.
Cách tốt nhất để nuôi dưỡng ý thức sinh thái hiệu quả là thực hành những đức tính đã được đề cập một cách đầy tận tâm. Ý thức sinh thái sẽ ngày càng thấm sâu vào tâm trí chúng ta và trở thành một phần không thể tách rời từ bản chất và tinh thần của chúng ta, định hình cách chúng ta tương quan với Thiên Chúa và tất cả các loài. Nỗ lực này là một hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống của những người là môn đệ của Đức Kitô, người mang trên mình trách nhiệm luôn cố gắng hoàn thiện và phản ánh Thiên Chúa một cách rõ ràng trong lối sống và con người của mình.
Điều cuối cùng tác giả muốn nhấn mạnh ở đây là tín hữu không thể tự xây dựng một lương tâm sinh thái và nuôi dưỡng ý thức sinh thái hiệu quả nếu không có sự hướng dẫn từ các lãnh đạo trong Giáo hội và những người đảm nhiệm công tác mục vụ giáo dân. Chính họ là những người truyền cảm hứng, giải thích và hướng dẫn trực tiếp cho các tín hữu dưới sự chăm sóc của mình để khởi đầu và duy trì hành trình hướng tới một Giáo hội “xanh”. Thật đáng tiếc là hiện chưa có nhiều vị mục tử quan tâm đến công tác mục vụ vô cùng quan trọng này, và có lẽ chính họ cũng cần trải qua một quá trình sám hối sinh thái để nhận ra rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình trước Thiên Chúa, nhân loại và các loài thọ tạo.
bài liên quan mới nhất
- Đối thoại cứu độ - Cái khung của nền luân lý tình huynh đệ
-
Đào tạo lương tâm và sự phân định trong Amoris Laetitia: Hướng tới một chuyển đổi hệ hình trong chăm sóc mục vụ gia đình -
Cha Alain Thomasset: “Phẩm giá không gắn liền với vẻ bề ngoài nhưng được ban tặng cùng với sự sống” -
Kénose là gì? -
Căn cước đàn ông, căn cước đàn bà -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần bốn - Đời sống độc thân trinh khiết Kitô giáo -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần ba - Xác thể phục sinh -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần một - Con tim được cứu rỗi (Giáo lí về Bài Giảng Trên Núi) -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác – Phần Giới thiệu -
Người Công Giáo có buộc phải đồng ý với Đức Giáo hoàng không?
bài liên quan đọc nhiều
- Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay
-
Vấn đề đạo đức của giới trẻ ngày nay -
Vấn đề nạo phá thai trong giới trẻ ngày nay -
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Có phải tiền là tất cả ? -
Lương tâm của giới trẻ ngày nay -
Ảnh hưởng của vật chất đối với Thanh thiếu niên thời nay -
Thai nhi bị dị tật: Bỏ hay giữ? -
Bác thằng bần -
Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện Khoa học và Luân lý Công giáo