Thứ Tư tuần 25 Thường niên năm II (Lc 9,1-6)
“Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi” (Lc 9,4).
BÀI ĐỌC I (năm II): Cn 30, 5-9
“Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ”.
Trích sách Châm Ngôn.
Mọi lời Thiên Chúa như luyện trong lửa, là thuẫn che chở kẻ nương tựa vào Người. Ngươi chớ thêm điều gì vào lời Chúa, kẻo ngươi bị trách cứ và bị coi là kẻ gian dối. Con xin Chúa hai điều này và xin đừng từ chối trước khi con chết: Xin hãy loại xa con sự giả trá và lời gian dối. Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ: kẻo khi no đầy, con bị mê hoặc mà chối Chúa rằng: Chúa là ai? Hoặc vì túng thiếu con đi ăn trộm và làm ố danh Thiên Chúa của con.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 118, 29. 72. 89. 101. 104. 163
Ðáp: Lời Chúa là đèn soi tỏ dưới bước chân con (c. 105a).
Xướng: Xin đưa con xa cách con đường gian dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con.
Xướng: Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.
Xướng: Thân lạy Chúa, cho tới đời đời kiếp kiếp, lời Chúa vẫn còn đó như cõi trời cao.
Xướng: Con kiềm hãm con xa mọi điều gian ác, để giữ trọn những lời răn dạy của Ngài.
Xướng: Nhờ huấn lệnh Ngài con trở nên minh mẫn, bởi thế con ghét mọi đường lối gian tà.
Xướng: Con ghét và ghê tởm điều gian dối, con yêu chuộng luật pháp của Ngài.
Tin mừng: Lc 9, 1-6
1Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.
2Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. 3Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. 4Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi.
5Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” 6Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu ban ơn để sai các tông đồ rao giảng Nước Thiên Chúa. Chúa căn dặn phải thực hiện sứ vụ của mình bằng một cuộc sống thanh thoát và bình dị.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trở nên người Kitô hữu là lãnh nhận ơn gọi sống cho Chúa và sống cho kẻ khác. Chúa ban cho con ơn thánh Chúa và sai con vào môi trường sống hằng ngày. Cuộc sống hằng ngày là môi trường để con tỏ bày ơn Chúa cho kẻ khác. Con muốn xác tín một lần nữa trước mặt Chúa để con thực sự là người Kitô hữu, là người môn đệ của Chúa giữa xã hội.
Mỗi người có thể có nhiều vai trò, nhiều địa vị trong tương giao với kẻ khác. Có thể là giám đốc, là công nhân, là thầy, là thợ, là cha mẹ, là vợ chồng, là con, là anh, chị, em… Những vai trò này xác định cách sống. Cũng vậy, con là người Kitô hữu, là môn đệ của Chúa, đặc tính căn bản này sẽ xác định cách sống của con, sẽ hướng dẫn con trong những tương giao đối với mọi người. Xin Chúa giúp con sống đúng phẩm giá và danh hiệu Kitô hữu của con.
Với tư cách là người Kitô hữu, nhiều lúc con cũng sẽ phải chấp nhận những hy sinh, thiệt thòi cho chính mình. Nhưng con biết rằng Chúa đã muốn điều đó. Chúa dạy con vui lòng chấp nhận những tiện ích vật chất vừa đủ cho cuộc sống. Chúa dạy con phải biết cho đi chứ không chỉ thu góp cho mình.
Lạy Chúa, một cuộc sống như vậy không phải chỉ dành riêng cho các nhà tu nhiệm nhặt sao ? Không, Lời Chúa hôm nay nói với chính con trong tư cách là một Kitô hữu. Đó phải là cuộc sống của con. Xin Chúa giúp con. Amen.
Ghi nhớ: “Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân”.
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu sai Nhóm 12 đi loan Tin Mừng và chỉ dẫn họ những điều cần thiết khi thi hành sứ mạng:
1. Sứ mạng:
- Họ sẽ được tham dự vào chính sứ mạng của Thầy mình, cho nên Chúa Giêsu ban cho họ năng lực, năng lực của chính Ngài, năng lực mà Ngài đã dùng để thực hiện các phép lạ mà chúng ta đã thấy ở các đoạn trước; Ngài cũng ban cho họ quyền phép, cũng là quyền phép của chính Ngài, quyền phép mà Ngài đã dùng để xua trừ ma quỷ mà chúng ta cũng đã thấy ở những đoạn trước.
- “Trừ mọi thứ quỷ và chữa các thứ bệnh”: người do thái quan niệm bệnh tật là dấu hiệu thống trị của Satan và tội lỗi. Vậy trừ quỷ và chữa lành bệnh đều có cùng một ý nghĩa là quyền lực Thiên Chúa đã chiến thắng Satan.
2. Những chỉ dẫn cần thiết:
- Chỉ dẫn thứ nhất là về lúc đi đường: đừng để mình bị quá vướng víu với những nhu cầu và phương tiện vật chất, nhờ thế mà sẽ biết phó thác vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa hơn. Muốn thế người tông đồ phải:
a/ “Đừng mang gì đi đường” để được thảnh thơi khỏi cồng kềnh;
b/ “Đừng mang gậy” : gậy nhằm tự vệ khi bị kẻ ác tấn công dọc đường. Người tông đồ khỏi lo việc này vì chính Chúa Quan Phòng sẽ bảo vệ họ;
c/ “Bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”: đó là những món có tính cách dự trữ, phòng xa cho những nhu cầu vật chất. Việc phòng xa này cũng không cần thiết vì Chúa Quan Phòng đã lo sẵn có những người dọc đường cung cấp các thứ cần thiết ấy cho người tông đồ.
- Chỉ dẫn thứ hai là về chỗ ở: Tông đồ không nên so đo chọn nơi ở sao cho vừa ý nhất, do so đo như vậy mà cứ đổi từ chỗ này sang chỗ khác cho dễ chịu hơn. Chúa Giêsu dặn phải chọn người xứng đáng ở trọ nhà họ rồi trọ luôn một chỗ đó. Cv 16,15 là một thí dụ minh họa cho điểm này.
- Chúa Giêsu cũng dự trù một trường hợp đặc biệt: có thể có nơi sẽ không chịu đón tiếp người tông đồ. Gặp trường hợp đó người tông đồ hãy “Ra khỏi thành và giũ sạch bụi chân để tỏ dấu phản đối họ”: theo tục lệ do thái, cử chỉ này có nghĩa là đoạn tuyệt. Xứ nào không đón nhận Lời Chúa thì bị kể không phải là Đất Thánh, bụi của xứ đó đều là bụi dơ, phải phủi lại kẻo mang bụi dơ ấy sang những xứ biết đón nhận Lời Chúa. Cử chỉ phủi bụi chân và ra đi cũng có ý tuyên bố rằng từ nay người tông đồ không còn trách nhiệm với nơi đó nửa, trách nhiệm thuộc về chính nơi đó. Cv 13,51 cũng là một minh họa cho điểm này.
B. Suy niệm (... nẩy mầm)
1. Đã lãnh nhận đức tin cách nhưng không thì chúng ta cũng có bổn phận truyền bá đức tin ấy cách nhưng không. Truyền giáo không phải là một việc “nhiệm ý làm thêm”, mà là một trách nhiệm của công bằng.
2. Dù không có sẵn bao bị, gậy, bánh, tiền… tức là những khả năng phương tiện, ta cũng đừng ngại thi hành bổn phận truyền giáo, bởi vì dù chúng ta có những thứ đó Chúa Giêsu cũng bảo chúng ta đừng mang theo. Chúng ta có được sự hỗ trợ đắc lực nhất là chính Chúa.
3. Truyền giáo trước tiên không phải là nhằm dạy cho người ta biết một số kiến thức về giáo lý mà là nhằm “xua trừ ma quỷ và chữa lành các bệnh tật”, nghĩa là đẩy lùi những sự dữ và sự xấu ra khỏi con người.
Có lẽ từ trước tới nay tôi chưa ý thức mục tiêu này.
4. ”Ngài sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc, loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi”.
Các môn đệ xưa là những người dân lương thiện, chất phát. Họ xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau: trí thức có, bình dân có… tất cả đều được sai đi để loan báo Tin Mừng. Với cả sự nỗ lực và lòng nhiệt thành, họ đã ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ.
Những người trẻ chúng ta cũng được mời gọi rao giảng Lời Chúa. Có thể chúng ta không phải đến những nơi xa xôi, mà ở đây, bằng chính cuộc sống của mỗi người nơi môi trường học đường, gia đình, làng xóm…
Lạy Chúa, xin ở bên con và bước đi cùng con (Hosanna)
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Đức Giêsu sai các Tông đồ đi giảng (Lc 9,1-6)
- Đức Giêsu sai mười hai Tông đồ đi rao giảng Tin mừng để các ông được tham gia vào sứ mạng của Ngài. Đức Giêsu đã ban cho các ông năng lực làm phép lạ, chữa bệnh và quyền phép để xua trừ ma quỉ. Ngài cũng căn dặn các ông nhiều điều trước khi lên đường.
Lời căn dặn của Đức Giêsu phải chăng muốn nói: khi rao giảng phải bỏ hết những đồ dùng, kể cả lương thực ? Thưa không, Ngài chỉ muốn nhấn mạnh rằng, với sứ mệnh loan báo Tin mừng, đừng để vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ mình. Nhưng, phải cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa và của Tin mừng thôi.
- Thiên Chúa hằng chăm lo cho dân của Người. Vì thế, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã ban cho dân các Tổ phụ, rồi sai các Tiên tri, và thời sau cùng, Người trao ban chính Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã kiện toàn tất cả những gì đã loan báo trước đó, đồng thời, Ngài không ngừng mời gọi những môn sinh của mình tiến bước để cùng Ngài ra đi và tiếp nối sứ mạng cao quý là loan báo Tin mừng đến tận cùng trái đất. Để củng cố lời rao giảng, Đức Giêsu còn trao ban cho các ông năng lực của chính Ngài, để thực hiện các phép là và ban quyền phép để xua trừ ma quỷ.
- Trước khi đi rao giảng, Đức Giêsu dặn bảo các ông cần có tinh thần siêu thoát: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”. Theo đó, Đức Giêsu không bảo các ông phải vô sản, không chủ trương tìm sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Đức Giêsu muốn nhấn mạnh rằng, đừng để cho vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ và chi phối mình.
Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa vào tiền bạc, hãy dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với đầy rẫy những thứ cồng kềnh vướng bận, thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ, bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa (Hiền Lâm).
- Lý do của việc truyền giáo. Hội thánh luôn nhận lấy bổn phận và nhiệt tình truyền giáo từ chính tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi người: “Vì tình yêu Đức Kitô thôi thúc tôi” (2Cr 5,14). Quả thế, “Thiên Chúa luôn cho mọi người được ơn cứu độ và đạt tới sự nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được ơn cứu độ nhờ nhận biết chân lý. Trong chân lý có ơn cứu độ. Những ai để cho Thần Chân Lý thúc đẩy thì đã ở trên đường cứu độ. Vì đã được uỷ thác chân lý, Hội thánh phải nắm bắt khát vọng của con người để mang chân lý đến cho họ. Vì tin vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, nên Hội thánh phải truyền giáo.
- Loan báo Tin mừng Nước trời là sứ mệnh hàng đầu của Đức Giêsu và của cả Giáo hội, Ngài đã đến trần gian và ở lại 33 năm là để thi hành sứ mệnh này. Kế tiếp Ngài, các người được Ngài mời gọi, đi theo, ở với và rồi được sai đi cũng mang trọng trách ấy cho đến “khi Chúa đến”. Trước tiên, loan báo Tin mừng hệ tại việc “đi”: đi vào giữa lòng đời và đi ra vùng ngoại biên. Loan báo còn là làm chứng, thực hiện những dấu chỉ, trong đó có dấu chỉ chữa trị những vết thương tinh thần và cả thể lý của những kẻ môn đệ Chúa Kitô được sai đến. Lời loan báo, giới thiệu Tin mừng được đón nhận dễ dàng hơn khi có các dấu chỉ yêu thương, hy sinh, quảng đại... kèm theo. Điều này đòi hỏi các môn đệ phải nỗ lực thích nghi, sáng kiến trong sứ vụ. Nói cách khác, để chu toàn sứ mệnh, người môn đệ không thể ở yên một chỗ, nhưng phải di chuyển và đưa ra những kế hoạch cụ thể, thích hợp (5 phút Lời Chúa).
- Chúng ta có thể rao giảng Lời Chúa bằng lời nói, chữ viết, cử chỉ hay bất cứ phương tiện nào, nhưng phương tiện có tính thuyết phục nhất là đời sống thực tế của chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa, để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa. Trong việc phong thánh cho linh mục Gioan Vianney, cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: “Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.
- Truyện: Chúa sai tôi đi
Sau thế chiến thứ nhất, một linh mục trẻ người Pháp được bài sai đi coi xứ. Tay xách vali, cha mạnh dạn ra đi truyền giáo. Đến nơi chỉ thấy hầm với hố, tường thì đổ. Nhà thờ, nhà xứ, chỉ còn duy nhất một bức tường xiêu vẹo.
Không một chút sờn lòng, cha cùng với các tín hữu tích cực kiến thiết lại ngôi thánh đường đổ nát. Chẳng bao lâu sau, đền thờ vật chất đã hoàn thành khang trang đẹp đẽ. Giờ đây, cha lại tiếp tục xây dựng đền thờ tâm hồn. Nhờ đời sống gương mẫu, cha đã tu sửa lại lòng đạo đức của cả đoàn chiên.
Tuổi cha chưa cao nhưng đã kiệt sức, giữa lúc tình cha con đang mặn nồng, gắn bó. Dầu vậy, nằm trên giường bệnh, cha vẫn thản nhiên vui vẻ. Giờ hấp hối đến, cha nhỏ nhẹ nói với những người chung quanh cha rằng:
- Giờ đây tôi vui mừng vì đã trung thành giữ lời nhủ bảo của thân phụ tôi ngày tôi chịu chức linh mục: “Nay con đã là linh mục của Chúa, cha chỉ cầu mong con ba điều: Thứ nhất, lúc con chết đừng nợ ai xu nào. Thứ hai, khi qua đời con cũng chẳng còn xu nào. Thứ ba, lúc lâm chung con đừng vướng một chút tội nào với Chúa”. Và thế rồi ngài an bình ra đi về với Đấng mình đã trọn đời dâng hiến.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Tuy là một nữ tu Dòng Kín, nhưng Têrêsa vẫn ao ước được làm linh mục để đi truyền giáo khắp nơi, làm cho dân ngoại trở lại. Và chị ao ước làm linh mục truyền giáo như thế cho đến tận thế. Chị luôn sống đời cầu nguyện và hy sinh cho các linh hồn được trở lại.
Cuộc đời cầu nguyện và hy sinh của chị Têrêsa, tuy rất ngắn ngủi vì qua đời lúc 24 tuổi (1873 - 1897), nhưng đã làm cho vô số người trở lại. Giáo hội phong tặng chị là Bổn Mạng các vị truyền giáo và các xứ truyền giáo.
Suy niệm
Chúa Giêsu sai mười hai tông đồ đi rao giảng nước Thiên Chúa. Tin Mừng Nhất Lãm ghi nhận gọi và chọn mười hai vị với tên tuổi rõ ràng (x. Mt 10,1-6; Mc 3,13-19; 6,7-13; Lc 6,12-16; 9,1-6).
Sau này, các Giám mục kế vị các tông đồ, với sự nối dài cộng tác là các linh mục, phó tế. Các tín hữu Chúa tham dự bởi bí tích Rửa Tội, mang sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Người môn đệ được Chúa sai đi, hành trang duy nhất là sự nhiệt thành và lòng tin thác cậy trông, mang tâm tình của Đức Kitô truyền cho các môn đệ: “Đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó...”
Trên bước đường rao giảng, người môn đệ cũng như Thầy chí thánh luôn quan tâm đến người đau khổ, chữa lành bệnh tật, mang hạnh phúc cho mọi người. Thật thế, người môn đệ của Chúa luôn quan tâm đến những nhu cầu được chữa lành, chia sẻ cho anh em đồng loại như sau này Phaolô đã cảm nghiệm và chia sẻ: “Vui với người vui, khóc với người khóc…” (Rm 12,15), và ở Cửa Đẹp đền thờ thánh Phêrô thực hành lời dạy của Chúa và đã nói với người hành khất: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!… anh trở nên cứng cáp” (Cv 3,6-7).
Lời mời gọi các môn đệ ra đi làm việc trên cánh đồng truyền giáo của Chúa Giêsu ngày xưa cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta trong cộng đoàn tín hữu và nếu tôi, bạn là người môn đệ đích thực của Chúa Kitô không có quyền từ chối lời mời gọi ấy nhưng đáp trả như Phaolô đã cảm nghiệm và sống sứ mạng: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Với ý thức đó, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II quả quyết: “Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc”. Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo”.
Ý lực sống
“Các ngọn hải đăng không thổi còi ầm ĩ, chúng chỉ chiếu sáng” (Moody).
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37)
-
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên năm II - Hoán cải đích thực (Lc 19,1-10) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên năm II - Con mắt đức tin (Lc 18,35-43) -
Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Ngày hạnh phúc hay đau khổ (Mc 13,24-32) -
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên năm II - Tín thác (Lc 18,1-8)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy