Thứ Tư tuần 21 Thường niên năm I (Mt 23,27-32)

Thứ Tư tuần 21 Thường niên năm I (Mt 23,27-32)

Thứ Tư tuần 21 Thường niên năm I (Mt 23,27-32)

“Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp,
nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp.” (Mt 23,27)

BÀI ĐỌC I (năm I): 1 Tx 2, 9-13

“Chúng tôi làm việc ngày đêm để rao giảng Tin Mừng giữa anh em”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, anh em vẫn còn nhớ đến công lao khó nhọc của chúng tôi: chúng tôi phải làm việc ngày đêm để khỏi trở nên gánh nặng cho một ai trong anh em, khi chúng tôi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa giữa anh em. Chính anh em là nhân chứng và cả Thiên Chúa cũng làm chứng: chúng tôi ăn ở thánh thiện, công chính và không đáng trách điều gì đối với anh em là những kẻ đã tin. Như anh em biết, chúng tôi đối xử với mỗi người trong anh em như cha đối xử với con cái mình, khi chúng tôi khuyên răn, khích lệ và van nài anh em hãy ăn ở sao cho xứng đáng với Thiên Chúa, Ðấng đã kêu gọi anh em vào hưởng nước trời và vinh quang của Người.

Bởi thế, chúng tôi không ngừng cảm tạ Thiên Chúa, vì khi anh em nhận lãnh lời Thiên Chúa do chúng tôi rao giảng, anh em đã nhận lãnh lời ấy không phải như lời của người phàm, mà như lời Thiên Chúa, và thực sự là thế, lời đó hoạt động trong anh em là những kẻ đã tin.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 138, 7-8. 9-10. 11-12ab

Ðáp: Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con 

Xướng: Con đi đâu để xa khuất được thần linh của Chúa? Con trốn đâu cho khỏi thiên nhan Ngài? Nếu con leo được lên trời, thì cũng có Ngài ngự đó; nếu con nằm dưới âm phủ, thì đấy cũng có mặt Ngài. 

Xướng: Nếu con mượn đôi cánh của hừng đông, và bay đến cư ngụ nơi biên cương biển cả, tại nơi đấy cũng bàn tay Chúa dẫn dắt con, và tay hữu Ngài nắm giữ con.

Xướng: Nếu con nói: “Phải chi sự tối tăm che phủ, và sự sáng trở thành đêm bao quanh con”, thì đối với Ngài sự tối sẽ không có tối, và đêm sẽ sáng sủa như ban ngày. 

 

Tin mừng: Mt 23, 27-32

27 Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp. 28 Các ngươi cũng thế, bên ngoài, các ngươi có vẻ là người công chính, nhưng bên trong, các ngươi đầy sự giả hình và gian ác. 29 Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, các ngươi xây đắp phần mộ các tiên tri, trang hoàng mồ mả những người công chính, 30 và các ngươi nói rằng: 'Nếu chúng tôi sống thời cha ông chúng tôi, ắt chúng tôi không thông đồng với các ngài trong việc đổ máu các tiên tri'. 31 Vì thế, các ngươi tự chứng thực các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri. 32 Vậy các ngươi cứ đong cho đầy đấu của cha ông các ngươi”.


Bài giảng của linh mục Giuse Bùi Công Trác

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Sự sa đọa tệ hại nhất của đời người là sự giả hình. Chúa muốn ta chân thành trong phê phán, trong nhận thức và trong cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong đời sống hằng ngày, con đã biết sự giả dối tệ hại là dường nào. Khi đau ốm, nếu con mua lầm một loại thuốc giả, thì không những tiền mất tật mang mà đôi khi mạng sống khó an toàn. Nếu người con yêu lường gạt, giả dối đối với con, thì chắc chắn tình yêu sẽ trở thành thù hận.

Những điều giả dối ở bên ngoài có những tệ hại lớn lao như vậy. Nhưng hôm nay, Chúa cho con biết một sự giả dối còn tệ hại hơn nữa, đó là sự giả hình, một sự giả dối nằm bên trong con người. Nó phỉnh gạt, che mắt chính con người con, nó làm con kiêu căng, tự mãn, và con không thể nhận ra đâu là sự thật. Nó làm con có những lệch lạc trong tương quan đối với Chúa và đối với kẻ khác. Thay vì lòng đạo đức giúp con ngày càng sống thân mật, yêu mến Chúa, thì sự giả hình đã làm cho con tưởng như vậy là mình trổi vượt hơn kẻ khác. Khi con giúp đỡ tha nhân, thay vì để cảm thông và chia sẻ các khó khăn của họ, con lại muốn cho họ nhận ra sự hào phóng quảng đại của mình.

Lạy Chúa, hôm nay, chính Chúa đang phê phán gắt gao sự giả hình giả dối trong con. Xin Chúa giúp con đặt nền tảng của các mối quan hệ, đó là sống trong tình yêu thương chân thật đối với Chúa và đối với kẻ khác. Chân lý sẽ giải thoát con. Nhưng sẽ không có chân lý nếu con không có yêu thương. Chúa là tình yêu, xin ban tình yêu cho con, để con luôn được sống trong chân lý. Xin cho con luôn biết sống dưới cái nhìn của Chúa và trong ánh sáng của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri”.

 

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Hai lời khiển trách thứ sáu và thứ bảy:

Lời khiển trách thứ sáu: Những mồ mả tô vôi (cc. 27-28)

“Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp”: Chúa Giêsu dùng hình ảnh những nấm mồ là do thói quen ở Giêrusalem hằng năm khi đến gần đại Lễ Vượt Qua, người ta quét vôi cho khách hành hương qua đường thấy rõ mà tránh kẻo đụng vào mà bị ô uế cả tuần (x. Ds 19,16). Chúa Giêsu so sách cách sống đạo hình thức với những nấm mồ tô vôi ấy. Sự thối nát của thói giả hình và sự thiếu trung tín với luật tình thương đã bị họ che đậy bởi cái vỏ xinh đẹp là “người công chính”.

Lời khiển trách thứ bảy: Xây mồ cho các tiên tri (cc. 29,32)

“Khốn cho các ngươi, các ngươi xây đắp phần mộ các tiên tri, trang hoàng mồ mả những người công chính”: Một mặt họ xây mồ cho các ngôn sứ để phản đối chuyện tổ tiên mình đã sát hại các vị ấy, nhưng mặt khác họ căm thù chính Chúa Giêsu là Đấng mà các ngôn sứ đã loan báo. Như thế, chẳng những “Cha nào con nấy”, mà còn tệ hơn tổ tiên họ nữa. Việc làm của họ “đong cho đầy đấu của cha ông” họ vì tổ tiên họ chỉ giết các ngôn sứ, còn họ thì giết chính Đấng Messia. (CGKPV)

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Thành ngữ Việt Nam có một câu tương đương với câu “mồ mả tô vôi” của Phúc Âm, đó là “Ngoài miệng thì niệm nam mô, trong lòng thì chứa một bồ giao găm”.

Lạy Chúa, con rất dễ phạm phải sự giả hình này. Xin Chúa giúp con thống nhất đời sống, thống nhất cái biểu lộ bên ngoài với cái tâm tình bên trong.

2. Những người biệt phái đã trách cha ông họ xử tệ với các ngôn sứ. Thế nhưng chính họ còn tệ hại hơn nữa khi bách hại Chúa Giêsu. Trách người thì dễ, sửa mình mới khó. Tôi cũng rất nhanh miệng phê phán chê trách người khác.

3. Một bà cụ tốt lành, hơn 40 năm sinh sống bằng nghề giặt ủi tầm thường, nhưng lại được mọi người quý mến, tín nhiệm. Khi được hỏi bí quyết bà đáp: Tôi có một quy luật sống là không mách lẻo chuyện nhà này cho nhà người khác nghe”. (Góp nhặt)

4. Mỗi người đều mang hai túi: một ở trước ngực và một ở sau lưng, và cả hai nhét đầy lầm lỗi.

Tuy nhiên, túi trước đựng lỗi của người hàng xóm và túi sau đựng lỗi của mình. Vì thế, người ta thường mù quáng với khuyết điểm của mình và luôn sáng mắt với khuyết điểm của người anh em. (Góp nhặt)

5. Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp.” (Mt 23,27)

Như một quy luật của sự sống, con người luôn muốn tự khẳng định mình, đôi lúc trở nên phô trương, lố nghịch và vô nghĩa. Con người cứ mãi trang điểm cho mình những giá trị giả dối.

Như tôi chẳng hạn, luôn chuẩn bị cho mình một cách chu đáo trong ngày lễ hội, đại lễ: nào là quần áo, giầy dép và cả đi xưng tội nữa! Nhưng kết quả thì sao ? Cuộc sống chẳng khác hơn, con người vẫn cứ cũ mèm. Khi “lớp vỏ” được bóc ra thì tôi vẫn là tôi ngày nào, trước sao thì nay vẫn vậy! Tôi chỉ là một con người hay ganh tỵ, không dám nhìn thẳng vào sự thật, và là một kẻ hèn nhát không dám nói về đạo nơi tôi sống! Tôi có còn là một Kitô hữu thật sự hay không ? Không lý nào chỉ là Kitô hữu được “quét vôi”!

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa vẫn than trách luật sĩ và biệt phái (Mt 23,27-32)

  1. Chúa Giêsu tiếp tục lên án thói giả hình của luật sĩ và biệt phái trong việc xây cất mồ mả cho các tiên tri, mà cha ông họ đã giết chết. Những lối đạo đức giả hình của các luật sĩ và biệt phái làm cho Đức Giêsu bực mình. Người gọi đó là mồ mả tô vôi. Thật tội nghiệp khi họ cứ cố gắng tô trát cái vỏ bên ngoài, để che giấu tâm địa bên trong. Càng che giấu họ càng bị Chúa phát hiện và lên án gắt gao.
  2. Những mồ mả tô vôi (cc 27-28).

“Khốn... các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy dẫy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế”: Chúa Giêsu dùng hình ảnh những nấm mồ là do thói quen ở Giêrusalem hằng năm khi đến gần đại lễ Vượt qua, người ta quét vôi các ngôi mộ cho khách hành hương thấy rõ mà tránh, kẻo đụng vào mà bị ô uế cả tuần (x. Ds 19,16). Chúa Giêsu so sánh cách sống đạo hình thức với những nấm mồ tô vôi ấy. Sự thối nát của thói giả hình và sự thiếu trung tín với tinh thần luật đã bị họ che đậy, bằng cái vỏ xinh đẹp là “công chính trước mặt thiên hạ” (Lm. Carôlô).

  1. Xây mồ cho các tiên tri (cc 29-32).

“Khốn... các ngươi xây mồ cho các tiên tri và tô mả cho những người công chính...”: Một mặt họ xây mồ cho các tiên tri, để tỏ ra phản đối chuyện tổ tiên mình đã sát hại các vị ấy, nhưng mặt khác họ căm thù chính Chúa Giêsu là Đấng mà các tiên tri đã loan báo. Như thế, chẳng những “cha nào con nấy”, mà họ còn tệ hơn tổ tiên họ nữa. Việc làm của họ “đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên”, vì tổ tiên họ chỉ giết các tiên tri, còn họ thì sẽ giết chính Đấng Messia (CGKPV).

  1. Ca dao Việt Nam có câu:
    Ngoài miệng thì nói nam mô

    Trong lòng thì chứa một bồ dao găm.

Chúa Giêsu dùng hình ảnh nấm mồ tô vôi nhằm lên án những kẻ có lối sống đạo hình thức. Nơi những con người này, sự thối nát của thói giả hình và sự thiếu trung tín với lề luật đã lên đến đỉnh điểm. Họ che đậy sự xấu xa của mình và đánh lừa mọi người bằng một cái vỏ đạo đức xinh đẹp, để được gọi là người “công chính trước mặt thiên hạ”.

Qua việc vạch trần sự giả hình của các luật sĩ và biệt phái thời đó, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở người Kitô hữu trong mọi thời đại phải tránh xa thói giả hình, đồng thời phải biết cảnh tỉnh và cải hoá tâm hồn. Nếu không, họ cũng sẽ phải lãnh nhận số phận bi thảm: sẽ bị chặt đi và ném vào lửa đời đời.

  1. Nhìn về kinh nghiệm sống của mình, chúng ta có thể cảm nghiệm được tầm mức của những lời kết án của Chúa Giêsu, không phải như chuyện đã qua của thời quá khứ, nhưng có liên quan đến mỗi người chúng ta hôm nay, chúng ta có thể che giấu những tội lỗi tật xấu của mình bằng những tấm kịch cho qua lúc. Chỉ có phương thế duy nhất để tránh những lời kết án trên của Chúa là sự thật lòng ăn năn trở lại, là khiêm tốn và can đảm bỏ đi những mặt nạ mà chúng ta quen mang từ trước tới nay. Chúng ta đừng trở thành những người chỉ có danh hiệu là Kitô hữu, mà kỳ thực là những con người xa lìa Chúa. Chúng ta đừng sống theo ảo tưởng của những lời khen tặng của kẻ khác mà tưởng mình là kẻ chi chi, nhưng hãy ý thức rõ về thân phận tội lỗi của mình và khiêm tốn xin Chúa thứ tha (R.Verritas).
  2. Truyện: Gương sống đạo thực sự

Giữa khu rừng âm u có tu sĩ nổi tiếng thánh thiện và có nhân đức hiền lành, dịu dàng lạ lùng. Một người ngạo ngược nghe nói tu sĩ hiền lành lạ lùng như vậy, y không tin và nói: tất cả những cái đó chỉ là giả tạo và tôi sẽ làm cho cái màn giả hình đó phải rơi xuống.

Hôm sau, từ sáng sớm tinh sương, y đã lên đường đến chỗ ẩn sĩ ở. Nhà tu hành có nuôi một con chó, để ban đêm nếu có thú vật nào đến để phá hoại rau cỏ thì nó sủa đánh thức chủ dậy. Hôm đó khi thấy người lạ đến, con chó con chạy ra sủa. Ẩn sĩ ở trong nhà bước ra chào và đón tiếp vị khách lạ. Nhưng như để chọc giận thánh nhân, người hung ngược kia nắm ngay lấy con chó mà quật chết. Thấy vậy, ẩn sĩ quỳ xuống dưới chân kẻ bạo tàn và nói:

- Bạn ơi, chính tôi đã nuôi con chó này, và tôi rất tiếc vì nó đã làm cho bạn nổi giận.

Tức bực vì chưa đạt được tới mục đích của mình, kẻ bạo ngược trong thấy trong vườn có những cây rau và hoa đẹp chính tay ẩn sĩ đã trồng, lại xông vào đập phá và quăng vất lung tung, nhưng ẩn sĩ vẫn thản nhiên nhìn xem và không hề tỏ dấu gì tức giận.

Thấy vẫn chưa được việc gì, y càng điên tiết, trèo lên nóc nhà, dỡ mái quăng rui mè và xô đổ cả tường vách, mãi cho đến khi mỏi tay mới thôi. Song nhà tu hành vẫn bình tĩnh và đưa con mắt yêu thương nhìn y. Thấy y mệt nhọc, mồ hôi nhễ nhai, đoán rằng, y cần phải uống nước, tu sĩ xách lọ đi ra giếng, múc nước mát về mời y uống.

Trước cử chỉ thánh thiện và nét mặt điềm đạm lạ thường ấy, chàng hung bạo mà trái tim mãi đến nay vẫn trơ như đá, bắt đầu cảm thấy hổ thẹn và hối tiếc. Y rất cảm phục nhân đức của người tu hành và đến xin lỗi:

- Thưa cha, xin cha tha thứ cho những việc điên rồ con vừa mới làm, bây giờ con nhìn thấy có Chúa ở trong cha, và con đây thật là một đứa con tội lỗi và bạo ngược. Cha đã lấy sự lành mà báo sự dữ: chỉ có Chúa mới khiến được lòng người ta ra như thế mà thôi.

Từ đó, kẻ vô nhân đạo kia bắt đầu cải tà qui chính, rồi xin ở lại làm đầy tớ nhà tu hành để được sống gần tu sĩ, cũng như để bắt chước nhân đức của ngài.

 

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

          Ngày xưa, ở Hàng Châu, có một người đi buôn cam. Anh ta khéo để dành cam lâu ngày mà không ủng. Lâu ngày mà vỏ vẫn đỏ hồng, trông tốt đẹp như vàng ngọc. Đem ra chợ bán, thiên hạ tranh nhau mua. Ai thấy cam như vậy mà chẳng thèm ? Lưu Cơ cũng tới mua một quả. Đem về nhà bóc ra, thì ôi, hơi thối xông lên mặt, múi thì xác xơ như bông nát. Ông liền ra chợ lại, tìm gặp người bán cam trách móc: “Anh bán cam cho người ta để làm của cúng lễ, đãi tân khách, hay là chỉ để làm cho choáng mắt bên ngoài, đánh lừa thiên hạ ? Tệ thật! Anh giả dối lắm”.

          Người buôn cam mỉm cười nói: “Tôi làm nghề này đã lâu lắm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán thì người ta mua. Chẳng ai nói năng gì cả. Chỉ có ông là kêu ca thôi. Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng phải riêng gì một mình tôi. Ông thật không nghĩ cho đến nơi. Này thử xem, người đeo hổ phù, ngồi da hổ, hùng dũng, trông ra dáng quan lắm. Kỳ thực họ có giỏi được như Ngô Khởi, Tô Tẫn không ? Người đội mũ cao, đóng đai dài, trông ra dáng quan văn lắm. Kỳ thực họ có được giỏi như Cao Dao, Y Doãn không ? Giặc nổi lên không biết dẹp, dân khổ không biết cứu. Quan lại tham nhũng không biết trừng trị. Pháp độ hỏng không biết sửa đổi. Ngồi không ăn lương, chẳng biết xấu hổ… Thế mà lúc ra ngoài công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của lạ, oai vệ, hách dịch vô cùng !...

          Đó, bề ngoài họ chẳng như vàng ngọc, mà bề trong lại chẳng hôi thối, và xác xơ, như bông nát là gì ? Sao ông không chịu xét những hạng người như thế, mà lại đi xét quả cam của tôi ?”

Suy niệm

Chúa Giêsu tiếp tục lên án những lối đạo đức giả hình của các kinh sư và pharisiêu vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch tâm hồn. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm, trong tâm hồn họ vẫn ấp ủ những ý đồ. Ðức Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi, sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám… (x. Mt 23:27-28). Họ cứ cố gắng tô trát cái vỏ bên ngoài để che giấu tâm địa bên trong. Càng che giấu họ càng bị Ðức Giêsu phát hiện và lên án. Ðức Giêsu đã mượn lời ngôn sứ Isaia (Is 29,13) nặng lời chỉ trích họ: “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7,6).

Sách Đệ Nhị Luật nhắc nhở dân Chúa phải tuân giữ các giới răn, các Lề Luật, các huấn lệnh tượng trưng cho sự khôn ngoan, trong sáng và sáng suốt của dân Chúa giữa muôn dân muôn nước (x. Đnl 4,1-2.6-8). Nhưng Ðạo Chúa không phải chỉ là hình thức giữ các mệnh lệnh. Ðạo Chúa là tình yêu chân thật xuất phát từ đáy lòng.

Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn chúng ta, Ngài thấy rõ những khuyết điểm, lỗi lầm của chúng ta. Hãy xin Ngài soi sáng và thức tỉnh để chúng ta nhận ra những yếu đuối và sai lầm của bản thân, thẳng thắn nhìn nhận và mau mắn sửa đổi.

Ý lực sống

“Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con” (Tv 139,1).

Top