Chúa nhật 21 Thường niên năm C (Lc 13,22-30)
Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.
Bài đọc 1: Is 66, 18-21
Người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
18 Đức Chúa phán như sau: Ta biết rõ việc làm và ý định của chúng, Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta. 19 Ta sẽ đặt giữa họ một dấu hiệu và sai những kẻ sống sót của họ đến các dân tộc: Tác-sít, Pút, Lút, là những dân thạo nghề cung nỏ, đến dân Tu-van, Gia-van, đến những hải đảo xa xăm chưa hề được nghe nói đến Ta và chưa hề thấy vinh quang của Ta. Họ sẽ loan báo vinh quang của Ta giữa các dân tộc. 20 Đức Chúa phán: giống như con cái Ít-ra-en mang lễ phẩm trên chén dĩa thanh sạch đến Nhà Đức Chúa, người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa - đưa bằng ngựa, xe, võng cáng, lừa và lạc đà - về trên núi thánh của Ta là Giê-ru-sa-lem. 21 Và cả trong bọn họ, Ta sẽ chọn lấy một số làm tư tế, làm thầy Lê-vi - Đức Chúa phán như vậy.
Đáp ca: Tv 116, 1.2 (Đ. Mc 16, 15)
Đ.Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng.
1Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa,
ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người !
Đ.Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng.
2Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt,
lòng thành tín của Người bền vững muôn năm.
Đ.Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng.
Bài đọc 2: Hr 12, 5-7.11-13
Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
5 Thưa anh em, anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. 6 Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.”
7 Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy ?
11 Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính. 12 Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ. 13 Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành.
Tin mừng: Lc 13, 22-30
22 Khi ấy, trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 23 Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: 24 “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.
25 “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư Ta không biết các anh từ đâu đến!’ 26 Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.’ 27 Nhưng ông sẽ đáp lại: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’
28 “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. 29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.
30 “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Trong cuộc chiến đấu nào cũng có gian nan và đau khổ. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn dạy chúng ta điều gì ? Cửa hẹp tượng trưng sự gian nan khốn khó. Cuộc chiến càng cam go, chiến thắng càng vẻ vang. Ðể được thế, người chiến sĩ phải chiến đấu cách anh dũng, dám hy sinh, dám giao tranh để dành phần thắng. “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Với một tinh thần bất khuất, một ý chí kiên cường, họ mới trở nên người hùng của dân tộc.
Cũng vậy, để chiếm được Nước Trời, để được cứu rỗi, chúng ta phải chiến đấu với bản thân mình, phải từ bỏ và phải đánh chết đi những dục vọng, những thói xấu trong chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin giải thoát chúng con khỏi sức nặng đang đề nén chúng con. Chúng con không thể đón nhận Ơn Cứu Ðộ, nếu chúng con không sớm biến đổi, không chết đi cho mình. Nếu chúng con không cảnh tỉnh, chúng con sẽ phải tủi nhục biết bao khi các gái điếm, kẻ trộm, dân ngoại,... vào nước Cha, còn chúng con bị đuổi ra ngoài mà vào nơi bất hạnh đời đời. Xin Cha thương chúng con vì Danh Ðức Giêsu Kitô Con Cha, Chúa chúng con. Amen.
Ghi nhớ: “Người ta sẽ từ đông chí tây đến dự tiệc trong nước Chúa”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống...)
1. c.23: Câu hỏi mà một người kia đặt ra cho Chúa Giêsu phản ánh quan tâm của người Do Thái đương thời về số lượng những kẻ được cứu.
Khi đặt vấn đề dựa theo số lượng, người ta sẽ có thái độ không thích hợp: nếu mọi người đều được cứu thì thái độ sẽ là ỷ lại; còn nếu có một số nhỏ được cứu thì thái độ sẽ là chán nản, cố gắng làm chi cho uổng công.
2. c.24: Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi. Người ta hỏi về số lượng. Ngài trả lời về cách thức làm sao cho mình được ở trong số lượng những kẻ được cứu ấy, đó là phải cố gắng, diễn tả bằng hình ảnh “đi qua cửa hẹp”.
- “Đi qua”: Động từ “qua” diễn ta sự thay đổi cách sống. Có rất nhiều người đứng trước cái cửa hẹp ấy, nhưng chỉ những ai biết “đi qua” (thay đổi cách sống) thì mới vào nhà được.
- “Cửa hẹp” diễn ta sự cố gắng. Muốn vào Nước Trời thì phải cố gắng nhiều (và khó khăn như lạc đà chui qua lỗ kim: x. Mt 19, 24; Mc 10, 25; Lc 18, 25).
B- Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Một cặp vợ chồng trẻ nọ chia sẻ cho nhau nghe ước muốn có được một ngôi nhà khang trang. Một nhà tỉ phú tình cờ theo dõi câu chuyện. Với tất cả nghiêm chỉnh, ông đề nghị với họ: nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một triệu mỹ kim. Hai vợ chồng đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt đầu hối hận. Nhưng đã quá muộn. Sau một đêm để có một triệu mỹ kim, hai vợ chồng đã tan vỡ. Con đường dễ dãi là con đường dẫn tới hư mất. Sự thành đạt thường không đến cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những cố gắng và kiên nhẫn lâu dài. (Trích: Mỗi ngày một tin vui)
2. Chịu ảnh hưởng của nền văn minh hưởng thụ, người thời nay có khuynh hướng làm cho mọi việc thành thoải mái dễ chịu, kể cả việc sống đạo. Thí dụ: trong nhà thờ ghế phải rộng và êm, phải có quạt máy, cha phải giảng ngắn. Những lời nhắc nhở của ĐGH về hôn nhân bất khả li, về luật cấm phá thai, về độc thân Linh mục… bị coi là chói tai nên không được đáp ứng. Cách sống đạo như thế không phải là đi qua cửa hẹp. Thánh Phaolô đã so sánh cuộc sống tín hữu như một cuộc chạy đua: để đạt huy chương, người lực sĩ nào cũng phải dày công khổ luyện.
3. Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.” (Lc 13, 24)
Đậu tốt nghiệp hạng ưu, thằng nhóc nó vui mừng hớn hở về báo tin cho tôi. Tôi đã đọc được niềm vui trong lòng nó, tôi tự nhủ rằng: “Cậu tú nhà tôi đậu được thủ khoa cũng đáng”, bao công lao thức khuya dậy sớm “dùi mài kinh sử”, nó còn phải giã từ cả sân cỏ: không đá banh, không patin, cũng không bén mảng đến hồ bơi, nó bỏ hết những cuộc chơi.
Từ đó tôi nghiệm ra rằng thành đạt là kết quả của những cố gắng lâu dài mà con đường dẫn đến không dễ dàng, đòi hỏi nhiều hy sinh và phấn đấu. Con đường tiến về quê trời cũng vậy, đòi hỏi tôi lựa chọn đi qua cửa hẹp. Đó chính là điều Chúa Giêsu mời gọi hôm nay, như chính Ngài đã lựa chọn con đường của thập giá.
Lạy Chúa! Mỗi ngày trong cuộc sống của con, xin cho con biết chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. (Hosanna)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
HÃY VÀO QUA CỬA HẸP
+++
A. DẪN NHẬP
Đức Giêsu đến trần gian mang theo sứ mạng đặc biệt là cứu rỗi mọi người không trừ ai. Sứ mạng này không phù hợp với quan niệm của người Do thái vì họ cho rằng họ là con cháu Abraham thì đương nhiên là sẽ được cứu rỗi, còn những người khác thì không. Vì thế mới có một người không biết là thành phần nào trong xã hội đã đến xin Đức Giêsu giải đáp cho mình một thắc mắc: “Thưa Thầy, những người được cứu thoát thì ít, phải không Thầy?”
Đức Giêsu không muốn trực tiếp trả lời cho câu hỏi này vì sẽ gây nên sự hiểu lầm. Nếu Ngài trả lời là “Đúng”, nghĩa là chỉ có ít người được cứu rỗi, thì làm cho người Do thái nghĩ rằng họ đương nhiên được ơn cứu thoát, rồi thì ỷ lại, không cần cố gắng nữa. Còn đối với những người khác thì nản lòng, vì họ có cố gắng thì cũng vô ích vì ơn cứu rỗi không được ban cho họ. Còn ngược lại, nếu Đức Giêsu đáp là “không” nghĩa là “Ơn cứu rỗi sẽ được ban cho số đông” thì cũng làm cho họ ỷ lại, không cố gắng, bởi vì cố gắng làm chi vì mình chắc chắn được rỗi mà!
Vì lý do trên, Đức Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi dựa trên số lượng, tức là đặc quyền của người Do thái mà chỉ vạch ra cho họ phương thế để được vào Nước Trời: “Hãy chiến đấu qua cửa hẹp mà vào” (Lc 13, 24). Theo Đức Giêsu “Qua cửa hẹp” là phải sám hối, phải uốn nắn đời sống theo những giáo huấn của Tin mừng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta”.
Dựa theo tư tưởng của thánh Phaolô, chúng ta có thể hiểu “Qua cửa hẹp” là phải chiến đấu, cuộc chiến đấu cho đến cùng đường, phải đi vào con đường hẹp của Thập giá, phải can đảm chống lại sự lôi cuốn của ba thù, không thỏa hiệp, không nhân nhượng với chúng: “Không phải cứ kêu lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai làm theo ý cha Ta ở trên trời mới được vào”. Ước gì chúng ta đừng đến lầm cửa, đó là cửa rộng thênh thang, cửa tiền tài, sắc dục, hư danh, cửa dẫn vào cái chết muôn đời. Cũng đừng đến mà cửa đã đóng kín để không phải nghe Chúa nói: “Ta không biết các ngươi từ đâu đến” (Lc 13, 27).
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Is 66.18-21
Cộng đồng Giêrusalem sau cuộc lưu đầy còn gặp nhiều khó khăn. Qua vị tiên tri vô danh, mà đôi khi chúng ta gọi là Đệ tam Isaia, Thiên Chúa loan báo một cuộc qui tụ toàn thể nhân loại về với Ngài. Giêrusalem sẽ trở nên trung tâm thế giới, các dân sẽ tựu về và dâng lễ tại đó, một điều cấm kỵ cho đến bấy giờ.
Nhưng Israel sẽ không chịu phá bỏ rào chắn đối với dân ngoại, và Đức Giêsu đã phải trả bằng giá mạng sống mình cho nỗ lực cho việc phụng thờ Thiên Chúa hằng sống trở thành việc phụng thờ cho mọi dân nước.
Lời sấm này tiên báo về thời Đấng Thiên Sai sẽ đến, qui tụ muôn dân, tiêu chuẩn phân biệt duy nhất là sự thánh thiện.
+ Bài đọc 2: Dt 12, 5-7.11-13
Thời đó, các Kitô hữu gốc Do thái gặp muôn vàn khó khăn từ đế quốc Rôma cũng như Do thái giáo. Thánh Phaolô khuyên nhủ họ hãy bình tĩnh và tin tưởng, vì lòng yêu thương con cái mình, Thiên Chúa dùng gian nan thử thách để giáo dục và chữa trị họ.
Thử thách, dù thế nào đi chăng nữa, cũng không cho phép ta nghi ngờ tấm lòng của Thiên Chúa yêu thương chúng ta như một người cha, chẳng khác nào cha dạy con hoặc thầy nghiêm khắc sửa trị trò. Thiên Chúa đối xử với chúng ta như con của Ngài. Ngài không phải là người cha cay nghiệt. Thiên Chúa có thương ai thì mới thử thách và sửa dạy người ấy. Vì thế họ đừng ngã lòng, trái lại hãy vui mừng vì biết mình được Chúa thương, và kiên trì chịu đựng.
+ Bài Tin mừng: Lc 13, 22-30
Người Do thái thắc mắc muốn hỏi Đức Giêsu số lượng những người được vào Nước trời. Thực ra, số lượng và lý lịch của những người được vào Nước trời thì không quan trọng, mà vấn đề quan trọng là phải cố gắng đi qua cửa hẹp mà vào.
Bài Tin mừng hôm nay có 3 ý tưởng chính:
a) Khung cửa thì hẹp, người muốn vào thì đông, vấn đề là phải nỗ lực.
b) Có lúc cửa sẽ khép lại mãi mãi, vì giờ cứu độ đã hết, vấn đề là đừng trễ nải.
c) Việc ăn Tiệc trên Nước trời chỉ dành cho những ai thành tâm theo Chúa, không ai có thể dựa vào lý lịch, địa vị… mà nghĩ rằng mình có quyền đương nhiên được nhập tiệc.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Đi qua cửa hẹp mà vào
I. NHỮNG AI ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI?
1. Trên đường đi Giêrusalem
Bài Tin mừng hôm nay nằm trong giai đoạn cuộc hành trình của Đức Giêsu tiến về Giêrusalem nhân ngày lễ Cung hiến Đền thờ. Ngài rảo qua các đô thị, làng mạc giảng dạy cho dân chúng. Ở những nơi này, Đức Giêsu giảng dạy hơn là làm phép lạ. Các đề tài được đưa ra rao giảng là: sám hối, việc cầu nguyện, sự từ bỏ, việc dân Do thái từ bỏ ơn Chúa
2. Một câu hỏi
Có kẻ đến hỏi Đức Giêsu rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít được cứu rỗi?” (Lc 13, 23). Tại sao người ta lại hỏi như vậy? Chúng ta cần phải biết người Do thái có quan niệm thế nào về ơn cứu độ và đặc quyền của họ về vấn đề này.
Giáo trưởng Meir của người Do thái có viết: “Để được cứu rỗi, người ta phải cư ngụ trên đất nước Israel, nói tiếng Do thái là ngôn ngữ thánh, và sáng chiều đọc kinh Shema”. Có lẽ ý tưởng này phát xuất từ quan niệm “tự tôn chủng tộc” của một số trường phái vốn từng hiện diện trong thời Đức Giêsu. Theo họ, ai có gốc Do thái đều được cứu độ hết.
Nhưng dù với quan niệm nào đi nữa, người Do thái vẫn không thể hình dung hay chấp nhận được việc dân ngoại buớc vào Nước Thiên Chúa. Thế nên mới có một người Do thái, không rõ thành phần nào, đã đến xin Ngài giải đáp thắc mắc: “Phải chăng chỉ có một số ít được cứu độ?” Thắc mắc này cũng là thắc mắc của mọi người Do thái và cần phải được giải đáp.
3. Một câu trả lời
a) Không trả lời thẳng
Đức Giêsu không muốn giải đáp thắc mắc cho họ vì Ngài đâu có quan niệm hẹp hòi như họ, và vì vậy Ngài không muốn trả lời thẳng câu hỏi của họ.
Nếu Ngài đáp là “Phải” chỉ có một số ít người được cứu rỗi thì sẽ sinh hậu quả là những người Do thái thành ra kiêu căng tự mãn vì nắm chắc phần rỗi: vì tự mãn như thế họ không cần cố gắng gì thêm nữa. Và những người khác không phải là Do thái thì sẽ nản lòng, tự nhủ: “Ơn cứu rỗi không thuộc về mình, thôi thì cố gắng làm chi cũng vô ích”.
Ngược lại, nếu Đức Giêsu đáp: “Ơn cứu rỗi được ban cho số đông” thì cũng làm cho mọi người ỷ lại, không cố gắng, bởi vì cố gắng làm chi vì mình chắc chắn sẽ được cứu rỗi rồi mà!
Tuy nhiên, như thánh Phaolô xác quyết: “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta muốn cho mọi người được cứu độ” (1Tim 2, 4). Và Đức Giêsu thì nói: “Cha các con Đấng ngự trên trời, không hề có ý để hư đi một người nào trong những kẻ bé mọn này” (Mt 18, 14). Như thế, ơn Chúa không hề giới hạn theo khu vực, số lượng, song là tuôn trào đến khắp mọi nơi và cho hết mọi người. Nhưng như thế không có nghĩa là người ta “bị” cứu độ. Trái lại, họ luôn có tự do để đón nhận hay khước từ. Một chiếc ly không thể chứa được những giọt nước tươi mát của trời cao nếu chẳng bao giờ ngửa miệng ly lên để hứng. Cũng thế, để được hưởng thành quả của ơn thiêng, người ta phải mở rộng tấm lòng và hướng về cùng Thiên Chúa.
Chính vì lý do nêu trên mà Đức Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi dựa trên số lượng, Chúa chỉ nhắm tới phẩm chất: ơn cứu rỗi không phải là đặc quyền của một số người nào, của một phe nhóm nào cả mà thuộc về bất cứ ai biết sống theo Lời Chúa dạy.
b) Phải hành động để được cứu độ
Đức Giêsu không trả lời cho biết số lượng người được ơn cứu độ nhưng nhắc cho họ cách sống để được cứu độ, nghĩa là phải hành động.
Truyện: Đừng ảo tưởng
Có một ông khách bộ hành phải đi qua một cái làng để đến một nơi mà ông ta không biết đích xác còn bao xa nữa thì mới tới được. Dọc đường ông ta gặp một bác tiều phu, liền dừng lại hỏi xem thử khoảng bao lâu nữa thì tới nơi mình muốn tới. Bác tiều phu nhìn ông khách rồi đáp ngay: “Tôi không biết”. Nghe thế, ông khách vội bước đi và nghĩ rằng người nhà quê đó không biết thật, chứ không phải khó tính khó nết. Nhưng khi vừa mới đi được vài bước thì bác tiều phu gọi với theo: “Này ông ơi, ông đi độ 15 phút nữa thì tới nơi đó”. Ngạc nhiên, ông khách quay trở lại hỏi bác tiều phu: “Tại sao khi nãy hỏi bác, bác trả lời không biết?” Bác tiều phu thông cảm đáp: “Lúc ông hỏi tôi, ông chưa hành động nên chưa thấy bước đi của ông dài hay ngắn, mau hay chậm thì làm sao tôi có thể trả lời cho ông rõ ràng được?”
Như vậy, ta đi tới đích được hay không, sớm hay muộn là do nơi hành động của ta. Cũng thế, thành công hay thất bại trong cuộc đời là hệ tại nơi việc làm của ta như thế nào. Do đó, có một điều hết sức tai hại mà ta phải luôn cảnh giác đề phòng là đừng quá tin tưởng vào những suy đoán chủ quan, những ảo tưởng siêu thực để rồi thiếu cố gắng tích cực, không chịu khó hành động cụ thể, sẽ rước lấy nhiều hậu quả khôn lường.
Đó chính là tư tưởng chủ đạo mà qua bài Tin mừng hôm nay Chúa muốn cảnh tỉnh chúng ta trên con đường đi theo Ngài, nghĩa là trong cuộc sống đạo để có thể đi tới đích là ơn cứu độ, điều quan trọng không phải cứ ngồi một chỗ mà suy đoán số phận tương lai, cũng không thể cậy dựa vào một vài ưu thế này nọ để rồi lên mặt đòi biệt đãi hơn kẻ khác, nhưng là phải chuyên chăm đưa ra thực hành những gì Chúa chỉ dạy. Muốn thế, phải biết loại trừ những suy đoán sai lầm mà chúng ta thường mắc phải trong đời sống đạo…
c) Đừng dựa vào gì khác
Để được vào Nước Trời đừng ỷ lại vào gốc gác. Chính thánh Gioan Tẩy giả đã nói thẳng vào mặt những người biệt phái và bè Sađucêu: “Đừng ỷ mình là con cháu tổ phụ Abraham…” (Mt 3, 7t). Đối với Đức Giêsu, những đặc quyền về chủng tộc này không đáng kể. Lời cảnh cáo nghiêm khắc của Đức Kitô trước tiên áp dụng cho những người đã từng ăn uống trước mặt Ngài, và những người đã từng nghe Ngài giảng dạy. Có những người nghĩ rằng họ đã ở trong đạo Chúa thế là đã đủ rồi. Họ có ý phân biệt họ với đám dân ngoại. Nhưng con người sống trong Giáo hội của Chúa chưa chắc chắn đã là Kitô hữu, những người đó đang hưởng thụ các lợi ích, các tiện nghi mà những người đi trước đã xây dựng nên. Nhưng đó không phải là lý do để ngồi chơi, thỏa lòng và yên trí rằng mọi sự đều tốt đẹp cả. Ngược lại, chúng ta phải tự vấn: “Ta đã góp phần được gì vào di sản của người trước”. Chúng ta không thể sống bằng cái tất vay mượn của tiền nhân.
II. ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI
1. Phải qua cửa hẹp mà vào
Đức Giêsu không trả lời thẳng vào câu hỏi: “Phải chăng số người được cứu độ thì ít” mà Ngài chỉ nói: “Hãy phấn đấu đi qua cửa hẹp mà vào” (Lc 13, 24).
a) Cửa hẹp là gì?
Hình ảnh về cửa hẹp được Đức Giêsu sử dụng rất quen thuộc với dân chúng vào thời đại của Ngài. Dân chúng thời đó sống ở bên trong thành phố được bao bọc bằng vách tường. Vì không có đèn đường, các cửa và các cổng dẫn vào thành phố phải được đóng chặt chẽ vào ban đêm để tránh trộm cướp, hay kẻ thù cưỡi ngựa xâm nhập, tấn công thành phố. Nếu dân chúng đi ra khỏi thành phố và trở về trễ sau khi các cổng đã đóng chặt rồi thì sao? Có ai mở cổng cho họ vào? Không! Khi cổng đã đóng rồi không ai được mở ra vì sợ bọn cướp hay quân địch ẩn núp trong bóng tối sẽ có thể tấn công bất ngờ.
Những người trở về trễ phải khép mình chui qua một cái cửa hẹp. Những cái cửa hẹp này còn được gọi là “mắt của cái kim” – “the eye of the needle”. Cửa chỉ vừa vặn cho một người đi qua thôi, và không thể mang theo hành lý.
Trong Luca chương 18, câu 25: “Quả vậy, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. “Lỗ kim” ở đây chính là “cửa hẹp”. Người đi buôn với hàng hóa cồng kềnh chất đầy trên lưng lạc đà không thể đi qua cửa này được. Phải vứt bỏ tất cả hàng hóa và hành lý xuống. Con lạc đà phải cúi đầu, khòm lưng và quì gối xuống may ra mới lọt (Nguyễn Văn Thái, Sống lời Chúa…, năm C, tr 290-291).
b) Cửa rộng là gì?
Là con đường rộng thênh thang dễ đi. Đa số quần chúng chọn đi con đường này vì đó là những giây phút khoái lạc mau qua của trần thế mang lại. Con đường này tuy thoải mái dễ chịu nhưng lại là con đường của những người dại khờ, nó không phải là con đường của Thiên Chúa. Bề lâu bề dài nó không dẫn tới đâu cả. Và cuối cùng chỉ là sự trống rỗng.
Truyện: Khoái lạc trong một đêm
Một cặp vợ chồng trẻ nọ chia sẻ cho nhau nghe ước muốn có một ngôi nhà khang trang. Một nhà tỷ phú tình cờ theo dõi câu chuyện. Với tất cả nghiêm chỉnh, ông đề nghị với họ: “Nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một triệu mỹ kim. Hai vợ chồng đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt đầu hối hận. Nhưng đã quá muộn. Sau một đêm để có một triệu mỹ kim, hai vợ chồng đã tan vỡ (…). Con đường dễ dãi là con đường dẫn tới hư mất. Sự thành đạt thường không đến cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những cố gắng và kiên nhẫn lâu dài.
c) Bước qua cửa hẹp là gì?
Khi Đức Giêsu nói về cửa hẹp, Ngài muốn ám chỉ việc từ bỏ, “từ bỏ” hết mọi của cải trần gian. Sự khó khăn chật hẹp khi đi qua cửa là đời sống kỷ luật. Và đi qua cửa hẹp thì phải đi qua một mình, cô đơn. Nhưng Thiên Chúa luôn cùng đi với ta. Đó là “con đường hy sinh và vất vả”. Nhưng lại là con đường của những người khôn ngoan và thận trọng dẫn đến nguồn vui vẻ và hạnh phúc đời đời.
Bước qua cửa hẹp còn có nghĩa là giữ và sống lời Đức Giêsu và giáo huấn của Giáo hội một cách nghiêm chỉnh suốt cuộc hành trình trần gian. Bước vào cửa hẹp còn là nhìn vào chính con người chúng ta như thể Thiên Chúa nhìn chúng ta và bước đi dưới con mắt của Ngài, vì biết rằng Chúa hoàn toàn làm chủ cuộc sống của chúng ta.
d) Phải vào đúng lúc là gì?
“Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại” (Lc 13, 25). Cánh cửa đã hẹp nay lại đóng kín. Thời gian hết sức cấp bách, phải bước vào ngay, ngày mai sẽ quá trễ. Ngay hôm nay phải bước vào Nước trời.
Đây là giờ của ơn thánh. Ơn Chúa không bao giờ thiếu, nhưng phải biết đáp ứng. Vì thế, mỗi giây phút hiện tại, mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời ta đều mang một ý nghĩa vì nó sẽ đem ta vào Nước trời hay chặn ta lại trước cánh cửa Nước trời đang đóng lại. Tuy nhiên về ơn Chúa ta không thể biết đâu là đầu, là chót, là quyết định hay không. Nhưng chính sự mập mờ bấp bênh này càng làm cho ta phải dứt khoát lựa chọn và theo Chúa trong mỗi giây phút hiện tại.
2. Qua cửa hẹp là phải chiến đấu
Đức Giêsu không trả lời trực tiếp về số lượng người được rỗi và chỉ nói đến cách thức để được cứu rỗi. Ngài nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13, 24). Ngài không muốn trấn an, Ngài muốn người ta sống có trách nhiệm. Từ đây, Ngài dùng hình ảnh quen thuộc trong toàn bộ Thánh kinh: Nước Chúa như một phòng tiệc. Nhưng Ngài thêm: người ta xô đẩy nhau trước cửa vì cửa phòng “hẹp”.
Từ Hy lạp mà chúng ta dịch là “chiến đấu” là một động từ mạnh bạo “agonizesté” nghĩa đen là “đánh nhau để được vào”. Từ “agonie” (hấp hối) trong tiếng Pháp có ngữ căn lấy từ động tự Hy lạp: Cuộc chiến đấu cuối cùng của sự sống. Để đem lại ơn cứu độ cho mọi người, Đức Giêsu là người đầu tiên đã chiến đấu, ở vườn Giếtsimani và đồi Golgotha. Trong một đoạn văn khác, Ngài đã nói rằng: “Chỉ những ai mạnh sức mới chiếm được Nước trời” (Mt 11, 12; Lc 16, 16). (Quesson).
Con đường chiến đấu khác nào một cuộc leo núi mà đỉnh chót không bao giờ đạt được ở trần gian này. Người ta nói về hai người leo núi nổi tiếng đã chết trên ngọn Everest rằng: “Khi người ta thấy họ lần cuối cùng thì họ vẫn hăng hái tiến lên đỉnh núi”. Người ta ghi khắc vào bia mộ một hướng dẫn viên leo núi Alpes chết ở sườn núi rằng: “Chàng chết lúc đang lên”. Con đường Kitô hữu phải đi là con đường đi lên, tiến lên, tiến mãi.
Tổng thống Washington có khuyên một câu thật chí lý: “Không nên chỉ đánh giá thành công qua địa vị mà con người đạt được trong cuộc sống, nên đánh giá sự thành công qua những trở ngại mà người đó khắc phục được”.
Cuộc đời có biết bao lôi cuốn cam go, nhưng chỉ khi can đảm, không thỏa hiệp hay nhân nhượng với kẻ thù, người ta mới có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc sống chính nghĩa; đã chạy đến cùng đường; kiên vững trong lòng tin. Giờ đây, triều thiên công chính được dành sẵn cho tôi, và Thiên Chúa, Đấng phán xét chí công, sẽ hoàn lại cho tôi trong ngày ấy, không chỉ cho tôi mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đã đầy lòng mến yêu trông đợi Ngài xuất hiện” (2Tm 4, 6-8).
Nhiều khi huấn luyện để ta trở nên người chiến binh dũng mạnh hầu chiến đấu đến cùng đường, Thiên Chúa cũng phải “quở trách… sửa dạy… và đánh đòn” (Dt 12, 5-6). Âu cũng vì thương con mà “cho roi cho vọt” và “có gian nan mới tạo anh hùng”.
Truyện: Muốn vào hàng trai tráng
Trong nhiều bộ lạc Da đỏ Mỹ châu họ hay có nghi thức huấn luyện và thu nhận thiếu niên vào hàng ngũ trai tráng trong làng, người ta tổ chức như sau: Khi mặt trời sắp lặn, người bố sẽ dắt đứa con của mình vào sâu trong một cánh rừng. Đứa bé được trao cho một cây lao với lời nhắn nhủ: “Con sẽ ở một mình trong rừng đêm nay”. Sau đó người bố rút lui.
Màn đêm buông xuống rất nhanh. Không gian chập chờn với bao tiếng gầm rú rùng rợn. Người ta dễ có cảm tưởng đang bị thú dữ rình chờ tấn công. Thỉnh thoảng, vài tiếng vỗ cánh của chim ăn đêm cũng có thể làm cho người yếu vía giật mình. Thời gian chậm chạp trôi qua. Mỗi giây phút là cả một khoảng dài vô định.
Nhưng cuối cùng, màn đêm cũng rút lui. Bầu trời từ từ hừng sáng. Nỗi sợ hãi trong đứa bé cũng phai mờ theo. Từ trong một lùm cây, một bóng người xuất hiện: cha của đứa bé. Đứa bé nhận ra và vui mừng chạy đến ôm chầm lấy bố, reo lên: “Bố đã trở lại”. Người cha hãnh diện khi thấy con mình trải qua đêm đen như một người trưởng thành. Đứa bé không hề biết rằng suốt đêm qua cha nó không ngừng trông chừng nó.
Để trở thành chiến binh anh dũng trên mặt trận đức tin, lắm khi chúng ta cũng phải chấp nhận biết bao thách đố trong bóng đêm cuộc đời. Những đe dọa của sự dữ, gầm rú của đau khổ, rình chờ của xác thịt như những phương thế giúp tinh luyện lòng ta thêm can trường dũng mãnh. Và trong suốt chiều dài của bóng đêm đó, dù ta có ý thức hay không, Thiên Chúa vẫn luôn ở bên cạnh dõi mắt trông nhìn chúng ta.
3. Qua cửa hẹp còn là sám hối, hoán cải
Đối với những người Do thái họ tưởng rằng mình đương nhiên có thể vào Nước Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu nói: “Các ông hãy sinh trái cây thống hối, nếu không, địa vị ưu đãi của các ông sẽ chẳng có ích gì”.
Đức Giêsu cho biết hoán cải là một phương thế cần thiết để được vào Vương quốc. Và Ngài tiếp tục đem sự hoán cải đến với phần lớn những người không có gì hứa hẹn. Nhiều người tội lỗi đã chú ý đến lời kêu gọi hoán cải của Ngài và họ đã lên đường tiến tới Vương quốc. Trong khi nhiều người có đạo đã ngoan cố chống lại lời kêu gọi hoán cải của Ngài và do đó, tự loại mình ra khỏi Vương quốc.
Khi nghe Đức Giêsu nói: “Ở đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy ông Abraham, Isaac và Giacóp cùng tất cả các tiên tri ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình thì lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13, 28-29), cách nói này có thể cho chúng ta cảm tưởng rằng những người có thiện chí, thật sự tìm cách vào Nước trời sẽ bị loại trừ một cách độc đoán bởi sự độc tài của một ông chủ không có lòng thương xót. Hẳn đó là bức biếm họa về Thiên Chúa! Thiên Chúa không tàn nhẫn và bất công. Thật vậy, ai không vào được bữa tiệc chỉ có thể trách cứ chính mình. Thiên Chúa đã làm tất cả để cánh cửa nổi tiếng là “hẹp” ấy trở thành một cánh cửa rộng mở cho mọi người không phân biệt.
Chúng ta phải khẳng định hai điều:
* Về phía Thiên Chúa, tất cả đã sẵn sàng để cứu chuộc mọi người không trừ ai.
* Về phía con người, chỉ cần có sự nghiêm túc của tự do, tự do này có thể từ chối ơn Thiên Chúa ban cho và tự do này là một cuộc chiến đấu.
4. Những kẻ chót sẽ lên hàng đầu
Đức Giêsu nói: “Và kìa những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13, 30). Đây là thành ngữ của người Do thái nhằm diễn tả sự đảo ngược thứ tự. Thành ngữ này được dùng nhiều trong Tin mừng (Mt 19, 30; 20, 16; Mc 10, 31). Theo mạch văn bài Tin mừng trên thì qua thành ngữ này, Đức Giêsu có ý bác bỏ “quyền ưu tiên tuyệt đối” (theo quan niệm của một số người Do thái) rằng dân Do thái là dân riêng của Chúa thì đương nhiên sẽ được vào Nước Trời dù sống thế nào đi nữa (Mt 3, 9-10; Ga 8, 33t).
Ở đây không có ý áp dụng cho mọi cá nhân, nhưng Đức Giêsu có ý so sánh toàn thể dân Do thái, từ khi Ngài xuất hiện, với toàn thể lương dân. Khi đề cập đến hai nhóm đó, Ngài công bố có nhiều người lương sẽ được cứu rỗi trước người Do thái, và ngay cả cộng đoàn toàn thể lương dân sẽ vào Nước trời trước cộng đoàn Do thái. Giáo huấn này được thánh Phaolô nhắc lại trong thư gửi tín hữu Rôma (Rm 11, 25-26). Giáo huấn này được ứng nghiệm trong Giáo hội sơ khai (Cv 13, 46-48; 28, 25-28).
Sẽ có những bất ngờ trong Nước Thiên Chúa. Những người nổi danh ở thế gian này sẽ có thể rất thấp kém trong đời sau. Những người chẳng ai biết đến trong đời này có thể sẽ là những vương tử ở đời sau.
Truyện: Có sự đảo ngược
Một người đàn bà giàu sang được thế gian này rất mực tôn trọng. Bà ta chết và khi tới thiên đàng thì có một thiên sứ đưa bà đến nhà bà sẽ ở. Bà ta thấy nhiều ngôi nhà xinh đẹp và mỗi lần đi qua bà cứ tưởng nhà đó dành cho bà. Khi đi qua các dãy phố chính ở trên trời, tới khu ngoại ô, tại đó các nhà nhỏ hơn nhiều, và đến cuối phố, gặp một cái nhà chỉ hơn cái lều một chút. Thiên sứ bảo: “Đây là nhà của bà”. Bà nói: “Cái gì vậy? Tôi không thể nào sống trong đó”. Thiên sứ đáp: “Tôi rất tiếc, nhưng đó là tất cả những gì chúng tôi có thể kiến thiết với những vật liệu mà bà đã gửi lên đây!” Các tiêu chuẩn trên trời không giống các tiêu chuẩn dưới đất. Hạng nhất của thế gian thường sẽ là hạng bét và hạng bét của thế gian là hạng nhất ở trên trời…
Qua bài Tin mừng hôm nay, chúng ta phải quyết tâm đi vào con đường hẹp, phải phấn đấu hết mình để vào qua cửa hẹp, đây là điều kiện mà tiếng La tinh gọi là “conditio sine qua non”, điều kiện bắt buộc, không có không được. Chúng ta đã có nhiều bài học do tiền nhân để lại như:
- Nước chảy đá mòn.
- Kiến tha lâu đầy tổ,
- Có công mài sắt có ngày nên kim.
Thì trên phương diện siêu nhiên thì cũng thế, vì Chúa đã phán: “Ai muốn theo Ta, hãy vác thập giá mình hằng ngày mà theo” hoặc: “Ai bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi”.
Cũng thế, nếu ở đời: “Có khó mới có miếng ăn” hoặc “Không có hạnh phúc nào có thể đạt được một cách dễ dàng”, thì hạnh phúc Nước Trời cũng đòi hỏi chúng ta phải chịu khó gấp bội mới chiếm được. Tương lai đang chờ đón ta!
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
VÀO QUA CỬA HẸP
Cuộc sống đời này dù dài mấy cũng có lúc chấm dứt.
Con người không chỉ đặt câu hỏi mình từ đâu đến,
mà còn đặt câu hỏi mình sẽ đi đâu.
Cả người vô tín cũng không thể tránh câu hỏi này.
Có người coi cái chết là dấu chấm hết,
nhưng có nhiều người tin vào thế giới mai sau.
Cuộc sống đời này chỉ là phù du tạm bợ.
Sống gửi thác về, sinh ký tử quy.
Cuộc sống vĩnh hằng sau cái chết mới đáng kể.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, một người hỏi Đức Giêsu:
“Phải chẳng chỉ ít người được cứu độ?” (Lc 13, 23).
Có vẻ anh sợ mình không nằm trong số ít đó.
Đức Giêsu đã không trả lời ít hay nhiều,
Ngài chỉ nói vào Nước Thiên Chúa là chuyện không dễ.
Đơn giản là vì cửa vào khá hẹp.
Phải nỗ lực phấn đấu mới len vào được.
Như thế được cứu độ vừa là một ơn lớn của Chúa,
vừa đòi ta phải cố gắng sống xứng đáng với ơn đó.
Có người nghĩ rằng vì Chúa là Đấng nhân lành
nên chẳng có hỏa ngục, chẳng ai phải chịu luận phạt.
Người ta quên rằng ông chủ chỉ nói với người đầy tớ:
“Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành…
hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi (Mt 25, 21),
sau khi anh đã vất vả làm ăn và sinh lợi gấp đôi số bạc.
Chính Con Thiên Chúa chỉ vinh quang vào Nước Cha
sau khi đã đi đường thánh giá dẫn đến cái chết.
Chẳng vị thánh nào cả đời đi theo Chúa trên cỏ xanh.
Thiên đàng là nơi của người chiến thắng sau khi chiến đấu.
Có nhiều người tìm cách vào mà không được (x. Lc 13, 24).
Chúng ta không rõ tại sao có những người đứng ở ngoài
khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa (Lc 13, 25).
Bây giờ không phải chỉ là cửa hẹp, mà là cửa đóng.
Không phải chỉ khó vào, mà còn không thể vào được.
Cửa vẫn đóng, bất chấp những tiếng gõ cửa và năn nỉ:
“Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi.”
Tiếng đáp lạnh lùng từ ông chủ nhà bên trong:
“Ta không biết các anh từ đâu đến!” (Lc 13, 25).
Ta chỉ mở cửa cho người mà Ta biết rõ gốc gác thôi.
Người đứng ngoài muốn cho chủ nhà biết
mình là người hết sức thân thiết gần gũi với ông:
“Chúng tôi đã từng ăn uống trước mặt ngài,
và Ngài cũng từng giảng dạy trên đường phố chúng tôi.”
Chúng tôi đã thông hiệp với Ngài trên bàn ăn,
và đã nhiều lần nghe các bài giảng của ngài.
Hy vọng ngài nhận ra chúng tôi là người Ngài quen biết.
Hy vọng ngài mau mau mở cửa cho chúng tôi.
Tiếc thay, lời từ chối được lặp lại quyết liệt hơn trước:
“Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi!
hỡi tất cả những kẻ làm điều bất chính” (Lc 13, 27).
Vào ngày tận thế, một tín hữu đã dự tiệc Thánh Thể,
đã nghe giảng Lời Chúa, vậy mà Chúa vẫn không nhận ra.
Chúa không nhận ra, không mở cửa, vì họ làm điều bất chính.
Sống chính trực là điều kiện cần để được vào dự tiệc.
Có những người từ đông tây nam bắc được vào.
Họ có thể là người chưa biết đến Tin Mừng của Đức Kitô
nhưng lại thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa.
Nhờ ơn thánh, họ cố gắng sống theo tiếng lương tâm.
Những người đó vẫn có thể đạt được ơn cứu độ (x. LG 16).
Khi được vào thiên đàng, chúng ta sẽ hết sức ngạc nhiên,
vì gặp ở đây những người mà chúng ta không ngờ.
Lập tức, chúng ta hiểu được rằng
Thiên Chúa là Đấng vừa công bằng, vừa đầy thương xót.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
Ai cũng thích đi trên đường rộng rãi thênh thang.
Đường hẹp là đường chẳng ai muốn đi.
Vậy mà Chúa lại bảo chúng con đi vào con đường hẹp.
Đường hẹp là đường Cha chọn cho Chúa,
cũng là đường Chúa chọn đi suốt đời.
Dù là Con Thiên Chúa,
Chúa đã sống phận người như chúng con.
sống nghèo, nay đây mai đó, bữa đói bữa no,
và chết nghèo, trần trụi trên thập giá như một tử tội.
Khi theo Chúa nghiêm túc,
Chúng con nhận ra những đòi hỏi của Chúa.
Chúng con không thể vừa chọn Chúa
vừa chọn thế gian, với những thần tượng của nó.
Chúng con không thể vừa muốn sống theo ý Chúa,
vừa chiều theo khuynh hướng tự nhiên.
Xin cho con chọn đi đường hẹp,
vì biết đó là đường dẫn đến sự sống.
Xin cho con vui sướng
khi đi trên Đường mang tên Giêsu,
vì đó là Đường duy nhất dẫn đến Thiên Chúa Cha. Amen.
5. Suy niệm (song ngữ)
Bài Đọc I: Isaia 66, 18-21
II: Do Thái 12, 5-7.11-13
21st Sunday in Ordinary Time
Reading I: Isaiah 66:18-21
II: Hebrews 12:5-7, 11-13
Gospel 22 Jesus passed through towns and villages, teaching as he went and making his way to Jerusalem. 23 Someone asked him, “Lord, will only a few people be saved?” He answered them, 24 “Strive to enter through the narrow gate, for many, I tell you, will attempt to enter but will not be strong enough. 25 After the master of the house has arisen and locked the door, then will you stand outside knocking and saying, ‘Lord, open the door for us.’ He will say to you in reply, ‘I do not know where you are from.’ 26 And you will say, ‘We ate and drank in your company and you taught in our streets.’ 27 Then he will say to you, ‘I do not know where (you) are from. Depart from me, all you evildoers!’ 28 And there will be wailing and grinding of teeth when you see Abraham, Isaac, and Jacob and all the prophets in the kingdom of God and you yourselves cast out. 29 And people will come from the east and the west and from the north and the south and will recline at table in the kingdom of God. 30 For behold, some are last who will be first, and some are first who will be last.” |
Phúc Âm 22 Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. 23 Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: 24 “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. 25 Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi’. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu tới’. 26 Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: ‘Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi’. 27 Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta’. 28 Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. 29 Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. 30 Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết”. |
Interesting Details
|
Chi Tiết Hay
|
One Main Point We gain eternal salvation by being faithful disciples, by dying to ourselves and following Jesus to Jerusalem. |
Một Điểm Chính Muốn được cứu rỗi chúng ta cần trở nên những môn đệ trung tín sẵn lòng chết đi cho chính mình và cùng bước theo Chúa Giêsu lên Giêrusalem. |
Reflections 1. To strive to enter through a narrow gate, what changes do I need to make in my life that I have been putting off? 2. In what way am I called to become last? |
Suy Niệm 1. Để tranh đấu mà qua được cửa hẹp tôi cần thay đổi những gì trong cuộc sống? 2. Tôi được mời gọi trở nên bé nhỏ trong phương diện nào. |
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37)
-
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên năm II - Hoán cải đích thực (Lc 19,1-10) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên năm II - Con mắt đức tin (Lc 18,35-43) -
Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Ngày hạnh phúc hay đau khổ (Mc 13,24-32) -
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên năm II - Tín thác (Lc 18,1-8)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy