Thứ Sáu tuần 5 Phục sinh - Hãy yêu thương nhau (Ga 15,12-27)

Thứ Sáu tuần 5 Phục sinh - Hãy yêu thương nhau (Ga 15,12-27)

Thứ Sáu tuần 5 Phục sinh - Hãy yêu thương nhau (Ga 15,12-27)

“Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”. (Ga 15,17)

 

BÀI ĐỌC I: Cv 15, 22-31

“Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên buộc thêm cho anh em gánh nặng nào khác”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, các Tông đồ, kỳ lão cùng toàn thể Hội Thánh, chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thư viết như sau: “Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Đức Giêsu, Chúa chúng tôi. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó, là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an”.

Các ngài giã từ và đi xuống Antiôkia, triệu tập dân chúng lại và trao cho họ bức thư. Đọc thư xong, họ vui mừng vì được an ủi.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 56, 8-9. 10-12

Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ngợi khen Chúa giữa chư dân (c. 10a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Lòng con bền vững, lạy Chúa, lòng con bền vững; con sẽ hát xướng, con sẽ đàn ca. Hãy thức dậy, linh hồn tôi ơi, hãy thức dậy, hỡi đàn sắt với đàn cầm, tôi sẽ làm cho bình minh thức giấc. - Đáp.

2) Lạy Chúa, con sẽ ngợi khen Chúa giữa chư dân; con sẽ hát mừng Ngài trong các nước: vì đức từ bi Chúa cao tới cõi trời, và lòng trung tín Ngài chạm ngàn mây. Lạy Chúa, xin Ngài hiện ra cao cả trên trời, xin tỏ vinh quang Ngài trên toàn cõi đất! - Đáp.

 

Tin mừng: Ga 15,12-27

12Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.

14Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm.

Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

16Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.

17Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh là đỉnh cao chói sáng của tình yêu Chúa Giêsu trao ban cho nhân loại. Nay Chúa mời gọi ta suy ngắm. Hãy cảm nghiệm tình yêu cao cả đó để hợp nhất yêu thương nhau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con thuộc lòng mười điều răn, con hiểu rằng mến Chúa yêu người là điều cốt lõi. Nhưng trong thực tế đời thường, con lại đối xử với nhau không theo tiêu chuẩn tình yêu. Lòng con đầy ích kỷ, tham vọng, và được che đậy cách khéo léo. Gia đình con chưa thực sự hiệp nhất trong tình yêu Chúa. Bầu khí gia đình chưa thật sự trên thuận dưới hoà, con cái chưa thảo hiếu, vợ chồng chưa thương yêu nhau.

Xin ánh sáng của Chúa Phục Sinh chiếu dọi vào tâm hồn con. Xin Chúa sưởi ấm và biến đổi tâm hồn con, xin làm cho tình yêu đích thực ngự trị và tỏa sáng trong con. Xin cho con biết cảm thông, biết chia sẻ, biết đón nhận nhau, biết cho đi... Nhất là xin cho con biết hy sinh đến độ quên mình như Chúa. Nhờ đó, ánh sáng vinh quang của mầu nhiệm Phục Sinh sẽ tỏa chiếu rạng ngời trong con.

Xin Chúa cho con biết sống mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh trong từng suy nghĩ, trong từng lời nói, trong cách sống, để con chết đi cho hận thù, ích kỷ, vụ lợi. Và xin cho ánh sáng vinh quang Phục Sinh chiếu tỏa qua nụ cười cảm thông, qua ánh mắt đón nhận nhau, qua sự phục vụ quên mình. Xin cho con ý thức rằng yêu thương anh em bằng tình yêu Chúa là con đang hòa điệu với nhịp đập của trái tim Chúa và là dấu chứng cho mọi người nhận ra Chúa là tình yêu. Amen

Ghi nhớ: “Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Bài giáo lý về Kitô hữu phải yêu mến nhau.

Lòng “yêu mến nhau” mà Chúa muốn các môn đệ mình phải vươn tới là những mức độ sau đây:

- “Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con.”

- “Không có tình yêu nào lớn hơn bằng tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.”

Suy gẫm

1. “Yêu thương,” “Tình gia đình,” “Huynh đệ,” “Chia sẻ,” “hiệp thông…” là những từ ngữ được nói quá nhiều nhưng nhiều khi chỉ là sáo ngữ, rỗng tuếch, ngôn hành tương phản. Chính con cũng rất nhiều lần nói như thế. Từ nay con muốn nói những chữ ấy một cách thật lòng, nhất là nói với những người cùng niềm tin, cùng lý tưởng với con.

2. Yêu thương, nếu chỉ là một cảm giác dễ chịu thì chưa phải là tình yêu thật. Tình yêu thật phải cho được, phải hy sinh. Cho đi càng nhiều, hy sinh càng lớn thì tình yêu càng đúng nghĩa. Bởi thế Chúa Giêsu nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn bằng tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.”

3. “Không có tình yêu nào lớn hơn bằng tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.” Câu Tin Mừng này khiến tôi liên tưởng đến một chuyện tôi đã đọc hồi còn nhỏ, tựa đề: “Anh phải sống.” Hai vợ chồng nghèo đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trời giông bão, họ bị nước cuốn trôi đi. Chỉ có một khúc cây đủ cho một người bám. Người chồng bảo vợ hãy bám vào khúc cây, vì “em phải sống để lo cho các con.” Người vợ cũng bảo người chồng “anh phải sống.” Cuối cùng người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và cho con.

4. “Điều Thầy truyền dạy cho anh em là hãy yêu thương nhau.” Từ 23 tháng chạp đến tết, đất Trung Quốc nhộn nhịp hẳn lên vì chuẩn bị cầu phúc. Trong những ngày này, Lỗ Tấn gặp thím Tường Lâm. Thím là một nông dân cần cù. Chồng trước thì chết sớm, chồng sau chết vì thương hàn, thằng con nhỏ thì bị chó sói vồ… Họ còn đồn rằng mai sau thím sẽ bị cưa đôi để chia cho hai con ma chồng. Thím luôn phải sống trong sợ hãi. Ai cũng nói thím là đồ ô uế. Chủ nhà không cho thím sờ tay vào các lễ vật, dù đó chỉ là cái chân đèn… Thím từ từ suy sụp và sinh hoảng loạn.

Lỗ Tấn thấy thím tóc trắng tóa, tay sách cái làn tre, trong có cái bát mẻ không đựng gì, tay kia cầm cây gậy trúc đầu toe tóe, lang thang trên đường, miệng lẩm bẩm gọi tên con mình…

Tiết trời lạnh lẽo, thím nằm chết trên một đống tuyết vào lúc giao thừa đến, pháo nổ vang trời. Các gia đình giàu có mở cửa ra, thấy vậy quát lên: “Tại sao chết vào lúc tao đang cầu phúc ?”

Lạy Chúa, có nhiều người bên con vẫn đang âm thầm đau khổ chỉ vì những suy nghĩ, lời nói và hành động thiếu yêu thương của con, xin giúp con hiểu và thực thi giới răn yêu thương của Ngài.

5. Tin Mừng hôm nay bộc bạch một cách trong suốt trái tim của bậc Thầy. Điệp khúc gói trọn lời trăn trối của Ngài là: “Hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con.” Như Ta đã yêu thương các con, đó là mức độ của một tình yêu đích thực và đặc điểm của một giáo huấn chân thật. Chúa Giêsu quả thật là yêu thương các môn đệ và yêu thương đến cùng, đó là tình yêu cao cả của người thí mạng sống mình vì bạn hữu.

Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá là mạc khải tối thượng về Thiên Chúa và về con người. Qua cái chết ấy, Chúa Giêsu cũng đồng thời mạc khải cho nhân loại rằng chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa đó yêu thương con người. Qua cái chết ấy Chúa Giêsu cũng đồng thời mạc khải cho nhân loại rằng con người chỉ có một ơn gọi, đó là sống yêu thương, càng sống yêu thương, con người càng đến gần chân lý và càng trở thành bạn hữu của Thiên Chúa.

Chân lý không phải chỉ để tin nhận, mà thiết yếu là để được thực thi, và như Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô: “Ai thực thi chân lý thì đến cùng ánh sáng.” Thật thế, ai sống yêu thương, người đó sẽ hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, phẩm giá của con người và chắc chắn sẽ cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa. Trái lại, ai nuôi dưỡng hận thù, xúc phạm đến tha nhân, người đó cũng chối bỏ chân lý về con người và về Thiên Chúa, đồng thời cũng giam hãm mình trong tăm tối của cô đơn.

Nguyện xin Đấng là chân lý ban cho chúng ta ánh sáng và sức sống thần linh của Ngài, để chúng ta luôn tiến bước trong cuộc sống với niềm tin tưởng lạc quan. Xin cho các Kitô hữu xác tín rằng chỉ bằng cuộc sống yêu thương, chúng ta mới thực sự làm chứng cho chân lý.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Các con hãy yêu thương nhau (Ga 15, 12-17)

  1. Trước khi từ biệt các môn đệ thân yêu để đi vào cuộc tử nạn. Đức Giêsu đã nói với các ông mệnh lệnh cuối cùng của Ngài, và cũng là lời trăng trối, lời di chúc của Ngài: “Đây là điều răn của Thầy, các con hãy yêu thương nhau”. Đó là câu mở đầu của bài Tin mừng, và cũng là câu cuối cùng của bài Tin mừng, Chúa nhắc lại: “Điều Thầy truyền cho các con là hãy yêu thương nhau”. Rõ ràng Đức Giêsu muốn dạy các môn đệ và chúng ta hãy yêu thương nhau.
  2. Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy yêu thương nhau bằng một tình yêu không phân biệt hay loại trừ. Yêu mà không mong đền đáp, nhưng yêu một cách vô vị lợi, luôn chia sẻ, cảm thông và tha thứ với mọi hoàn cảnh. Sẵn sàng phục vụ như người tôi tớ... và cuối cùng, coi sự sống của mình là sự sống của người khác, nên nếu cần, chấp nhận hy sinh cho người khác như Đức Giêsu đã hiến mạng vì bạn hữu của mình.
  3. Tình yêu trao ban cho anh em mà Đức Giêsu muốn người môn đệ thực hành luôn mang những đặc tính tiệm tiến:

          - Yêu như Chúa yêu: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con (Ga 15, 12) hoặc ”Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống... và sai Con Một Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1G 4, 8-11).

          - Yêu đến tận cùng như Đức Giêsu dạy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Thánh Gioan diễn tả: “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3, 16).

          - Tình yêu phải thể hiện trong việc làm: “Nếu các con giữ điều răn của Thầy”. Thánh Gioan diễn tả: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 16-18).

  1. Hy sinh cho người thân yêu là một đòi hỏi thường tình của tình yêu. Hy sinh cho người xa lạ là điều đáng khâm phục, và sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người khác được sống quả là một diễn tả tuyệt vời của tình yêu.

          Ai đã có dịp đọc cuốn tiểu thuyết “Anh phải sống” của Khái Hưng mới thấy thấm thía lời Đức Giêsu đã dạy. Nội dung cuốn tiểu thuyết nói về việc hai vợ chồng nọ quá nghèo, nên phải đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trên đường về, họ gặp trời giông bão. Họ bị nước cuốn trôi đi. Họ bám được vào một khúc cây nhưng khúc cây quá nhỏ chỉ đủ cho một người bám. Họ không thể kéo dài mãi tình trạng hai người cùng bám vào một khúc cây. Kéo dài thêm thì sẽ chết cả hai. Trước tình trạng đó, đòi hỏi họ có một sự lựa chọn. Người chồng bảo người vợ hãy bám vào khúc cây, vì “Em phải sống để lo cho các con”. Người vợ cũng bảo người chồng “Anh phải sống”. Cuối cùng, người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và các con.

  1. Tin mừng hôm nay cũng hướng chúng ta về hình ảnh yêu thương tuyệt vời này: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người yêu”. Chúa Giêsu đã cứu thoát nhân loại bằng cách hiến mạng sống mình qua cái chết trên Thập giá, như một biểu lộ tột cùng của tình yêu. Một Thiên Chúa quyền năng có thể cứu nhân loại mà không cần phải nhập thể làm người và chết trên Thập giá. Thế nhưng, Ngài đã chọn phương thế này, vì Ngài muốn cho con người có được cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Ngài theo cách thế loài người, đó là hy sinh mạng sống vì người mình yêu.
  2. Tóm lại, tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào. Tuy nhiên, người môn đệ có một tiêu chuẩn để diễn tả tình yêu đích thật là tuân giữ điều răn yêu thương của Chúa dành cho tha nhân, yêu thương một cách vô vị lợi, không so đo tính toán hơn thiệt, mà là “yêu như Chúa đã yêu” khi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì bạn hữu.
  3. Truyện: Sẵn sàng chết cho người khác

          Một vị đạo sĩ kia kể rằng: Ngày nọ, ông từ trên núi cao đầy băng tuyết đi xuống với một người Tây Tạng. Dọc đường, ông gặp một người ngã quỵ trên băng tuyết, ông nói với người Tây Tạng đồng hành:

          - Chúng ta mau lại giúp đỡ người gặp nạn đó!

          Nhưng người Tây Tạng trả lời:

          - Không ai bắt buộc chúng ta phải giúp đỡ kẻ khác, khi mà chính mạng sống của chúng ta đang bị giá lạnh đe doạ.

          Nhưng vị đạo sĩ nói:

- Dù chúng ta có phải chết vì lạnh đi nữa thì chúng ta cũng nên chết vì đã giúp người khác, đó là điều tốt đẹp hơn.

          Nói rồi, vị đạo sĩ chạy lại vác người bị nạn lên vai và khệ nệ đem người đó xuống núi, trong khi người Tây Tạng đã bỏ xuống trước. Đi được một quãng, vị đạo sĩ thấy người bạn đồng hành Tây Tạng đang nằm dài trên tuyết bất động. Thì ra, anh ta quá mệt ngồi nghỉ và bị lạnh cóng chết lúc nào không biết, còn vị đạo sĩ vì phải hết sức vác người bị nạn nên cơ thể nóng lên thêm, nhờ đó mà ông thoát chết vì lạnh.

Top