Chúa nhật 31 Thường niên năm C (Lc 19,1-10)

Chúa nhật 31 Thường niên năm C (Lc 19,1-10)

Chúa nhật 31 Thường niên năm C (Lc 19,1-10)

Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.

Bài đọc 1: Kn 11, 22 - 12, 2

Chúa thương xót mọi người, vì Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu.

Bài trích sách Khôn ngoan.

1122Lạy Chúa, trước Thánh Nhan, toàn thể vũ trụ
ví tựa hạt cát trên bàn cân,
tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất.

23Nhưng Chúa xót thương hết mọi người
vì Chúa làm được hết mọi sự.
Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người,
để họ còn ăn năn hối cải.

24Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu,
không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra,
vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.

25Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi?
Nếu như Ngài không cho hiện hữu,
làm sao nó có thể được duy trì?

26Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống,
Chúa xử khoan dung với mọi loài,
vì mọi loài đều là của Chúa.

121Quả vậy, lạy Đức Chúa, sinh khí bất diệt của Ngài
ở trong muôn loài muôn vật.

2Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ.
Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì,
để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa.

 

Đáp ca: Tv 144, 1-2.8-9.10-11.13cd-14 (Đ. x. c.1)

Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

1Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
con nguyện tán dương Chúa
và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
2Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

8Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
9Chúa nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.

Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

10Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
11nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.

Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

13cdChúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
14Ai quỵ ngã, Chúa đều nâng dậy,
kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.

Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

 

Bài đọc 2: 2 Tx 1, 11 - 2, 2

Danh của Chúa Ki-tô sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người.

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

1 11 Thưa anh em, lúc nào chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh em: xin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin. 12 Như vậy, danh của Chúa chúng ta là Đức Giê-su, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người, chiếu theo ân sủng của Thiên Chúa chúng ta và của Chúa Giê-su Ki-tô.

2 1 Thưa anh em, về ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này: 2 nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ.

 

Tin mừng: Lc 19, 1-10

1 Khi ấy, Đức Giê-su vào Giê-ri-khô, đi ngang qua thành phố ấy.

2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.

3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.

4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.

5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”

6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.

7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”

8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”

9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.

10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Câu chuyện Ðức Giêsu hoán cải người thu thuế làm nổi bật vai trò của Người: Người đến tìm và cứu chữa những gì đã hư mất. Chính Ðức Giêsu luôn đi bước trước, chỉ cần chúng ta biết mở lòng đón nhận Chúa. Như trong bài Tin Mừng, ông Giakêu đã tìm mọi cách để xem cho biết Chúa là ai. Và sau khi được Ðức Giêsu trao ánh mắt thân thương, được đối thoại và được Ðức Giêsu thăm viếng, ông đã biến đổi hoàn toàn. Ông đã sẵn sàng đền bù những của cải bất công và thực thi lòng quảng đại phi thường.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chính vì gặp được Ngài mà cuộc đời của người thu thuế, ông Giakêu, đã được biến đổi. Xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa mỗi ngày và mở lòng tiếp rước Chúa qua bí tích Thánh Thể, qua Lời Chúa. Ðể nhờ sức mạnh và ân sủng của Chúa, chúng con cũng được đổi mới, từ bỏ những việc làm bất chính tội lỗi, mà trở nên xứng đáng với ơn cứu độ Chúa ban. Amen.

Ghi nhớ: “Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

 

2. Suy niệm (Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

Sợi chỉ đỏ:

Bài đọc I: Chúa nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.”

Đáp ca: “Chúa là Đấng chậm giận và giàu tình thương”

Phúc Âm: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Bài Phúc Âm hôm nay sẽ cho ta thấy Chúa Giêsu đi tìm và cứu vớt một người tội lỗi là ông Dakêu. Chúa cũng đi tìm và cứu vớt chúng ta nếu chúng ta mở rộng cửa lòng cho Chúa vào.

II. Gợi ý sám hối

- Rất nhiều lần Chúa đứng trước cửa lòng chúng con và gõ cửa, nhưng chúng con đã không mở ra.

- Chúa biết chúng con nhiều tội lỗi và Chúa chờ chúng con sám hối để Chúa tha. Nhưng chúng con vẫn thờ ơ.

- Nhiều lần Chúa nhìn chúng con và lên tiếng kêu gọi chúng con như Chúa đã nhìn và kêu gọi ông Dakêu. Nhưng chúng con không đáp lại.

III. Phân tích (Hạt giống…)

1. Bài đọc I (Kn 11,22--12,2)

Nhìn lại lịch sử, tác giả sách Khôn ngoan khám phá được đường lối hành xử của Thiên Chúa: Ngài đối xử rất khoan hồng đối với những người tội lỗi.

Tác giả cũng thấy được lý do của cách hành xử ấy: ”vì Chúa yêu sự sống” và không muốn ai phải chết. Bởi thế ”những ai sa ngã, Ngài sửa dạy từ từ… để họ bỏ điều ác”.

2. Đáp ca (Tv 144)

Ca tụng lòng nhân từ của Chúa: ”Ai quỵ ngã Chúa đều nâng dậy. Kẻ bì đè nén, Ngài cho đứng thẳng lên.”

3. Phúc Âm (Lc 19,1-10)

Mở đầu câu chuyện, ông Dakêu được mô tả là kẻ tội lỗi: thu thuế (lại còn ”đứng đầu những người thu thuế”) và lo thu tích của cải (“và là người giàu có”) - Cuối câu chuyện, ông thay đổi hẳn: ”Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”; phân phát tài sản cho người nghèo (là điều Chúa Giêsu thường khuyên làm. x. Lc 12,33-34 16,1-8 16,9-13 v.v.); đền bù những thiệt hại đã gây cho người khác.

Có hai nhân tố tạo nên sự thay đổi đó:

- Một là những cố gắng của chính Dakêu: “tìm cách xem” mặt Chúa Giêsu, “chạy tới phía trước”, “leo lên một cây sung để xem Chúa Giêsu”.

- Hai là lòng nhân từ của Chúa Giêsu: Ngài “nhìn lên” ông, Ngài gọi ông “xuống mau đi”, Ngài đưa đề nghị đến nhà ông ”Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Chúa Giêsu tự giới thiệu là ”Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

4. Bài đọc II (2Tx 1,11--2,2)

Ở giáo đoàn Thêxalônica, một số tín hữu cho rằng ngày tận thế đã gần đến. Vì thế họ đâm ra lười biếng không muốn làm việc nữa.

Thánh Phaolô viết thư khuyên tín hữu đừng tin vào những luận điệu ấy.

IV. Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Ông Dakêu hoán cải trở lại

Câu chuyện được kể lại trong bài Phúc Âm hôm nay có nhiều tình tiết diễn biến như một vở kịch sinh động. Vậy chúng ta hãy theo dõi lần lượt những diễn biến đó.

- Khởi đầu nhân vật thứ nhất xuất hiện. Đó là Chúa Giêsu. Ngài đang đi trên lộ trình ngang qua thành Giêricô để tiện về thành Giêrusalem. Ngài chỉ đi như vậy thôi hay là còn có một mục đích nào khác nữa không? Câu chót của đoạn Phúc Âm này cho thấy Chúa không phải chỉ đi lang thang, mà có mục đích rõ ràng, đó là để ”tìm cứu vớt những gì đã hư hỏng”.

- Tới phiên nhân vật thứ hai xuất hiện, đó là ông Dakêu, một người giàu có nổi tiếng ở thành phố Giêricô này. Ông làm giàu nhờ nghề nghiệp của ông, trưởng ban thu thuế. Dĩ nhiên nếu chỉ có đồng lương hàng tháng thì ông không giàu như vậy được. Sở dĩ ông giàu là vì ông đã gian lận trong việc thu thuế. Ai cũng coi ông là một kẻ tội lỗi. Phần Dakêu dù giàu nhưng vẫn thấy thiếu thốn một cái gì đó trong tâm hồn, ông đang muốn tìm cái đó thì hay tin có Chúa Giêsu đang đi ngang qua thành phố. Ông vội vàng chạy tới để mong gặp được Ngài. Nhưng dân chúng thì đông, mà ông thì thấp lùn không thể nhón gót lên mà thấy Ngài được, nên ông trèo lên một cây sung cho dễ nhìn.

- Xin hãy chú ý nghĩa của những chi tiết này: Chúa Giêsu đang đi tìm người tội lỗi, và người tội lỗi cũng đang đi tìm Chúa. Hai bên gặp nhau và ơn cứu rỗi được thực hiện. Ơn Cứu rỗi là kết quả của sự găïp gỡ của 2 phía: phía Chúa và phía người tội lỗi. Nếu Chúa không đi tìm thì chẳng ai được cứu rỗi. Nhưng dù Chúa có tìm mà người tội lỗi không đáp lại thì cũng chẳng có ơn cứu rỗi. Phải có sự hợp tác của cả 2 phía.

- Khi hai nhân vật ấy gặp nhau, thì ai lên tiếng trước? Thưa là Chúa Giêsu. Ngài nhìn lên cây sung và nói với Dakêu. Xin chú ý lần nữa, chi tiết Chúa Giêsu lên tiếng trước cũng có ý nghĩa lắm: mặc dù ơn cứu rỗi là sự hợp tác giữa 2 phía, nhưng sáng kiến khởi đầu là từ phía Chúa.

- Chúng ta hãy theo dõi tiếp câu chuyện. Chúa Giêsu lên tiếng trước, nhưng Ngài nói gì? Chúa nói “Ông Dakêu ơi, xuống mau đi vì hôm nay tôi cần đến trọ ở nhà ông”. Lại một lần nữa xin chú ý: Chúa Giêsu quả là người tế nhị. Chúa muốn giúp ông Dakêu nhưng lại nói là Chúa cần ông giúp đỡ. Tế nhị là ở chỗ đó, để sau đó ông Dakêu không ngại nhận sự giúp đỡ của Chúa.

- Bây giờ tới nhóm nhân vật thứ ba, là quần chúng. Khi họ nghe Chúa Giêsu nói là muốn đến ở trọ nhà một tên thu thuế tội lỗi như vậy thì họ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng: không lẽ nào một người thánh thiện như Chúa Giêsu mà lại đến ở nhà một người tội lỗi như ông Dakêu sao?

- Phần ông Dakêu thì quá mừng rỡ trước đề nghị của Chúa Giêsu. Ông tức khắc có một quyết định là từ nay sẽ chấm dứt lỗi làm ăn tội lỗi cũ. Ông sẽ lấy phân nửa tài sản của ông để bố thí cho những người nghèo. Còn đối với những người đã bị ông gian lận tiền bạc thì ông sẽ đền cho họ gấp bốn. Chúng ta nên biết rằng theo luật đạo Do thái ai phạm tội lỗi đức công bình mà muốn được tha thì tùy mức tội nặng nhẹ mà phải đền bù với mức độ khác nhau: nhẹ thì đền trả đủ số và cộng thêm 1/5; nặng thì phải đền gấp đôi. Ông Dakêu xin đền gấp bốn nghĩa là ông tự thú tội ông quá năng. Còn theo luật Rôma thì đối với những tội trộm cắp công khai thì phải đền gấp bốn. Ông Dakêu xin đền gấp bốn tức là ông cũng thừa nhận mình là một tên tội lỗi công khai. Cho nên quyết định của ông vừa là khiêm nhường, vừa là công bình vừa là bác ái.

- Nhưng khi Dakêu chịu bỏ ra phân nửa tài sản đó bố thí cho kẻ nghèo, lại sẵn sàng đền gấp bốn cho những ai bị ông làm thiệt hại thì tính ra số tiền ông phải bỏ thật quá nhiều. Ông làm như vậy có phải là quá đáng không? Hay hỏi cách khác: ông có tiếc vì phải bỏ quá nhiều như vậy không? Thưa chắc chắn là không, vì chính ông tự nguyện làm như thế. Vả lại cái mà ông bỏ đi so với cái mà ông nhận được, tức là ơn tha thứ, thì chẳng thấm tháp vào đâu cả. Cho nên ông không hề tiếc. Hơn nữa, cuộc trở lại nào mà không phải từ bỏ.

- Chúng ta hãy dừng lại ở tư tưởng chót này: Bất cứ cuộc trở lại nào cũng đòi phải từ bỏ. Một người từ trước tới giờ không có đạo, tin vào đủ thứ mê tín dị đoan, nay trở lại theo đạo thì phải từ bỏ tất cả những mê tín dị đoan ấy chỉ còn tin vào một mình Chúa duy nhất mà thôi. Một người bấy lâu nay không giữ đạo, sống bê tha tội lỗi, nay muốn ăn năn trở lại thì cũng phải từ bỏ con đường tội lỗi cũ. Đó là những cuộc trở lại lớn. Còn những cuộc trở lại nhỏ hơn thì cũng thế, cũng phải từ bỏ. Từ trước tới giờ, anh làm ăn bằng những mánh khóe gian lận, nay anh muốn trở lại sống tốt thì tức nhiên anh phải bỏ những món tiền gian lận ấy. Chứ không thể nào vừa muốn sống đàng hoàng mà vừa tiếp tục những kiểu làm ăn gian lận cũ được. Hay từ trước tới giờ anh quen nhậu nhẹt rượu chè say sưa, làm cho gia đình buồn khổ, làm cho phẩm cách mình bị hạ thấp, nay anh muốn sống tử tế lại thì đương nhiên anh phải bỏ tật rượu chè say sưa ấy. Có một số người ghiền rượu đã nói rằng: bỏ rượu thì nếu cố gắng một chút chắc sẽ bỏ được, nhưng cái khó là như người ta nói, muốn bỏ rượu thì phải bỏ bạn luôn. Gương từ bỏ hết sức quảng đại của ông Dakêu là câu trả lời cho thắc mắc đó: Nếu thực tình muốn sống đàng hoàng hơn, thì phải thực sự bỏ rượu, mà nếu vì bỏ rượu mà mất bạn, thì cũng phải đành mất vậy thôi. Bởi vì chân lý đã được nêu rõ trong bài Phúc Âm này: bất cứ cuộc trở lại nào, dù lớn dù nhỏ, cũng đòi ta phải từ bỏ hết.

Niềm vui sướng của ông Dakêu khi trở lại là một niềm vui rất lớn. Lớn đến nỗi ông trở thành một con người hết sức hào phóng, quảng đại bỏ đi hơn phân nửa tài sản của mình mà cũng không tiếc. Nếu chúng ta trở lại từ những gì xấu xa khuyết điểm cũ của ta để sống đàng hoàng tử tế hơn, thì chắc chúng ta cũng sẽ hưởng được niềm vui sướng to lớn như vậy trong tâm hồn. Nhưng, như Phúc Âm hôm nay dạy, bất cứ cuộc trở lại nào cũng đòi hỏi phải từ bỏ. Vậy, trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa ban thêm ơn giúp chúng ta can đảm từ bỏ, để chúng ta được vui mừng trong niềm vui trở lại.

2. Có một cái nhìn như thế

Nhiều đệ tử đang theo học Thiền định dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Một người trong bọn họ thường hay thức dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thoả thích.

Một đêm kia, Sengai đi giám thị phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường dùng để leo qua tường. Sengai dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về, không biết rằng Sengai là chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Lúc khám phá ra việc mình đã làm, anh ta hoảng sợ, nhưng Sengai nhẹ nhàng bảo:

- Sáng sớm hôm nay trời lạnh lắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy?

Từ đó, người đệ tử ấy không bao giờ bỏ ra ngoài ban đêm nữa. Anh chuyên tâm học tập và trở thành người đệ tử gương mẫu của thầy Sengai.

Thiên Chúa không những tế nhị, dịu dàng, và nhân từ như thầy Sengai mà Người còn khoan dung, tha thứ và yêu thương những con người tội lỗi.

Ông Gia kêu là một trưởng ty thuế vụ thành Giêricô, một người giàu có vì lạm thu bất chính. Ông bị liệt vào số những kẻ tội lội, bị khai trừ và khinh bỉ. Chúa Giêsu không nhìn ông bằng con mắt ấy, Người ngước nhìn ông đang ngồi trên cây sung; một cái nhìn thân thiện, có sức cảm hoá tâm hồn; một cái nhìn nhân từ như không thấy tội gì trong ông. Chính cái nhìn đầy chân tình và yêu thương ấy đã khiến ông nhìn lại chính mình và quyết tâm đổi mới.

Người nói với ông: ”Này Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5). Hạnh phúc quá bất ngờ: Người không chỉ biết ông đang ở trên cây mà còn biết cả tên ông. Người không chỉ muốn đến thăm mà còn xin ở lại nhà ông. Ông chỉ có một ao ước nhỏ nhoi là được nhìn thấy Người, nhưng Người lại cho ông cả một ân huệ lớn lao vượt quá lòng ông mong ước. Ông chỉ muốn thấy kẻ đã chữa cho anh mù Báctimê là người thế nào, nhưng chính Đấng ấy lại chữa lành đôi mắt tâm hồn ông.

Vâng, chính đôi mắt tâm hồn ông đã bừng sáng, để ông không chỉ thấy một con người bình thường trước mặt, nhưng còn thấy Người chính là Đấng ban ơn cứu độ, đầy lòng nhân từ và xót thương; để ông không chỉ thấy tiền bạc là tất cả nhưng còn thấy cần chia sẻ và trao ban. Ông đã quá vui mừng hứa với Chúa: ”Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Và chúa chỉ chờ có thế, để nói với mọi người: ”Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham” (Lc 19,9). Thật vậy, ở đâu có Chúa hiện diện là có ơn cứu độ, ở đâu có ơn cứu độ là có sự tha thứ. Ông Dakêu đã được thứ tha để được nhận lại làm con cái Ápraham, con cái của lòng tin, con cái của Thiên Chúa.

Và chắc chắn, không ai có thể ngăn cản ông ngồi đồng bàn với Chúa, trong bữa tiệc hân hoan ngay sau đó. Chắc chắn, ông Gia kêu không còn giàu có như trước nữa, nhưng ông sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Chắc chắn thân xác ông vẫn lùn như xưa, nhưng tâm hồn ông đã cao thượng hơn gấp bội. Những người được Chúa ”tìm đến và cứu chữa” bao giờ cũng trỗi vượt trong nhân cách và kiên vững trong lòng tin.

Lạy Chúa, có rất nhiều người cần chúng con nhìn họ với cái nhìn của Chúa. Có rất nhiều người mong chúng con ghé thăm.

Xin cho chúng con một tấm lòng khoan dung như Chúa, và một tâm hồn quảng đại như Dakêu, để cả thế giới này trở nên con cái Ápraham, và được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa. Amen.

3. Hoán cải bằng con tim

Chắc hẳn Dakêu đã nghe người ta nói nhiều điều tốt về Chúa Giêsu. Nhưng ông muốn chính mình gặp Ngài, lý do thứ nhất là để xem tướng mạo Ngài ra sao, và lý do thứ hai quan trọng hơn là để biết con người của Ngài thế nào.

Hôm đó cũng có rất đông người muốn nhìn thấy Chúa Giêsu. Họ ở cạnh Ngài, họ bao quanh Ngài. Còn Dakêu thì không đến gần được, ông phải trèo lên một cây sung. Thế mà Chúa Giêsu lại đặc biệt để ý tới ông. Thật sung sướng khi được người khác để ý tới.

Tuy nhiên, để ý tới ai không hẳn chỉ là để chăm sóc hay khen ngợi người đó. Nếu người đó là kẻ xấu thì có thể người ta để ý tới để mà dò xét hay khiển trách. Dakêu là người xấu, nhưng Chúa Giêsu để ý tới ông không phải để khiển trách. Ngài dừng lại và nhìn lên ông. Dakêu hiểu là Chúa Giêsu quan tâm đến ông. Được để ý tới là sung sướng, được quan tâm lại càng sung sướng hơn.

Chúa Giêsu còn nói với Dakêu nữa. Đặc biệt là Ngài không nói một lời nào về những tội lỗi của ông. Thay vào đó Ngài gọi đích danh ông “Này ông Dakêu”. Rồi Ngài gọi ông xuống “Xuống mau đi”. Ngài còn ngỏ ý muốn đến trọ nhà ông “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Điều này không ai ngờ. Dakêu không ngờ, mà tất cả mọi người có mặt ở đó cũng không thể ngờ một người đạo đức như thế mà lại đến trọ nhà một người tội lỗi công khai. Dakêu sung sướng quá, “Ông vội vàng trèo xuống và mừng rỡ đón rước Ngài”. Ban đầu ông chỉ mong nhìn được Chúa Giêsu một cái thôi. Bây giờ ông được nhìn Ngài mặt đối mặt và sắp được ở chung với Ngài ngay trong nhà của ông nữa.

Dakêu đã biết chẳng những tướng mạo mà cả con người của Chúa Giêsu. Ông còn biết được tâm hồn dạt dào yêu thương của Ngài nữa.

Và khi nhìn thấy tâm hồn Chúa Giêsu rồi, Dakêu cũng nhìn lại tâm hồn của ông: một tâm hồn đầy tội lỗi. Ông thấy đời mình bấy lâu nay như một sa mạc khô cằn, thế mà hôm nay Chúa Giêsu lại đến, như một cơn mưa rào.

Thế là Dakêu hoán cải. Cuộc hoán cải thể hiện bằng những hành động cụ thể: đền bồi tất cả những thiệt hại đã gây ra cho người khác, và phân chia tài sản mình cho những người nghèo. Đây không phải là hoán cải chỉ bằng ý muốn mà bằng cả con tim: Dakêu đã biết xót xa cho những người bị ông làm thiệt hại, và biết yêu thương những người nghèo khổ. Đây chính là sự hoán cải thật, vì con tim có hoán cải thì cuộc đời mới hoán cải thật.

Con tim của Dakêu hoán cải nhờ Chúa Giêsu đã để ý tới ông, quan tâm ông, đối xử nhẹ nhàng với ông. Goethe đã viết: “Hãy đối xử với một người như người ấy , và người ấy sẽ xấu hơn. Hãy đối xử với người ấy như người ấy phải là, hoặc như người ấy muốn là, và người ấy sẽ tốt hơn. Bởi vì những ước muốn trong chúng ta chính là phần tốt nhất của con người chúng ta”.

Chúa Giêsu hiểu rằng những việc làm xấu của Dakêu không phải là toàn phần con người của ông; Ngài hiểu trong ông còn có phần tốt, phần muốn làm điều tốt và có khả năng làm những điều tốt ấy. Ngài đã khơi lên chính cái phần tốt ấy.

Cuộc hoán cải của Dakêu là hoán cải con tim, là hướng con tim về điều tốt.

Cũng giống như Dakêu, trong con người chúng ta cũng có phần tốt mặc dù có thể phần tốt ấy xưa nay bị những việc xấu chèn ép và chưa phát huy ra. Hãy hoán cải con tim bằng cách để Chúa để ý đến ta, quan tâm ta, nói với ta, trọ trong tim ta và đánh động con tim ta.

4. Từ đứng nhìn đến tham dự

Nhiều khi chúng ta xem Tivi, thấy những cảnh nghèo, cảnh khổ, cảnh tai nạn… Chúng ta cảm động. Nhưng chỉ một thoáng thôi. Sau đó tới phần chiếu phim, chúng ta say sưa theo dõi chuyện phim, những xúc động kia đã tan biến đâu mất. Nghĩa là chúng ta thường là khách bàng quan, là khán giả.

Ông Dakêu cũng thế. Hôm đó ông muốn làm khán giả. Ông trèo lên một cành cây để nhìn xuống. Ở vị trí đó, ông có thể nhìn Chúa Giêsu và nhìn mọi người mà không bị ai nhìn ông. Ông là một người ngoài cuộc, không cùng đám đông đi theo Chúa Giêsu. Cũng như trước đó ông đã là một người ngoài cuộc: ông giàu có, đầy đủ, không cần đến ai, cũng không muốn dây dưa làm chi đến đa số người khác nghèo nàn thiếu thốn.

Nhưng điều gì đã xảy ra? Chúa Giêsu gọi Dakêu xuống, Ngài ngỏ ý đến trọ nhà ông. Nghĩa là Ngài kéo ông ra khỏi tư thế khán giả bàng quan để nhập cuộc và tham gia. Và như chúng ta thấy, Dakêu đã tham gia tích cực như thế nào.

5. Dakêu, tấm gương hoán cải

Câu chuyện về ông Dakêu có nhiều chi tiết giúp chúng ta hiểu thế nào là hoán cải thật:

- Ông tích cực đi tìm Chúa: “Ông chạy tới phía trước, leo lên một cây sung”.

- Khi nghe tiếng Chúa gọi, ông đã nhanh chóng và vui mừng đáp lại: “Ông vội vàng tụt xuống”

- Ông còn “vui mừng đón rước Ngài về nhà”.

- Ông nhìn nhận tội lỗi của mình và còn thứ nhận trước mặt mọi người.

- Ông đền bù những thiệt hại mình gây cho kẻ khác

- Hơn nữa, Ông còn lấy tài sản bố thí cho người nghèo.

Hoán cải thật là từ bỏ những tội lỗi, quảng đại đáp lại tiếng Chúa và tổ chức lại đời sống mới.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

CON NGƯỜI ĐƯỢC ĐỔI MỚI

A. DẪN NHẬP

Thiên Chúa yêu thương và cứu chữa mọi người”, đó là chủ đề của Lời Chúa hôm nay.

Thiên Chúa yêu thương mọi loài. Lý do: nếu Chúa không yêu thương thì Ngài đã không tạo dựng, nếu Ngài ghét bỏ thì Ngài đã không bảo tồn (bài đọc 1). Câu chuyện ông Giakêu là một minh hoạ sống động và cụ thể cho tư tưởng trên đây. Quả thật, Thiên Chúa không thiên vị ai, không khinh bỉ ai, Ngài chỉ nhìn đến thiện chí của người ta và ban ơn cứu độ.

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại cho chúng ta câu chuyện của ông Giakêu trở lại như thế nào. Vào thời ấy, những người thu thuế bị xếp chung với hạng người trộm cắp, giết người và đĩ điếm. Hơn nữa, vì họ làm việc cho người La mã, nên người ta cho họ là những kẻ phản bội và ruồng bỏ họ. Trái lại, Đức Giêsu lại có lối hành xử khác, Ngài kêu gọi ông, lại còn đến ăn uống và trọ trong nhà ông nữa. Việc này làm cho người Do thái rất tức giận. Ngài xử sự như thế để tỏ rõ sứ mạng của Ngài là “đến tìm và cứu chữa những gì hư mất”. Cảm động bởi lòng nhân hậu của Đức Giêsu, Giakêu đã nhận thấy những sai lầm của mình và quyết tâm sửa đổi.

Sai lầm là bản tính của con người và tha thứ là bản tính của Thiên Chúa” (A. Pope). Đối với những người tội lỗi, chúng ta hãy có thái độ khoan dung và tạo điều kiện cho họ ăn năn hối cải. Còn đối với từng người chúng ta, không ai dám nhận là mình hoàn toàn trong sạch, không bao giờ lầm lỗi. Hãy tin vào lòng nhân hậu và thương xót của Chúa, hãy tìm đến gặp Ngài và quyết chí thay đổi cuộc sống của mình để nên tốt hơn.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Kn 11, 22-12, 2

Kết luận một trình thuật về cuộc Xuất hành, câu chuyện khá độc đáo ở điểm tác giả nhấn mạnh việc Thiên Chúa nương tay đối với người Ai cập (Kn 11, 15-20). Vì sao Ngài nương tay? Bởi vì Thiên Chúa thương yêu “tất cả những gì hiện hữu”; nếu không, Ngài đã không tạo thành. Vì thế, Thiên Chúa yêu thương mọi người bất kỳ ai và mời gọi họ hoán cải.

Nhìn lại lịch sử, tác giả sách Khôn ngoan khám phá được đường lối hành xử của Thiên Chúa: Ngài tỏ ra rất khoan hồng đối với những người tội lỗi. Đây là một giảng dạy ngược với cách sống khép kín của dân Do thái lưu lạc, họ không muốn tỏ cho lương dân thấy Thiên Chúa không ngừng yêu thương họ.

+ Bài đọc 2: 2Tx 1, 11-2, 2

Các Kitô hữu ở Thessalonica hoang mang bởi những lời tiên tri, những câu chuyện và những lá thư được gán cho thánh Phaolô nói đến ngày tận thế đã gần kề. Vì thế, họ đâm ra lười biếng không muốn làm việc nữa.

Để giải toả những lo lắng của họ, thánh Phaolô viết lá thư thứ hai này khuyên họ đừng tin vào những luận điệu mơ hồ ấy.

+ Bài Tin mừng: Lc 19, 1-10

Câu chuyện ông Giakêu là một minh hoạ cụ thể những khẳng định của sách Khôn ngoan: “Chúa xót thương mọi người và tạo điều kiện cho họ ăn năn hối cải”.

Giakêu là một người đứng đầu những người thu thuế, ông rất giầu. Ông muốn tìm cách để biết xem Đức Giêsu là người thế nào. Thiện chí của ông đã được đáp ứng: Đức Giêsu hứa sẽ đến nhà thăm ông. Việc này đã làm cho nhiều người khó chịu, họ xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”

Được Chúa thương vào nhà thăm, ông rất phấn khởi và tỏ ra quảng đại, ông đã tự nguyện hứa với Chúa: lấy nửa tài sản mà phân phát cho người nghèo và nếu làm hại đến ai thì xin đền gấp bốn.

Đức Giêsu đã chấp nhận lòng quảng đại của ông và đã tuyên bố: “Hôm nay, nhà này được ơn cứu độ”. Lời tuyên bố này phù hợp với lời Ngài đã phán: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Nhờ Đức Kitô, ông Giakêu không những đã được giải hoà cùng Thiên Chúa mà còn được làm hoà cùng anh em đồng loại nữa.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Xanh vỏ đỏ lòng

I. ĐỨC GIÊSU KÊU GỌI ÔNG GIAKÊU

Bài Tin mừng hôm nay nhằm nói lên sứ mạng của Đức Giêsu là “tìm và cứu chữa những gì đã hư mất”. Ông Giakêu đã là người được cứu chữa. Ông là thủ lãnh những người thu thuế ở Giêricô, nhờ gặp được Đức Giêsu nên đã được ơn hoán cải. Do thành tâm đi tìm biết Đức Giêsu, nên ông đã được gặp và còn được Ngài đến thăm nhà mình nữa. Trước tình thương của Đức Giêsu, ông đã tỏ ra quảng đại, chia nửa phần tài sản cho kẻ khó và đền bù gấp bốn những ai ông đã làm hại. Vì thế Đức Giêsu đã tuyện bố: “Hôm này, nhà này được ơn cứu độ”.

1. Hoàn cảnh

Giêricô có biệt danh thật thơ mộng và đẹp đẽ là “Moon City”: thành phố Nguyệt Nga, một thành phố quan trọng ở phía Bắc của Biển Chết, ở cách Giêrusalem 37 km, thấp hơn mặt biển 256 mét. Giêricô là thành phố cuối cùng trong cuộc hành trình của những người hành hương lên Giêrusalem.

Trên con đường dẫn vào thành phố Giêricô có hai hàng cây đổ bóng mát. Loại cây thường được trồng có tên là sycamore – cây sung. Sung là một loại cây kết hợp hình thù của cây vả và cây dâu, với những cành to lớn không cách xa khỏi mặt đất, rất dễ trèo lên, dù người thấp bé và lùn như Giakêu.

“Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy” để đi lên Giêrusalem và đây là giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình. Ngài lên Giêrusalem và chịu tử nạn ở đó. Trong cuộc hành trình này, tình cờ Ngài đã gặp ông Giakêu.

2. Con người ông Giakêu

Ông là người Do thái, tên Giakêu tiếng Do thái là “Zakkay” có nghĩa là “người thanh khiết – người công chính”. Phải chăng là một sự hài hước, hoặc chế diễu? Ông không thanh khiết tí nào vì lòng ham mê tiền bạc, tham nhũng, hối lộ và hà hiếp dân lành?

Nhưng chúng ta hãy chờ cho câu chuyện chấm dứt.

Giakêu là trưởng ty thuế vụ giầu có ở Giêricô. Thu thuế là một nghề bị người Do thái khinh chê, ghét bỏ. Ngay cả những người Rôma cũng không muốn làm nghề này, nên họ mướn những người Do thái làm. Kẻ làm nghề thu thuế bị coi là người phản bội lại dân tộc, chạy theo đế quốc Rôma. Họ bóc lột tiền bạc của dân chúng càng nhiều càng tốt, để chính họ có thể tránh né khỏi phải trả thuế.

Giakêu, một con người bị tránh xa như dịch tễ. Kẻ tội lỗi hoàn toàn bị hư mất. Đồ thối tha. Cấm không được giao du với con người hư hỏng ấy. Người ta nhổ xuống đất và quay mặt đi khi đi ngang qua con người ấy.

Ta thử tưởng tượng điều gì có thể thúc đẩy Giakêu bất chấp sự chế diễu, đã xắn chiếc áo thụng của một ông trưởng giả Do thái và có lẽ cái áo choàng La mã, để leo lên cây sung như một thằng nhóc tầm thường. Vì tính tò mò chăng? Vì sự lôi cuốn mầu nhiệm chăng? Vì nỗi khắc khoải mơ hồ và chán chường cuộc sống của mình chăng? Phải nói rằng đây là cử chỉ nói lên lòng khao khát của Giakêu muốn nhìn thấy Đức Giêsu tận mắt, chứ không chỉ nghe thấy tiếng vang của Ngài đối với người bình thường. Cử chỉ này không có gì đáng nói, nhưng đối với Giakêu, một người thu thuế tội lỗi bị người ta khinh bỉ và sống cách biệt, mà lại có lòng khao khát như vậy thì quả là một người có thiện chí và lòng ngay.

3. Đức Giêsu gọi tên ông

Đứng trên cây sung, Giakêu đang trố mắt nhìn xuống Đức Giêsu, nhưng đồng thời Đức Giêsu cũng trố mắt nhìn lên Giakêu. Bốn con mắt nhìn nhau thật thắm tình. Đức Giêsu lên tiếng gọi: “Hỡi Giakêu hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ông”. Một lời kêu gọi bất ngờ đối với Giakêu, vì Ngài gọi tên riêng ông, nhưng đối với Chúa thì không. Ta nhận thấy Đức Giêsu biết rõ con người của ông, chứ không phải là một cuộc gặp gỡ tình cờ, ngẫu nhiên. Chúa đã gọi đúng tên ông như đã quen biết ông từ lâu rồi. Chúa tỏ ý muốn vào nhà thăm và ở lại với ông như người bạn thân.

Nghe được lời mời gọi này, Giakêu quá sung sướng nên vội vã tụt xuống. Vì quá lòng mong ước, nên Giakêu cũng có một lòng hiếu khách, một đức tính sẵn có trong dòng máu Do thái, ông đã mời Đức Giêsu vào nhà và tiếp đãi rất ân cần.

Việc Đức Giêsu vào nhà ông Giakêu ăn tiệc, lại còn muốn trọ tại nhà ông mấy bữa làm cho mấy người biệt phái ưa chỉ trích rất bất mãn, vì theo quan niệm của người Do thái, việc giao thiệp với người tội lỗi đưa đến sự dơ bẩn (Lc 5, 30; 7, 34; 15, 2). Việc lẩm bẩm chỉ trích như vậy tỏ thái độ khắt khe của con người đối với tội nhân, nhưng cử chỉ đón nhận của Đức Giêsu đối với tấm lòng ngay và thiện chí của Giakêu lại là thái độ đầy tình thương và cứu độ của Thiên Chúa đối với tội nhân.

Thấy thái độ thành thực của Giakêu, Đức Giêsu đã tuyên bố: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Giakêu trở thành kiểu mẫu đón nhận ơn cứu độ và là cơ hội để Đức Giêsu khẳng định sứ mạng của Ngài: “Con Người đến đi tìm và cứu những gì đã hư mất”. Giakêu là con cái Abraham, nhưng đối với Giakêu, người Do thái cho là tội lỗi, không thuộc về dòng dõi Abraham nữa, thì nay nhờ ơn cứu độ lại là con cái Abraham một cách đúng nghĩa: Con cái Abraham không phải theo xác thịt nhưng là người được Thiên Chúa cứu độ.

II. CON NGƯỜI ĐƯỢC ĐỔI MỚI

1. Tiếng gọi của Thiên Chúa

Người ta nói: “Con mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Câu nói văn hoa và thâm thuý này chắc hẳn bắt nguồn từ Lời Đức Kitô: “Đèn của thân thể là con mắt…” (Mt 6, 22t; Lc 11, 34t). Hiểu được ánh mắt của một người quả là không mấy dễ dàng (có chăng là ánh mắt tuổi thơ). Vì ánh mắt của một người là biểu lộ của chính tâm hồn người đó… Mà mấy ai trong chúng ta dám cho rằng mình hiểu được tâm hồn ai? Dĩ nhiên là tuỳ vào cách xử sự và hành động… Như qua bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay, trong khi những người biệt phái chỉ nhìn các người thu thuế (như Giakêu) bằng cái nhìn khinh thị kết án – thì Đức Kitô, với cái nhìn tuyệt vời không những đã làm đổi mới cuộc đời ông và gia đình, mà còn bao điều tốt đẹp cho những người từng bị điêu đứng vì Giakêu. Cao quí biết bao chỉ một cái nhìn…

Cái nhìn của Đức Giêsu là cái nhìn chinh phục, cái nhìn của tình thương muốn cứu vớt, một cái nhìn có sức cảm hoá tâm hồn, một cái nhìn nhân từ, như không thấy tội gì trong ông. Chính cái nhìn đầu tiên chân tình và yêu thương ấy đã khiến ông nhìn lại chính mình và quyết tâm đổi mới.

Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước, con người theo sau. Người ta có thể gọi cây sung là “nơi hai ánh mắt gặp nhau”. Bề ngoài, cái nhìn đầu tiên là của Giakêu, đang cháy bỏng ước muốn xem Đức Giêsu. Nhưng sẽ không có gì xẩy ra, nếu Đức Giêsu không ngước mắt nhìn lên Giakêu ở cây sung. Chúng ta tưởng rằng chúng ta tìm kiếm Chúa, trong khi mà chính Ngài tìm kiếm chúng ta trước, tự muôn đời.

2. Sự đáp trả của con người

Được đón nhận lòng nhân hậu và thương xót của Đức Giêsu, Giakêu đã tỏ bầy một tâm trạng muốn hoán cải đời sống bằng cách ông muốn thực hiện ngay việc bác ái và công bằng. Ông quyết định đem nửa phần gia tài mình phân phát cho người nghèo, và nửa phần còn lại ông cũng không định giữ riêng cho ông, song ông sẽ dùng để đền bù cho tất cả những gian lận mà ông tự thú đã phạm.

Trong việc đền trả này ông lại còn đi xa hơn điều luật pháp đòi hỏi. Chỉ khi nào trộm là một hành động bạo lực và dụng tâm gây tàn hại, bấy giờ mới phải đền bù gấp bốn (x. Xh 22, 1). Nếu chỉ là việc trộm cắp thường và nguyên vật không thể hoàn trả, thì phải tính gấp đôi mà đền (x. Xh 22, 4.7). Nếu bị can tự thú và tình nguyện hoàn trả thì chỉ phải trả theo giá nguyên vật, cộng thêm một phần năm nữa thôi (x. Lv 6, 5; Ds 5, 7). Giakêu nhất định làm nhiều hơn điều luật pháp đòi hỏi. Bằng hành động, ông tỏ ra đã được biến cải.

Giakêu đã tỏ ra là con người quảng đại sau khi đã hoán cải. Việc bố thí cho người nghèo sinh ích lợi nhiều cho ông.

Thánh kinh đã làm chứng: “Bố thí thì cứu cho khỏi tội và khỏi chết” (Tb 4, 11).

Tiên tri Đaniel viết theo: “Hãy chuộc tội con bằng bố thí, và bằng sự thương yêu kẻ khó nghèo” (Dn 4, 24).

Nơi khác lại khen: “Của bố thí bay lên như hương thơm trước mặt Chúa” (Cv 11, 4).

Đức Giêsu hứa: “Hãy bố thí, rồi mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các con” (Lc 11, 41).

Khi ở thành Rages về, sứ thần Raphael bảo cha con ông Tobia: “Nước mắt ông chảy ra cũng như của làm phúc bố thí với những lần bỏ bữa ăn đi chôn xác kẻ chết, Ta đã thu lượm và dâng lên trước mặt Thiên Chúa… bây giờ Ta về với Đấng đã sai Ta, ông hãy tạ ơn Thiên Chúa” (Tb 12, 12-13).

3. Khả năng đổi mới của con người

Sách Tam tự kinh có viết: “Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận tập tương viễn”. Bản tính của con người lúc đầu là tốt, nhưng vì hoàn cảnh mà trở nên xấu. Đây là chủ trương lạc quan của Mạnh Tử. Trái lại, Mặc Tử lại chủ trương: “Nhân chi sơ tính bản ác”. Nếu bản tính con người vốn tốt mà vì hoàn cảnh mà trở nên xấu thì dễ sửa hơn, còn nếu bản tính mà xấu rồi thì sẽ sửa làm sao?

Chúng ta phải khẳng định rằng con người xấu có thể trở nên tốt được, bởi vì bản tính vốn là tốt, và nếu có ơn Chúa trợ giúp nữa thì sẽ dễ dàng. Chúng ta hãy lấy trường hợp ông Giakêu ra làm điển hình. Người Do thái coi ông là một người tội lỗi, ô uế, phải tránh xa, đã xấu thì cho xấu luôn, không thương tiếc.

Nhưng sau cuộc gặp gỡ Đức Giêsu, Giakêu đã nhận thấy tình yêu và lòng thương xót của Chúa đối với mình, ông nhận ra con người thật của ông: một con người xấu xa tội lỗi, đáng bị nguyền rủa. Nhưng ông thấy rằng mình có thể sửa đổi được, có thể cải tà qui chính, và ông thực sự đã hoán cải. Do đó, Đức Giêsu đã tuyên bố rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ”. Nhìn vào cuộc đời của Giakêu lúc này chúng ta phải lấy câu tục ngữ Việt Nam mà khen ông: Xanh vỏ đỏ lòng (Tục ngữ)

Câu tục ngữ này có ý nói những cái bề ngoài xem ra xấu xa nhưng bên trong thì tốt. Người ta chỉ có thể thấy cái bên ngoài của một người mà không biết được lòng người ta.

Người ta muốn đánh giá Giakêu thế nào cũng được, nhưng Đức Giêsu có cái nhìn thấu suốt, không nhìn cái vẻ bề ngoài của con người mà Ngài nhìn rõ cả bên trong, cho nên Đức Giêsu sẽ khen cho Giakêu một câu chắc nịch như đinh đóng cột: Xù xì da cóc trong bọc trứng tiên (Câu đố).

Đây là một câu đố bình dân mà người ta thường đố nhau. Vậy “xù xì da cóc trong bọc trứng tiên” là cái gì? Chúng ta hãy giải đáp xem nó là cái gì. Nhưng cho dù nó là cái gì thì lúc nào cũng có ý nói rằng: bề ngoài xem ra xấu xa nhưng bên trong thì tốt, giống như câu “Xanh vỏ đỏ lòng” vậy.

Nếu chúng ta có gặp được Giakêu sau khi nhờ ơn Chúa trở lại rồi thì ông sẽ tâm sự cho chúng ta nghe. Ông cho biết nhờ ơn Chúa ông đã thực sự sửa đổi con người của mình. Đời ông không còn như xưa nữa, nay đã trở nên con người mới hoàn toàn. Có thể bề ngòai không giống nhau, nhưng thực sự bề trong đã được đổi mới hoàn toàn:

Thân em như quả ấu gai,

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.

Ai ơi, nếm thử mà xem,

 Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi (Ca dao)

Truyện: Harold Hughes trở lại

Harold Hughes xưa kia là Thống đốc tiểu bang Iowa và là một nghị sĩ của Hoa kỳ. Nhưng cuộc đời của ông đã không luôn luôn thành công. Trong tập tự truyện, Hughes kể lại rằng thời trai trẻ ông đã là “một người nghiện rượu, dối trá và lừa đảo”. Vào một thời điểm trong đời ông, đã phá huỷ tất cả mọi sự, và mất tất cả.

Một đêm nọ ông nhảy vào bồn tắm và chuẩn bị tự tử. Ông dí khẩu súng Shotgun vào bụng, rồi nhốt cái chùi giẻ vào miệng. Khi ông sắp sửa bóp cò súng, thình lình ông nhớ lại Thánh kinh đã nói giết mạng sống mình là sai. Và ông đã cố cắt nghĩa với Chúa lý do tại sao ông lại làm điều kinh tởm này. Ông trèo ra khỏi bồn tắm, quì xuống nền gạch lạnh lẽo, và gục đầu trên thành bồn tắm. Trong tư thế đó, ông nói chuyện với Chúa đang khi khóc nức nở. Sau đó có một điều gì đã xẩy ra mà ông chưa bao giờ cảm nghiệm thấy trong đời. Ông viết trong cuốn tự truyện như sau:

Một sự bình an ấm áp dường như bao phủ lấy tôi. Những tội lỗi của tôi dường như tan biến. Thiên Chúa cúi xuống và ôm lấy tôi. Giống như một đứa trẻ bị thất lạc trong cơn giông bão, thình lình tôi bị vấp chân ngã vào cánh tay ấm áp của Cha tôi. Đang khi quì gối trên nền nhà tắm, tôi đã hiến dâng hoàn toàn con người của tôi cho Thiên Chúa, và tôi nói với Ngài: Bất cứ việc gì Ngài sai con làm, lạy Cha, con sẽ thực thi thánh ý Cha”.

Kinh nghiệm đáng nhớ muôn đời đó đã bắt đầu một sự biến đổi hoàn toàn đối với Harold Hughes. Mười năm sau, ông được bầu làm Thống đốc tiểu bang Iowa. Bảy năm sau nữa, ông được bầu vào Thượng viện của Hoa kỳ. Sau cùng, vào năm 1975, ông rút lui khỏi hậu trường chính trị, về hưu và làm việc trọn ngày cho chương trình giúp đỡ những người cai thuốc phiện và nghiện rượu.

4. Thái độ với kẻ tội lỗi

Vấn đề chính của con người là ở chỗ chúng ta có thể thay đổi tâm hồn và học yêu thương người khác như thế nào. Phải có một tâm hồn cảm kích, mềm mại xúc động mới làm cho tâm hồn ấy mở ra và sau cùng chia sẻ sự phong phú, cảm thông.

Một sự tiếp cận khắt khe làm cho tâm hồn khép kín và chai cứng. Một sự tiếp cận nhân từ, như cách Đức Giêsu thực hiện với Giakêu làm cho tâm hồn mềm mại và cởi mở không có gì có thể làm thay đổi tâm hồn bằng chính tâm hồn.

Theo cách thức đó, ông Goethe đã phát biểu: “Đối xử với một người như người đang là sẽ làm cho người ấy trở nên tệ hơn, đối xử với người ấy như người ấy phải trở thành hoặc như người ấy mong ước trở thành sẽ làm cho người ấy trở nên tốt hơn, bởi vì khát vọng của chúng ta là phần chúng ta thật sự đã đóng góp”.

Như vậy, gần gũi và biểu lộ tình thương với người tội lỗi là tốt nhất. Đây là thái độ Đức Giêsu thường xử sự đối với người tội lỗi, và hầu như luôn luôn có tác dụng tốt. Ngài không hề xa tránh những người thu thuế, bọn đĩ điếm, vốn bị coi là hạng người tội lỗi, như những biệt phái và luật sĩ thường làm. Kết quả của thái độ nhân từ đó là biết bao người tội lỗi trở lại con đường ngay chính, say mê nghe Ngài rao giảng Tin mừng, mà bài Tin mừng hôm nay kể ra một trường hợp điển hình. Chính vì Đức Giêsu sẵn sàng vào nhà ông Giakêu, một kẻ bị coi là tội lỗi, ăn uống và trọ lại nhà ông, mà con người ông đã hoàn toàn thay đổi. Thử tưởng tượng xem, nếu Ngài cũng đối xử với Giakêu như cách mà người Do thái thường làm là tẩy chay và xa lánh ông, thì kết quả ra sao!

Truyện: Thiền sư Sengai và đệ tử

Nhiều đệ tử đang theo học thiền định dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Một người trong bọn họ thường hay thức dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thoả thích.

Một đêm kia, Sengai đi giám thị phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường dùng để leo qua tường. Sengai dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về, không biết rằng Sengai là chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Lúc khám phá ra việc mình đã làm, anh ta hoảng sợ, nhưng Sengai nhẹ nhàng bảo: “Sáng sớm hôm nay trời lạnh lắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy”.

Từ đó, người đệ tử ấy không bao giờ bỏ ra ngoài ban đêm nữa. Anh chuyên tâm học tập và trở thành người đệ tử gương mẫu của thầy Sengai.

5. Công cuộc đổi mới của mỗi người

Như ở trên chúng ta đã nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện” thì con người có hư hỏng rồi cũng có thể cải thiện được. Khi chịu phép Rửa tội, chúng ta đã được trở nên tinh tuyền, đã được mặc lấy Chúa Kitô và có thể nói là trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, nhưng chúng ta phải nhớ rằng chúng ta đã được tha tội nguyên tổ, nhưng không thể tránh được hậu quả của tội ấy, do đó con người chúng ta trở nên yếu đuối, dễ sa ngã phạm tội. Vì vậy, thánh Phaolô cảnh giác chúng ta: “Ai đang đứng ý tứ kẻo ngã”.

Sai phạm là bản tính của con người, còn tha thứ là bản tính của Thiên Chúa” (A. Pope). Vì thế chúng ta có thể nói: sai lỗi là chuyện bình thường, sa ngã mà không biết trỗi dậy mới là bất bình thường. Có biết bao nhiêu gương sa ngã mà đã trỗi dậy nhờ ơn Chúa. Người lành thánh mà còn sai phạm một ngày ít là 7 lần, chúng ta chưa lành thánh là bao, có sai lỗi thì cũng là chuyện bình thường, không đáng lo, cứ cậy trông vào ơn Chúa và quyết tâm hoán cải.

Truyện: Leonardo da Vinci vẽ hình

Danh hoạ Leonardo da Vinci đang thực hiện tuyệt tác “Bữa Tiệc ly”. Nhưng để diễn tả một phần nào đúng chân dung của Chúa và 12 vị tông đồ, danh hoạ phải đi tìm những nét mặt đó nơi những người đương thời. Một hôm, hoạ sĩ bắt gặp trong thánh đường ở Rôma một vị kinh sĩ trẻ tuổi có gương mặt thanh tú, trong sạch tuyệt vời hợp với chân dung thánh Gioan. Thế là ông đi theo và xin vị kinh sĩ ngồi làm mẫu cho mình vẽ. Vị kinh sĩ bằng lòng và hoạ sĩ đã vẽ được một gương mặt đẹp như Thiên thần.

Ít năm sau, bức tranh “Bữa Tiệc ly” vẫn chưa hoàn thành, vì không tìm ra người mẫu để vẽ chân dung độc đáo của Giuđa. Tình cờ, trên đường phố, hoạ sĩ gặp một người ăn mày, áo quần rách tả tơi với vẻ mặt quái đản, gian ác đến độ vừa kinh ngạc vừa mừng thầm tự chủ: “Trời ơi, người mẫu này thật lý tưởng, ta sẽ vẻ mặt gian xảo này cho thật mâu thuẫn với vẻ mặt Thiên thần của chàng trai trước đây”. Sau khi thương lượng với giá cao, người ăn mày bằng lòng làm mẫu cho hoạ sĩ vẽ. Vẽ xong, hoạ sĩ sung sướng lấy chân dung chàng trai trẻ đặt bên chân dung người ăn mày mà ngắm nghía. Còn người hành khất giật mình chết lặng, rồi hai dòng nước mắt chảy dài trên hai gò má đen đủi và nghẹn ngào nói: “Bức chân dung người trẻ kia chính là tôi mà ông đã vẽ cách đây mấy năm. Khi đó trông tôi tốt lành, trong trắng dường nào, nhưng bây giờ tôi là một tên ăn mày, cờ bạc rượu chè say sưa”. Nói xong, anh ta bỏ đi thật tội nghiệp.

Nếu chẳng may chúng ta đã để cho mình trở nên xấu như chàng ăn mày kia, chúng ta hãy bắt chước ông Giakêu tìm đến gặp gỡ Đức Giêsu. Phía Chúa, Ngài luôn khẳng định là Ngài xuống thế cốt tìm kiếm và cứu kẻ tội lỗi, nên Ngài luôn luôn hiện diện mọi nơi mọi lúc, sẵn sàng theo dõi, đợi chờ con người tỏ dấu ăn năn thì Ngài sẽ hành động ngay.

Nhưng nếu chỉ gặp Chúa mà thôi thì chưa đủ, cần phải có hành động cụ thể. Muốn biến cuộc gặp gỡ thành một cuộc tình gắn bó, một cuộc liên kết chặt chẽ, lâu dài thì phải thực hiện một công đoạn tiếp theo là đổi mới cuộc sống.

Như Giakêu, ông ta không dừng lại ở chỗ gặp Chúa, trái lại ông ta muốn tiến xa hơn là thay đổi cuộc sống bằng cách bố thí và thực hiện đức công bằng. Cũng thế, để nhận được sự tha thứ và sự bình an của Chúa trao tặng, mỗi người chúng ta phải đổi mới ngay cuộc sống của mình bằng những cố gắng thực tế như: bỏ dần những tính hư tật xấu, cắt đứt ngay những liên hệ xấu xa, sửa lại những lầm lạc sai phạm, rồi dũng cảm thực hiện các việc đạo đức bình thường như đọc kinh, xem lễ, lần hạt và đi xưng tội, rước lễ…

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

TÌM VÀ CỨU

Tâm sự của ông Da-kêu

Người ta bảo tôi vừa giàu lại vừa có quyền,

vì tôi đứng đầu những ông thu thuế.

Tôi thì luôn thấy mình nghèo, rất nghèo.

Ai không được kính trọng đều là những kẻ nghèo,

bất chấp họ giàu có và quyền lực đến đâu.

Nghe nói có một người không khinh các ông thu thuế.

Đó là ông Giêsu, một người đặc biệt, lạ thường.

Tôi rất muốn nhìn thấy mặt ông ấy.

Bởi đó khi nghe đồn Ngài sắp vào thành Giê-ri-cô,

tôi háo hức tìm cách thấy Ngài là ai.

Nhưng thấy Ngài không phải chuyện dễ, vì hai lẽ.

Thứ nhất vì đám đông quá lớn vây quanh Ngài.

Thứ hai vì tôi thấp bé, chỉ đứng tới lưng người khác.

Những cản trở này có thể làm cho ai đó nản lòng,

nhưng tôi thì không.

Tôi quyết thấy mặt Ngài bằng mọi giá.

Tôi nghĩ ra được một kế, đó là chạy vượt qua đám đông,

và leo lên một cái cây sung trên đường Ngài đi qua.

Từ trên cây, tôi có thể dễ dàng thấy được Ngài.

Có một điều tôi không ngờ là khi đến chỗ cây sung,

Ngài đã dừng lại và ngước lên nhìn tôi đang đu trên đó.

Vì thế mọi người cũng dừng lại và ngước lên nhìn tôi.

Trăm con mắt nhìn làm tôi đỏ mặt.

Chắc họ không hiểu tại sao tôi lại đang ở đây.

Tâm sự của Chúa Giêsu

Tôi không hiểu tại sao tôi ngừng lại dưới gốc sung.

Một mách bảo nào đó cho tôi biết có ai đang chờ mình.

Khi nhìn lên, tôi thấy Da-kêu như đang cố thu mình lại.

Chúng tôi thấy nhau, và tôi thấy ngay ao ước của ông ấy.

Lập tức tôi bị thúc bách phải đến nhà Da-kêu.

Không cần chừ, nhưng ngay lúc này, ngay hôm nay.

Tôi bảo Da-kêu: “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”

Da-kêu lật đật trèo xuống để dẫn tôi về nhà.

Bây giờ thì thứ tự của đoàn người bị đảo lộn.

Da-kêu tự tin dẫn đầu, tiếp sau là tôi, cuối là đám đông.

Họ khó chịu khi thấy tôi đến nhà một người tội lỗi.

Da-kêu hẳn là rất hạnh phúc khi được tôi tới nhà.

Ông như lấy lại tất cả phẩm giá đã mất của mình.

Đoạn đường về nhà ông dĩ nhiên đầy ắp niềm vui.

Tâm sự của ông Da-kêu

Tôi không bao giờ quên được cái nhìn ấy của Ngài.

Ngài nhìn tôi bằng cái nhìn thân thiện của một người bạn.

Rồi Ngài gọi tên tôi và kêu tôi trèo xuống mau.

Tôi đâu dám tin là Ngài muốn đến nhà tôi.

vì người thu thuế ô uế thì nhà người ấy cũng ô uế.

Đám đông sững sờ khi thấy Ngài muốn đến nhà tôi.

Sao Ngài lại chọn nhà tôi?

Sao Ngài để chín mươi chín con chiên để đi tìm con lạc?

Từ khi làm nghề thu thuế đến nay, tôi luôn bị coi khinh.

Đây là lần đầu tiên tôi được là mình, được tôn trọng.

Điều lạ là Đức Giêsu không bảo tôi phải bỏ nghề.

Ngài không bắt tôi phải cắt đứt với cái nghề nhơ nhớp đó.

Nhưng tự lòng tôi lại xuất hiện lời mời gọi đổi đời.

Vì thế tôi đã đứng và long trọng quyết định

cho người nghèo nửa phần gia sản,

và đền gấp bốn những gì tôi đã lừa gạt người khác.

Dù Đức Giêsu chẳng nói gì, nhưng cách Ngài cư xử với tôi

là một lời mời mà tôi không sao cưỡng lại được.

Tôi dễ dàng buông bỏ mọi sự, có còn tiếc gì nữa đâu.

Tâm sự của Chúa Giêsu

Thiên Chúa muốn ban ơn cứu độ cho mọi người.

Người giàu, người nghèo, người thu thuế và Pharisêu.

Ai cũng có hy vọng được gặp gỡ Thiên Chúa.

Tuy nhiên, cũng cần chạy và leo như Da-kêu,

cần để Chúa vào nhà mình, và quảng đại hiến dâng.

LỜI NGUYỆN

Lạy Cha,

sống là tìm kiếm.

Mỗi người chạy theo điều mình kiếm tìm.

Chúng con tự hỏi mình đang tìm gì, tìm ai,

đâu là hướng đi, đâu là lý tưởng đời mình.

Chúng con thấy rằng những giá trị của thế gian

chiếm chỗ lớn trong những ước mơ của chúng con.

Tiền bạc, danh vọng, khoái lạc, quyền lực

vẫn là những điều mê hoặc chúng con,

nên Cha không có chỗ cao nhất

trong cuộc đời chúng con.

Lạy Cha, xin ban cho chúng con ơn hoán cải.

Xin đánh thức chúng con khỏi cơn mê,

và làm chúng con tỉnh ngộ để nhận ra giá trị đích thực.

Xin dạy chúng con biết kiếm tìm Cha.

Vì chỉ có Cha mới thật sự đong đầy

những ước mơ sâu kín của chúng con,

và cho chúng con được hạnh phúc viên mãn.

 

5. Suy niệm (song ngữ)

Bài Đọc I: Khôn Ngoan 11, 22–12, 2
II: 2 Thêxalônica 1, 11–2, 2

31st Sunday in Ordinary Time
Reading I: Wisdom 11:22-12:2
II: 2 Thessalonians 1:11-2:2

Gospel

Luke 19:1-10

1 He entered Jericho and was passing through.

2 And there was a man named Zacchaeus; he was a chief tax collector, and rich.

3 And he sought to see who Jesus was, but could not, on account of the crowd, because he was small of stature.

4 So he ran on ahead and climbed up into a sycamore tree to see him, for he was to pass that way.

5 And when Jesus came to the place, he looked up and said to him, “Zacchaeus, make haste and come down; for I must stay at your house today.

6 So he made haste and came down, and received him joyfully. 
7 And when they saw it they all murmured
, “He has gone in to be the guest of a man who is a sinner.

8 And Zacchaeus stood and said to the Lord, “Behold, Lord, the half of my goods I give to the poor; and if I have defrauded any one of anything, I restore it fourfold.

9 And Jesus said to him, “Today salvation has come to this house, since he also is a son of Abraham.

10 For the Son of man came to seek and to save the lost.

Phúc Âm

Luca 19, 1-10

Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy.

Và kìa, có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.

Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.

Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó.

Khi Đức Giêsu tới chỗi ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!.

Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.

Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!

Còn ông Dakêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.

Đức Giêsu nói về ông ta rằng: Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham.

10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.

Interesting Details

· Setting: in 18:18-23, a rich, respected and apparently righteous person went away in sorrow. In contrast, the rich and despised Zacchaeus was joyful. Jesus saw through them both and restored honor to the latter.

· Toll collectors, like Zacchaeus, bid for the right to collect tolls, paid for this right in full, then hired agents to collect the tolls from the people. Not all collectors were able to make profits.

· The word Zacchaeus is related to Hebrew terms meaning clean, pure, and innocent.

· v. 3 [Zacchaeus] was trying to see and v. 10 The Son of Man came to seek-- Zacchaeus seeks, but at the same time God seeks and saves him.

· v. 5 I must stay in your house today-previously Jesus instructed his disciples to remain at the hosts house (9:4), to give people a chance to accept the kingdom. That event happens today (also in v. 9 and many other passages in Luke and Acts), indicating a significant turning point by God.

· v. 6 joyfully-the messianic joy is often associated with repentance, as in 15:5.

· v. 7 everyone... began grumbling-including the disciples, not just the disagreeable Pharisees.

· v. 8 I am giving... to the poor-the present tense indicates a regular action, not just one time. Giving alms in a sign of righteousness in Luke. He might have been doing this regularly even before meeting Jesus. If so, what Jesus gave was the recognition of his worth, as a child of Abraham, ” and thus his all-important honor.

· v. 8 If I have cheated... fourfold restitution-if probably implies that he did not cheat intentionally, though he might discover that it happened. The laws demanded 120% restitution for stolen goods, or 400% only in the most severe cases. Zacchaeus embraced the strictest standard.

Chi Tiết Hay

· Bài đọc hôm nay đối nghịch với đoạn 18:18-23 về một ông nhà giầu, có địa vị, và có vẻ công chính, nhưng ra đi một cách rầu rĩ. Ngược lại, ông nhà giầu Da Kêu bị mọi người khinh ghét nhưng lại hoan hỉ trong Chúa. Chúa thấy rõ ông, và cứu Da Kêu.

· Người thu thuế thời đó, như Da Kêu, đấu thầu quyền thâu thuế. Ai thắng thầu thì phải trả tiền trước cho La Mã, sau đó đi mướn người thâu thuế lại từ dân. Nhiều người không gỡ lại đủ vốn.

· Tên Da Kêu từ gốc Do Thái có nghĩa là trong sạch, tinh tuyền, và vô tội. Giải thích ta thường nghe, Gia Kêu là kẻ tội lỗi, là trật.

· c. 3 [Da Kêu] tìm cách xem... và c. 10, “Con Người đến để tìm và cứu-Da Kêu tìm, nhưng chính Chúa cũng tìm và cứu ông ta.

· c. 5 hôm nay (cũng trong câu 9 và nhiều câu khác trong Luca)-chỉ một thời điểm do chính Chúa can thiệp vào.

· c. 5 tôi phải ở lại nhà ông-Chúa cũng dạy các tông đồ khi đi giảng nên ở lại với dân (9:4).

· c. 6 mừng rỡ-niềm vui cứu độ đến từ sự sám hối, như niềm vui khi kiếm được chiên lạc (15:5).

· c. 7 mọi người xầm xì-ở đây không phải chỉ có giới luật sĩ chống Chúa như thường lệ, mà là mọi người, ” kểcả các môn đệ.

· c. 8 Da Kêu đứng mà thưa-Da Kêu biết mọi người chống đối nên ông lập tức đứng và cho dân dữ kiện rất minh bạch và hùng hồn.

· c. 8 tôi cho người nghèo-theo cách nói trong câu này thì có lẽ Da Kêu thường làm điều này, chứ không phải chỉ làm một lần hay gặp Chúa mới làm. Đối với Luca, cho ngươì nghèo là dấu của kẻ công chính.

· c. 8 nếu tôi cưỡng đoạt... xin đền gấp bốn-nếu không có nghĩa là Da Kêu có làm, và nếu có thì cũng không cố tình. Luật buộc đền thêm 20% khi ăn cắp, và chỉ đền gấp bốn trong những tội rất nặng. Da Kêu tình nguyện theo luật gắt gao nhất.

· c. 9 con cháu tổ phụ Áp-ra-ham-Chúa ban cho Da Kêu điều rất quan trọng trong văn hóa Á Châu, đó là danh dự. Con cháu có nghĩa là người mang đặc tính đó.

One Main Point

Jesus seeks us, sees us, and saves us. In repentance, we give alms and find joy even when the whole world is against us.

Một Điểm Chính

Chúa tìm, thấy, và cứu ta. Với lòng sám hối ta chia sẻ với người nghèo và nhận được niềm vui cứu độ.

Reflections

1. Jesus sees through me. What does he see?

2. Have I ever felt that people judge me unfairly? In such cases, does Jesus bring me joy?

3. Dare I be like Jesus and recognize another persons goodness even when everyone grumbles against such recognition?

Suy Niệm

1. Chúa thấy gì nơi tôi?

2. Khi tôi bị mọi người xầm xì, tôi có tìm Chúa và có được niềm vui trong Chúa không?

3. Tôi có dám theo Chúa trong việc công nhận cái hay của người khác dù bị mọi người, kể cả người thân nhất, chống việc đó?

 

 

Top