Thứ Năm tuần 24 Thường niên năm II - Sức mạnh của tình yêu (Lc 7,36-50)

Thứ Năm tuần 24 Thường niên năm II - Sức mạnh của tình yêu (Lc 7,36-50)

Thứ Năm tuần 24 Thường niên năm II - Sức mạnh của tình yêu (Lc 7,36-50)

“Tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47a).

 

BÀI ĐỌC I (năm II): 1 Cr 15, 1-11

“Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không, anh em đã tin cách vô ích. Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như đứa con sinh non.
Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các đấng: song không phải tôi, mà là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các đấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 28

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm (c. 1a).

Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.

Xướng: Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.

Xướng: Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài.

 

Tin mừng: Lc 7, 36-50

36 Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn. 37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.

38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.

39 Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!”.

40 Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: “Này ông Simôn, tôi có điều muốn nói với ông!”. Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” 41 Đức Giêsu nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. 42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?”.

43 Ông Simôn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn”. Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm.”

44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simôn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau.

45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. 46 Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.

47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: “tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.”

48 Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” 49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?”

50 Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thái độ ăn năn thống hối thực lòng của người phụ nữ tội lỗi đã được Chúa thương xót. Ai tin tưởng vào tình yêu Chúa, sẽ được cứu độ và được bình an.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Đấng hiền từ và hay thương xót, tấm lòng bao dung của Chúa là nơi nương tựa cho con là kẻ tội lỗi. Nhờ lòng thương xót của Chúa, một người dù tội lỗi đến đâu, cũng vẫn có cơ may làm lại cuộc đời. Bởi lẽ, Chúa không đánh giá chúng con theo vẻ bên ngoài hoặc dựa vào công nghiệp của chúng con. Trái lại, Chúa xét xử con người theo những tâm tình, suy tưởng sâu kín trong lòng, Chúa thấu suốt tâm tình sám hối chân thành phát xuất từ lòng yêu mến.

Phủ phục dưới chân Chúa, người phụ nữ tội lỗi không nói gì mà chỉ biết khóc. Chị khóc cho tội lỗi của mình, những giọt nước mắt của lòng sám hối ăn năn.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy được sự nặng nề của tội con đã xúc phạm đến tình yêu Chúa. Xin cho con được lòng yêu Chúa để biết khóc tội lỗi mình. Xin đừng để lòng con chai đá, nhưng giúp con biết chân thành sám hối.

Lạy Chúa, Chúa đã tha, đang tha, và mãi mãi tha hết những lỗi lầm con xúc phạm đến Chúa. Chúa yêu con vô bờ. Xin cho con luôn tin tưởng vững vàng và cậy trông vào Chúa, cho con biết siêng năng đến với Chúa nơi bí tích Hòa Giải, để con được giao hoà lại với Chúa và anh em. Chỉ có Chúa mới có thể làm cho con được tái sinh và có sức mạnh đổi mới đời sống. Chỉ trong Chúa con mới tìm lại được bình an và được sống trong tình yêu. Con được tha nhiều, con sẽ yêu mến Chúa nhiều hơn. Amen.

Ghi nhớ: “Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều”.

 

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Chuyện người đàn bà tội lỗi lau chân Chúa Giêsu:

- Nàng là một người nổi tiếng “trong thành ai cũng biết”.

- Nàng bày tỏ lòng sám hối, một cách công khai, rất chân thành: trong một bữa tiệc, trước mặt mọi người; không tiếc bình dầu thơm quý giá (khoảng 300 đồng, tương đương với 10 tháng lương); quỳ gối dưới chân Chúa Giêsu, khóc nức nở, xổ tóc ra (một cử chỉ có thể bị kết án là tự làm ô nhục), lấy tóc lau chân Chúa.

Câu nói của Chúa Giêsu có thể dùng tóm lược chính xác câu chuyện đời nàng: “Tội nàng nhiều nhưng được tha hết vì yêu mến nhiều”.

Suy gẫm

1. Người phụ nữ này dạy tôi nhiều điều về sự sám hối:

- Sám hối không phải chỉ là một tâm tình kín đáo che dấu bên trong không cho ai biết. Đôi khi, nếu cần cũng phải bày tỏ ra bên ngoài.

- Khi bày tỏ, không nên e ngại, xấu hổ, sợ dư luận, sợ tốn kém. Những xấu hổ, dư luận và tốn kém ấy cũng chính là cách tôi phải chịu để đền tội.

2. Có thể nói “nhờ” phạm nhiều tội lỗi, nên nàng đã yêu mến Chúa nhiều, đã sám hối chân thành và được tha thứ nhiều. Phụng vụ gọi đây là “tội hồng phúc” (felix culpa).

3. Nàng được tha nhiều nên sau đó nàng càng yêu mến Chúa nhiều hơn. Ước gì đây cũng là tâm tình của tôi mỗi khi tôi lãnh nhận ơn tha thứ qua bí tích Hòa giải.

Yêu nhiều thì được tha nhiều: yêu là nguyên nhân của tha thứ; được tha nhiều thì càng yêu nhiều: yêu là kết quả của thứ tha.

4. Qua câu chuyện này, tôi thấy được mối liên hệ kỳ diệu giữa tội lỗi - tình yêu - tha thứ. Tội là xấu nhưng sẽ trở thành tốt khi đặt trong mối liên hệ kỳ diệu ấy.

5. “Tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha thứ, bằng cớ chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha thứ ít thì yêu mến ít” (Lc 7,47).

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ và cũng là cho tôi một kỷ niệm là Thánh Giá Tình yêu. Vâng, chính Thánh Giá của Đức Kitô đã xóa đi muôn vàn tội lỗi của tôi và của bạn, và mở ra cho chúng ta một cuộc sống mới, cuộc sống phục sinh.

Hình ảnh của người phụ nữ tội lỗi được Chúa tha thứ nhắc nhở tôi rằng: Thiên Chúa không chỉ có tình yêu mà Ngài là Tình Yêu.

Những lúc từ chối tình yêu, tâm hồn tôi trở nên trống vắng và cô đơn, tôi trở nên ích kỷ, xa rời tình thương của mọi người. Càng sống yêu thương, tôi càng dễ nhận ra Chúa hiện diện trong tôi, để tôi sống chan hòa và yêu thương mọi người bằng tình yêu của Thiên Chúa.

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Người phụ nữ sám hối (Lc 7,36-50)

  1. Hôm nay một người biệt phái tên là Simon mời Đức Giêsu đến dùng bữa. Tình cờ có một phụ nữ tội lỗi khét tiếng trong thành đến phục dưới chân Chúa khóc lóc tỏ dấu ăn năn qua một số việc chị làm cho Chúa. Người phụ nữ này tuy có tội nặng hơn mọi người, nhưng chị biết lỗi và tin tưởng vào Đức Giêsu. Chị bất chấp cái nhìn khinh miệt của mọi người để tìm đến với Đức Giêsu. Trước niềm tin mạnh mẽ và lòng mến chân thành, dù tội chị rất nhiều, nhưng chị đã được tha tất cả. Như vậy, niềm tin và lòng yêu mến là điều kiện cần thiết để chúng ta được ơn tha thứ và cứu độ.
  2. Thường người biệt phái không ưa Đức Giêsu và chỉ tìm cách gài bẫy để ám hại Ngài. Tuy thế, thánh Luca cho chúng ta biết cũng có một thứ biệt phái lễ độ hơn, vẫn có cảm tình với Ngài, họ dám mời Ngài đến nhà dùng bữa. Hôm nay, thánh Luca thuật lại cho chúng ta việc ông Simon, một người biệt phái, mời Đức Giêsu đến dùng bữa tại nhà ông.

Theo phong tục của Phương Đông, khi nhà có tiệc tùng thì cửa thường bỏ ngỏ, kẻ ra người vào tấp nập. Một người đàn bà, ai cũng biết thường tội lỗi lẻn vào đứng đàng sau đám thực khách. Bà mang theo một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Rồi quỳ xuống dưới chân Chúa, vì lúc ấy Chúa đang nằm trên đi văng để ăn theo thói quen các thực khách. Bà khóc nức nở, xức dầu thơm, hôn bàn chân ướt đẵm nước mắt và lấy tóc mà lau. Mọi người trố mắt nhìn cho là một việc quái gở, nhất là ông chủ nhà Simon... Nhưng Đức Giêsu coi như không để ý đến những người chung quanh mà chỉ nói với cô ta: “Tội chị rất nhiều, nhưng đã được tha rồi, vì chị đã yêu mến nhiều”.

  1. Tin mừng hôm nay ghi lại một phiên tòa, phiên tòa không có luật sư bảo hộ, không có bản án được đọc lên, nhưng kẻ được ân xá ra về với bình an trong tâm hồn.

Có được bình an trong tâm hồn là điều quý giá nhất Đức Giêsu mang lại cho con người. Nhưng để có được bình an ấy, điều kiện tiên quyết là con người phải có lòng sám hối. Sám hối vốn là nội dung chủ yếu trong sứ điệp của Đức Giêsu. Người phụ nữ trong Tin mừng hôm nay đã nhận ra sự cần thiết của sám hối. Bất chấp những lời dị nghị, bất chấp sự khinh bỉ của người chung quanh, bà đã thể hiện một cách chân thành và trọn vẹn lòng sám hối của mình. Đức Giêsu đã nói lên ý nghĩa hành động của người phụ nữ này như sau: “Bà đã được tha nhiều, vì bà đã yêu mến nhiều”. Càng cảm nhận được ơn tha thứ, con người càng được thôi thúc thể hiện lòng yêu mến nhiều hơn.

  1. Người ta thường nói đến cuộc khủng hoảng về đức tin. Trong thực tế, khủng hoảng đức tin cũng chính là khủng hoảng về lòng sám hối. Khi con người đánh mất ý thức về tội lỗi, con người cũng không còn cảm nhận được thế nào là ơn tha thứ của Chúa, và dĩ nhiên cũng đánh mất sự cảm thông và tha thứ đối với người khác. Thái độ khoan nhượng của con người chỉ xuất hiện từ ý thức về nỗi bất toàn và sự tha thứ mà mình cảm nhận được. Xét cho cùng, bác ái chính là hoa trái của lòng sám hối: càng cảm thấy mình được yêu thương và tha thứ, con người càng được thúc đẩy để tha thứ và yêu thương (Mỗi ngày một tin vui).
  2. Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta phải có cái nhìn đúng về người và về mình, nghĩa là chúng ta đừng xét đoán người khác dựa trên những tiêu chuẩn của luật lệ, phong tục, và lối sống của chúng ta (Gl 6,4; Rm 2,17-24). Người ta thường nói “Xanh vỏ đỏ lòng”, câu tục ngữ có ý dạy chúng ta phải lưu ý trong việc đánh giá một người hay một sự việc. Nhiều khi bề ngoài là xấu nhưng từ bản chất là tốt. Nếu chỉ đánh giá theo cái vỏ bên ngoài thì sẽ sai lầm.

Trong bài Tin mừng, người biệt phái, cùng những người khách khác ở bàn tiệc, đã không thể nhìn vào người phụ nữ như Đức Giêsu đã nhìn. Những phong tục, luật lệ, thiên kiến và lối sống đã giới hạn họ. Họ đã xếp loại người phụ nữ này là người tội lỗi. Họ đã tự nghĩ rằng bản thân mình tốt hơn người phụ nữ này nhiều.

  1. Truyện: Chiếc đèn cũ kỹ

Một đêm nọ trong lúc bị cúp điện, một người đàn ông tìm được một cây đèn cũ đốt bằng mỡ từ trên tầng gác để đồ cũ. Tình trạng của đèn thật thảm hại, bóng đèn nứt và đen thui. Dù sao, ông cũng đốt lên và nó tỏa ra ánh sáng yếu ớt. Đã vậy, bấc đèn bốc khói toả ra một mùi khét lẹt.Thật là quá mức đối với một người thích mọi vật hoàn hảo như ông: “Cái đèn này thật vô dụng nên vứt nó đi”, ông nói với vợ ông. Nói xong ông tắt đèn dầu, lấy nến ra đốt.

Ba tuần sau, lại cúp điện. Lần này, vợ ông đem lại ánh sáng. Bà lấy ra một cái đèn dầu đẹp, đốt lên. Một ánh sáng màu hồng toả ra làm cả nhà thích thú. Ông chồng nói:

- Cái đèn này thật tuyệt. Bà mua nó ở đâu?

Bà đáp:

- Đó là cái đèn mà ông muốn vứt đi đấy!

Sau khi đến thật gần để xem xét, ông nói:

- Chắc tốn khá nhiều tiền để tân trang nó như thế này?

Bà đáp:

- Thật ra chẳng tốn gì mấy. Tôi chỉ mua một cái bấc mới và một cái bóng. Nhưng tôi phải bỏ nhiều thời gian và công sức để lau chùi và đánh bóng nó. Tôi đã nhận thấy dưới lớp bụi bẩn là một cái đèn đẹp. Và ông không thấy rằng tôi có lý sao?

Ông đáp:

- Tôi hoàn toàn đồng ý với bà.

 

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Người Hồi giáo có chuyện sau đây: Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng. Ngài bảo: “Máu đổ ra cho Tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian”.

 Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm mang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói: “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn.”

 Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp bốn phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người ấy giải thích: “Tôi đã chiều theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời.

Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói: “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu (Trích “Món quà giáng sinh”).

Suy niệm

Người phụ nữ đến bên Chúa Giêsu là một người tội lỗi, trong thành ai cũng biết. Theo luật Do Thái thì người tội lỗi không được phép tiếp xúc với người bình thường (thanh sạch), vì nếu tiếp xúc sẽ làm lây lan tội lỗi cho người thanh sạch.

Chị bất chấp những lời dị nghị, bất chấp sự khinh bỉ của người xung quanh, bất chấp cả luật cấm, có thể khiến chị bị ném đá, để thể hiện một cách chân thành và trọn vẹn lòng sám hối của mình: Đến quỳ dưới chân Đức Giêsu, vị Thầy rao giảng tình thương, bao dung với người tội lỗi. Chị khóc nức nở, lấy nước mắt rửa chân, lấy tóc mà lau và hôn chân Ngài và không tiếc bình dầu thơm quý giá (khoảng 300 đồng, tương đương với 10 tháng lương) xức chân Ngài...

 Một hình ảnh khác cũng giống như chị, người thu thuế là một dạng tội nhân công khai khác (x. Lc 7,29), đã nhìn nhận tội lỗi và tin rằng Thiên Chúa công chính, anh ta cũng  nhận được ơn tha thứ của Người.

Trước niềm tin mạnh mẽ và tình yêu mến chân thành, chị đã được Chúa tha thứ dù tội chị rất nhiều, vì sự sám hối và tình yêu tỏ lộ. Ngài nhấn mạnh ý nghĩa hành động của người phụ nữ: “Bà đã được tha nhiều, vì bà đã yêu mến nhiều”. Như vậy niềm tin và lòng yêu mến là điều kiện cần thiết để được ơn tha thứ và cứu độ.

Xin Chúa cho chúng ta biết đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa là Ðấng bao dung và luôn yêu thương khi nhìn nhận ra tội lỗi của mình mà ăn năn hối cải. Dù tội của chúng ta có thẫm như vải điều, Thiên Chúa vẫn làm cho trắng tinh như tuyết.

Ý lực sống

“Ai yêu mến nhiều thì được thứ tha nhiều!” (Lc 7,47).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top