Thứ Hai tuần 11 Thường niên (+video)

Thứ Hai tuần 11 Thường niên (+video)

Thứ Hai tuần 11 Thường niên (+video)

Mt 5,38-42

“Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn,
thì đừng ngoảnh mặt đi”.
(Mt 5,42)

Chúa Giêsu tiếp tục bàn đến luật trả đũa.

1. Khuynh hướng tự nhiên là muốn trả đũa, và trả đũa thì thường nặng hơn mức người ta gây cho mình: “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. (Còn rất rừng rú)

Cựu ước hạn chế sự trả đũa đúng với mức thiệt hại người ta gây cho mình: “mắt đền mắt, răng đền răng”. (Mt 5,38) (= Đã có sự công bằng hơn)

Phần Chúa Giêsu, Ngài dạy hoàn toàn không trả đũa. (=Bác ái)

Không trả đũa, đó là thái độ của kẻ mạnh. Chỉ có kẻ yếu mới không đủ can đảm để không trã đũa.

Thánh Antôn tu rừng, người khởi xướng đời sống ẩn tu trong Giáo Hội, có một lần sau khi giảng xong về đề tài bài giảng trên núi, thì có một giáo dân đến hỏi ngài:

- Thưa cha, chúng con phải làm gì để được trở nên hoàn thiện ?

Thánh Antôn trả lời:

- Tin Mừng đã dạy: “Ai vả má phải ngươi, hãy đưa má trái cho họ” (Mt 5,39).

Nhóm giáo dân thưa:

- Điều này khó quá, làm sao thực hiện nổi.

Thánh Antôn nói:

- Nếu không, ít nhất hãy để nguyên má phải và đừng trả đũa, đừng báo thù, hãy tha thứ cho kẻ đã xúc phạm các con.

Nhóm giáo dân vẫn lắc đầu:

- Thưa cha, điều này vẫn quá khó khăn, thật không dễ gì để yên cho người khác xúc phạm đến mình.

Thánh Antôn nghe xong liền quay sang môn đệ và nói:

- Con đi nấu cháo cho những người này ăn đi vì họ quá yếu đuối. Thật, ta còn làm gì được cho các ngươi nữa, ngoại trừ lời cầu nguyện mà thôi.

2. Chỉ người nào rất mạnh mới chế ngự được khuynh hướng trả đũa vốn nằm sẵn trong lòng mình. Người đó còn mạnh về tình thương nữa, vì chỉ có những ai tình thương rất mạnh, mới có thể tiếp tục yêu thương và không trả đũa kẻ xúc phạm mình.

Ngày 4-4-1968, mục sư Luther King lãnh tụ da đen tranh đấu cho quyền bình đẳng của người Mỹ da đen bị bắn chết. Hằng triệu người da đen và những người da trắng hiểu biết đã thương tiếc ông.

Martin Luther King đã hy sinh cả cuộc đời mình để ôn hòa đấu tranh, chống cảnh kỳ thị chủng tộc mầu da. Cũng chính vì đã dám lên tiếng đòi cho mọi người được đối xử bình đẳng như nhau trong một đại gia đình của Thiên Chúa mà ông đã bị bắn gục.

Những ai đã nghe nói về Martin Luther King đều không thể quên được tinh thần yêu thương tha thứ của ông với những bất công do nạn kỳ thị chủng tộc gây ra. Câu chuyện sau đây do ông kể lại là một bằng chứng:

Chú bé da đen tên là Tom, theo thói quen, vừa tan trường là chạy đi phân phát báo cho các trường để lấy tiền giúp đỡ gia đình. Hôm ây, chú bé bất ngờ mót tiểu quá, thay vì chạy đến một gốc cây hay là bờ tường, nó chạy ngay vào nhà vệ sinh dành riêng cho người da trắng, vừa để tiểu và cũng vừa để xem một lần cho biết.

Được vào trong nhà vệ sinh sạch sẽ, mát mẻ, em thấy sung sướng. Bất ngờ, Tom nghe có tiếng chân người bước nhanh đập trên nền nhà đi về hướng nhà vệ sinh mà em đang ở trong đó. Chưa kịp phản ứng gì thì Tom đã bị người da trắng ập tới, đánh Tom một cái làm em ngã dúi vào nhà vệ sinh. Rồi kèm theo với cái đạp lên thân thằng bé là những lời nguyền rủa nó đã dám vi phạm luật lệ của bang Alabama. Theo đó thì người da đen bị cấm không được bén mảng đến những nơi dành cho riêng người da trắng, kể cả nhà vệ sinh.

Được chứng kiến cảnh đau lòng trên, ông Martin Luther King khuyên chú bé Tom da đen:

- Cháu Tom bé nhỏ đáng thương ơi, cháu có thể lựa chọn giữa hai thái độ, hoặc là cháu chạy nhanh ra khỏi nhà vệ sinh ấy, rồi nhặt những cục đá lên mà liệng vào người da trắng đã hạ nhục cháu kia, và sau đó cháu chạy về khu vực của người da đen và đề nghị với những người da đen như thế này: Một ngày kia, chúng mình sẽ giết sạch những người da trắng.

Nhưng cũng còn một thái độ, một sự lựa chọn khác nữa cao thượng hơn, đó là cháu sẽ im lặng nhớ đến Chúa Giêsu ngày xưa, Ngài cũng đã bị người ta xô té mấy lần trên đường vác Thập Giá. Nhưng lần nào cũng thế, Ngài cũng chỉ im lặng, chỗi dậy để tiếp tục đi đến đồi Golgotha. Cháu hãy tha thứ cho người da trắng kia đã hạ nhục cháu. Cháu Tom ơi! Trả thù là điều quá dễ, nhưng yêu thương mới là khó. Chúng ta là những người da đen Hoa-kỳ, chúng ta muốn xây dựng ngày mai tươi sáng hơn nhưng chỉ có tình thương mới làm được việc đó!

Có lần Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận tâm sự: “Nhiều lúc tôi cảm thấy khó chịu trong lòng vì người ta phỏng vấn, muốn thúc giục tôi nói những chuyện giật gân, trong thời gian lao tù, v.v... Đó không phải mục đích của tôi. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là trao lại cho các bạn trẻ một sứ điệp của tình thương và sự thật, của công lý và hòa bình, của tha thứ và hòa giải, để xây dựng”.

Top