Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô

Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô

Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô

Từ khi được bầu làm Giáo Hoàng ngày 13/3/2013 đến nay, ĐTC Phanxicô đã tiến hành chương trình cải tổ Giáo triều Roma để phục vụ hữu hiệu hơn Giáo hội Hoàn vũ và sứ mạng của Giáo hội nói chung.

Người ta cũng thấy rõ tiến trình này qua các huấn từ trong các buổi tiếp kiến dành cho Hồng Y đoàn và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh, khoảng 50 Hồng y và 40 Giám mục, đến chúc mừng ngài vào mỗi cuối năm nhân dịp lễ Giáng Sinh và Năm Mới.

Thực vậy, đối với các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm như Đức Gioan Phaolô II hoặc Đức Biển Đức XVI, những buổi tiếp kiến này là dịp để ĐGH kiểm điểm những biến cố nổi bật trong sinh hoạt của Tòa Thánh trong năm sắp kết thúc. Nhưng đối với ĐTC Phanxicô, đây là dịp để ngài nhận định về đường lối hoạt động của Giáo triều Roma, vạch rõ những khuyết điểm, nhấn mạnh những đức tính cần có, và đề ra hướng đi mới trong chương trình cải tổ Giáo triều.

Buổi tiếp kiến năm 2013

Ngay trong buổi tiếp kiến đầu tiên ngày 21/12/2013, ĐTC Phanxicô nêu bật 3 đặc tính những người phục vụ tại các cơ quan trung ương Tòa Thánh cần phải có, đó là khả năng chuyên môn, tinh thần phục vụ và đời sống thánh thiện. Về đời sống thánh thiện, ngài nói: “Chúng ta biết rõ đây là điều quan trọng nhất trong thứ tự các giá trị, nó ở nơi nền tảng chất lượng làm việc và phục vụ. Sự thánh thiện có nghĩa là đời sống được chìm đắm trong Thánh Linh, cởi mở tâm hồn đối với Thiên Chúa, cầu nguyện liên lỷ, khiêm tốn sâu xa, bác ái huynh đệ trong tương quan với các đồng nghiệp.”

Buổi tiếp kiến năm 2014

Trong buổi tiếp kiến năm sau đó, 2014, ĐTC liệt kê 15 thứ bệnh những người phục vụ tại Giáo triều Roma cần loại trừ, trong số này có bệnh tưởng mình là bất tử, miễn nhiễm, hoặc thậm chí là tối quan trọng không thể thiếu được. Hoặc bệnh cạnh tranh và háo danh, rồi bệnh tâm thần phân liệt trong cuộc sống: sống hai mặt, hậu quả của sự giả hình và dần dần trở nên trống rỗng về tinh thần.

Rồi có bệnh ‘ngồi lê đôi mách’, lẫm bẩm và nói hành: “Tôi đã nói nhiều về bệnh này và không bao giờ cho đủ”. Hoặc Bệnh thần thánh hóa giới lãnh đạo. Đó là bệnh của những kẻ dua nịnh cấp trên, hy vọng được ân huệ của họ.

Cũng có bệnh những nhóm khép kín, trong đó sự thuộc về một nhóm nhỏ trở nên mạnh hơn thuộc về cả thân mình và trong một số trường hợp, mạnh hơn cả sự thuộc về chính Chúa Kitô.

Buổi tiếp kiến năm 2015

Khác với năm 2014, trong buổi tiếp kiến Giáo triều năm 2015, ĐTC đã liệt kê một danh sách 12 các đức tính cần thiết cho những người phục vụ trong giáo triều và tất cả những người làm cho sự thánh hiến hoặc việc phục vụ của họ dành cho Giáo hội được phong phú.

Trong số các đức tính đó có: tinh thần truyền giáo và Mục vụ, khả năng thích hợp và tinh tế, linh đạo và tình người, gương mẫu và trung thành, hợp lý và dễ mến, thận trọng và cương quyết, bác ái và sự thật, lương thiện và trưởng thành, tôn trọng và khiêm tốn, quảng đại và quan tâm, can đảm và mau mắn, đáng tín nhiệm và điều độ (12).

Buổi tiếp kiến thứ năm 2016

Sau khi chuẩn bị tâm hồn của các chức sắc và nhân viên Giáo triều, trong buổi tiếp kiến cuối năm 2016, ĐTC đã trình bày về việc cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Ngài nhấn mạnh rằng: “Cuộc cải tổ chỉ hữu hiệu nếu được thực hiện với những người được đổi mới, chứ không phải với những người mới mà thôi. Không thể chỉ hài lòng với việc thay đổi nhân sự, nhưng cần làm sao để các nhân viên Tòa Thánh canh tân về tinh thần, về nhân bản và khả năng chuyên môn. Trong thực tế, sự thường huấn không đủ, còn cần phải có sự hoán cải và thanh tẩy trường kỳ. Nếu không có sự thay đổi não trạng thì nỗ lực cải tổ sẽ vô hiệu.”

Buổi tiếp kiến năm 2017

Tiếp nối chương trình cải tổ Giáo triều, trong buổi tiếp kiến năm 2017, ĐTC kêu gọi mọi người hành động theo tinh thần “quyền tối thượng phục vụ” của Người Kế vị Thánh Phêrô.

“Tính chất phổ quát trong việc phục vụ của các cơ quan trung ương Tòa Thánh phát xuất và nảy sinh từ đặc tính Công giáo của sứ vụ Phêrô. Một Giáo triều khép kín vào mình thì phản bội mục tiêu sự hiện hữu của mình và rơi vào tình trạng tự tham chiếu chính mình, và sẽ bị hủy diệt”.

Dùng hình ảnh các phó tế được kêu gọi trở thành tai mắt của Giám mục, giúp ngài đi tới những quyết định mưu ích cho toàn thân mình, cho cộng đồng Giáo hội, ĐTC nhấn mạnh rằng, tương quan của những người thuộc Giáo triều Roma với người kế vị Thánh Phêrô là tương quan hiệp thông con thảo, vâng phục để phục vụ Dân thánh của Chúa. Sự hiệp thông với Phêrô củng cố và tăng cường sự hiệp thông giữa mọi phần tử”.

Trong chiều hướng trên đây, ĐTC phê bình những nhân viên Giáo triều hành động trong những nhóm nhỏ, mưu mô; họ như thứ bệnh ung thư đưa tới tình trạng tự tham chiếu mình, thứ ung thư xâm nhập cả vào trong các cơ quan của Giáo hội.

ĐTC đặc biệt cảnh giác chống lại một nguy hiểm khác, nguy hiểm của những kẻ phản bội sự tín nhiệm hoặc những người lợi dụng tình mẫu tử của Giáo hội, tức là những người được tuyển chọn kỹ lưỡng để tăng cường sức mạnh cho thân mình và cho sự cải tổ, nhưng rồi họ không hiểu trách nhiệm cao cả của họ, để cho mình bị hư hỏng vì những tham vọng hoặc hư danh và khi họ bị loại trừ một cách tế nhị, thì họ tự tuyên bố một cách sai lầm là những người tử đạo của chế độ, của một Giáo Hoàng “không được thông tin đầy đủ”, của bè phái cũ, thay vì đấm ngực nhìn nhận tội lỗi của mình.

Buổi tiếp kiến năm 2018

Trong buổi tiếp kiến Giáo triều cuối năm 2018, ĐTC Phanxicô đề cao kết quả cuộc cải tổ Giáo triều được tiến hành cho đến nay và cám ơn các Linh mục, Tu sĩ nam nữ và giáo dân nhiệt thành.

Trong bối cảnh của những giáo sĩ, tu sĩ bị tố lạm dụng tính dục trẻ em, ĐTC đề cao đông đảo các các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ hằng ngày trung thành sống ơn gọi, sự thinh lặng, thánh thiện và từ bỏ. Họ là những người soi sáng tăm tối của nhân loại, với chứng tá tin, yêu và bác ái của họ.

Buổi tiếp kiến năm 2019

Sau 5 năm chuẩn bị tinh thần của những người phục vụ tại Tòa Thánh, trong huấn từ cuối năm 2019, ĐTC nói về việc cải tổ Bộ giáo lý đức tin, Bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, Bộ truyền thông và Bộ Phục vụ Phát triển con người toàn diện.

Đặc biệt về hai Bộ đầu tiên, ĐTC nhận xét rằng: thế giới ngày nay không còn ở trong bối cảnh như thời hai bộ Đức tin và Bộ truyền giáo được thành lập. Ngày nay, những người dân chưa được nghe Tin Mừng ở mọi nơi, nhất là tập trung trong những khu thành thị rất đông đảo. Vì thế chúng ta cần thay đổi tâm thức Mục vụ.

ĐTC nói: “Ngày nay Giáo hội phải đương đầu với những thách đố khác, hướng về các biên cương mới trong việc truyền giáo cho dân ngoại cũng như trong việc tái truyền giảng Tin Mừng cho những dân tộc đã được loan báo về Chúa Kitô. Cần có một sự loan báo Tin Mừng mới, hay là tái truyền giảng Tin Mừng. Tất cả những điều đó nhất thiết bao hàm những thay đổi và những chú ý khác đối với các bộ vừa nói cũng như toàn thể Giáo triều Roma.

Sau cùng, ĐTC đặc biệt tái cảnh giác chống lại thái độ “cứng nhắc”. Ngài nói: “Thái độ cứng nhắc nảy sinh từ sự sợ hãi thay đổi, và rốt cuộc, thay vì tháo gỡ những cột rào và chướng ngại ra khỏi thửa đất công ích, người ta lại biến nó thành một bãi mìn đầy sự thiếu cảm thông và oán ghét. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng, đàng sau mỗi thái độ cứng nhắc có một sự thiếu quân bình nào đó. Cứng nhắc và thiếu quân bình nuôi dưỡng nhau như một cái vòng lẩn quẩn”.

Buổi tiếp kiến năm 2020

ĐTC mời gọi mọi người vượt thắng các cuộc khủng hoảng mà bản thân mỗi người, xã hội và Giáo hội đang trải qua:

“Đừng vội vã xét đoán Giáo hội dựa trên các cuộc khủng hoảng do những gương mù, gương xấu hôm qua và ngày nay. Bao nhiêu lần, cả những phân tích của chúng ta về Giáo hội dường như là những trình thuật không có hy vọng. Một nhận xét về thực tại không hy vọng không thể được gọi là thực tế. Niềm hy vọng mang lại cho những phân tích của chúng ta điều mà bao nhiêu lần những cái nhìn thiển cận của chúng ta không nhận thức được. Tại Giáo triều này có nhiều người đang làm chứng tá bằng công việc khiêm hạ, kín đáo, âm thầm, trung thành, với khả năng chuyên môn và lương thiện. Không phải từ chúng ta nhưng từ Thiên Chúa”.

Buổi tiếp kiến năm 2021

Sau cùng, trong buổi tiếp kiến Giáo triều hôm 23/12 vừa qua, ĐTC mời gọi mọi người bước qua cánh cửa “khiêm nhường” và đồng thời, ngài đề cao nhân đức này như động lực giúp thi hành tiến trình Thượng HĐGM Thế giới về sự hiệp hành trong Giáo hội.

ĐTC nhắc đến “Vua các vua” đến trong trần thế qua “cánh cửa khiêm nhường và mời gọi chúng ta bước qua đó”, và như đến tướng Naaman dũng cảm, bị phong cùi được lành mạnh sau khi hạ mình, tuân lời ngôn sứ, cởi bỏ áo giáp, xuống tắm 7 lần tại sông Giordan và “thân thể ông trở nên như thân thể trẻ thơ, ông được lành lặn” (2 V 5,14).

Cả chúng ta cũng cần tháo cởi những y phục, những đặc quyền, các vai trò, tước vị, để được chữa lành.

Tinh thần khiêm hạ này cũng giúp đặt chúng ta trong tư thế đúng, để có thể gặp gỡ và lắng nghe, đối thoại và phân định cần có để thực hiện tiến trình 2 năm chuẩn bị Thượng HĐGM Thế giới năm 2023 về sự hiệp hành như một đặc tính của Giáo hội. Ngài nói: “Nếu ai tiếp tục khép kín trong những xác tín của mình, trong lối sống, trong cái vỏ ốc của mình với cảm thức và suy nghĩ, thì thật khó nhường chỗ cho kinh nghiệm về Thánh Linh”.

ĐTC nhấn mạnh rằng “Đặc tính hiệp hành là một đường lối mà chúng ta phải hoán cải để theo, nhất là chúng ta là những người ở đây và sống kinh nghiệm phục vụ Giáo hội Hoàn vũ qua công việc ở Giáo triều Roma.”

Nguồn: vaticannews.va/vi/

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top