Thịt thối: Lòng heo thối hay lương tâm người… thối?
Gần đây báo chí đăng tải dồn dập những tin tức về vi phạm an toàn thực phẩm thật khủng khiếp, nếu chỉ “nghe nói” có lẽ nhiều người sẽ không tin. Chắc hẳn ít nơi nào lòng tham lam và ích kỷ của con người lên tới mức đó.
Nào là thịt thối, lòng heo thối liên tiếp bị phát hiện; nào là nhà hàng đãi khách tiệc cưới với thịt thối, khiến thực khách bỏ ra về; nào là thịt thối vừa được cơ quan chức năng phát hiện và đem chôn thì ngay sau đó, chính lái xe bị bắt quả tang chở thịt thối đã quay lại “giải cứu” (chữ của báo chí) và đưa về nơi tiêu thụ ở Bình Dương (có địa chỉ hẳn hòi với tên của chủ cơ sở chế biến…); rồi khi khám xét cơ sở đã nhận 2,2 tấn thịt thối được “giải cứu” này, công an phát hiện những 7,4 tấn thịt thối! Nhà báo Tuổi Trẻ (số ra ngày 16.4.2012), sau nhiều đêm theo dõi, còn biết rõ “đường đi” của một “đợt” lòng heo thối từ các tỉnh miền Bắc vào Nam vào tháng 3, tập kết ở khu vực cầu vượt Sóng Thần, sau đó được chở bằng xe máy đến cở sở chế biến để phù phép thành những món “tươi ngon” cho các quán nhậu trong thành phố. Một người nhận hàng có tiếng là T. ,biệt danh là “T. dồi trường”, có nhà hàng ở đường Nguyễn Quý Yên, Quận Tân Bình.
Đọc những tin tức như thế ai mà không khỏi ghê tởm, rùng mình và ngao ngán! Chúng ta tự hỏi những con người tham gia tích cực vào chuyện này, từ người cung cấp thịt thối, đến những cơ sở tàng trữ và chế biến, họ có khi nào bắc tay lên trán mà nhận ra hành động quá ư sai trái của mình không? có bao giờ nghĩ tới tai hoạ đe doạ sức khoẻ và mạng sống mà lòng tham mù quáng của họ gây ra cho người tiêu dùng không? Báo chí cho biết: thịt ôi thiu, phải ngâm trong hoá chất khoảng 1 giờ, còn thịt thối phải ngâm đến 5 tiếng! Hoá chất sẽ tẩy hết mùi hôi và dơ bẩn, làm cho thịt nên tươi rói.
Đây lại thêm một dấu hiệu –không, một bằng chứng– cho sự xuống cấp đạo đức trầm trọng trong xã hội Việt Nam hiện nay. Cái xấu thì ở đâu và thời nào cũng có. Nhưng thông thường nó được cầm giữ lại hay hạn chế bớt bởi một nền giáo dục tốt, luật pháp nghiêm minh và bầu khí luân lý lành mạnh chung. Còn ở ta, cái xấu hầu như tự do tung hoành vì những “bờ đê” chắn sóng vô hình đó quá yếu kém!
Giáo dục: sau bao lần cải cách, vẫn còn quá nhiều tiêu cực, vẫn thường bị chi phối bởi đồng tiền, lợi nhuận; chủ trương “ba không” của ông cựu Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân hồi nào, đã chỉ có tác dụng tích cực một thời gian ngắn như ngọn lửa rơm bùng lên rồi xẹp xuống ngay,vì cơ cấu và con người không hề thay đổi. Sau bao thời nhấn mạnh thiên lệch vào giáo dục chính trị, nay đã chú ý vào giáo dục đạo đức, nhưng trong thực tế giáo dục này nơi nhà trường vẫn bị coi nhẹ, và phải nhìn nhận nó khó hơn hẳn so với giáo dục chính trị.
Luật pháp: sự hiểu biết luật pháp và tuân thủ luật pháp không thấy tiến triển rõ rệt; tham nhũng đe doạ nặng nề tính công minh của luật pháp, “đồng bạc đâm toạc tờ giấy”, kẻ làm điều xấu, khi bị phát hiện, thường “yên tâm”: “việc gì cũng có cách xoay xở, miễn là có tiền!” Ở nước ta, lại còn thêm cơ cấu không phân biệt giữa lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính quyền) và tư pháp (Toà án, Thẩm phán) càng khó tạo ra lòng tin tưởng vào luật pháp nơi người dân… Dân không rành luật pháp đã đành mà nguy hiểm hơn, nhiều cán bộ cấp huyện, xã cũng mù mờ, đưa tới những quyết định sai luật, có hại cho nhân dân; vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng, chỉ là chuyện nhỏ! Về chuyện thịt thối, có đến ba bộ quản lý, cho nên không ai chịu trách nhiệm rõ ràng, mà xử phạt thì nhẹ hều, nên những kẻ vô lương tâm cứ chịu phạt để tiếp tục làm điều xấu “hốt tiền”! Người ta chỉ sợ luật pháp, không sợ lương tâm. Mà nếu không còn lương tâm thì luật pháp không bao giờ đầy đủ và mạnh mẽ để chi phối hành vi của con người, họ luôn có cách luồn lách hay đối phó.
Bầu khí đạo đức chung trong xã hội: xuống dốc rõ rệt. Ta hay nói tới ô nhiễm môi trường sinh thái, điều này dễ thấy, ít ai nhắc tới ô nhiễm môi trường tinh thần cũng đang trở nên rất trầm trọng. Thành phố xanh sạch đẹp hơn. Nhà cửa, đường phố, công viên, các tiện nghi công cộng hiện đại hơn… Nhưng con người có “tốt” hơn không, nghĩa là được tăng thêm “tính người” và “tình người” không? Nhìn đám đông chen lấn tranh giành mua vé xe, vé tàu hay vé vào dự một đại nhạc hội (như buổi biểu diễn của nhóm nhạc sĩ Hàn Quốc mới đây), hoặc nhìn đoàn người ta đi xe máy tranh nhau từng chút khoảng hở nhỏ trên đường thành phố mỗi buổi sáng đi làm hay mỗi buổi chiều tan sở… thì thấy rõ tính ích kỷ của đám đông, chỉ nghĩ tới chút lợi cho mình, không màng tới kẻ khác hay chí ít là có chút tôn trọng luật lệ đi đường. Chúng ta đang văn minh hiện đại lên, nhưng đó là về vật chất, còn về tinh thần thì rõ ràng vật chất càng tăng tinh thần càng sa sút. Vụ thịt thối, lòng thối chẳng phải là một bằng chứng hiển nhiên nữa về sự tụt dốc đó sao?
Bởi thế tôi mới nghĩ: có thịt thối đem ra thị trường bán vô tư vì có những lương tâm đã bị thối!
29.4.2012
bài liên quan mới nhất
- Đối thoại cứu độ - Cái khung của nền luân lý tình huynh đệ
-
Đào tạo lương tâm và sự phân định trong Amoris Laetitia: Hướng tới một chuyển đổi hệ hình trong chăm sóc mục vụ gia đình -
Cha Alain Thomasset: “Phẩm giá không gắn liền với vẻ bề ngoài nhưng được ban tặng cùng với sự sống” -
Kénose là gì? -
Căn cước đàn ông, căn cước đàn bà -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần bốn - Đời sống độc thân trinh khiết Kitô giáo -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần ba - Xác thể phục sinh -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác phần một - Con tim được cứu rỗi (Giáo lí về Bài Giảng Trên Núi) -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác – Phần Giới thiệu -
Người Công Giáo có buộc phải đồng ý với Đức Giáo hoàng không?
bài liên quan đọc nhiều
- Vấn đề “Sống thử” của giới trẻ ngày nay
-
Vấn đề đạo đức của giới trẻ ngày nay -
Vấn đề nạo phá thai trong giới trẻ ngày nay -
Đồng tính & Hôn nhân đồng tính: Quan điểm của Giáo hội Công giáo -
Có phải tiền là tất cả ? -
Lương tâm của giới trẻ ngày nay -
Ảnh hưởng của vật chất đối với Thanh thiếu niên thời nay -
Thai nhi bị dị tật: Bỏ hay giữ? -
Bác thằng bần -
Đồng tính luyến ái và chuyển giới tính: một nhận định trên phương diện Khoa học và Luân lý Công giáo