Thiêng liêng Đền Hùng, cội nguồn dân tộc Việt
“Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn." Câu ca ấy sống mãi cùng năm tháng đi suốt chiều dài lịch sử kể từ buổi các vua Hùng dựng nước, lập nên nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Với những công trình nghiên cứu khoa học, lịch sử và khai quật, các di chỉ khảo cổ xung quanh khu vực núi Hùng (xã Hy Cương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đã minh chứng: hàng ngàn năm trước, dải đất từ Việt Trì đến Đền Hùng và một số địa danh phụ cận là đất phát tích của người Việt Nam. Nơi đây đã ra đời một kinh đô đầu tiên, nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, và Đền Hùng là nơi thờ tự 18 đời vua Hùng theo tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt.
Trong các truyền thuyết của người Việt, có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến thời đại của các Vua Hùng được truyền lại trong dân gian đến ngày nay. Chuyện Hùng Vương kén rể và thiên tình sử mối tình tay ba Sơn Tinh - Thủy Tinh với nàng Mỵ Nương công chúa; chuyện công chúa Tiên Dung với Chử Đồng Tử; sự tích bánh chưng, bánh dày gắn với tích Hùng vương chọn người truyền ngôi báu; tích rước chúa gái về nhà chồng... hay những tên làng quê cổ: Minh Nông nơi có ngày hội xuống đồng diễn lại tích Hùng Vương dạy dân cấy lúa; Thậm Thình tiếng chày giã gạo, dấu tích của đền đài cung phủ, các tên gọi lầu Thượng, lầu Hạ, An Thái, Phượng Lâu, Cẩm Đội gắn với các sự tích Hùng Vương.
... Qua những công trình nghiên cứu khoa học đó và quá trình khai quật khảo cổ đã tìm thấy hàng ngàn di chỉ dấu tích của một nền văn minh xung quanh Đền Hùng, nhiều hiện vật được trưng bày tại Nhà bảo tàng Hùng Vương đủ để khẳng định Đền Hùng - Phú Thọ là đất phát tích - cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Hùng có các lăng tẩm, đền chùa ở 3 khu vực (Trung, Thượng, Hạ), do nhân dân của 3 làng cổ là làng Cả, làng Vi và làng Triệu Phú (làng Trẹo) xây dựng.
Đền Trung còn gọi là "Hùng Vương Tổ miếu" được làm đầu tiên. Đây là nơi các vua Hùng cùng Lạc hầu, Lạc tướng bàn việc nước, là nơi Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày và được lên ngôi kế vị...
Đền Thượng được Làng Cả xây dựng tại nơi mà các Vua Hùng lập Đàn tế trời đất cầu mưa thuận gió hòa mang lại ấm no cho muôn dân. Kề bên Đền Thượng, dân làng Cả còn lập miếu thờ Tổ Hùng Vương thứ 6 (còn gọi là lăng mộ Tổ).
Đền Hạ và chùa "Thiên Quang thiền tự", với gác chuông ở phía trước, được Làng Vi xây dựng. Đền Hạ thờ Mẫu Âu Cơ (mẹ Tiên) nơi tục truyền mẹ Âu Cơ sinh ra 1 bọc có trăm trứng, nở ra 100 người con. Dân tộc Việt có dòng dõi Tiên Rồng là từ huyền thoại này.
Dưới chân núi Hùng, có giếng Ngọc là nơi hai nàng công chúa là Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi gương chải tóc. Dân xóm Phân Trà đã xây dựng đền Giếng để thờ hai nàng.
Mỗi một địa danh trên đất Phú Thọ, đặc biệt là dải đất từ Việt Trì đến Đền Hùng, đều có tên gọi gắn với một tích cổ thời Hùng Vương. Không có một quốc gia nào trên thế giới lại có một khu di tích chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc về cội nguồn dân tộc thiêng liêng như Đền Hùng.
Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên bền vững và sống mãi trong tâm thức của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng người Việt truyền từ đời này sang đời khác đã làm nên sức mạnh phi thường, và truyền thống cao quý của cả dân tộc Việt trên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và đấu tranh bảo vệ đất nước.
Những năm 40, Hai Bà Trưng đã làm lễ tế Tổ, thề đền nợ nước trả thù nhà ở Đền Hùng.
Đến thời nhà Lý, Trần đã cho xây dựng mở mang các đền chùa.
Thời nhà Đinh, mặc dù đóng đô ở Hoa Lư - Ninh Bình, song Đinh Bộ Lĩnh khi lên ngôi vẫn không quên cho viết thần tích Đền Hùng.
Thời nhà Lê, Vua Lê đã cử Lễ Bộ Thượng Thư từ Kinh thành Thăng Long đi thị sát tới Đền Hùng trong dịp mở hội, phong cho làng Cổ Tích xã Hy Cương làm "con trưởng tạo lệ," cho miễn các thứ thuế khóa để đầu tư cho trông nom thờ cúng Tổ Hùng Vương vào ngày 10-3 âm lịch hàng năm.
Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt khơi dậy và bền vững ngàn đời là vậy.
Giỗ Tổ hàng năm là khát vọng tâm linh của mỗi người Việt Nam hướng về nguồn cội, nó thúc giục hàng triệu triệu con tim khối óc, già, trẻ, gái, trai khắp các vùng miền trong cả nước và Kiều bào ở nước ngoài tìm về. Đền Hùng trở thành điểm hội tụ cho ý chí đoàn kết cộng đồng của dân tộc Việt, là "hiện tượng lịch sử độc nhất vô nhị" trên thế giới. Thông qua các hoạt động ngày hội mở, khách thập phương như được tắm mình trong những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang bản sắc đặc trưng riêng biệt.
Với ý nghĩa đặc biệt đó, năm 2009, Đền Hùng đã được công nhận di tích quốc gia đặc biệt... Trước Quốc Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm nay nhiều hạng mục của dự án đã được hoàn thiện. Các đền chùa, lăng tẩm trên núi Cả được trùng tu về cơ bản đảm bảo nguyên tắc bảo tồn tính nguyên bản của di sản, đồng thời một khu vực rộng lớn phụ cận, đặc biệt là hệ sinh thái rừng Đền Hùng cũng đã được khôi phục. Trong khu di tích được xây dựng khu quảng trường lễ hội có sức chứa tới hàng vạn người, các tuyến đường đảm bảo cho xe đi một chiều, bãi đỗ xe, khu vực tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao.
Khôi phục thế "sơn chầu thủy tụ" vốn có của Đền Hùng, các hồ nước lớn như hồ Gò Cong, hồ Lạc Long đều được cải tạo tăng thêm sự phong phú về sinh thái và là nơi du lịch bơi thuyền lý tưởng. Tỉnh Phú Thọ còn đề nghị với nhà nước cho phép quy hoạch xây dựng làng văn hóa thời Hùng Vương, cho phép các tỉnh, thành phố cả nước xây dựng các công trình văn hóa mang đặc trưng của từng địa phương. Tòa tháp tưởng niệm các Vua Hùng để từ Đền Hùng nhìn ra cả nước và cả nước hướng về Đền Hùng như ý nguyện của đồng bào cả nước đã được các nhà kiến trúc và văn hóa xây dựng các mô hình để tuyển chọn...
bài liên quan mới nhất
- Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam
-
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi